Cánh tay giả “vẽ” nên cuộc đời

Thứ Tư, 02/12/2009, 16:30
Ngôi nhà ở một con ngõ nhỏ phố Đề Thám (TP Cần Thơ) nhiều năm nay đã trở thành một địa chỉ uy tín để các bà, các mẹ, các cô mê áo dài đến trang điểm cho tà áo của mình. Thật đặc biệt, người chủ của tiệm "make up" áo dài đó là một người đàn ông đã mất cả đôi bàn tay và một bên chân. Anh là Trần Hùng Bảo.

Vẽ bằng cánh tay sắt

Không khó để có thể tìm được Cơ sở vẽ tranh trên áo, lụa của anh Trần Hùng Bảo (số 72/14A Đề Thám, Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là một dãy áo dài treo trên giá trông rất bắt mắt. Lật từng tấm áo, tôi cảm nhận được nét vẽ vừa đẹp, màu sắc phù hợp từng loại vải, màu vải, đường nét mềm mại, uyển chuyển chứng tỏ người họa sĩ có con mắt thẩm mỹ cao.

Tác giả của những bức tranh trên áo, đồng thời cũng là ông chủ của cơ sở đang tiếp tục trang điểm cho một tà áo dài khác. Nếu không được tận mắt chứng kiến nét vẽ của người họa sĩ tài hoa, chắc ít người tưởng tượng được những chiếc áo dài do anh Bảo vẽ đã không ít lần "tung hoành" trên sân khấu.

Nhiều chiếc áo dài do anh vẽ đã tôn thêm vẻ đẹp cho các thí sinh tham gia cuộc thi hoa khôi khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cuộc trình diễn thời trang tại Hội chợ Thương mại quốc tế Cần Thơ...

Tất cả những tác phẩm đầy tính nghệ thuật trên đều được tạo nên bởi một cánh tay giả của anh Hùng Bảo. Cánh tay bằng thép, nối từ khuỷu tay chỉ thò ra 2 "ngón tay" cũng bằng thép, trông thật lạnh lùng, cứng nhắc. Hầu như tác dụng của nó chỉ như một gọng kìm, dùng để giữ đồ vật.

Vậy mà xem anh Bảo làm việc, người ta không còn phân biệt nổi gọng kìm với một bàn tay tài hoa. Bàn tay ấy thật linh hoạt, khéo léo khi căng tà áo dài lên phản, pha màu, cầm lấy bút lông và họa nên những tác phẩm đầy tính nghệ thuật cho tà áo dài.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi  khách hàng đưa áo đến nhờ anh thiết kế và vẽ mẫu. Mỗi lần khách đến, anh lại rút ra những tệp giấy dày được kẹp cẩn thận để họ chọn, lật tới lật lui rồi yêu cầu anh vẽ theo ý tưởng của họ.

Với cánh tay giả bằng sắt cứng đờ, nhờ hai cây móc, anh thuần thục kẹp chặt cây bút bi và hí hoáy phác thảo ý tưởng của khách... rồi cẩn thận ghi chú tên khách hàng, ngày giao hàng... "Mình phải lắng nghe ý kiến khách hàng; tư vấn thêm về màu sắc, hoa văn và kiểu vẽ để phù hợp với kiểu áo, loại vải. Nghề này ngồi mát nhưng hổng ăn bát vàng đâu nghen!" - anh phân bua.

Anh Bảo đang truyền nghề cho học trò.

Ngoài vẽ áo dài, áo đầm, áo kiểu... Bảo còn nhận in danh thiếp, thiệp cưới. Vừa nói anh vừa đưa tôi xem gần 100 mẫu vẽ các kiểu trông rất bắt mắt. Những mẫu này là gia tài quý báu cho nghề nghiệp mà anh đã tích lũy được suốt 26 năm theo nghề.

Những đóa cúc vàng nổi bật giữa nền nhung đen, điểm xuyết vài chiếc lá nhỏ làm chiếc áo dài trông thật sang trọng.

Thấy tôi chăm chú ngắm hàng chục chiếc áo dài vẽ xong treo trên móc, chờ giao hàng, Bảo cười: "Có khách thích mẫu áo hoa cúc tôi từng vẽ, lần sau kêu vẽ lại y chang mẫu ấy, tôi đành chịu. Tui làm không đơn thuần chỉ để kiếm cơm mà mỗi sản phẩm cũng là một tác phẩm nghệ thuật nho nhỏ" - anh bộc bạch.

Nghị lực phi thường

Sinh ra và lớn lên bên bờ con sông Hậu hiền lành, tuổi thơ của Hùng Bảo cũng êm đềm trôi qua với những trò tinh nghịch của trẻ con. Những buổi tắm sông, trèo me trèo sấu... cùng với chúng bạn. Căn nhà mái lá của ba mẹ Bảo nằm lọt thỏm trong một khu dân cư thuộc hàng trung lưu của thị xã Cần Thơ (tỉnh Hậu Giang cũ).

Năm 12 tuổi, khi đang học lớp 4 Trường tiểu học thị xã, Bảo "dính" một vụ tai nạn   đã khiến xoay chuyển cả cuộc đời anh. Đó là một buổi trưa, Bảo đang cùng bạn bè chơi đùa. Thấy tốp đá cầu đang loay hoay lấy quả cầu mắc trên đường dây điện giăng ngang nhà, Bảo xung phong lấy giùm. Bất ngờ, Bảo bị hút vào một dây điện rồi ngất đi.

Tỉnh dậy, Bảo thấy mình đang nằm trên chiếc giường trắng toát, xung quanh mùi ê te nồng nồng. Khẽ cựa mình, Bảo thấy đau ê ẩm, nhất là ở hai cánh tay và một bên chân. Dòng điện cao áp đã đốt cháy đôi bàn tay và một bên chân của Bảo.

Sau hơn một tháng nằm trong bệnh viện, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Cuộc đại phẫu ấy đã lấy đi của Bảo một cánh tay trái, một bên chân trái bị cắt tới đầu gối và quá nửa cánh tay phải. Sau này Bảo mới biết, do công tác sơ cứu và chữa trị ban đầu không chuẩn nên các vùng bàn tay, bàn chân bị hoại tử, phải cắt bỏ.

Bảo còn nhớ như in thời gian khủng khiếp đó. Từ một cậu bé tinh nghịch, ham bay nhảy sau 4 tháng nằm viện đã trở thành một người tàn tật giờ đây phải ngồi một chỗ. Nỗi thất vọng buồn chán khiến cậu cả ngày im lặng, không nói với ai một lời.

Thời gian sau, một tổ chức quốc tế đã đưa Bảo đi khám, đồng thời lắp cho tay phải của Bảo một cánh tay bằng thép.

Nhờ cánh tay đặc biệt này mà Bảo có thể nhúc nhắc cầm lấy đồ vật, làm một số việc đơn giản. Tự tập cho hai ngón tay giả ấy gắp những vật dễ như hòn bi, quyển sách... rồi tập cầm muỗng để ăn cơm, uống nước. Những ngày đầu vật lộn với các cơ cánh tay, cơ tay mỏi nhừ, đau buốt.

Lần đầu tiên khi hai ngón tay giả cầm được muỗng múc nước uống, anh mừng đến chảy nước mắt. Dần dần anh cầm cây vẽ nguệch ngoạc trên đất nào là quả bóng, cái lá... đến chim câu, ngôi nhà, những hình ảnh vốn dĩ rất thân thuộc xung quanh. Bạn bè, thầy cô đến thăm, ai cũng an ủi, động viên Bảo đi học lại. Ở nhà mãi cũng buồn, Bảo xin gia đình cho đến trường học nốt bậc tiểu học.

Cánh tay giả chỉ có 2 "ngón", Bảo bắt đầu bằng việc tập viết lại. Công việc thật vô cùng gian nan, vất vả vì cánh tay này có thể giúp anh cầm bút, song lại không có điểm tựa để viết. Thế là Bảo phải tập viết theo kiểu "thư pháp", nhưng lại bằng bút sắt.--PageBreak--

Nhớ lại những ngày tập viết bằng cánh tay giả, Bảo thấy còn khó hơn là hồi học lớp một. Nguyên chỉ việc cầm chặt được cái bút đã không hề đơn giản. Lắm khi cánh tay cứng đờ, chiếc bút rơi lúc nào không biết. Thế rồi phải tập điều khiển nó theo ý mình. Những nét đầu tiên nguệch ngoạc xấu hơn gà bới. Tập ngày tập đêm Bảo mới vẽ được những nét tròn song vẫn to cồ cộ. Đã có những lúc bất lực, Bảo ném bút vào một xó rồi nằm vật ra.

Bằng ý chí, nghị lực phi thường Bảo đã vượt qua hết bậc trung học cơ sở, rồi trung học phổ thông. Năm 1983, như bao bạn bè, anh nộp hồ sơ dự thi vào đại học. Ước mơ trở thành thầy giáo đã không thực hiện được do ngành sư phạm không nhận người khuyết tật nặng, còn những ngành khác anh cũng khó vào vì sức khỏe quá yếu. Anh bảo: "Tôi không chán nản, lúc ấy chỉ có cảm giác khó chịu thôi. Đã học hết cấp 3, tôi nghĩ mình sẽ phải làm được một việc gì đó”.

Lần nọ, Bảo được người cha cho đi cùng đến nhà một họa sĩ truyền thần. Sau lần ấy, anh nảy ra ý nghĩ tại sao mình không học vẽ để tự tạo tương lai. Hơn nữa, Bảo cũng thấy đây là công việc phù hợp, không đòi hỏi nhiều sức lực như lao động chân tay.

Được họa sĩ Trung Trí giới thiệu, anh theo học vẽ truyền thần tại nhà thầy Phận ở đường Tự Đức (nay là đường Lý Tự Trọng). Giống như ngày đầu mày mò học viết, bàn tay hai ngón lại run run pha màu, phác họa đường nét chân dung. Anh học được cách vẽ người, vẽ màu nước, luật phối cảnh, chép tranh...

Dần dà anh vẽ nhanh hơn, đường nét gãy gọn, chính xác hơn. Phương pháp học vẽ của Bảo rất đặc biệt. Anh đến lớp, ngồi nghe thầy giảng rồi cố gắng ghi nhớ trong đầu. Việc thực hành tại lớp Bảo cũng không làm được. Do phải vẽ trên giá, mà Bảo lại chỉ có 2 ngón tay nên không thể tự căng toan, dựng giá... Hơn nữa, anh cũng không có tiền mua vật liệu.

Anh Bảo có thể phối hợp giữa cánh tay sắt với bàn chân còn lại một cách khéo léo.

Sau những buổi học, Bảo chỉ biết về nhà dùng bút chì vẽ lại trên giấy những gì thầy dạy. Không biết là do Bảo có năng khiếu, hay do thiệt thòi hơn chúng bạn đã hun đúc cho anh ý chí vượt khó để có thể học rất nhanh những điều thầy dạy. Sau vài tuần, Bảo đã có thể phác họa khá chuẩn chân dung. Bảo thực tập từ người thân, rồi từ các bức ảnh ố cũ sau đó lại mang ra lớp nhờ thầy chỉ bảo thêm. Ít lâu sau, Bảo chính thức hành nghề.

Hạnh phúc mỉm cười

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số cùng chương trình xử lý ảnh photoshop, nghề vẽ truyền thần ngày càng trở nên khó khăn. Ngày càng có ít khách hàng đến tiệm vẽ truyền thần của Bảo hơn, thu nhập cũng vì thế mà ít đi hẳn.

Nhận thấy tại địa phương xuất hiện một nghề mới là vẽ áo dài, anh Bảo lại dành dụm chút vốn liếng xin theo học. Cũng như thời gian học vẽ truyền thần, mỗi khi đến lớp Bảo chỉ biết nghe và nhìn, về nhà mới mày mò vẽ thực hành để hôm sau mang đến nhờ thầy sửa. Mẫu vẽ đầu tiên, Bảo lôi luôn chiếc áo sơmi của mình ra thử nghiệm. Rồi tới áo dài của mẹ, của vợ cũng được Bảo lấy ra để luyện bút.

Dần dà, anh rút ra được nhiều kinh nghiệm như mỗi loại vải ăn khớp với màu gì, cách phối màu sao cho hài hòa. Bên cạnh đó, anh cũng không quản ngại ngày ngày chống nạng gỗ đến học hỏi những bạn nghề đã mở tiệm trước anh. Không có tiền mua màu, anh đem món tiền ít ỏi tích cóp được đến nhà cô giáo xin chia lại từng hũ màu nhỏ xíu để vẽ. Thế rồi khi tay vẽ đã cứng, Bảo mở tiệm “Chuyên vẽ áo dài”.

Ban đầu những người quen tìm đến anh để ủng hộ với chút tò mò xem anh vẽ áo như thế nào. Rồi tiếng lành đồn xa, khách tìm đến càng đông. "Khi nhận chiếc áo đầu tiên để vẽ, tôi run lắm. Nhưng rồi tôi tự nhủ phải tự tin và làm hết sức mình" - anh tâm sự. Thấy anh vẽ đẹp, giá lại “mềm” nên ngày càng đông khách đến đặt.

Để tạo hình nổi, màu sắc áo có nét độc đáo riêng, anh mày mò sáng tạo lấy ngẫu hứng từ sự biến đổi không ngừng của thiên nhiên. Anh nói: "Khách xem báo, tranh ảnh... thấy kiểu đẹp là đem đến nhờ tôi vẽ. Nhiều kiểu chỉ thấy bên trái nên phải suy nghĩ để vẽ bên phải. Những hình nào quá nhỏ thì lấy kính lúp để xem và vẽ theo từng chi tiết một. Cực mà vui, học hỏi thêm nhiều cái mới".

Càng ngày nét vẽ của anh càng được nhiều người yêu thích. Nhiều người mẫu đã mang áo đến nhờ anh vẽ. Anh cười: "Bây giờ nhiều áo model quá, lại toàn loại đắt tiền, trật một tí là... tiêu".Hỏi về chuyện riêng tư, Hùng Bảo cười bẽn lẽn: "Chuyện này hơi khó nói".

Thế rồi anh cũng tâm sự, vợ anh là chị Nguyễn Thị Yến vốn là bạn học thời phổ thông với anh. Cảm phục trước nghị lực phi thường của Hùng Bảo, người con gái thùy mị, nết na đất Tây Đô đã vượt qua mọi lời dị nghị để xây dựng gia đình với anh. Sau 20 năm chung sống, niềm hãnh diện lớn nhất của vợ chồng anh là hai cô con gái: Trần Phạm Bảo Khoa (đang là sinh viên Trường đại học Cần Thơ) và Trần Phạm Bảo Vân (hiện là học sinh tiểu học).

Những ngày tháng khó khăn qua đi, không chỉ lo kinh tế cho gia đình, Hùng Bảo còn tham gia Ban điều hành Câu lạc bộ Người khuyết tật TP Cần Thơ (cũ). Sau do công việc nhiều, anh rút lui nhưng vẫn là thành viên của CLB. Khi các bạn khuyết tật có ý định học nghề vẽ áo, anh đều nhận dạy miễn phí. Từ lúc khởi nghiệp đến nay, Hùng Bảo đã dạy khoảng 100 học trò, trong đó có không ít người khuyết tật.

Được trở thành thầy giáo - ước mơ từ khi còn là học sinh phổ thông trung học, anh cảm thấy lòng lâng lâng khó tả

Minh Tiến
.
.