Cầm đồ - “Cầm” cả cuộc đời!

Thứ Sáu, 23/04/2010, 18:25
Thành phố Hà Nội hiện có hàng ngàn tiệm cầm đồ. Thoạt nhìn, người ta có thể ngộ nhận rằng đây là một hình thức tín dụng nhanh, tiện, rẻ. Nhưng qua một thời gian thâm nhập tìm hiểu, PV ANTG đã nhận thấy đằng sau nó ẩn chứa không ít những mối nguy cơ, đặc biệt và trước tiên là đối với giới trẻ.

Ra ngõ gặp... cầm đồ!

Để thâm nhập vào giới "kiếm ăn" trong lúc người ta thiếu thốn (là các chủ tiệm cầm đồ), tôi mượn một chiếc xe máy Trung Quốc biển ngoại tỉnh để đem đi... cắm. Điểm đầu tiên tôi nhắm đến là phố Bạch Mai - vốn nức tiếng là phố cầm đồ dành cho sinh viên các trường đại học Bách khoa, Kinh tế, Xây dựng...

Tấp vào cửa hiệu cầm đồ số 35... phố Bạch Mai, một thiếu niên người mảnh khảnh, tóc dài chấm gáy lao ra dắt chiếc xe vào thẳng trong nhà. Không chờ tôi mở lời, cậu chàng hỏi luôn: "Anh định lấy bao nhiêu?". "Bốn triệu được không chú em?". "Cho em xem đăng ký xe và chứng minh thư nhân dân". "Soi" một lúc, thanh niên này bấm máy gọi cho ai đó. Tôi nghe được loáng thoáng: "Xe Jupiter... có đăng ký... bốn triệu...".

Vài phút sau, một thanh niên to cao lực lưỡng đi giày khủng bố, áo "quân khu", xăm trổ đầy mình cưỡi SH từ đâu phi về. Vừa thoáng nhìn thấy xe của tôi, thanh niên này đã... chửi tục, rồi gay gắt: "Mắt mày mù à? Nhận xe này rồi bán cho... chó à...". Chửi xong một chập, thanh niên này quay xe biến mất dạng, để lại sự... chưng hửng cho tôi và cả cậu bé ngồi trông hàng.

Thu lại đăng ký xe và chứng minh thư nhân dân, tôi dắt con xe đi chào hàng ở... 5 tiệm cầm đồ khác. Thế nhưng, đều phải lủi thủi dắt ra vì không tiệm nào nhận.

Sáng hôm sau, tôi lại vác con xe tấp vào một tiệm cầm đồ gần ngõ chùa Liên Phái. Một chị trạc "băm mấy nhát" (hơn 30 tuổi) tóc phi-dê, xăm mắt xăm môi, mặc bộ quần áo ngủ đang che miệng ngáp: "Xe Trung Quốc à? Đưa xem đăng ký với chứng minh". Liếc qua, chị bảo: "5 "lít" nhá" (1 "lít" tương đương với 100 ngàn). "Chị cho em 1 "củ" (1 triệu đồng) được không? Em đang cần tiền để đóng học phí gấp" .

Chị này ném toẹt cái chứng minh nhân dân cùng giấy tờ xe xuống bàn: "Thằng nào đi cầm đồ chả kêu thiếu tiền? Một triệu chị mua xe mày về... làm giống à?". Rồi quay ra chửi đổng: "Mới sáng sớm đã gặp quân... hãm tài!". Tôi lại lủi thủi dắt xe ra, còn kịp trông thấy chị đang lúi húi lấy giấy tiền, vàng mã ra... đốt vía!

Đem xe vào Trường Bách khoa gửi, tôi đi bộ khảo sát dọc con phố Bạch Mai. Đúng là, "ra ngõ gặp cầm đồ". Chỉ tính từ ngõ chùa Liên Phái cho tới đoạn giao cắt với phố Đại La, tôi có thể đếm được tới 40 tiệm cầm đồ. Có những đoạn mà 3-4 nhà chung một số cùng mở tiệm cầm đồ. Nhìn vào trong, nhà nào nhà nấy case máy tính xếp dài san sát. Ngoài ra xe máy, xe đạp, màn hình máy tính, chưa kể những thứ... không nhìn thấy được như chứng minh thư, thẻ sinh viên, dây chuyền, nhẫn vàng v.v...

Có một điều khá "tiện lợi" cho giới sinh viên (hay chủ tiệm cầm đồ?) ở khu vực này là từ con phố máy tính Lê Thanh Nghị, chỉ cần qua một vài trăm mét trên phố Tạ Quang Bửu là sang tới Bạch Mai. Và điều khôi hài là hàng tuần, hàng tháng liên tục có sự luân chuyển case, màn hình LCD, laptop... từ Lê Thanh Nghị vào ký túc xá, phòng trọ của sinh viên rồi ra thẳng... Bạch Mai. Bình thường, mỗi thứ đồ đem cắm chủ nhân chỉ nhận được số tiền bằng khoảng 1/3 giá trị. Cụ thể như 1 chiếc case trị giá 6 triệu đồng đem cắm được tầm 2 triệu. Mỗi ngày phải trả lãi 3-5 ngàn đồng. Nếu để quá một tuần mà không gia hạn, vật ấy sẽ chính thức... "lên đường đi Tây Trúc".

Phố Lương Thế Vinh có thể coi là "thánh địa cầm đồ" của sinh viên các trường đại học: Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Hà Nội... Con phố chỉ dài mấy trăm mét mà cũng có tới hơn chục tiệm cầm đồ. Ở đây, người ta có thể cắm được đủ loại, từ chổi cùn rế rách cho tới hàng cao cấp. Ví dụ như thắt lưng, ví da được từ 50-100 ngàn đồng, xe đạp 100-150 ngàn. Xe máy, máy tính thì tùy loại. Đặc biệt, thẻ sinh viên, chứng minh thư, bằng tốt nghiệp... cũng có thể mang ra tiệm để "xoay” lấy một ít tiền. Những loại này chỉ được chừng 100-500 ngàn đồng.

Các tiệm cầm đồ khu vực Ao sen (cuối đường Nguyễn Trãi, gần Hà Đông) và khu vực Cổ Nhuế (phía nam cầu Thăng Long) lại đặc biệt khoái "món" thẻ học viên của các sinh viên. Mỗi chiếc có thể định giá từ 3-5 triệu đồng - đắt nhất trong các trường đại học. Tại khu vực huyện Từ Liêm, nơi tập trung khá nhiều trường đại học, cao đẳng như Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Tài Chính, Cao đẳng Tài nguyên - Môi trường..., các cửa hàng cầm đồ cũng mọc lên nhan nhản.

Cầm đồ - cầm cố cả tương lai

Phạm Văn T. - sinh viên năm cuối Trường đại học Bách khoa - là một trong những "khách hàng quen thuộc" của các tiệm cầm đồ trên phố Bạch Mai. T. rất thông minh, bạn bè học cùng từ thời phổ thông cho tới đại học đều phải công nhận như vậy, song lại học hành rất tài tử. Học được kỳ đầu năm thứ nhất, T. lĩnh xong học bổng liền "khao" đám bạn ở cửa hàng điện tử. Không ngờ, đó đã trở thành vết trượt khiến cậu chết chìm trong đó.

T. nghiện "đế chế", và tuần nào cũng phải đi "đọ tài" cùng các cao thủ trên mạng. Dần dà, T. cùng nhóm bạn lập hội đánh ăn tiền. Và thế là bao nhiêu thời gian, công sức T. dồn cho niềm đam mê bất tận là đế chế. Chơi có thắng, có thua, chỉ biết rằng tiền học phí bố mẹ cho, tiền ăn, tiêu hàng tháng bị T. ném hết vào trò chơi này. Đỉnh điểm, chiếc máy tính mà cậu coi như "tri kỷ" cũng bị ném vào cửa hiệu cầm đồ để lấy tiền đi thi đấu. Học hành chểnh mảng, T. đã bị nhà trường “mời” ở lại học tiếp để kiến thức cho thêm phần chắc chắn.

Tuy thế, "trình độ cầm đồ" của T. chỉ đáng "xách dép" cho Nguyễn Minh Đ., sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân. Là dân Hà Nội gốc, Đ. được cha mẹ tạo điều kiện sắm cho xe đẹp, điện thoại xịn... Thế nhưng sẵn có máu đỏ đen trong người, chỉ cần 1-2 trận bóng là "đi đứt" con xe. Còn con điện thoại cáu cạnh cũng được gửi tạm ở tiệm cầm đồ để rải lô, đề nhằm gỡ gạc.

Sau khi đám đồ của mình đã ra đi không hẹn ngày về, Đ. quay sang đồ của... bạn. Biết Đ. là công tử Hà thành, bạn bè cũng chả nghi ngờ gì mà không giao chìa khóa xe cho cậu ta. Một cái, hai cái, ba cái... cho đến cái thứ bảy thì Đ. mò về nhà nằm vật ra... ăn vạ. Mẹ Đ. xót con, mới hỏi nguyên do. Đ. vừa thẽ thọt với mẹ thì ông bố nghe được. Ông nổi giận lôi đình, cho Đ. thưởng thức tác phẩm "năm anh em đi tìm má" rồi đuổi thẳng cổ. Bà mẹ chờ cho chồng nguôi giận mới lén dẫn Đ. đi chuộc đủ 7 chiếc xe về cho con rồi bắt Đ. viết "bản kiểm điểm", "hứa sẽ cải tạo tốt".

Sau một tuần tỏ ra ngoan ngoãn, một ngày nọ bà mẹ không thấy Đ. về nhà ăn cơm. Gọi điện thoại cho các bạn cũng không thấy cậu quý tử đâu. Đang định đi báo công an thì Đ. gọi điện về khóc mếu: "Con đang ở trong... Đồng Nai. Con trót cắm xe của bạn, bọn nó siết nợ ghê quá...". Bà mẹ hoảng hồn: "Con cắm ở đâu? Làm gì đến nỗi phải trốn vào tận trong đó hả con ơi?". Lúc bấy giờ Đ. mới "lật bài ngửa": "Con cắm chiếc... Honda Civic của bạn cơ ạ"... Cuối cùng thì xe cũng về với chủ, Đ. cũng trở lại Hà Nội. Thế nhưng từ đó, Đ. được... nghỉ học hẳn. Suốt ngày ở nhà dưới sự quản thúc của mama.--PageBreak--

Những hậu quả mà Phạm Văn T., Nguyễn Minh Đ. gây ra sau một thời gian làm bạn với các tiệm cầm đồ như trên mới chỉ dừng lại ở phạm vi ảnh hưởng với bản thân và gia đình. Theo một điều tra viên cao cấp của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội thì năm nào đơn vị này cũng phải thụ lý những vụ mà học sinh, sinh viên trộm cắp, thậm chí cướp giật đồ rồi mang đi cắm để lấy tiền ăn chơi. Điển hình là vụ đối tượng Lê Anh Tạo, sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ kỹ thuật Thái Nguyên đã dùng dao cướp xe ôm vào đầu năm ngoái.

Đêm 4/2/2009, tại khu vực bãi An Dương, quận Tây Hồ xảy ra vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là anh Lê Văn Duy trú tại thôn Lương Nỗ (Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội). Anh làm nghề "xe ôm", đã bị một nam thanh niên điều đến khu vực phía trong bãi An Dương, dùng dao nhọn đe dọa và dùng dây điện, vật cứng tấn công vào đầu, cổ làm anh bị ngất, để cướp chiếc xe máy Honda Wave và 1 chiếc điện thoại di động Nokia.

Lực lượng chức năng đã ngay lập tức tổ chức điều tra, truy bắt đối tượng gây án. Người bị hại cho biết, 22h đêm 4/2, anh Duy điều khiển chiếc xe Honda Wave, màu xanh, BKS: 29T2-9024, đứng chờ khách ở Quốc lộ 3, gần ga Đông Anh. Lát sau một nam thanh niên dáng người nhỏ con, mái tóc dài phủ sau gáy, mặc áo bludong màu tối, quần bò màu xanh, chân đi giày thể thao có hoa văn màu trắng đến thuê 1 cuốc xe. Sau khi thỏa thuận giá cả, người thanh niên leo lên xe ngồi rồi "điều" lái xe chạy lòng vòng khắp nơi. Cuối cùng đối tượng này đòi vào nhà bạn ở khu An Dương.

Đến một đoạn đường lầy lội và vắng vẻ, vị khách bất ngờ rút trong người ra 1 con dao bấm, loại dao nhọn, vung lên dọa anh Duy. Thấy vậy, anh Duy gạt chân chống xe máy, định nhảy khỏi xe đã bị đối tượng dùng sợi dây điện thít cổ. Tuy nhiên, anh Duy đã vùng vẫy thoát được sự khống chế bằng dây điện của đối phương, nhưng lại bị hắn dùng gạch tấn công. Sau đó, anh Duy bị đối tượng dùng vật cứng đập liên tiếp vào đầu làm vỡ mũ bảo hiểm và ngất đi...

Căn cứ vào lời khai của người bị hại, lực lượng Chống tội phạm cướp - cướp giật tài sản (Đội 8), Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Tây Hồ đã tổ chức rà soát tất cả các hiệu cầm đồ, cửa hàng sửa chữa điện thoại trên địa bàn thành phố để truy tìm tang vật vụ cướp. Song song với việc đó, lực lượng phá án đã gửi thông báo truy tìm tang vật vụ cướp và thông báo đặc điểm đối tượng nghi vấn tới Công an các quận, huyện để cùng phối hợp phát hiện, truy bắt hung thủ.

Nhóm sinh viên Đạt "ma", Đạt "chuột", Thắng và Triển chuyên đi cướp giật, gửi ở tiệm cầm đồ để lấy tiền uống cà phê!

Trong quá trình điều tra, lực lượng phá án đã phát hiện chiếc điện thoại di động tang vật vụ cướp đang nằm tại một hiệu cầm đồ ở phố Đặng Dung, quận Ba Đình. Theo người chủ cửa hàng, có một nam thanh niên đã tới đây đặt chiếc điện thoại. Qua mô tả nhận dạng người thanh niên này, Cơ quan Công an thấy hoàn toàn trùng khớp với đối tượng đã gây ra vụ giết, cướp trên.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan điều tra đã nhanh chóng tìm ra thủ phạm là Lê Anh Tạo, sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ kỹ thuật Thái Nguyên. Tại Cơ quan điều tra, Tạo khai nhận: Gia đình y sống ở Khu 3, xã Liên Phương (Hạ Hòa, Phú Thọ). Là con một trong gia đình bố mẹ làm nghề nông, sau khi tốt nghiệp THPT năm 2008, Tạo được gia đình cho lên nhà bác ở tổ 14, thị trấn Đông Anh ở để theo học Trường cao đẳng Công nghệ kỹ thuật. Tuy nhiên, Tạo đã phụ công nuôi dạy của bố mẹ, ham chơi bời và thường xuyên vào các quán Internet để chát tìm bạn và chơi game thâu đêm suốt sáng. "Mục đích đi cướp tài sản để có tiền chơi điện tử và chát trên mạng Internet".

Gần đây nhất, ngày 1/4/2010 tổ công tác của Đội 8, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội, phát hiện hai thanh niên giật đồ của một phụ nữ. Cuộc rượt đuổi kéo dài tới vài kilômét, tổ công tác mới tóm được hai tên cướp táo tợn. Tại Cơ quan điều tra, chúng khai tên là Khúc Thành Đạt, tức Đạt "ma" trú tại quận Thanh Xuân và Trần Xuân Đạt, tức Đạt "chuột".

Chúng khai nhận, từ tháng 8/2009 đến nay, cả hai cùng với Trần Ngọc Thắng (trú tại quận Thanh Xuân) và Nguyễn Mạnh Triển (trú tại quận Đống Đa) đã gây ra 15 vụ cướp giật trên các tuyến phố. Thời gian hoạt động của bọn chúng thường từ 19 đến 21h, nạn nhân đa phần là phụ nữ, những người đi bộ, xe đạp hoặc chạy xe máy một mình. Những món đồ cướp được, chúng đem “gửi” hết tại các tiệm cầm đồ để lấy tiền đi... uống cà phê! Điều đáng buồn là 3 trong số 4 thanh niên này là sinh viên của một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội.

Với hành vi trên, các đối tượng chắc chắn sẽ được “mời” đi "bóc lịch", ít nhất là vài ba năm. Một tương lai mịt mờ đang chờ đón chúng...

Nếu như Lương Thế Vinh, Bạch Mai được coi là phố cầm đồ cho "dân nhà quê" thì phố Đặng Dung, Phùng Hưng... lại được biết đến là nơi chỉ dành cho dân chơi, người lắm tiền.

(Còn nữa)

Minh Tiến
.
.