"Cận cảnh" cascadeur số 1 Việt Nam

Thứ Ba, 08/02/2011, 10:55
Tại Việt Nam, dù rất yêu nghề nhưng hầu như không có cascadeur nào sống được bằng cái nghiệp mà chuyện sinh tử cách nhau chỉ một lằn ranh...

Tôi gặp Quốc Thịnh ở  Công an quận Gò Vấp, TP HCM khi anh đang thực hiện bộ phim 30 tập “Vườn Đời” trong vai trò đạo diễn. Cao lớn, giọng trầm nhẹ, khuôn mặt góc cạnh ưa nhìn, Thịnh lại không có vẻ đẹp tài tử của điện ảnh. Tuổi 20 bước chân vào điện ảnh với niềm đam mê, Thịnh biết đâu là lợi thế của mình, từ một diễn viên quần chúng rồi diễn viên đóng thế, chỉ đạo võ thuật, sau đó trở thành đạo diễn, con đường điện ảnh của người được mệnh danh là cascadeur số 1 Việt Nam đầy chông gai, nhiều mồ hôi và cả máu...

Khi Cascadeur chỉ là diễn viên... quần chúng

Nghề cascadeur tại Việt Nam bắt đầu hình thành năm 1990 trong các bộ phim "Lửa cháy thành Đại La", "Ngọc Trản thần công", "Thăng Long đệ nhất kiếm", "Thanh gươm để lại". Những người tiên phong là Lê Tiến Dũng, Lữ Đắc Long, Lê Công Thế, Võ sư Thu Vân cùng một số võ sư yêu thích phim ảnh như: Quốc Cường, Hồ Lê Nguyên Khôi… thành lập CLB Cascadeur và do anh Hoàng Triều được bầu làm chủ nhiệm. Đây được xem là lớp tiên phong của cascadeur Việt Nam trong thời kỳ phôi thai. Đến lớp cascadeur thứ 2 bắt đầu hình thành với Quốc Thịnh, Huỳnh Phú, Văn Lành, Hữu Đức, Kim Thoa.

Thoạt đầu các cascadeur đến với nghề giống như những cuộc dạo chơi trong các vở cải lương video như: "Kim Vân Kiều", "Lưu Kim Đính", "Tiết Nhơn Quý", "Bão táp Nguyên Phong"... có khi tiền cát-sê chỉ là một... chầu nước. Đến khi được đạo diễn Lý Huỳnh mời tham gia các bộ phim: "Thăng Long đệ nhất kiếm", "Thanh gươm để lại", "Võ sĩ bất đắc dĩ"... thì giá "thầu" trọn gói cho một bộ phim gồm các động tác nhào lộn, phi thân, bay đá... và thế vai cho gần 20 diễn viên, cascadeur được lãnh đúng... 400 ngàn, tương đương 1 chỉ vàng 9999 khi ấy.

Cho đến giờ, vai diễn lớn nhất của diễn viên Quốc Thịnh là vai nhà báo Tám Tâm trong bộ phim dài tập "Dưới cờ đại nghĩa", một vai diễn dài hơi và có chiều sâu nội tâm khiến khán giả phải nhớ đến khuôn mặt của "Tám Tâm" Quốc Thịnh. Đây cũng là bộ phim Thịnh được giao vai trò chỉ đạo võ thuật.

Hỏi Thịnh có nhớ mình đã tham gia bao nhiêu phim không? Thịnh chỉ cười bảo nhớ thì không hết, bởi có vai diễn anh chỉ lướt qua màn ảnh, có vai diễn chỉ nói được một câu. Thịnh là lứa diễn viên cùng thời với những Lý Hùng, Diễm My, nhưng khi Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm My đã là sao, thì Thịnh vẫn hài lòng với những vai diễn quần chúng.

Tốt nghiệp PTTH, Thịnh định thi vào Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM nhưng thấy mình ngoại hình khiêm tốn, anh quyết định thi và vào học khoa Điện lạnh Trường đại học Thủy sản để thủ sẵn một nghề "tay phải". Năm 1992, nghe tin võ sư Thu Vân, cùng cascadeur Lê Minh Dũng mở CLB Cascadeur, vốn là một môn sinh võ cổ truyền, Thịnh liền đến xin gia nhập.

Với chiếc xe đạp cà tàng, sáng nào anh cũng đi học ở trường, trưa đi tập cascadeur, chiều đi học tiếp, tối đến học cascadeur. Vừa học chữ, Thịnh vừa học võ và theo các võ đường đi đóng vai quần chúng trong các phim "Lửa cháy thành Đại La", Phạm Công Cúc Hoa. Quốc Thịnh đã tham gia phim "ngắn Thoát hiểm" với những pha rượt đuổi ly kỳ.

Một bước ngoặt đã đến với Thịnh có khi là đối với cả làng cascadeur Việt Nam là sự kiện võ sư kiêm chỉ đạo võ thuật Trần Hùng Tinh của Hồng Công sang làm phim "Hồng hải tặc" quyết định chọn Quốc Thịnh làm cascadeur đóng thế cho diễn viên chính Lý Hùng. Quốc Thịnh kể lại: "Đầu năm 1996, khi tham gia phim "Hồng hải tặc". Ông Trần Hùng Tinh chỉ cho tôi tỉ mỉ đặc trưng của võ thuật trong điện ảnh, kinh nghiệm trong dàn dựng phim hành động, cách chọn góc máy, cỡ hình sao cho lôi cuốn liên tục. Tôi ghi lại và xách máy quay video... loại bèo để thực tập, kiểm tra, so sánh...".

Quay xong phim “Hồng hải tặc”, ít lâu sau Trần Hùng Tinh lại sang Việt Nam mang cho anh hai cuốn băng video và bảo anh xem, sau đó bắt anh phân tích lại từng cảnh quay, từng thế đánh cho ông xem. Nhờ có "học" bài bản, sau đó, những bộ phim hành động do diễn viên Quốc Thịnh trong vai trò một cascadeur chuyên nghiệp liên tục xuất hiện trên màn ảnh; "Xích lô" (phim Pháp), "Kế hoạch 99", "Người hai mặt" (Ấn Độ), "Người Mỹ trầm lặng"...

Thịnh cũng đã đóng thế cho hầu hết những diễn viên, ca sĩ nổi tiếng như Huỳnh Anh Tuấn, Lý Hùng, Hoàng Phúc, Lê Anh Tuấn, Lam Trường, Đan Trường. Từ phi thân trên không trung, đua xe môtô, rơi người từ trên núi xuống, đu dây tử thần, cháy người, cho xe ôtô đụng, té ngựa, té xe môtô, mìn nổ, tung người trên không trung, té thác, phi thân trên ngọn cây, yêu nghề, Quốc Thịnh không nề hà bất kỳ cảnh quay khó nào...

Những năm 1997-1998, điện ảnh Việt Nam tụt dốc, những phim thị trường không còn chỗ đứng, nhiều anh em cascadeur bỏ nghề, Thịnh cùng một vài anh em tâm huyết chuyển qua đóng thế cho phim ca nhạc, sân khấu để có thêm thu nhập nuôi nghề rồi thành lập Nhóm cascadeur Quốc Thịnh với  8 thành viên.

Sinh nghề tử nghiệp

Kinh phí  riêng để thực hiện những màn cascadeur đối với  điện ảnh Việt Nam vẫn là một giấc mơ quá xa xỉ. Bởi thế mới có chuyện nếu tại Việt Nam một cảnh đánh nhau khiến 5 người bay tung lên đã là ghê gớm thì tại Ấn Độ, người ta sử dụng cả 100 cascadeur chỉ để có thêm 1 phút phim hoành tráng. Chính vì điều kiện thiếu thốn như vậy nên chuyện tai nạn với cascadeur là bình thường.

Gần 20 năm trong nghề cascadeur, Thịnh không ít lần bị thương rất nặng. Quốc Thịnh kể lại: "Trong một lần diễn tập tình huống cùng một cascadeur người Thụy Sĩ: anh ta lái ôtô tông thẳng vào tôi, bỗng một miếng sắt - bộ phận chế thêm gắn vào ôtô - bất ngờ bung ra và cắt ngang đầu tôi. Lập tức tôi được đưa vào bệnh viện, một vết đứt rất sâu và dài phải may 16 mũi. Đận ấy, bác sĩ tưởng tôi đi chém nhau nên mới bị thương!

Pha thứ hai là pha "đu dây tử thần" trong phim “Hồng hải tặc”. Pha này quay tại các thác ĐamRi, Bảo Lộc, Lâm Đồng ở độ cao 57m với thời gian từ đỉnh đến đáy chỉ 5 giây. Trong quá trình quay phim, bị đứt dây liên tiếp ba lần, suýt chết! Lại có lần, tôi rơi từ nóc nhà cao 7m xuống đất, chân đập vào đá. Lần khác, tôi rơi lộn nhào từ trên cao 10m xuống… tấm nệm diện tích chỉ 1 x 2m, chỉ chệch một tí là... không có đạo diễn Quốc Thịnh rồi"...

Gác qua chuyện rủi ro, tai nạn, Quốc Thịnh cho rằng, cái khó của người đóng thế không chỉ là kỹ năng chuyên môn, sự liều lĩnh mà còn là khả năng diễn xuất - yếu tố hình thể. Hình thể là một trong những yếu tố góp phần làm nên thương hiệu của một diễn viên đóng thế ở chốn hậu trường. Có thể họ nhào lộn rất hay, nhưng khi té, họ phải biết cách té như thế nào để người xem thấy như không diễn.

Làm cascadeur không có nghĩa là liều mạng, phải biết tính toán mọi việc, suy trước nghĩ sau, phân công đúng người đúng nghề, có như thế mới đảm bảo an toàn cho đồng đội. Quốc Thịnh, cho biết, khi làm việc cùng một đoàn làm phim Đức, phó đạo diễn phim này luôn là người kiểm định độ an toàn một cách gắt gao và cảnh báo kịp thời mức độ nguy hiểm cho diễn viên hay bất cứ ai trong đoàn phim trước khi vào một cảnh quay. Đến con dao đạo cụ, ông này cũng cầm tận tay, thử tới vài lần mới cho diễn viên sử dụng. Ở các đoàn phim trong nước, việc này gần như không có.

Rút tỉa không ít bài học từ tai nạn của chính mình, Thịnh tâm sự: "Khi làm việc, tôi không cho phép mình phân tâm với tư tưởng... cầu may. Tôi tập trung vào việc rèn luyện thể lực và tập luyện kỹ năng. Tập luyện càng nhiều càng tốt. Trước khi quyết định nhận việc hay không, tôi luôn xác định mức độ nguy hiểm của công việc và định lượng với mức độ đó xem khả năng cũng như điều kiện của mình có thể thực hiện thành công và đảm bảo an toàn hay không. Nếu thấy không ổn, tôi sẽ từ chối ngay".

Xin được kể thêm: Từ năm 2004 đến nay, nhóm cascadeur Quốc Thịnh đã có một hợp đồng cung cấp diễn viên đóng thế cho một nhà làm phim Ấn Độ. Khoảng 10 diễn viên thường xuyên duy trì công việc này và họ rất yên tâm vì tại đó, họ được bảo hiểm toàn bộ từ điều kiện làm việc đến những rủi ro có thể gặp phải. Trong khi đó, điện ảnh Việt Nam đã công nhận cascadeur là một nghề nhưng vẫn chưa có một chế độ bảo hiểm nào cho những diễn viên đặc biệt này. Mức cát-sê cơ bản hiện nay là: 300.000đ/ngày với phim truyền hình, 600.000đ/ngày cho phim điện ảnh hoặc ca nhạc, từ 800.000đ đến 1.000.000đ/ngày đối với phim quảng cáo. Khung giá này có thể thay đổi tùy theo mức độ nguy hiểm của công việc.

Khách quan mà nói, mức giá này chưa tương xứng với sự vất vả, nguy hiểm và những rủi ro mà cascadeur phải đối mặt. Chỉ cần một lần gặp tai nạn nghề nghiệp nghiêm trọng thì dù có gom hết tiền thù lao kiếm được trong 3 năm làm việc cật lực cũng không đủ trang trải chi phí điều trị thương tật! "Không có công ty bảo hiểm nào bán bảo hiểm tai nạn cho cascadeur cả!" - Quốc Thịnh buồn rầu.

Quốc Thịnh cho biết thêm, anh cũng như hầu hết những người theo đuổi nghề cascadeur đều ý thức được những rủi ro mà họ luôn luôn phải đương đầu khi làm việc nhưng khi đặt vấn đề mua bảo hiểm tai nạn với các nhà cung cấp bảo hiểm, đều bị từ chối.

Nhận lời mời của võ sư Thu Vân, Quốc Thịnh hiện giữ vai trò Chủ nhiệm CLB Cascadeur Trường đại học Hồng Bàng. Những người đến xin học nghề cascadeur cũng có nhiều loại, trong đó bằng con mắt nghề nghiệp Thịnh nhận ra không ít dân giang hồ tứ chiếng: cướp giật, xì ke ma túy, đua xe... nhưng Thịnh cứ cần mẫn dạy, dần dần yêu cầu họ tập võ không được hút thuốc lá, càng có võ càng phải sống điềm đạm không phá phách. Yêu thích nghề cascadeur rồi, tâm tính của họ cũng thay đổi, sống tốt hơn.

Đạo diễn Tường Phương cho biết: Sự đam mê, tâm huyết và những đóng góp lớn của Quốc Thịnh đối với hoạt động cascadeur của Việt Nam rất đáng quý và thật đáng trân trọng. Lòng dũng cảm, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp…, ngọn lửa ấy chẳng những Quốc Thịnh đã luôn giữ được cho mình mà anh còn truyền lại cho những người đi sau, để cống hiến cho xã hội một lực lượng cascadeur giỏi và tâm huyết với nghề.

Tôi hỏi Thịnh trong vai trò một đạo diễn thì sẽ như thế nào, khi mà những phim gần đây do anh làm đạo diễn như “Hương cỏ dại” (25 tập), “Những giấc mơ hồng” (đã nhận một giải thưởng) và “Cầu vồng đơn sắc” (28 tập) được khán giả đánh giá cao.

Thịnh trầm tư: "Cho dù làm cascadeur hay đạo diễn, hay làm bất cứ việc gì khác tôi cũng không hề nghĩ đến cái gọi là "nổi tiếng". Tôi chỉ làm việc với một tinh thần: cố gắng hết sức để làm thật tốt công việc của mình. Tôi vẫn mong mỏi được thực hiện một phim hành động, "kungfu" võ thuật Việt Nam!"

T.T.
.
.