Cầu thủ gốc Phi và “thiên đường” mang tên V-League (kỳ 2)

Thứ Sáu, 01/08/2008, 08:00
Bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến bi kịch của Obode, một cầu thủ gốc Phi sang Việt Nam tìm giấc mộng V-League. Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả. Trong số rất nhiều cầu thủ ngoại đang có mặt ở nước ta, số cầu thủ kiếm được việc làm và thành công là rất ít.

Những cầu thủ không có việc làm còn đau đớn hơn nhiều, nhiều người trong số họ đã sa ngã, trở thành lưu manh và mại dâm nam, có lẽ chưa có cầu thủ nước ngoài nào nghĩ đến kết cục đau buồn này trước khi họ đặt chân đến chốn mà họ ngỡ là “thiên đường bóng đá”...

Cầu thủ ngoại xách giày đi “đá phủi”

Những năm lên chuyên nghiệp, dòng cầu thủ ngoại, phần đông là các cầu thủ gốc Phi đổ về Việt Nam với số lượng rất lớn. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì họ nghĩ Việt Nam là “vùng trũng” của bóng đá thế giới, trình độ bóng đá ở đây rất kém, ai cũng có thể chơi được, chỉ cần biết sút bóng cũng có thể kiếm hàng nghìn USD mỗi tháng, quả là số tiền mơ ước đối với các nước ở những vùng đất đói nghèo như Nigeria, Cameron, Uganda...

Đa số các cầu thủ ngoại sang Việt Nam qua các “cò môi giới”. Để sang được Việt Nam và thử việc trong một câu lạc bộ, các cầu thủ phải mất rất nhiều tiền cho “cò”. Những trường hợp sang Việt Nam, thử việc nhưng không được ký hợp đồng thì các cầu thủ phải tự... chịu trách nhiệm.

Nhiều cầu thủ tự do cũng không cần qua “cò”, tự đến Việt Nam, hoặc nhờ bạn bè giới thiệu, nhưng đến Việt Nam, tất cả đều phải tự “bơi”, vài cầu thủ biết tiếng Anh còn dễ sống, nhiều người một chữ bẻ đôi không biết, đến mua cái bánh mỳ cũng phải ra dấu mỏi tay người bán mới hiểu. Chỉ đến khi đánh đổi nhiều thứ để qua Việt Nam họ mới biết, trình độ V-League không tệ, không phải ai cũng có thể kiếm được việc làm. Số cầu thủ nước ngoài không có việc làm lang thang ngày một nhiều.

Obode cho biết, anh và người đồng hương Philip sang Việt Nam cùng đợt đã từng đi làm phu hồ và thợ mộc ở TP HCM, Long An để kiếm tiền trả tiền trọ, sống qua ngày. Sở dĩ cả hai chưa dám về nước vì ở nhà nợ nhiều quá, biết anh về tay trắng, các chủ nợ chắc chắn sẽ kéo đến và gia đình chỉ có nước... ra đường. Obode đã nghĩ, cứ bám trụ ở Việt Nam chờ cơ hội.

Theo Obode thì hiện ở TP HCM có gần ngàn cầu thủ gốc Phi như anh, sang Việt Nam đá bóng nhưng không xin được việc, cũng không có tiền mua vé máy bay về nước, phải ở lại và chờ một cơ may.

Obode cho biết thêm, hiện có không ít cầu thủ nước ngoài không có việc làm, cũng không muốn làm những công việc nặng nhọc, đã hành nghề lừa đảo, thậm chí làm nghề “trai bao” để kiếm tiền.

Người về nước không bao nhiêu nhưng người nhập cảnh đến Việt Nam ngày một nhiều. Thế mới có chuyện, hàng chục cầu thủ ngoại thường xuyên vật vờ ở khu “phố Tây”, tụ họp như lao động ngoại tỉnh “ở ta” lên thành phố đứng chờ việc làm. Các cầu thủ gốc Phi thất nghiệp tại “phố Tây” tập trung thành một đội ngũ chuyên đá “phủi” - đá thuê cho các giải phong trào.

Vào các ngày cuối tuần, đến các sân của TP HCM, Cây Sộp (quận 12), Thành Long, Đầm Sen hay Cây Trâm (Gò Vấp)... xem các giải phong trào, trận đấu nào cũng có thể bắt gặp vài cầu thủ ngoại tham gia đá “phủi”. Việc tham gia đá “phủi” cho các giải phong trào, mỗi trận đấu, cầu thủ cũng được 100 - 200 nghìn đồng.

Đến khu phố Tây, chúng tôi nghe đủ chuyện hỉ, nộ, ái ố liên quan đến những cầu thủ gốc Phi này, phần nhiều trong số đó là những vụ việc rắc rối: xô xát, cặp kè, lừa đảo, ăn chịu, xin tiền những phụ nữ nhẹ dạ cả tin, chủ nhà bị họ quịt tiền thuê nhà...

Một người bán nước giải khát tại hẻm 35, khu phố 4, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, cho biết: “Cứ vài bữa lại thấy Công an phường dẫn về trụ sở một vài thanh niên da màu. Có khi đêm về, nhìn họ nằm vạ vật bên hiên nhà, mặc độc một chiếc áo ba lỗ, giày đi chiếc nọ, chiếc kia, ăn toàn cơm trắng nước tương, như những người hành khất, thấy cũng tội...”!

“Đói ăn vụng, túng làm liều”

Một cán bộ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an TP HCM (PA18) cho biết: phần lớn các cầu thủ gốc Phi được mời lên PA18 không có khả năng tài chính, ý thức chấp hành pháp luật kém. Hiện nay, mức độ vi phạm pháp luật của những cầu thủ thất nghiệp gốc Phi ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp...

Tại PA18, chúng tôi ghi được những vụ án thế này: Vào lúc 9h ngày 22/4/2008, trước số nhà 12 Đỗ Quang Đẩu, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, một người khách nước ngoài da đen đến gặp chị Nguyễn Thị Hồng Nga, chủ một cửa hàng ĐTDĐ, hỏi mua sim card, lợi dụng lúc chị Hồng sơ hở, người này lấy trộm chiếc ĐTDĐ Nokia 7210 rồi chạy thoát.

10h cùng ngày, chị Nga phát hiện người nước ngoài trên đang ở khách sạn N.N., cách cửa hàng của chị Nga không xa. Chị Nga đã báo Công an phường. Tại đây, người này khai tên Upaezuonu Kosieme, 29 tuổi, quốc tịch Nigeria, nhập cảnh vào Việt Nam để xin thử việc đá bóng, đã quá hạn visa, ở trọ tại khách sạn N.N. từ ngày 15/4. Kosieme khai nhận lấy trộm điện thoại của chị Nga để bán lấy tiền... ăn cơm, nhưng chưa bán được thì bị phát hiện. Tính theo giá thị trường, chiếc ĐTDĐ Nokia 7210 khi ấy có giá khoảng... 200 ngàn đồng.

Kosieme cũng khai thật thà rằng, y chẳng biết sẽ đem chiếc điện thoại cướp được tiêu thụ nơi nào!? Số tiền nhỏ, Cơ quan Công an không thể xử lý hình sự Kosieme, phạt hành chính thì y không có tiền. Công an quận 1 đã đề xuất Công an TP HCM buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam đối với Kosieme...

Ogbuotobo Nwabustephen nhập cảnh vào Việt Nam ngày 16/11/2007 để xin thử việc đá bóng tại Việt Nam. Ogbuotobo đi cùng với 4 người đồng hương, đều quốc tịch Nigeria. Ogbuotobo và các bạn của mình đã đi rất nhiều câu lạc bộ tại Việt Nam nhưng đều không được nhận. Ogbuotobo phải trở về phố Tây sống “tạm”, chờ thời.

19h ngày 9/2/2008, Ogbuotobo đón taxi Mai Linh đi từ Bùi Viện đến đường Đông Du. Đến nơi, chỉ mất hơn 20.000 đồng nhưng Ogbuotobo đã rút hẳn tờ bạc mệnh giá 100 USD, yêu cầu đổi lại tiền Việt. Nghi ngờ tiền giả, tài xế của Mai Linh đã giữ lại tờ giấy bạc, Ogbuotobo giật lại nhưng không được đành bỏ chạy và bị Công an phường Bến Nghé bắt giữ về tội lưu hành tiền giả. Tại Cơ quan điều tra, Ogbuotobo khai do anh trai của y tên Austen đưa cho y từ 2 tuần trước tại một quán cà phê ở “phố Tây”...--PageBreak--

Ngày 27/8/2003, hai cầu thủ bóng đá là Anthony, 40 tuổi, quốc tịch Jamaica và Chambo, 33 tuổi, quốc tịch Mozambich đã bị bắt và trục xuất khỏi Việt Nam vì hành vi lừa đảo. Trước đó, Anthony và Chambo đã lừa một nhân viên của một tổ chức quốc tế đang làm việc tại Hà Nội với trò “ảo thuật” biến 2,5 triệu USD giả thành USD thật.

Tuy nhiên, hành vi lừa đảo này đã bị tố giác và 2 gã cầu thủ này bị bắt. Vụ án này dường như là khởi đầu cho việc lừa đảo không chuyên nghiệp, những người cùng đường, những phi vụ lừa đảo bằng tẩy rửa đôla ngày một nhiều. Sau vụ án này, đã có hàng chục vụ lừa đảo bằng tẩy rửa đôla tương tự như thế xảy ra tại Việt Nam...

Tang vật một vụ tẩy rửa đôla bị phát hiện, thu giữ.

Mới đây nhất, ngày 8/4/2008, Công an TP HCM ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ OkoroJi Promse (31 tuổi, quốc tịch Nigeria) để tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chiêu thức tẩy rửa đôla.

Vào cùng ngày, khám xét căn nhà trong hẻm ở đường Dương Bá Trạc, phường 2, quận 8 do OkoroJi Promse tên thường gọi là Adam thuê ở, Cơ quan điều tra thu giữ một số giấy tờ cá nhân liên quan như hộ chiếu A3747642A số thị thực K0084587.

Khoảng cuối tháng 2/2008, thông qua liên lạc thư điện tử trên mạng Internet, anh Trần Tuấn Vũ (48 tuổi, ngụ phường Đông Hưng Thuận, quận 12) làm quen với một người nước ngoài tự xưng là Mike. Qua trò chuyện, Mike giãi bày với anh Vũ rằng, biết được số tài khoản ngân hàng của một người đã chết trong đó có số tiền kếch xù là 5,5 triệu bảng Anh. Mike gợi ý sẽ chuyển số tiền này vào tài khoản ở Việt Nam đồng thời hứa trích 30% trên tổng số tiền trên cho anh Vũ nếu đứng tên hộ. Sau khi thỏa thuận, hai bên thống nhất gặp nhau.

Đến ngày 3/4, Mike cho Adam đến gặp trực tiếp anh Vũ tại quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1. Tại đây, Adam đưa anh Vũ 1 chiếc rương với lời giới thiệu bên trong chứa 5,5 triệu bảng Anh, đồng thời buộc anh Vũ trả phí vận chuyển là 4.150 USD. Theo lời Adam, để ngụy trang không bị kiểm tra toàn bộ 5,5 triệu bảng Anh được ngâm hóa chất thành tờ giấy đen nên anh Vũ đem rương về bỏ vào tủ lạnh cất giữ.

Đúng hẹn, ngày 5/4, Adam đến nhà anh Vũ xem xét rương đựng “tiền”. Khi Adam mở rương, anh Vũ trông thấy một số xấp giấy màu xanh ngọc khổ bằng với tờ tiền thật gói chặt trong bao nylon và được Adam giới thiệu đây là 5,5 triệu bảng Anh. Sau một hồi dùng nước, xà bông, hóa chất, Adam rửa trong thau nước 3 tờ giấy đen biến thành 3 tờ mệnh giá 100 USD. Làm đến đây, Adam trách anh Vũ không biết cách bảo quản nên hóa chất bị hư dẫn đến việc không rửa tiền được nguyên trạng.

Đang băn khoăn chưa biết xử trí thế nào, Adam gợi ý với anh Vũ đưa 60.000 USD để hắn liên hệ Lãnh sự quán Mỹ mua hóa chất rồi tẩy rửa tiếp toàn bộ 5,5 triệu bảng Anh trong rương. Sau khi Adam rời khỏi nhà, chợt tỉnh cơn mê, anh Vũ nhớ đến nhiều người trở thành nạn nhân của trò phù thủy đôla. Thêm vào đó, điều vô lý là 3 tờ bảng Anh ngâm hóa chất lại trở thành 3 tờ mệnh giá... 100 USD. Bán tín bán nghi, anh Vũ trình báo với Công an TP HCM.

Ngày 7/4, ngay khi Adam xuất hiện tại quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1 để nhận 60.000 USD tiền “mua hóa chất”, lực lượng Công an nhanh chóng xuất hiện.

Tại Cơ quan điều tra, Adam khai tên thật là OkoroJi Promse (31 tuổi, quốc tịch Nigeria). Bước đầu điều tra, OkoroJi Promse đã thừa nhận việc chiếm đoạt 4.150 USD của anh Trần Tuấn Vũ. OkoroJi Promse cho biết, đây là lần đầu tiên y đến Việt Nam, tại quê nhà OkoroJi là cầu thủ bóng đá tự do...

Phòng PA18 cho biết, việc xử lý đối với những đối tượng phạm pháp người nước ngoài này gặp nhiều khó khăn, đa số họ có thái độ chây ỳ, bất hợp tác, nguyên nhân chính cũng vì họ không có khả năng tài chính. Những trường hợp này, PA18 thường đề xuất biện pháp buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam...

Gặp chúng tôi tại Phòng PA18, Obode bảo rằng, anh phải trở về Nigeria, nếu ở lại, rồi thì anh sẽ phải sống trong cảnh khốn cùng, tương lai rồi sẽ lại như những anh bạn đồng hương đi làm lưu manh, lừa đảo, có khi cả nghề mại dâm nam, những điều mà chắc hẳn Obode và những người “footballing” gốc Phi không hề nghĩ đến khi đặt chân đến Việt Nam. Obode cũng tỏ sự thông cảm với những người như OkoroJi, Anthony, Ogbuotobo, họ đến với sự tha hóa cũng bởi cùng đường.

Chúng tôi nói với Obode rằng chúng tôi cũng hiểu điều đó, cuộc sống của những cầu thủ gốc Phi tại Việt Nam không thể là dễ dàng, không thể chơi bóng chuyên nghiệp để kiếm hàng ngàn USD, không thể hòa nhập nhanh chóng được với cuộc sống nơi “đất khách quê người”, phải mất đến vài năm họ mới có thể nói tiếng Việt... bập bõm, mà hàng ngày còn phải lo miếng cơm, manh áo, kiếm việc làm, tìm câu lạc bộ xin thi đấu.

Bắt tay từ biệt chúng tôi, Obode vẫn cứ nhắc đi nhắc lại, rằng nước Việt Nam rất đẹp, người Việt Nam các bạn rất tốt, như các anh chị ở Phòng PA18 đây đã không nỡ phạt Obode khi biết Obode không có đủ tiền để đóng phạt vì quá hạn thị thực.

Rằng V-League nói riêng và nghề bóng đá chuyên nghiệp nói chung đang đòi hỏi những cầu thủ “đáng đồng tiền, bát gạo”, dù họ có xuất xứ từ đâu... Obode chỉ học được một điều rằng, không có thiên đường, ở đâu cuộc sống cũng khắc nghiệt như nhau...

T.Thiên - K.Hữu
.
.