Cái bang “dàn trận” trên Quốc lộ 1A

Thứ Sáu, 21/08/2015, 06:00
Mỗi ngày các đối tượng chăn dắt (theo điều tra của chúng tôi chủ yếu là người Campuchia) bỏ túi ít nhất 3-4 triệu đồng trong khi hơn 10 đứa trẻ (nhỏ nhất chỉ vài tháng tuổi) phải đứng quay quắt dưới nắng gắt và lạnh run trong cơn mưa dầm để chìa tay xin những đồng tiền bố thí của người đi đường.

Hình ảnh gần 20 cái bang nhếch nhác, người đen nhẻm, quần áo xộc xệch len giữa dòng phương tiện, chạy qua chạy lại Quốc lộ 1A  (QL1A) bất chấp nguy hiểm chỉ để làm giàu cho các đối tượng chăn dắt đã diễn ra hơn 2 năm qua tại ngã ba Long Cang (đoạn gần cầu Bến Lức, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) khiến nhiều người vừa xót xa, vừa giận dữ trước cách kiếm ăn, làm giàu trên hình hài của những đứa trẻ tội nghiệp…

1. Từ TP HCM hướng về Long An theo QL1A qua khỏi cầu Bến Lức  vài trăm mét, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ từ 7 đến 13 tuổi đen nhẻm, quần áo xộc xệch, dắt díu thêm một vài đứa trẻ khoảng 2-3 tuổi rồi bồng địu thêm đứa bé chưa đầy năm luồn lách vào dòng phương tiện dừng đèn đỏ chìa chiếc nón hoặc bàn tay cáu bẩn ra xin tiền. Không chỉ người đi xe hai bánh dừng đèn đỏ là đối tượng để những đứa trẻ này hy vọng xin chút tiền lẻ mà ngay những khách ngồi trên xe hơi, xe buýt cũng trở thành đối tượng đầy tiềm năng của chúng.

Thấy chúng tôi tấp vào một quán cà phê ngay ngã tư Long Cang, 4 đứa trẻ đen nhẻm, trong đó có thằng bé khoảng 13-14 tuổi mặc chiếc áo thun màu đỏ, tay dài địu đứa bé chưa đầy 1 tuổi ngang vai nhào tới. Thằng bé áo đỏ áp sát chúng tôi chìa bàn tay lem nhem ra rồi cúi đầu xin tiền bằng thứ tiếng lơ lớ nửa Việt, nửa Campuchia trong khi con bé hơn 1 tuổi ngồi trên địu mắt tròn xoe nhìn theo anh nó. Cầm được tiền nó gật đầu lấy lệ rồi bỏ đi. Thấy thằng bé áo đỏ xin được tiền, ba đứa còn lại chạy ào tới nắm tay, vịn áo chúng tôi liên tục và ra hiệu bằng cách cúi đầu thành khẩn.

Một người uống cà phê tại đây cho hay: "Thấy anh cho được một đứa là mấy đứa khác xúm vào liền. Rồi anh coi, nó đeo anh đến khi nào cho tiền thì thôi!". Đúng như lời người khách này, chỉ đến khi tôi cho tiền lần lượt từng đứa, tụi nhóc mới chịu bỏ đi ra trụ đèn giao thông ngồi.

Những đứa trẻ Campuchia xin tiền trên QL1A dưới sự canh chừng của các đối tượng chăn dắt.

Tại ba chốt đèn giao thông có ba nhóm trẻ chiếm ngự, mỗi nhóm có từ 5-6 trẻ nhỏ tụ tập ẵm thêm đứa trẻ chưa đầy tuổi. Nắng như thiêu như đốt nhưng lũ trẻ vẫn người trần trùng trục, trên người có mỗi chiếc quần cụt. Mỗi khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, mấy đứa trẻ lại túa ra tay cầm ca len lỏi vào dòng người xe xin tiền. Cám cảnh trước những đứa trẻ nheo nhóc, đói khát, nhiều người móc tiền lẻ ra cho. Tuy nhiên khi bắt được tín hiệu, cả nhóm bỏ những người khác và tập trung lại người vừa cho tiền nên những người "lỡ" làm phước đành phải móc thêm tiền chia đều cho cả nhóm.

Chị N., một người bán nước ven đường cho biết, hơn 2 năm nay khu vực ngã ba Long Cang trở thành điểm tập kết của một nhóm hơn 20 người lang thang xin ăn. Cứ 7 giờ sáng là những đứa trẻ người Campuchia này xuất hiện và khoảng một giờ sau thì có 3-4 phụ nữ (cũng người Campuchia) mang đến cho chúng xôi, cơm hộp để chúng ăn. Tầm 3-4 giờ chiều, những người phụ nữ này lại xuất hiện và lôi mấy đứa trẻ vào bụi rậm sau đó gom tiền của chúng xin được và bỏ đi.

Mỗi ngày, một đứa trong nhóm kiếm được từ 200 đến 300 nghìn là chuyện bình thường. Cứ đầy cái túi đeo bên người là chúng đem lại chỗ tôi đổi lấy tiền chẵn. Có nhiều tiền vậy mà chúng đâu có được xài, bị gom hết. "Nhiều lúc đói khát quá tụi nó đến quán tôi xin đồ ăn, nước uống, không cho thì tụi nó lén giật rồi chạy đi".

Chị N. cho biết thêm, nhiều khi người đi đường thấy tội nên dừng xe cho nhưng lại gặp mấy đứa ma mãnh bu vào rồi giật mất bóp tiền. Có người bị giật ngã xuống đường trầy xước cả chân tay nhưng cố đuổi theo bọn chúng lấy lại cũng không được. Khoảng 8-9 giờ tụi nhỏ được những người phụ nữ đến gom tiền đưa đi.

2. Đúng như lời chị N., đa phần những đứa trẻ ăn xin tại khu vực này mặc dù ngày kiếm được vài trăm ngàn từ hảo tâm của người đi đường nhưng dường như chúng không được ăn uống đầy đủ hay ngủ nghỉ một cách đàng hoàng. Lúc chúng tôi đến, hai đứa trẻ đang chơi tạt lon giống trò chơi của trẻ em Việt Nam, nhưng chiếc lon được thay thế bằng tiền. Cứ mỗi lần chơi mỗi đứa tụ vào 1.000 đồng và lấy chân đẩy chiếc dép về phía đống tiền. Đứa nào gần nhất và tạt trúng tiền thì đứa đó thắng. Tuy nhiên mỗi lần chơi là những đứa trẻ này phải đưa mắt dò xét canh chừng. Bởi chỉ cần chúng lơ là chuyện xin tiền là bị những phụ nữ từ bên đường lao qua cho “ăn” vài cái… bạt tai. Bởi vậy bất kể mưa nắng, lũ trẻ vẫn hồn nhiên lao vào dòng xe cộ bất chấp nguy hiểm để đem tiền về vỗ béo những đối tượng chăn dắt.

Tại khu vực ngã ba Long Cang có hai điểm mà những đối tượng chăn dắt, đa phần là phụ nữ chiếm đóng để dễ bề canh chừng lũ trẻ ăn xin. Nhất cử nhất động của đám trẻ đều không qua được mắt nhóm chăn dắt, khoảng 4 người, đều là phụ nữ. Có lẽ đã bị truy quét và bị lên báo quá nhiều nên các đối tượng này rất tinh tường trong chuyện phán đoán ai là người lạ mặt lảng vảng tại khu vực này. Phía sau một tiệm xe gắn máy, hai chiếc ghế nhựa nằm khuất bên trong đám cỏ là nơi hai đối tượng canh chừng một nhóm trẻ khoảng 6 đứa. Nhóm còn lại khoảng 3 đối tượng ngồi tại một hàng hiên đối diện một quán cơm. Khi những đứa trẻ xin được bộn tiền thì tìm đến và trút tiền vào túi xách cho chúng.

Anh T., một người chạy xe ôm tại khu vực này cho biết, do các đối tượng nói tiếng Campuchia nên chẳng ai biết chúng có phải là con của họ không, nhưng nghe đâu những phụ nữ này trước kia qua đây làm ăn rồi sau đó đưa đám trẻ này qua. Cứ vài tuần thì chúng vắng bóng khoảng 5-7 bữa sau đó lại tiếp tục dàn quân tại ngã ba này. "Trung bình mỗi ngày bọn trẻ này mang về cho chúng 3-4 triệu đồng, nhưng đồ ăn hằng ngày của chúng cũng chỉ là đồ ăn mà người đi đường thương tình mua cho, ít khi thấy mấy người phụ nữ này mua đồ ăn cho chúng!", anh T. cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau một ngày đứng đội nắng đội mưa xin tiền, số trẻ em này được 5 phụ nữ gom về ngủ tại các sạp trong một ngôi chợ gần đó. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều diễn ra tại khu vực này. Đêm đến bọn trẻ co ro, nheo nhóc trên những chiếc sạp mặc ruồi bâu, muỗi cắn.

Cái bang đang “hành nghề”.

3. Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi biết được chiếm cứ đoạn quốc lộ này là nhóm "cái bang" người Campuchia do một nhóm phụ nữ người Campuchia điều hành. Tuy nhiên, đây không phải là nhóm cái bang duy nhất lấy khu vực này làm lãnh địa mà còn có một số nhóm khác cũng hoạt động tại đây.

Anh Minh, làm nghề sửa xe tại khu vực này cho hay, trước khi nhóm trẻ em người Campuchia đến, ngã ba này đã tồn tại nhiều nhóm cái bang khác. Các nhóm này thuê phòng trọ sống tập trung. Sáng sớm chúng chuẩn bị "đồ nghề" và bắt xe buýt lên TP HCM hành nghề, chiều thì quay trở lại.

"Lúc đi thì thấy người chống nạng, người thì băng bó, lở loét nhưng lúc trở về phòng trọ lại lành lặn lạ lùng. Thứ bảy, chủ nhật nhiều đối tượng giả dạng tàn tật này lại tụm năm, tụm bảy ở quán cà phê chỉ bảo nhau những chiêu thức xin tiền. Cà phê cà pháo đã đời các đối tượng lại bày tiệc nhậu, lập sòng sát phạt nhau. Trong túi của họ không còn là những đồng tiền lẻ nhàu nhĩ xin được từ người đi đường mà thay vào đó là những tờ tiền polymer mới cứng! Có một vài đường dây chăn dắt trên TP HCM bị phanh phui, các đối tượng này cũng bị bắt gần hết. Người dân nơi này chưa mừng được bao lâu thì nhóm người Campuchia lại đến đóng đô gây xáo trộn cuộc sống" - anh Minh thuật lại.

Chúng tôi tìm đến Công an xã Thạnh Đức, một công an viên ở đây cho biết, nhiều lần UBND xã, Công an xã phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Bến Lức tiến hành truy quét và làm hồ sơ đưa những đứa trẻ lang thang, ăn xin trả lại cho nước bạn. Mỗi đợt như vậy chừng 5 đến 7 đứa trẻ nhưng sau khi về nước được một thời gian thì chúng lại xuất hiện trở lại. Do quá quen mặt những đứa trẻ này và biết những đồng tiền mà chúng xin được đều rơi vào tay bọn chăn dắt nên người dân tại đây ít khi cho tiền chúng. Họ chủ yếu chỉ cho đồ ăn thức uống vì thương chúng. Tuy nhiên, những đứa trẻ còn phải đối mặt với những nguy hiểm thường trực khác chứ không phải chỉ mỗi chuyện đói ăn khát uống. Vì là tuyến quốc lộ lại là khu vực ngã ba nên những đứa trẻ này được "huấn luyện" lao ra dòng xe đang dừng đèn đỏ để xin tiền bất chấp nguy hiểm chực chờ.

Theo nhiều người dân, trước kia khi chưa có các đợt thu gom, cũng những đứa trẻ này bị một số thanh niên chở đi các điểm đèn đỏ và thả chúng xuống, chiều lại đến rước chúng về. Đa phần những đứa trẻ này đều hiểu và nói được tiếng Việt nhưng khi bị thu gom chúng đều không trả lời bằng tiếng Việt và cũng chỉ trao đổi với nhau bằng tiếng Campuchia. Đây có thể là cách mà các đối tượng đứng đằng sau đám trẻ ăn xin bày cho để chúng đối phó với cơ quan chức năng? Việc dùng trẻ sơ sinh và trẻ chỉ mới 1-2 tuổi đi theo đám trẻ để đánh vào lòng thương hại của người đi đường, để được cho tiền. Tuy nhiên qua tìm hiểu, những đứa trẻ sơ sinh này đa phần không phải là máu mủ ruột rà gì với các đối tượng chăn dắt mà chúng được thuê từ Campuchia sang xin tiền, làm giàu cho kẻ khác.

Hình ảnh những đứa trẻ người nước ngoài lang thang, ăn xin bán mạng sống của mình trên QL1A để nuôi béo những đối tượng chăn dắt vẫn đang diễn ra hằng ngày bất kể mưa nắng. Nhiều người đi qua ngã ba Long Cang đều lắc đầu ngao ngán, cảm thương cho số phận của đám trẻ khi phải gồng mình dưới cái nắng như thiêu như đốt, hay dưới cơn mưa tầm tả để những đối tượng phía sau hưởng lợi. Có thể đám trẻ này chưa hiểu hết những việc mình làm là bị bóc lột sức lao động từ nhỏ, bị đánh mất tuổi thơ nên dù có đen nhẻm, cáu bẩn vì phơi nắng, bụi bẩn chúng vẫn hồn nhiên tươi cười.

Huyền Đức - M.H.
.
.