Bước trượt ngã của một trẻ rời xa mái ấm

Thứ Hai, 04/11/2013, 22:30

Có lẽ các trật tự viên ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ít ai quên được Hoàng Đức Giang (trú tại khu 5 phường Thanh Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) - một trong số những trẻ lang thang thuộc hàng "kỳ cựu". Cứ mỗi lần Giang được đưa về gia đình tại Hải Dương, sau khi đã sinh hoạt, lao động tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 (Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) thì y rằng chỉ ít ngày sau, Giang lại nhanh chóng "tái hòa nhập" với nhóm trẻ đi bụi, dạt nhà. Buồn thay, lần thứ 5 từ trung tâm trở về quê, Giang đã gây ra vụ giết người nghiêm trọng. Dường như, đó là hệ quả của thời gian lang bạt, sống đầy bản năng của một đứa trẻ thiệt thòi…
>> Trẻ “dạt nhà”, những ẩn họa được báo trước
>> Chợ đêm và bi kịch của những đứa trẻ mù chữ

I. Chị Mai Liên, một cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều trị những trẻ ương bướng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 cho chúng tôi biết, Giang là một trong số những đối tượng mà chị và nhiều cán bộ khác đặc biệt quan tâm.

Lần đầu tiên Giang được đưa lên trung tâm là vào tháng 11/2008, khi ấy Giang mới 12 tuổi. Trước đó, Giang đã bỏ nhà từ Hải Dương lên Hà Nội, lang thang ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, tượng đài Lý Thái Tổ… để xin ăn. Ban đêm, Giang ngủ ở ghế đá, vỉa hè…

Khi được đưa vào trung tâm, Giang lầm lì, ít nói. Thực ra đa phần các trẻ em lang thang được thu gom vào đây, đều có một tuổi thơ bất hạnh. Vì thế, chuyện các em vô lễ, cứng đầu… là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sau khi được các cán bộ ở trung tâm uốn nắn, thì Giang là một trong số những trẻ sáng dạ. Giang tỏ ra lễ phép, biết nghe lời người lớn.

Theo quy định, cứ sau khoảng 3 tháng trung tâm phải rà soát ở các địa phương, nếu trẻ nào vẫn còn người thân gia đình; và trẻ tự nguyện muốn được hồi gia thì sẽ được đón về với gia đình. Giang cũng là một trong những trẻ được mẹ lên đón về rất sớm. Vậy nhưng, chỉ 3 tháng sau (tháng 2/2009), chị Mai Liên đã lại gặp Giang trong số những trẻ lang thang được thu gom về Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4.

Lần này, Giang trông đen đúa hơn, "bụi" hơn với mái tóc cắt cua, nhuộm vàng hoe. Song cũng giống như các lần trước, khi được nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ tại trung tâm Giang tỏ ra biết điều. Chị Liên cũng nhớ rất rõ Giang đặc biệt thích hoạt động văn nghệ. Mỗi lần trung tâm tổ chức liên hoan, Giang lại xung phong nhảy break dance, hip-hop khá điêu luyện. Giang kể, điệu nhảy đó Giang học được khi lang thang ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, công viên Lênin…

Một thời gian sau, bà Nguyễn Thị Qua - mẹ của Giang - lại lặn lội từ Hải Dương lên trung tâm để đón Giang về. Trước khi rời trung tâm, Giang đã viết một bản cam kết khá mùi mẫn, rằng sẽ không bao giờ đi lang thang nữa. Bà Qua cũng cam kết rằng sẽ dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con hơn. Bà và gia đình sẽ tìm công ăn việc làm cho Giang…

Ấy vậy mà tháng 4/2010, Giang lại xuất hiện tại trung tâm,  3 tháng sau bà Qua lại đón về. Rồi, chưa đầy 1 năm sau, tháng 5/2011, các cán bộ của trung tâm tiếp tục tiếp nhận Giang trở về "mái nhà xưa". "Hồi gia" được một thời gian, tháng 3/2012, Giang lại được cán bộ của Đội Trật tự xã hội lưu động bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 vì thuộc đối tượng lang thang xin ăn cần được sự quan tâm của xã hội.

Một cán bộ của trung tâm cho biết, gần như năm nào cũng thấy người mẹ tội nghiệp lên đón Giang mà nước mắt ngắn dài. Từ năm 2008-2012, đã 4 lần Giang vào trung tâm, rồi lại được đón về. Bà Qua cho biết vì kinh tế quá khó khăn, chỉ cố làm lụng sao cho đủ bữa rau bữa cháo nên cũng ít thời gian chăm lo cho con. Bà Qua cũng đã tìm việc cho Giang làm, nhưng được một thời gian Giang lại bỏ việc, mò lên Hà Nội. Cho đến lần thứ 5 Giang được đưa lên trung tâm, thì người đón Giang về không phải là bà Qua nữa.

Ít tháng sau, chị Mai Liên và nhiều cán bộ của trung tâm bàng hoàng khi nghe tin Giang cùng với một thanh niên khác dùng dao truy sát đến chết một thanh niên 19 tuổi ở TP Hải Dương.

Chân dung Hoàng Đức Giang từ ngày đầu tiên "dạt nhà" (tráo) cho đến khi gây ra vụ án giết người.

Trong ký ức của chị Mai Liên , lần cuối cùng Giang có mặt tại trung tâm thì cả vẻ bề ngoài của cậu đã có nhiều thay đổi. Trên người Giang có nhiều hình xăm rồng phượng, trông đầy chất giang hồ. Mái tóc Giang nhuộm vàng hoe, cắt cua rất "bốc". Đặc biệt là đôi mắt Giang ngày xưa còn đôi chút trong trẻo, thì nay trông dữ dằn, từng trải hơn rất nhiều. Tuy vậy, Giang không có biểu hiện gì tỏ ra láo lếu hay quậy phá gì. Ngược lại, Giang lúc này tỏ ra khá "đàn anh". Khi sống cùng những trẻ lang thang khác, Giang cũng biết nhường nhịn các em. "Không biết ở ngoài xã hội Giang thế nào, song ở trung tâm Giang vẫn nhận được tình cảm ấm áp của mọi người" - chị Mai Liên kể.

Không riêng gì trường hợp của Giang, qua khảo sát của nhiều tổ chức xã hội như iSEE (Viện Nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường); CCIHP (Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số)…  đã chứng minh: Trẻ em khi rời xa vòng tay gia đình, bố mẹ sẽ rất dễ bị bạn bè rủ rê vào những cám dỗ tầm thường, sa vào lối sống bản năng, trác táng. Và hậu quả của lối sống ấy có lẽ chỉ là vấn đề thời gian…--PageBreak--

II. Chúng tôi được gặp một trong những “chiến hữu” của Giang, em L.V. - cũng từng là trẻ lang thang ở khu vực Bờ Hồ. Theo những gì V. kể thì Giang từng là "đại ca" của một "băng" thanh thiếu niên lang thang dạt nhà ở Hà Nội.

Bỏ nhà đi bụi từ năm 12 tuổi, Giang nhanh chóng "hòa nhập" vào cuộc sống "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường". Cũng bởi bố mất sớm, mẹ chỉ lo làm ăn mà không có thời gian chăm sóc, từ ngày ở Hải Dương thì Giang đã không để ý đến học hành mà chỉ thích đi chơi. Đang học lớp 7 thì Giang bỏ giữa chừng, meÅ cũng không phản đối.

Giống như nhiều trẻ em đường phố khác, Giang chểnh mảng học hành là vì nghiện chơi game. Có đồng nào là Giang nướng hết vào các quán game, vì thế mà sức học ngày một giảm sút. Giang cũng không được người lớn bảo ban, dạy dỗ sát sao nên dần dần cứ trượt dài vào con đường đi bụi.

Hè năm 2008, cảm thấy chán ngấy cuộc sống ở Hải Dương, một mình Giang đã bắt tàu lên Hà Nội, bắt đầu cuộc sống phiêu bạt. Ban đầu, cả ngày Giang đi lang thang khắp nơi xin ăn. Buổi tối Giang lấy ghế đá, hoặc vỉa hè làm chốn ngủ. Nhiều lần, Giang đã phải đánh nhau với bọn trẻ khác để lấy một chỗ ngả lưng. Rồi Giang được các trật tự viên ở Bờ hồ Hoàn Kiếm thu gom, đưa về Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1 (Đông Anh, Hà Nội). Sau khi sàng lọc ngày 28/11/2008, Giang chính thức đặt chân vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4.

Nếu nói Giang là thiếu niên hư hỏng cũng đúng, mà bảo cậu ta là đứa trẻ bất hạnh cũng chẳng sai. Giang sau mỗi lần được mẹ đón về quê nhà, thì lại vẫn chứng nào tật nấy, lại game, lại net, lại dạt nhà và rồi lại được đưa lên Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Mỗi khi được các cán bộ ở trung tâm tiếp nhận trẻ lang thang hỏi về lý do vì sao lại bỏ nhà ra đi, Giang chỉ trả lời cụt lủn: "Chán gia đình".

Cũng theo lời của đám bạn đường phố của Giang, thì cuộc sống lang thang dạt nhà tuy "bấp bênh" nhưng vẫn còn hơn là ở nhà. Sau một thời gian độc hành, Giang kết thân cùng một nhóm nam nữ cũng chuyên dạt nhà như cậu. Và đám thanh niên mới lớn cùng hoàn cảnh, cùng sở thích ấy tập hợp lại thành một "băng", dựa vào nhau để tồn tại.

Dĩ nhiên, trong băng của Giang không phải tất cả đều là trẻ lang thang. Có cả những đứa nhà ở ngay khu vực phố cổ, song chán cuộc sống "tẻ nhạt" hàng ngày nên thích giao du với những thành phần giang hồ quậy phá. Với chúng, chỉ cần có người cùng chơi, cùng đập phá là vui rồi. Còn tiền nong thì sẽ "xoay" của bố mẹ, của người yêu… Cùng lắm thì mang cái điện thoại, xe máy đi cắm… Rồi hôm sau lại nằn nì "ông bà bô" đi “nhổ” ra…

L.V. kể lại từ khi thành lập băng, thì Giang vẫn loanh quanh ở khu vực quận Hoàn Kiếm, song đã không phải ngủ vỉa hè ghế đá nữa mà cả bọn thuê một chỗ trọ để ngủ. Có những lúc, băng của Giang tiền nong rủng rỉnh thì thuê nhà nghỉ. Hàng ngày, các thành viên thường ngủ từ sáng đến chiều mới hò nhau dậy. Nếu còn tiền thì kéo nhau đi trà chanh chém gió, đi ăn uống, lên bar đập phá. Thậm chí nếu hứng lên thì có thể tổ chức một cuộc thử tay lái lụa…

Còn khi hết tiền, thì các thành viên lại kiếm đủ mọi cách để xoay. Mặc dù đã từng móc túi, trộm cắp song băng của Giang chưa khi nào bị phát hiện. Cũng có lúc cả lũ đều "móm" dài. Vậy là băng phải tự giải tán một thời gian. Khi ấy Giang lại phải lang thang bờ bụi, nên lại bị đưa về Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Rời trung tâm để về quê ít ngày, Giang lại nhớ những ngày tháng vùng vẫy và lại mò lên.

Nhiều trẻ dạt nhà là con nghiện game, chat.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Bằng - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 cho biết: Trong số gần 50 trẻ em lang thang mà trung tâm đang quản lý, thì Giang là một trong số những "ca" đặc biệt. Giang là trẻ ra vào trung tâm nhiều lần nhất, và cũng là trẻ được nhiều các cán bộ trung tâm rất thương. Hoàn cảnh gia đình của Giang rất éo le, tính khí cậu ta lại theo kiểu "đại ca" giang hồ. Chính vì thế mà sau mỗi lần được trở về nhà thì Giang lại tiếp tục quay trở về con đường cũ.

Với kinh nghiệm nhiều năm quản lý, điều hành công việc chăm nom, uốn nắn trẻ lang thang không nơi nương tựa, ông Bằng khẳng định việc giáo dục trẻ lang thang vào cái tuổi "lỡ cỡ" như trường hợp Giang là việc không hề dễ dàng. Bởi khi đó, các em ít nhiều đã sa vào nhiều tệ nạn xã hội xấu nhưng lại chưa đủ nhận thức để biết rằng phải đoạn tuyệt với nó thì mới nên người. Hơn nữa, khi được đưa vào trung tâm, Giang cũng thừa biết là chỉ phải ở một thời gian rồi sẽ được gia đình đón về, lâu dần thành "nhờn thuốc".

Ngày 27/5/2013, tại TP Hải Dương xảy ra một vụ án nghiêm trọng làm chết một người. Kẻ thủ ác không ai khác chính là Hoàng Đức Giang.

Được biết  vào khoảng 21 giờ ngày 27/5/2013, tại quán trà đá ở cạnh cổng Trường cao đẳng Hải Dương do anh Phạm Hồng Đức (22 tuổi, trú tại phường Bình Hàn, TP Hải Dương làm chủ) xảy ra mâu thuẫn giữa anh Đức và một số thanh niên. Hai bên đang cãi vã thì nhóm của anh Thắng (SN 1994, trú phường Bình Hàn, TP Hải Dương ) là bạn của anh Đức đi tới. Nhóm của anh Đức đã đuổi nhóm thanh niên kia chạy về phía cầu Đồng Niên.

Đến 21 giờ 40 phút, nhóm của anh Thắng quay lại ngõ 96, phố Nguyễn Thị Duệ bất ngờ bị hai thanh niên phục kích. Hai thanh niên này dùng gạch tấn công và cầm dao truy đuổi nhóm của anh Thắng. Thấy bọn chúng quá hung hãn, nhóm của anh Thắng bỏ chạy. Lúc này, anh Thắng chạy vào nhà bà Nguyễn Thị Hiền (số 28, ngõ 96, phố Nguyễn Thị Duệ) để lẩn trốn và cầu cứu. Tuy nhiên, hai thanh niên kia vẫn truy đuổi đến cùng. Anh Thắng chạy vào nhà vệ sinh ở tầng 2 của nhà bà Hiền cố thủ, nhưng hai đối tượng kia đã phá cửa, dùng dao đâm liên tiếp vào người khiến anh Thắng tử vong ngay tại chỗ. Sau khi gây án, hai đối tượng trên bỏ trốn khỏi hiện trường.

Lực lượng điều tra hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã khẩn trương điều tra, đến 23 giờ thì bắt được cả hai đối tượng. Một trong hai đối tượng là Hoàng Đức Giang, tên còn lại là Lê Tuấn Anh (19 tuổi trú tại phường Thanh Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

Minh Tiến
.
.