Cả nước bước vào cuộc chiến mới

Thứ Hai, 03/08/2020, 11:43
Chỉ trong 6 ngày qua, nước ta đã ghi nhận 93 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Khởi phát làn sóng mới tại Đà Nẵng, các ca mắc mới đã được phát hiện tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, và hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Các chuyên gia nhận định, ổ dịch không chỉ trong bệnh viện ở Đà Nẵng mà có thể bao gồm khu vực lân cận bên ngoài. do đó, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cần phải ưu tiên tối đa cho việc dập dịch tại ổ dịch Đà Nẵng. Đây là điều hết sức quan trọng, quyết định thành công vấn đề kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Đà Nẵng cần phải chạy đua với thời gian và triển khai nhanh nhất các biện pháp.

Ngay trong đêm 30-7, Bộ Y tế đã thành lập “Bộ chỉ huy tiền phương chống dịch tại TP Đà Nẵng” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với các bệnh viện về tình hình điều trị những ca mắc COVID-19 nặng.

Lo ngại vì lây lan nhanh

Sau 99 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng, ngày 25-7, Việt Nam ghi nhận ca bệnh đầu tiên (BN416) tại Đà Nẵng. Ngay sau đó, hàng loạt ca bệnh dương tính được phát hiện tại “cụm” 3 bệnh viện của TP Đà Nẵng, trong đó có nhiều nhân viên y tế mắc bệnh. Vì sao dịch quay trở lại? Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng, Trường Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch quay trở lại do một bộ phận cán bộ y tế và người dân còn chủ quan.

Đánh giá về mức độ lây lan trong làn sóng mới này, ông Nga cho rằng, tình hình hiện nay là phức tạp. Đặc biệt lần này, chúng ta chưa tìm ra được F0, chưa thể xác định được ổ dịch từ đâu. Có thể chúng xuất hiện từ trước, giờ mới bùng lên.

Trao đổi với PV Chuyên đề ANGT, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, dịch bùng phát trở lại, chúng ta đã có dự báo từ trước, nằm trong dự liệu của chúng ta khi tình hình dịch trên thế giới còn rất phức tạp. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh lần này có diễn biến khác. Đó là ổ dịch xuất hiện sau 99 ngày không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Ổ dịch xuất hiện trong bệnh viện và sẽ có ca bệnh bên ngoài cộng đồng lây nhiễm vào trong bệnh viện và cơ sở y tế thành một chùm ca bệnh trong cơ sở y tế. Chùm ca bệnh có cả nhân viên y tế và bệnh nhân thông qua ca bệnh vào bệnh viện.

Theo ông Phu, đến thời điểm này có 2 vấn đề đáng ngại tại ổ dịch Đà Nẵng. Thứ nhất là dịch lây lan trong cộng đồng, đặc biệt khi Đà Nẵng là điểm du lịch, mỗi ngày có hàng chục nghìn người lui tới, sự lan tỏa càng cao, virus có thể lây lan rộng. Đáng ngại thứ hai là vấn đề phòng bệnh cho bệnh nhân và nhân viên y tế ở bệnh viện. “Để bệnh lây cho nhân viên là một đáng ngại. Lây cho bệnh nhân cũng là đáng ngại vì bệnh nhân có nhiều bệnh nền khác, nguy cơ tử vong cao”, ông Phu nói.

Đánh giá về tốc độ lây lan của SARS-CoV-2 đợt dịch lần này nhanh hơn so với dịch trước, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, so với thế giới thì chúng ta vẫn trong giới hạn bình thường (thế giới ghi nhận cả triệu ca một ngày). Tuy nhiên, nói như vậy không phải để cho người dân chủ quan mà phòng bệnh và tự giác khai báo y tế là quan trọng hàng đầu.

Theo ông Phu, việc truy vết F0 ở Đà Nẵng là rất khó, không chừng F0 đã khỏi bệnh. “Ca bệnh phát hiện đầu tiên chưa chắc đã là F1 và có thể ca này là F thứ bao nhiêu rồi. Truy tìm được F0 là tốt nhưng quan trọng lúc này là phải tìm ổ dịch mới, tìm những người tiếp xúc liên quan tới những ổ dịch này”, ông Phu nhấn mạnh.

Cả nước chia lửa với Đà Nẵng

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khi dịch xảy ra tại Đà Nẵng, chúng ta đã lập tức vào cuộc một cách quyết liệt vì đã có kịch bản từ trước. Chính phủ có các chỉ đạo liên tục, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 họp thường xuyên, Bộ Y tế đã huy động tổng lực đội ngũ chuyên gia tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng để “chia lửa” công tác phòng chống dịch...

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thì khẳng định dập ổ dịch ở Đà Nẵng hết sức quan trọng, quyết định thành công vấn đề kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, Đà Nẵng cần chạy đua với thời gian và triển khai nhanh nhất các biện pháp.

125 bệnh nhân COVID-19 từ Châu Phi về tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bộ Y tế liên tục cử các đội tinh nhuệ về điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ, truy vết để “chia lửa” cho Đà Nẵng và hỗ trợ Quảng Nam. Ngoài 3 đội tinh nhuệ đã được cử vào Đà Nẵng, ngày 30-7, Bộ Y tế điều thêm các đội tinh nhuệ về điều trị, xét nghiệm, truy vết của các bệnh viện tuyến Trung ương, các viện đầu ngành, tập huấn cho 800 sinh viên Trường Đại học Y dược đến Đà Nẵng phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn cử đội công tác là các chuyên gia về thận nhân tạo, xét nghiệm, hồi sức, truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai vào hỗ trợ Đà Nẵng và thiết lập một phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh hỗ trợ CDC Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện 199 Bộ Công an.

Ngay trong đêm 30-7, Bộ Y tế thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành lập “Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại TP Đà Nẵng” để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân tại khu vực này. Đội được đặt dưới sự chỉ huy của PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, gồm 65 người là lãnh đạo, chuyên gia, bác sĩ... từ các đơn vị của Bộ Y tế và các bệnh viện, các viện đầu ngành.

“Nổi bật nhất trong những ngày qua là Đà Nẵng đã xét nghiệm trên diện rộng theo kiểu “chống giặc phải biết giặc ở đâu”, truy vết và khoanh vùng. Việc khoanh vùng đã có kinh nghiệm hơn như khoanh vùng 3 bệnh viện và khu vực dân cư xung quanh. Đà Nẵng cũng đã huy động tổng lực thực hiện nghiêm túc theo thông báo tại kết luận của Thủ tướng Chính phủ mới đây”, ông Phu nói.

Ngoài dập dịch, để cùng chia sẻ và đưa ra các chỉ đạo điều trị kịp thời, phù hợp với tình hình sức khỏe của bệnh nhân, tại Tiểu ban Điều trị liên tiếp diễn ra 5 cuộc hội chẩn quốc gia với các bệnh viện về điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ở làn sóng mới này, nhiều ca bệnh COVID-19 cao tuổi, mắc nhiều bệnh lý nền, bệnh chuyển biến nặng, suy hô hấp nhanh chóng. Hiện đã có 2 bệnh nhân phải chạy ECMO, nhiều ca thở máy, một số ca bệnh tiên lượng rất nặng, nguy kịch.

Để chia lửa với các bệnh viện ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận các ca bệnh nặng, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, mắc nhiều bệnh lý nền tới điều trị. Tới nay, đã có 10 bệnh nhân nặng được chuyển từ các bệnh viện của Đà Nẵng về Bệnh viện Trung ương Huế.

Nâng cao ý thức khai báo của người dân

Xác định “cuộc chiến” lần này còn dài khi lo ngại nguy cơ xuất hiện dịch ở nhiều địa phương bởi lượng khách du lịch từ Đà Nẵng về là rất lớn, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19 ngày 27-7 đã thống nhất, tất cả những người đi từ TP Đà Nẵng có liên quan đến ổ dịch này khi trở về địa phương khác phải cách ly 14 ngày và theo dõi chặt chẽ từng người tiếp xúc gần; còn những người khác từ TP Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khỏe.

Bộ Y tế vừa mới ra thông báo yêu cầu tất cả những người đến Đà Nẵng từ ngày 1-7 đến nay phải khai báo y tế. “Người dân phải có trách nhiệm phòng dịch và khai báo y tế”, ông Phu nói.

Theo Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng , trách nhiệm và ý thức của người dân là vô cùng quan trọng. Nếu người dân che giấu, không khai báo thì cơ quan chức năng và ngành y tế không thể biết được. “Chỉ cần một người nhiễm thì có thể thành ổ dịch và ổ dịch đó còn lây lan ra người khác. Giải quyết một ổ dịch tốn kém rất nhiều về con người, tiền bạc...”, ông Phu nhấn mạnh.

Nhiều người lo ngại dịch COVID-19 quay trở lại giống như vết dầu loang khi Đà Nẵng là điểm du lịch, khách đến đây đã đi “tứ xứ”, vết dầu loang kia có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Theo ông Phu, đây là một khó khăn, nhiệm vụ cần làm là phối hợp tốt, không chỉ có Đà Nẵng mà các địa phương khác cũng phải thực hiện. “Đây là bài học cho các địa phương vì biết đâu các địa phương cũng có ca nhiễm, đặc biệt là các nơi có địa điểm du lịch”, ông Phu nói.

Hà Nội truy vết trường hợp F1, F2 với ca bệnh 447.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, để kiểm soát dịch, điều tiên quyết là các địa phương rốt ráo tầm soát, theo dấu người nhiễm, vận động những người trở về từ Đà Nẵng khai báo y tế. Bên cạnh đó, những người này cần chủ động cách ly theo dõi sức khỏe, tránh tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt với người cao tuổi. Nếu cách ly tại nhà thì tốt nhất không nên dùng chung điều hòa với gia đình, mở cửa tạo sự thông thoáng bởi trong điều kiện kín, lạnh, không thông gió, virus dễ lây lan.

Ông Phu dự đoán, tới đây Đà Nẵng sẽ tiếp tục có ca lây nhiễm, chưa kể người dân không phòng bệnh sẽ lây lan. Chuyên gia hàng đầu về dự phòng hy vọng không phát sinh thành ổ dịch lớn vì chúng ta đã khoanh vùng tốt. “Dịch đến đâu dập đến đấy để nó không bùng cháy”, chuyên gia nhấn mạnh.

Nếu dịch lây lan thêm ra các tỉnh, thành khác, ông Phu cho rằng, sẽ có cách xử lý phù hợp với từng địa phương vì “chống dịch phải hết sức phù hợp theo từng địa phương và bối cảnh”. “Bây giờ, việc phát hiện ca bệnh nghi ngờ là quan trọng nhất. Các địa phương phải tăng cường phát hiện. Điều này còn phụ thuộc vào đáp ứng của các tỉnh. Khi phát hiện có khoanh vùng, bao vây từng ổ dịch để dập tắt ngay”, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm.

Liệu chúng ta có một cuộc giãn cách xã hội trên toàn quốc nữa không? Theo ông Phu, căn cứ vào tình hình dịch, chúng ta sẽ có đáp ứng một cách linh hoạt và không để xảy ra hệ lụy không đáng có, ảnh hưởng đến kinh tế và an sinh xã hội. Quan trọng là phải phát hiện sớm ổ dịch để dập dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Bộ Y tế đề nghị các cá nhân từng có mặt ở thành phố Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 1-7-2020 đến ngày 29-7-2020 khẩn trương thực hiện:

1. Gửi tin nhắn thông báo đầy đủ họ tên và địa chỉ nơi ở của mình, cũng như số điện thoại của những người đã tiếp xúc gần với mình vào số 8889 (miễn phí).

2. Liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại địa phương để được tư vấn.

3. Khai báo y tế trực tuyến tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe.

4. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình tại địa chỉ: https://www.bluezone.gov.vn/ hoặc tải ứng dụng trên iOS hoặc Android.

Trần Hằng
.
.