“Bí mật” của những chiếc… răng vàng

Thứ Hai, 28/12/2009, 17:04
Ở miền núi phía Bắc nước ta, rất nhiều cộng đồng người có tục gắn "răng vàng". Nụ cười lấp lánh, ngồ ngộ với những chiếc răng màu vàng ấy chúng ta thường xuyên gặp ở vùng cao, nhất là trong các phiên chợ. Cá biệt, có người chơi sang đến mức: khi cười... không thấy hiện ra một cái răng nào mà không bọc "vàng".

 Đó là một phong tục truyền tổ di tôn? Là biểu hiện của sự giàu có; hay một thứ bùa chú? Trong các câu chuyện đường rừng của Thế Lữ, Lan Khai, những nàng sơn nữ với chiếc răng vàng sáng lóa từng làm người ta nao lòng với cảm giác vừa diễm tình vừa liêu trai.

Ở miền cao phía Bắc Việt Nam, "răng bịt vàng" đang chứa trong nó những bất ngờ hơi... xót xa.

Ấn tượng về những chiếc "răng vàng" bị... nuốt chửng

Trong 5 ngày đi vòng quanh cung đường uốn lượn, đèo dốc và hiểm họa nhất Việt Nam, xuyên các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), tôi lẩn mẩn chỉ đi tìm các nghệ nhân đẽo gọt "răng vàng".

Vào hiệu nào cũng thấy gia chủ tay búa tay kìm, tay mân mê những thỏi màu vàng lóng lánh cứ tủm tỉm cười, bởi suốt những năm tháng hành nghề, họ chưa thấy ông nào ăn mặc như Tây, lại là người Kinh rành rành mà có ý định đẽo gọt hàm răng trắng bóc ra để gắn bịt... "vàng". Họ càng không tin có anh nhà báo đến hỏi chuyện nghề của họ. Bởi họ là thợ bịt răng vàng miền thượng du, bàn tay trầy tróc, xù xì, vâm váp ấy chỉ quen banh miệng những người có các bộ trang phục sặc sỡ (các dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Tày, Dao, Pà Thẻn, Phù Lá, La Chí...).

Khuôn ghế và bộ dụng cụ của họ gá tựa vào vách núi,  góc chợ náo nức giữa miền đá hoang vu, nàng thiếu nữ Mông có sẵn 4 cái răng vàng cũng vẫn ngồi lên ghế, há miệng, đòi lắp thêm 3 cái nữa. Có người đòi "vàng hóa" cả răng hàm, răng nanh cho nó... đắt chồng. Ông thợ lên gồng, bàn tay gân guốc thoăn thoắt mài răng, bọc răng,  nhổ răng, dữ dằn cứ như đang cầm xà beng chọi vào vách đá.

Xưa, thợ bịt "răng vàng" thường kiêm luôn nghề chế tác vàng bạc, răng bấy giờ là răng vàng thật, răng vàng với những hình chạm khắc lãng mạn trên răng là biểu tượng của sự giàu có, quyền lực. Bây giờ, với giá 70 nghìn đồng/răng vàng, thợ răng có khi nằm khèo uống rượu trong bản, treo cái biển răng vàng và số điện thoại di động giữa chợ, ai cần thì cứ "phôn" (như ông Tắng ở chợ Yên Minh). Sầm uất và cặm cụi nhất là các ông thợ răng vàng ở Đồng Văn và Quản Bạ. Chợ phiên trên nền đá phiến khổng lồ, góc nhà ông thợ răng Trần Văn Bọc, tuổi đã cổ lai hy luôn xôn xao bước chân đồng bào từ các bản làng xa xôi cõng quẩy tấu, đội mũ nồi, khăn áo sặc sỡ xuống nhờ bịt răng vàng.

Ông Bọc (người gốc Nam Trực, Nam Định, sống ở Đồng Văn từ những năm 50 của thế kỷ trước) rất có lý khi nhận xét rằng: tôi thấy, Nhà nước Việt Nam bỏ tiền đào tạo và trả lương cho rất nhiều bác sĩ nha khoa, nhưng những "ân sủng" đó không hề thấm được đến các cộng đồng người đụng đến răng nhiều nhất, tiêu xài răng hoang phí nhất ở nơi tôi đang sinh sống (và nơi khác thì cũng thế). Hãn hữu lắm mới có  người vào y tế huyện, y tế tỉnh để "phẫu thuật răng", nhưng phiên chợ nào thì góc phố nhà ông Bọc cũng ồn ào, đưa người cửa trước, rước người cửa sau, toàn răng là răng.

Chỉ có điều, sau mấy ngày mở miệng ra là nói chuyện răng vàng, tinh mơ ra đã phải ngắm răng vàng và các nghệ nhân bọc răng "ăn khách" nhất ở Hà Giang, trong tôi, bao cảm giác xao xuyến, diễm tình, liêu trai, kỳ bí về những chiếc "răng vàng" huyền thoại đều tan tành khói mây. Nói khác đi, nó bị sự thực bi  hài kia nuốt chửng mất. Hóa ra, vàng mà không phải vàng, văn hóa mà không hẳn là văn hóa - cái mà ta cứ tưởng là biểu tượng của sự sung túc, quyền quý, nó lại là sự rẻ rúng và hiểm nguy đến ngỡ ngàng.

"Giá vàng" chỉ 300 nghìn đồng... 1kg!

Bất ngờ thay, chuyện răng bịt vàng ròng chỉ còn trong huyền thoại, ít ra là nửa thế kỷ làm nghề răng, ông Bọc chưa bao giờ có vinh dự đẽo vàng bịt răng cho ai. Cô Nguyễn Thị Nghiêu vốc ra một vốc các cái phôi răng lổn nhổn như những miếng vỏ củ lạc "nguyên chiếc" đã tách lấy hạt. Có vỏ lạc đơn (gần tròn) là phôi của một chiếc "răng bịt vàng" trong tương lai; có vỏ lạc đôi (củ lạc hai hạt) nằm ngơ ngác, "nếu có ai muốn bọc một lúc hai chiếc răng vàng liền  nhau, thì chỉ gắn cái phôi này vào, mài đi, là có đôi... răng lóng lánh", Nghiêu nói.

Vàng hợp kim, phôi răng rẻ như... vỏ đỗ.

Nghiêu lại xách trong hòm ra một túi toàn vàng thỏi khiến chúng tôi chóa mắt. Đây là vàng hợp kim, mua từ Hà Nội lên, chỗ phố Lò Đúc, phố Mai Hương bán đầy rẫy, chỉ 300 nghìn đồng/kg. Nhà em lười, toàn nhờ người bán gửi theo xe ôtô lên Mèo Vạc (gần 500km) rồi chỉ việc đi bộ ra bến xe nhập hàng. Tôi cầm vài cục vàng về làm kỷ niệm, thấy nó nhẹ bẫng như... bỏng ngô màu vàng, chợt nhận ra, 300 nghìn đồng/kg, thì phải ghè được 200 cái răng vàng!

Những cái "vỏ lạc" (phôi răng) kia, thì cứ mua cả ca cả đấu về ném lăn lóc xó nhà, góc bếp, trông nó đen xỉn thế, vì nó bị ôxy hóa rồi, chứ cho Sun-phát vào đánh là bóng lộn ngay. Đánh giấy ráp xong, đo đạc, làm "phôi" rồi "mài răng xẻ kẽ" cho người ta rồi cứ thế gắn "mũ" vàng hợp kim vào, đổ ít keo dán nữa là xong. Răng này, nhai khỏe hơn răng sừng, răng xương, răng sắt rất nhiều anh ạ. Bà con thích, bởi cứ cho thuốc vào đánh, là nụ cười sáng trưng, sáng tưng bừng ra. Mà giá chỉ có 70 nghìn đồng/chiếc răng "bịt vàng". Dắt theo một con dê xuống chợ, là bất kỳ ai cũng có thể bịt "vàng" đủ cả răng cửa, răng hàm, răng nanh...--PageBreak--

Ông Trần Văn Bọc kể: trước kia, ở khắp vùng cao Hà Giang này, toàn thợ người Hoa hoặc thợ Hà Nội, Tuyên Quang... lên làm răng bịt vàng cho bà con. Người Hoa khéo tay, có chữ tín với nghề, họ bao giờ cũng "chiếm" hết các "sân chơi" tinh vi như: thuốc chữa bệnh, nấu món ăn ngon, sửa chữa đồng hồ, đặc biệt là bịt răng vàng. Bây giờ không có vàng thật để dùng, sử dụng vàng hợp kim, không biết có độc hại gì không, nhưng cụ thể là nó không tanh, không hôi khi gắn nó vĩnh viễn trong miệng người ta. Nó ít bị ôxy hóa (đen xỉn), lại khá vững chắc trong việc... không phải "cốt nhục" (răng do trời đất, cha mẹ ban cho) cứ nhai bừa (vàng thật thì mềm hơn rất nhiều).

"Ngày xưa, Sở Y tế quản lý dịch vụ "bọc răng vàng" chặt chẽ lắm"

Bất kỳ lúc nào, ông Bọc và nghệ nhân răng bịt vàng gia truyền Nông Văn Lầm (ở Quản Bạ) cũng có khách, khách có thể là người sửa răng sau khi đã được ông Lầm chế tác răng bịt vàng từ 39 năm trước hoặc ông Bọc đã "vàng hóa" cả hàm từ 50 năm trước; khách cũng có thể là một cô bé người Mông hoặc người Lô Lô mới chỉ 14 tuổi, cái tuổi biết đắm đuối bỏ ăn, bỏ chơi vì một tiếng khèn ngoài bìa núi.... Người già bảo, tao già rồi, cả đời cắm mặt nuôi con, giờ là lúc rảnh rang làm duyên một tý chứ; con gái mới lớn bảo, con giờ không còn trẻ con nữa, phải "ăn diện" với răng vàng để đắt chồng chứ.

Chủ nhân của những chiếc răng vàng lấp lóa đều công nhận một quy luật làm duyên rất phổ biến ở vùng cao: nếu chỉ làm một chiếc răng vàng, thì đàn ông "nhuộm vàng" răng hàm trên bên trái; ngược lại, phụ nữ "bọc vàng" hàm dưới phía bên phải. Tuy nhiên, với những người bọc 3 đến 6 cái răng đều màu vàng chóe, thì họ bất biết thế nào là bên trái bên phải, là "phom" của đàn ông hay đàn bà nữa. Quy tắc trong suy nghĩ của họ là: bằng mọi giá, phải có càng nhiều "vàng" càng tốt.

Những nụ cười lấp lóa sắc... “răng vàng”, rất ấn tượng của người dân ở miền núi phía Bắc.

Với giá 60-70 nghìn đồng một cái răng được bọc hợp kim vàng, bà con vùng cao lắm bệnh về răng miệng, còn sậm đặc cái quan niệm lắm răng vàng là cao sang quyền quý, lại càng có nhiều cơ hội hơn để "lấp lánh hóa" nụ cười của mình. Tuy nhiên, hợp kim ấy là gì, hóa chất tẩy cọ răng và phôi răng là gì, thứ keo nhựa vuốt đính vào răng gốc và răng mới kia là gì, việc "đánh răng" bằng hóa chất liên tục có tổn hại gì với sức khỏe của bà con không? - đây là một câu  hỏi cần sớm trả lời!

Ông Trần Văn Bọc cam kết, trước đây, Nhà nước quản lý cái việc bịt răng vàng này khá chặt chẽ, bản thân ông Bọc phải về tận thị xã Hà Giang dự thi lấy chứng chỉ "răng vàng" với các kỳ sát hạch, thao diễn thực tế các khoang miệng bệnh nhân khá khắt khe. Chứng chỉ do ông Bối, Giám đốc Sở Y tế cấp, chứ không như bây giờ...

Hai cái răng cửa “bịt vàng” được khắc hình hai... trái tim vàng!

Không như trong tiểu thuyết miệt rừng, không như trong suy nghĩ của những tên kẻ cướp giết người đoạt răng vàng, không như ở đất nước Tajikistan, với ông Tổng thống Emomali Rakhmonov không cho thuộc cấp được đeo răng vàng, câu chuyện răng vàng ở vùng cao Việt Nam hiện  nay thật đơn giản, rẻ rúng, có cái gì đó hơi xót xa. Quả là tôi không thể có những ý nghĩ liêu trai, mỗi khi gặp một sơn nữ với nụ cười lấp lóa một (hoặc nhiều) chiếc "răng vàng" nữa. Có thể, vì hiểu được điều đó trước tôi, nên bà con lâu nay vẫn chỉ coi việc "bọc răng vàng" như một cách để điều trị răng lợi bị gãy, mẻ, sâu, sỉn, vẹo - chứ tịnh không coi nó là phong tục hay là biểu hiện của sự giàu có, quyền quý nữa?

Chả thế mà, ngỡ rằng tôi hỏi lắm và sắp hứng chí đi làm răng thật, cô chủ Nguyễn Thị Nghiêu ở cửa hiệu bọc răng vàng Mèo Vạc cứ cảm thương khuyên nhủ như muốn đuổi "khách hàng": "Răng cha mẹ trời đất cho mình, đang tốt thế, bọc lại làm gì, những cái chất này cho vào miệng em sợ lắm. Anh mà đến vào ngày chợ phiên, nhà em chật ních người...".

Em rỉ tai tôi, những người trên đỉnh núi vút tầm mắt kia tụt dốc đến nhà em đòi bọc răng vàng từ lúc sương mù còn phủ kín thị trấn này, em cứ ngỡ họ từ trên trời rơi xuống. Họ bảo, xưa kia, loài người nghĩ ra "phong tục" bịt vàng cho răng cửa, răng hàm, răng khỏe, răng mẻ - nhằm mục đích: để cho ma quỷ, thú dữ giữa rừng già nó không tưởng con người nhầm là... hoang thú, nó sẽ không ăn thịt hay chọc ghẹo. Bởi làm gì có loài nào trên thế giới này có răng "bịt vàng", ngoài con người chúng ta, anh nhỉ!

Đỗ Lãng Quân
.
.