Buôn “nô lệ cà phê”: Giải cứu

Thứ Ba, 11/02/2014, 07:30

Ngay khi nhận được tin báo của nhân dân xã EaBia về việc người thân của họ bị lừa đi lao động như nô lệ tại các xưởng cà phê, thậm chí người nhà lên xin chuộc còn bị từ chối và ngăn cản, Công an huyện Sông Hinh đã nhanh chóng vào cuộc. Trong thời gian rất ngắn, đoàn công tác của UBND huyện do lực lượng công an làm chủ công đã giải cứu thành công toàn bộ những người dân xã EaBia ra khỏi những "công xưởng cà phê"…

1. Đặng Tiến Thông, con trai thứ của ông Đặng Tiến Cường, nhận được tin báo em gái bị đánh, bố sống khổ sở trong xưởng cà phê mà ruột rối như tơ vò. Em gái và em rể đã được người quen chuộc ra, nhưng còn bố, một người anh vợ và một người cháu trong họ… vẫn đang lang bạt trong những xưởng rang xay cà phê.

Vay mượn trong buôn được 11 triệu, Thông và anh rể chạy xe máy thẳng lên Lâm Đồng tìm cách chuộc người. Ngủ đêm ở Đà Lạt, sáng hôm sau, hai anh em liên hệ với một người anh họ đã có kinh nghiệm và thông thạo địa bàn Lâm Hà, hẹn địa điểm rồi đi tìm người thân.

Đến ngã ba Cửa Rừng, 3 anh em vào văn phòng của Công ty Đức Hoàng. Một lát sau, 8-9 người bước vào, nhìn qua là biết dân xã hội đen, xăm trổ đầy người, nói toàn giọng Bắc. Không dám cất lời, Thông để yên cho người anh họ đàm phán chuộc người. May mắn, thấy người họ hàng của Thông cũng thuộc dạng đã từng va chạm xã hội, người của công ty đồng ý chỉ chỗ.

…Nhìn thấy bố, D. suýt không nhận ra nữa. Toàn bộ người ông Cường nhìn như mới chui từ trong đống bùn ra, bụi cà phê che kín mặt, chỉ còn lộ ra đôi mắt. D hỏi bố "về không?". Ông Cường nghẹn ngào thốt lên "về"!

Trả tiền chuộc bố hết 1,8 triệu đồng, Thông lại tiếp tục đi tìm thêm người anh vợ và cháu họ. Mất hơn một ngày đi vào Tân Thanh, đến tối, rốt cuộc họ cũng đã tìm đủ người. Trả thêm tiền chuộc hết 2,8 triệu đồng cho hai người, cả gia đình họ hàng mừng mừng tủi tủi, biết mình vẫn còn may mắn.

2. Đúng là gia đình ông Đặng Tiến Cường vẫn còn may mắn, vì gia đình ông đã kịp xoay xở tiền bạc để đi chuộc người về sớm. Nhưng nhiều người khác, vì hoàn cảnh quá nghèo khó không có tiền chuộc, đã phải lang bạt thêm mấy ngày nữa. Có lẽ, tương lai của họ không biết như thế nào, nếu không được lực lượng công an và chính quyền huyện Sông Hinh kịp thời lên giải cứu.

Trung tá Lê Thành Lũy, Đội phó Đội Điều tra tổng hợp nhớ lại, hôm đó hơn chục người dân xã EaBia kéo xuống Công an huyện Sông Hinh, báo cáo với trực ban xin gặp lãnh đạo. Thông tin ban đầu cho biết, họ báo có người thân bị lừa lên làm trên Lâm Đồng, bị giữ lại, ai muốn về thì người nhà phải nộp tiền chuộc.

Đoàn công tác của Công an Sông Hinh làm việc với Giám đốc Công ty Đức Hoàng Cao Ngọc Khoa.

Trực tiếp vào các buôn trong xã EaBia tìm hiểu cụ thể, Trung tá Lũy nhận định tình hình rất nghiêm trọng. Có 2 người, mới lên đến Công ty Đức Hoàng, nhận thấy có dấu hiệu bị lừa, đã nhờ người nhà chuộc về. Sau khi nắm thông tin, Công an huyện Sông Hinh đã báo cáo gấp lên UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo.

Một cuộc họp khẩn cấp đã diễn ra tại UBND huyện, nhanh chóng đưa ra kết luận: Huyện hỗ trợ một đoàn công tác trực tiếp lên tìm hiểu và nắm tình hình cụ thể, lực lượng gồm có Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và chủ công là Công an huyện. Ngay sáng hôm sau, chuyến xe đưa đoàn công tác trực chỉ huyện Đức Trọng.

Nghe tin đoàn công tác trực tiếp lên hiện trường, nhiều gia đình có người thân đã lên trước để chờ đoàn. Họ khấp khởi hy vọng, bởi có nhiều người đã từng chủ động lên tìm kiếm, nhưng đều bị từ chối cung cấp thông tin nơi làm việc của người thân. Chính vì vậy, họ đã buộc phải quay về cầu cứu công an.

Hồ sơ và giấy tờ giới thiệu của một cò lao động do Công ty Đức Hoàng giới thiệu đi tuyển người ở các địa phương.

Khác hẳn với lần trước, thấy lực lượng chức năng xuất hiện, chủ Công ty Đức Hoàng đã thể hiện thái độ hợp tác. Tất cả địa chỉ nơi làm việc của những người lao động đến từ xã EaBia đã được cung cấp đầy đủ, và Công ty Đức Hoàng chỉ lấy lại một phần gọi là bù đắp lại kinh phí đã bỏ ra để đưa người lao động lên đây.

Nhưng trong danh sách 26 người bị lừa đi, chỉ có 23 người có người thân đứng ra nộp tiền chuộc về. 3 người khác không có khả năng tự về vì nhà quá nghèo, chủ thuê lại không trả tiền công theo ngày nên họ không có tiền tự chuộc. 3 người này hiện đã đi làm cho các chủ trang trại ở huyện Đamrông.

Đoàn công tác tiếp tục lên huyện Đamrông, mang theo khoản tiền hỗ trợ của UBND huyện Sông Hinh. Đã được Công ty Đức Hoàng thông báo trước, các chủ thuê lao động đã chủ động đưa 3 người từ sâu trong các vườn cà phê ra trụ sở Ủy ban để bàn giao. Với số tiền được UBND huyện hỗ trợ, 3 lao động cuối cùng trên chuyến xe bão táp đã hoàn trả chi phí cho chủ vườn, rồi theo xe của đoàn công tác trở về quê an toàn.--PageBreak--

3. Chỉ cách căn nhà ông Cường có 20 mét, căn lều của chị Mí Chi nằm chênh vênh bên một thửa đất trồng khoai mỳ. Nói căn lều không quá, vì đây chỉ là những tấm liếp đan bằng tre quây xung quanh một bộ khung gỗ nhà sàn nhỏ, ọp ẹp, cũ kỹ.

Là một trong ba người không có khả năng chuộc thân, chị Mí Chi có cơ hội trở về là nhờ sự xuất hiện kịp thời của lực lượng công an và sự hỗ trợ về kinh phí của UBND huyện.

Anh KpayZuut, công an viên xã EaBia cho biết, trường hợp của chị Mí Chi khiến cho mọi người trong thôn lo lắng nhất, vì chị chỉ biết một chút tiếng Việt, không biết chữ, và cũng không có cả tiền để mua điện thoại liên lạc. Nếu có chuyện gì bất trắc xảy ra đối với chị, khả năng tìm kiếm sẽ khó khăn hơn rất nhiều lần so với người khác.

Đặt chân lên căn lều của chị Mí Chi, chúng tôi chỉ sợ sơ sểnh thụt chân xuống đất, vì những tấm liếp thủng lỗ chỗ được lót làm sàn. Căn lều không có bất kỳ thứ gì đáng giá, trống huơ trống hoác. Phía góc lều, một tấm chăn được quây kín chắn gió cho chiếc mùng được mắc sát bên bếp lửa, là chỗ ngủ cho 4 mẹ con.

Không có chồng, chị Mí Chi là chỗ dựa chính cho cái gia đình đông miệng ăn nhưng ít người làm này. Nghe tin đi làm được mức lương mơ ước là 3,6 triệu đồng chị không ngần ngại gửi con cho ông bà ngoại để đi làm. Tiền không thấy đâu, chỉ thấy công việc nặng nhọc, muốn bỏ cũng không được. Khi được đưa về nhà, trong túi chị Mí Chi cũng không có một đồng, giống như lúc bước chân ra đi.

Nhớ lại quãng thời gian trên Lâm Đồng, chị cho biết chỉ đến khi được bà chủ vườn cà phê thuê lại, chị mới được ăn. Còn ngày đầu tiên trên Công ty Đức Hoàng, chị không được ăn gì cả. Ai cũng hiểu, với cái giá cắt cổ 50 nghìn đồng một gói mỳ, người phụ nữ nghèo xơ xác này làm sao dám mở miệng mua một gói mỳ.

Kể từ ngày được giải cứu về nhà, chị Mí Chi không dám đi đâu xa nữa, chỉ đi làm ruộng và làm thuê quanh xã. Nhưng cao nguyên cũng bắt đầu bước vào mùa mưa, công việc làm thuê bị đình trệ hoàn toàn, chị chỉ biết ngồi cả ngày quanh bếp lửa. Hỏi đến chuyện chuẩn bị tết cho các cháu đến đâu rồi, chị lúng túng cười lảng tránh câu trả lời.

Cũng rơi vào hoàn cảnh như trên, sau khi trở về buôn, LMô Y Thứ cũng không biết kiếm việc gì để làm thêm. Cậu bé mới 16 tuổi hàng ngày đi lang thang hết buôn trên buôn dưới để kiếm việc, nhưng cũng không dám đi làm xa vì sợ rơi vào tình cảnh phải chuộc thân một lần nữa.

Chuyến đi lên Lâm Đồng không chỉ gây ra cho Y Thứ sự kinh hãi về công việc khổ cực mà cậu phải trải qua trong trại nấm và vườn cà-phê, mà còn khiến cho 2 anh em cậu đổ nợ vì phải vay người ta 4 triệu đồng để chuộc thân.

 

4. 28 năm gắn bó với mảnh đất Sông Hinh, từng đảm nhận rồi phụ trách cả công việc của mảng an ninh và cảnh sát, Trưởng công an huyện Sông Hinh, Đại tá Lê Thanh Liêm, hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn mà bà con dân tộc xã EaBia phải đối diện.

Nằm sát với thị trấn Hai Riêng, xã EaBia phải hy sinh một phần đất canh tác nông nghiệp cho thị trấn, nên diện tích để bà con sản xuất nông nghiệp không còn nhiều, so với các xã khác là một thiệt thòi, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tâm lý của bà con dân tộc ở đây là thích đi làm thuê ở xa. Lý do thứ nhất là bà con ngại làm thuê cho người trong xã. Lý do thứ hai là một số bà con nghèo trong xã biết nhược điểm của mình là không có khả năng vun vén tiết kiệm, nếu đi làm công được trả lương theo ngày là tiêu hết ngay. Họ thích đi làm ăn xa, để chủ thuê lo ăn uống hàng ngày, rồi giữ tiền hộ cho họ, đến khi công việc hoàn thành là có một khoản tiền lớn để dành.

Nắm bắt được tâm lý đó, những đối tượng "cò" lao động cho các trang trại cà phê và cao su ở các địa bàn khác coi đây là một thị trường béo bở để khai thác. Nhưng những đối tượng này làm ăn tử tế thì ít, mà chủ yếu lợi dụng tâm lý cả tin của bà con để "nổ" về mức lương hấp dẫn, đồng thời tạo niềm tin bằng cách thuê xe về tận nơi đón, sau đó mới quay lại thu phí cắt cổ.

Trong vụ việc này, đối tượng Nguyễn Hữu Nhật, trú tại xã Hoài Hương huyện Hoài Nhơn, Bình Định đã sử dụng giấy giới thiệu của Công ty Đức Hoàng để đến xã EaBia tuyển lao động. Nhật thông báo miệng với người dân là công ty ở Đắk Lắk thuê người hái cà phê với mức lương 3,6 triệu đồng/tháng đã bao ăn, nơi nghỉ, công ty cho xe chở người đến địa điểm làm việc…

Tin lời Nhật, bà Đỗ Thị Xuân Thao ở buôn Duôn Chách đã thông báo với những người cùng trong buôn. Lại tin tưởng lẫn nhau, những người cùng buôn thấy xe đến đón là cứ thế rủ nhau đi.

Đến nơi, họ mới được Giám đốc Công ty Đức Hoàng Cao Ngọc Khoa thông báo là mức lương chỉ có từ 2,2 triệu-2,5triệu/tháng, và người lao động phải trả tiền chi phí đi đường cũng như tiền hoa hồng là 500 nghìn đồng/người mà Khoa đã phải trả cho Nhật.

Trong vụ việc này, Công an huyện Sông Hinh đã phản ứng rất nhanh chóng, kịp thời xác minh nguồn tin báo, qua đó tham mưu cho UBND huyện đưa ra phương án xử lý tối ưu. Kết quả là toàn bộ bà con bị lừa lên lao động tại Lâm Đồng đã được người nhà và đoàn công tác đưa về quê an toàn

Việt Đông
.
.