Bi kịch tận cùng của một phụ nữ

Thứ Ba, 24/07/2007, 09:29

Do bệnh viện quá tải, má Phẳng nhường giường cho người bệnh mới vào và chuyển “hộ khẩu” xuống gầm giường. Dẫu mang bệnh trọng, má Phẳng vẫn giúp những bệnh nhân khác: Khi thì ngồi hàng giờ bóp tay, bóp chân cho một cụ già, khi thì tất tả đi mua giúp gói đường, hộp sữa...

Người mẹ nuôi tên Phẳng, nhưng cuộc đời của bà không như tên gọi, đầy bi kịch, gập ghềnh, chông gai. Mãi đến những ngày cuối đời, khi bệnh tật hành hạ hàng ngày, khi cái chết cận kề, bà mới được niềm an ủi, hạnh phúc từ một cậu con trai từ "trên trời rơi xuống".

Cậu con nuôi tên Ẩn, lớn lên trong chùa, thấm lời từ bi Phật dạy, từ lời trăng trối của người mẹ ruột, 5 năm ròng rã, cậu sống cùng người mẹ nuôi trong bệnh viện, lo cho bà từ miếng ăn, giấc ngủ.

Người đàn bà định cư trong buồng bệnh

Thật tình cờ, trong một lần vào thăm người thân nằm ở Bệnh viện Ung Bướu, trong căn phòng 206, khu B, tôi thấy một chàng trai chừng ngoài 20 tuổi có khuôn mặt tròn phúc hậu, thường ngồi hàng giờ bên người mẹ già xoa tay bóp chân, an ủi.

Bà cụ có vẻ đã yếu lắm. Không chỉ cẩn thận đút từng miếng cơm, miếng nước, cậu còn giúp bà cả chuyện vệ sinh. “Trên đời có người con hiếu thảo như thế thật hiếm!”. Tôi nói với người thân của mình như vậy... Ai ngờ, người thân của tôi bảo, chàng trai ấy chỉ là con nuôi của bà cụ thôi!

Bệnh viện Ung Bướu lúc nào cũng quá tải, người bệnh và người nuôi chen chúc nhau, không đủ chỗ nằm, bà Phẳng - tên bà cụ - được Ban giám đốc bệnh viện sắp xếp cho một khoảng 2m2, giữa căn phòng 206, phòng khi nào cũng có đến hơn 30 con người, có khi đến 3 người bệnh chung một chiếc giường. Bà Phẳng là "cư dân" lâu năm nhất của bệnh viện này. Đã hơn 11 năm bà sống trong sự ồn ào, mùi thuốc sát trùng nồng nặc, mùi hôi thối và cả giữa những cái chết.

Trong cái phòng bệnh ngột ngạt hơi người ấy, bà Phẳng thều thào kể cho tôi nghe về cuộc đời đầy cơ khổ của mình...

Bà Phẳng sinh ra và lớn lên ở phường Tân Lập, khu Lộ Đức, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Cha bà qua đời sau một cơn bạo bệnh khi bà còn nằm trong bụng mẹ. Bà Phẳng sinh năm Dần (1950), người ta nói con gái tuổi Dần thường khổ. Mong con mình có thể sống một cuộc sống yên bình, bằng phẳng, không bất trắc, mẹ bà đặt tên con là Phẳng.

Một năm tuổi, bé Phẳng mắc bệnh đậu mùa, khi ấy không chỉ có bé Phẳng mà hầu hết trẻ em trong làng đều mắc căn bệnh nguy hiểm ấy. Thấy trẻ con trong làng chết nhiều quá, mẹ Phẳng chỉ biết hằng ngày lặn lội lên một ngôi chùa trên một ngọn đồi để cầu khấn. May thay, Phẳng khỏi bệnh trong sự sung sướng tột cùng của người mẹ.

Nhà Phẳng chỉ có ba người đàn bà, là bà ngoại, mẹ và Phẳng nương tựa nhau mà sống. Mẹ Phẳng tảo tần vừa nuôi con vừa phụng dưỡng mẹ già. Ba người đàn bà chỉ có hơn sào ruộng, một mảnh vườn đủ để trồng luống rau.

Hai mẹ con Phẳng làm thuê làm mướn khắp làng trên xóm dưới. Tới mùa cà phê, hai mẹ con Phẳng thường đi hái mướn cho người ta từ sớm tới tối mịt. Ba người đàn bà, bữa cháo, bữa rau cứ thế lay lắt sống.

Lớn lên, Phẳng trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, là niềm ao ước của bao trai làng. Nhưng anh nào đến ngõ rồi cũng ngại vì nhà Phẳng quá nghèo. Phẳng còn bà ngoại già và mẹ, anh nào cũng sợ phải khổ.

Còn Phẳng, suốt ngày đầu tắt mặt tối với chuyện mưu sinh, nuôi bà ngoại bệnh, nuôi mẹ già, Phẳng không để ý đến tuổi xuân của mình đã trôi qua rất nhanh.

Năm 1972, bà ngoại của Phẳng qua đời. Năm 1980, mẹ của Phẳng lâm trọng bệnh, bà bị đau khớp rồi dần liệt. Một mình Phẳng vừa đi làm để kiếm gạo, kiếm tiền quày quặt nuôi hai mẹ con, vừa phải chăm sóc mẹ già. Phẳng cũng nguyện rằng, nếu mẹ qua khỏi cơn bạo bệnh này, chị sẽ ở vậy để nuôi mẹ, không mảy may nghĩ tới chuyện gia đình riêng. Không hiểu có phải lời nguyện cầu của chị hay không, hay một phép lạ nào đó mà bà mẹ đã qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, nhưng từ đó bà cũng không thể tự đi lại được.

Cũng lúc ấy, chị Phẳng phát hiện mình thường xuyên có những cơn đau nhói ở ngực. Nhiều lần đi hái cà phê mướn cho người ta, cứ với tay lên cao là lại cảm thấy đau. Phẳng cứ nghĩ rằng chỉ là những cơn đau thông thường, chị cắn răng mà chịu, mãi đến khi mẹ Phẳng biết chuyện, bà mới ép Phẳng ra bệnh viện tỉnh để khám.

Năm 1990, ra tỉnh siêu âm, người ta nghi ngờ chị bị ung thư vú. Chị hỏi có thể mổ ở đây không, khi ấy bệnh viện tỉnh đã không dám mổ cho chị theo tâm nguyện. Chị thì chỉ nghĩ, mổ thì ở đâu chẳng vậy. Mổ ở Sài Gòn thì mất cả tuần, ai ở nhà lo cho mẹ. Nghĩ vậy, chị lại cắn răng chịu đau trở về với mẹ.

Mẹ chị biết chuyện, đã nằng nặc bảo chị phải xuống Sài Gòn, nếu không bà... cắn lưỡi. Nghe vậy, chị đành gửi mẹ nhờ những người hàng xóm tốt bụng, bán nốt sào ruộng được mấy chỉ vàng, xuống Sài Gòn chữa bệnh.

Cả đời mới chỉ nghe nói đến Sài Gòn, nào đã một lần được đi, xuống đến nơi say xe, không người thân quen, chị nằm vạ vật ở bến xe một đêm, rồi hỏi dò đường vào Bệnh viện Ung Bướu. Năm 1992, chị Phẳng được phẫu thuật loại bỏ khối u. Mổ xong, tiền cũng hết, nhưng chị thanh thản về quê, với suy nghĩ dù không còn ruộng nữa nhưng sức khỏe hồi phục trở lại chị sẽ gắng đi làm thuê, làm mướn để nuôi mẹ già, mà không hề biết rằng, tế bào ung thư chưa thật sự bị loại bỏ.

Năm 1994, phần vì tuổi già, phần vì bệnh tật, người mẹ mà chị nhất mực thương yêu cũng qua đời. Nỗi đau quá lớn về tinh thần đã khiến Phẳng tiều tụy. Bệnh cũ tái phát. Năm 1996, chị xuống Sài Gòn tái khám mới biết căn bệnh ung thư đã di căn đến phổi, đến xương, cái chết có thể tới bất cứ lúc nào.

Về lại quê, nghĩ đủ cách để xoay tiền chữa bệnh nhưng bất lực, cuối cùng, chị đành phải bán căn nhà, tài sản duy nhất mà chị có để xuống Sài Gòn chữa bệnh. Căn nhà được bán với giá 5 chỉ vàng. Lên mộ mẹ lạy lần cuối rồi chị khăn gói xuống bệnh viện...

Tình người trong bệnh viện

Tiền bán nhà không mấy chốc đã hết sau những đợt hóa trị. Những cơn đau bớt dần, năm 1997, bác sĩ nói bà có thể xuất viện, nhưng vị bác sĩ cũng cảnh báo rằng, căn bệnh có thể tái phát. Lặng lẽ xếp khăn gói, ra tới Bến xe Miền Đông chị không biết phải về đâu, về quê thì nhà đã bán, người thân không có. Ở Sài Gòn bà Phẳng cũng không hề quen ai. Mà biết chắc căn bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào, suy đi tính lại, bà quay lại Bệnh viện Ung Bướu.--PageBreak--

Thấy bà lủi thủi trở lại, mấy cô hộ lý ôn tồn bảo: “Thì bà cứ ở đây, ăn cơm từ thiện, uống thuốc giảm đau. Bà cứ coi bệnh viện là nhà, có gì chúng tôi sẽ giúp”. Tưởng mấy cô hộ lý nói để an ủi bà, ai ngờ đấy là những lời nói rất chân tình. Họ thương bà thật, hơn 11 năm bà sống lay lắt trong bệnh viện là bấy nhiêu năm họ xem bà như người thân.

Bà ăn cơm, uống nước của bệnh viện, tắm giặt và mọi sinh hoạt của bà đều gói gọn trong cái bệnh viện nồng mùi thuốc, mùi người ấy. Một thời gian, những cơn đau nhức lại tái hiện, âm ỉ rồi lớn dần.

Không còn tiền để hóa trị, bà xin thuốc giảm đau uống cầm chừng, những viên thuốc còn sót lại sau khi những bệnh nhân cùng bệnh như bà đã qua đời. Hàng ngàn người bệnh đến rồi đi, riêng bà nhập “hộ khẩu” trong bệnh viện, ngày ngày thách thức thần chết, sống trong bệnh viện không khác gì nhà mình.

Bà Phẳng là người có một sức sống mạnh mẽ kỳ lạ, người bị ung thư, không thuốc men, không hóa trị mà vẫn có thể cầm cự. Các chị hộ lý nói với tôi sự tồn tại của bà đến ngày nay là một kỳ tích.

Thời gian đầu bà xuống, Bệnh viện Ung Bướu chưa quá tải như bây giờ, chỉ 2 người một giường. Đến khi khoa Nội 1 tách ra thêm khoa Nội 4, bà Phẳng được chuyển về phòng 204, 3 người chung một giường, bà nhường lại suất nằm trên giường của mình cho người bệnh mới, bà tình nguyện xuống “định cư” dưới gầm giường.

Với manh chiếu nhỏ, một mảnh chăn, vài cái chén, đôi đũa, bình nước, tất cả gia tài của bà gói ghém dưới cái gầm giường ấy.

Bà Phẳng và con nuôi trong dịp Tết.

Hộ lý khu B vẫn gọi bà là: “Má Phẳng”. Nơi nào có sự xuất hiện của bà, nơi ấy như có thêm sức sống, mà ở nơi lằn ranh sống chết mong manh như sợi chỉ, những nụ cười hiền hậu của bà như tiếp thêm sức sống cho người khác.

Nhưng không phải lúc nào má Phẳng cũng có thể cười, có khi căn bệnh làm bà xanh xao, tiều tụy, kiệt sức. Có đận không có tiền hoàn máu, má Phẳng cũng không dám ngỏ lời xin ai, thấy người nhà bệnh nhân lũ lượt ra vào cho máu người thân, bà chui xuống gầm giường cắn chặt răng mà khóc. Không có tiền thay máu, không có người cho máu bà sẽ chết. Không nỡ thấy bà đau khổ, kiệt quệ, chị hộ lý Nguyễn Thị Thu Nga đã tình nguyện hiến máu cho bà.

Tỉnh dậy sau đợt truyền máu, bà chỉ biết nắm tay hộ lý Nga mà khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc, và bà cảm thấy tình người đầy ấm áp.

Các cô hộ lý ở khu B rất yêu thương má Phẳng vì tính má lành lắm và rất tự trọng, không khi nào má lợi dụng sự thân quen với các hộ lý, y bác sĩ để nhận sự ưu tiên. Khi khỏe, giúp được bệnh nhân nào là má giúp hết mình.

Mỗi lần có đoàn từ thiện, không người thân, bà mới là người cần được giúp đỡ nhưng chưa khi nào người ta thấy bà chen lấn để xin, người ta cho bao nhiêu bà biết bấy nhiêu, nhiều khi bà còn san sẻ cho những bệnh nhân không được nhận, có người ái ngại thì bà bảo: “Tui sống được tới ngày hôm nay là mãn nguyện lắm rồi, mạng già này là nhờ cô hộ lý Thu Nga cứu đó, vả lại tui khỏe cũng chẳng để cho ai”. Nói rồi bà cười hồn hậu!

Hồi còn mẹ già thì bà rất sợ cái chết, bây giờ, khi mẹ không còn, bà cũng chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. Bà vẫn còn nhớ câu chuyện ngày xưa mẹ kể, bà cụ đã lặn lội lên chùa khấn nguyện để xin mạng sống cho bà, thân xác của bà là của cha mẹ bà, bà không thể hủy hoại nó.

Bà Phẳng tâm niệm, khi người ta không thể chết, thì hãy cố sống vui, còn sống ngày nào, bà nguyện sẽ đem những tháng ngày còn lại để giúp hết lòng những người bệnh khác. Bà giúp người như một bổn phận, cả buồng bệnh cứ ai ới bà một tiếng là bà đến, khi thì ngồi hàng giờ bóp tay, bóp chân cho một cụ già, khi thì tất tả đi mua giúp gói đường, hộp sữa, giúp người bệnh lấy cơm hay cả chuyện vệ sinh.

Có lần, bệnh viện tiếp nhận đôi vợ chồng già người Campuchia, cả hai không biết tiếng Việt, cả buồng bệnh không ai biết tiếng Campuchia. Lần đầu sang Việt Nam trị bệnh, hai vợ chồng không biết phải làm sao, đến cả hỏi lối vào nhà vệ sinh họ cũng không biết để hỏi.

Cơ duyên thế nào, họ lại được xếp chung buồng bệnh với bà, bà vô tình trở thành người giúp việc bất đắc dĩ cho vợ chồng nọ. Bà không biết tiếng, mọi yêu cầu của đôi vợ chồng nọ đều ra dấu và mỗi khi muốn truyền đạt gì bà cũng ra dấu lại. Bà tận tình giúp đỡ họ từ chuyện ăn uống, thuốc thang đến chuyện giấy tờ. Có khi bà mất cả buổi để đi xin giấy miễn giảm cho đôi vợ chồng nọ. Tiền đi lại bà cũng tự bỏ tiền mình ra.

Đến khi vợ chồng nọ xuất viện, họ vét cạn túi tiền để trả công bà. Bà chỉ cười, rồi cố ra dấu rằng, bà không giúp để lấy tiền, bà giúp vì bà thương người thế thôi, đôi vợ chồng nọ ngơ ngác nhìn nhau, rồi ôm bà mà khóc

Thuận Thiên
.
.