"Chạm" tâm hồn để cải tạo phạm nhân

Thứ Năm, 10/09/2020, 14:36
Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình nằm lặng lẽ bên quốc lộ 6 náo nhiệt những dòng xe xuôi ngược. Con đường bê tông ngoằn ngoèo, những hàng cây rợp bóng mát dẫn chúng tôi tới Trại tạm giam Công an tỉnh.

Trung tá Tống Chí Hiếu - Đội trưởng Đội Tổng hợp niềm nở dẫn chúng tôi tới phòng Giám thị Ngô Nguyên Ngọc. Với chất giọng trầm ấm, nhẹ nhàng, Giám thị Ngọc kéo chúng tôi vào chuyện nghề, chuyện đời đầy cuốn hút.

Chuyện đời, chuyện nghề

Tốt nghiệp Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 1 với bằng xuất sắc, được phong hàm trước niên hạn, tháng 3 năm 2017, anh được bổ nhiệm Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh. Thời điểm anh mới nhận nhiệm vụ, trong trại giam có khá nhiều tử tù. Thậm chí có tử tù gần 10 năm vẫn chưa thi hành án (do thay đổi hình thức thi hành án) đã gây áp lực rất lớn đối với cán bộ quản giáo.

Thượng tá Ngô Nguyên Ngọc trăn trở làm sao xây dựng môi trường trại tạm giam đậm chất nhân văn, nơi can, phạm nhân tìm lại bản thiện của mình. Điều khó nhất mà mỗi cán bộ quản giáo cần làm không phải trông coi thể xác của phạm nhân mà chính là nắm được phần hồn của họ, làm sao “chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu, có như vậy mới là thành công. Đối với tử tù thì giúp họ sám hối, ăn năn trước khi đền tội. Dù bị kết án tử thì họ vẫn là con người, họ có cha, có mẹ, có trái tim biết rung động. Nhiều tử tù như: Nguyễn Văn Tuấn (ở Phù Cừ, Hưng Yên) kẻ nhẫn tâm sát hại dã man người lái xe ôm chỉ để cướp chiếc xe máy hay Dương Ngô Duy (ở Tân Yên, Bắc Giang) vận chuyển ma túy với số lượng kỷ lục, lên tới 120 bánh heroin. Trước khi ra pháp trường, họ không quên chào từ biệt, họ thấm thía lỗi lầm và cầu mong được xã hội, người đời tha thứ.

Tuy nhiên, có trường hợp tử tù không hợp tác, chống đối quyết liệt gây áp lực khiến cán bộ quản giáo gặp rất nhiều khó khăn. Đối với những trường hợp này, anh chỉ đạo cán bộ quản giáo vừa mềm mỏng thuyết phục, vừa cương quyết trước đòi hỏi của tử tù. Đó là Tráng A Pha (47 tuổi, trú tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Đây là đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy trái phép và vô cùng lỳ lợm, mưu mô, xảo quyệt. Quá trình thụ lý án, hắn giả câm, hỏi không nói, gọi không thưa, sử dụng tay ám chỉ với cơ quan điều tra và cán bộ quản giáo. Lần đầu hắn giả bệnh, kêu đau đớn, yêu cầu được đưa lên tuyến trên điều trị. Sau khi trao đổi, thống nhất, Thượng tá Ngọc chỉ đạo thực hiện theo yêu cầu của đối tượng để hắn được toại nguyện. Quá trình áp giải đối tượng đến bệnh viện tỉnh, các anh bố trí canh gác, không để đối tượng bỏ trốn. Những lần sau đó, tử tù Tráng A Pha tiếp tục giả bệnh, các anh kết hợp biện pháp cứng rắn, cương quyết, vừa giáo dục, động viên đối tượng. Từ đó Tráng A Pha nghiêm túc chấp hành nội quy của trại.

Thượng tá Ngô Nguyên Ngọc.

Những lá thư đọng chứa tâm tư

Để khơi dậy tính bản thiện trong mỗi phạm nhân, Thượng tá Ngô Nguyên Ngọc đã tổ chức cho họ viết thư “Gửi lời xin lỗi” nhằm giáo dục phạm nhân về sự hối lỗi, mong muốn nhận được sự tha thứ của mọi người. Cán bộ quản giáo phát giấy, bút, hướng dẫn và tạo điều kiện về thời gian, đồng thời cử cán bộ trực tiếp đi liên hệ, tiếp xúc với những người nhận thư để đánh giá thái độ và ứng xử của họ, tạo điều kiện để tổ chức cho gặp, đối thoại giữa người viết thư và người nhận thư, vận động gửi thư hồi âm góp phần giáo dục phạm nhân cải tạo tiến bộ. Đây là một hình thức giáo dục mang tính nhân văn, khơi dậy tính thiện tiềm ẩn trong con người của phạm nhân giúp cán bộ giáo dục, quản giáo nắm tâm lý, tư tưởng phạm nhân để có biện pháp giáo dục phù hợp; kêu gọi các tổ chức xã hội, chính quyền, địa phương, gia đình, người thân, người bị hại cùng vào cuộc tham gia giúp đỡ họ hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt.

Ngay sau khi phát động, các phạm nhân tích cực viết thư “gửi lời xin lỗi” tới người bị hại, tới gia đình, người thân, bạn bè. Nhiều phạm nhân chia sẻ, sau khi phạm tội, họ ăn năn, hối hận vì đã gây hậu quả xấu cho xã hội và nhiều gia đình. Trong thâm tâm, họ mong có cơ hội gửi lời xin lỗi chân thành tới người thân, người bị hại. “Chúng tôi sẽ tích cực viết thư gửi để cho tâm hồn được thanh thản và mong được mọi người tha thứ” - một phạm nhân chia sẻ.

Trong số hàng trăm bức thư do phạm nhân viết, Thượng tá Ngô Nguyên Ngọc chia sẻ về một bức thư rất cảm động, đong đầy nước mắt. Đó là phạm nhân Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình gửi các đồng nghiệp của mình. Sau khi xảy ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 người chết, Trương Quý Dương bị tuyên phạt 30 tháng tù giam. Quá trình thụ lý án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, Trương Quý Dương ân hận vì lỗi lầm đã gây ra. Chỉ vì thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, giám sát cấp dưới dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây nỗi đau tột cùng cho nhiều gia đình. Lá thư thấm đẫm nước mắt gửi đồng nghiệp là nỗi đau đớn, là bài học đắt giá phải đánh đổi bằng cả danh dự, uy tín của nghề.

Trong thư có đoạn: “sự cố ngày 29-5-2017 là cơn địa chấn, là ngọn sóng thần đổ sập xuống, cuốn theo số phận của nhiều bệnh nhân bất hạnh, những số phận của cán bộ y tế, trong đó có tôi. Với tư cách là người đứng đầu bệnh viện, tôi đã thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, kiểm tra để gây ra hậu quả nghiêm trọng này. Có lẽ cách đây không lâu, khó ai có thể tưởng tượng rằng, tôi đang sống và viết những dòng này ở nơi như vậy”. Cuối thư, ông mong được các y, bác sĩ, đồng nghiệp chia sẽ, thông cảm và chấp nhận lời xin lỗi chân thành để được an ủi phần nào gánh nặng về trách nhiệm của mình.

Thượng tá Ngô Nguyên Ngọc chia sẻ: Theo truyền thống tốt đẹp của người Việt “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Mỗi bức thư là nỗi niềm, là sự hối lỗi, trăn trở của mỗi phạm nhân về sai lầm gây ra cho xã hội. Có những phạm nhân từ khi vào trại, được giáo dục, cải tạo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình nhưng chưa nghĩ tới việc viết thư xin lỗi vì xấu hổ, tự cao hoặc không dám viết vì nghĩ sẽ không được tha thứ. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cuộc vận động viết thư không chỉ trong phạm vi trại tạm giam mà thực hiện đối với hệ thống các nhà tạm giữ trong toàn tỉnh, giúp phạm nhân hướng thiện, sớm trở thành người có ích cho xã hội. 

Để người phạm tội có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho xã hội, Trại tạm giam Công an tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh Hòa Bình thành lập thư viện tại khuôn viên trại để phục vụ nhu cầu đọc sách của phạm nhân. Với trên 1.000 đầu sách, báo các loại được luân chuyển thường xuyên, phạm nhân có thể tìm hiểu các kiến thức pháp luật, chính trị, xã hội để bổ sung kiến thức, phục vụ tốt yêu cầu giáo dục, cải tạo. Trong thời gian ngắn, thư viện đã thu hút hàng trăm phạm nhân tới đọc sách, nghiên cứu. Anh chỉ đạo tổ chức diễn đàn “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” để phạm nhân có niềm tin vào cuộc sống, nỗ lực cải tạo để sớm đoàn tụ trong vòng tay của gia đình.  

Với trên 30 năm công tác trong ngành, 30 năm tuổi Đảng, trải qua nhiều lĩnh vực công tác, người giám thị ấy vẫn âm thầm gieo mầm thiện, cải tạo những mảnh đời lầm lỗi.

Như Hùng
.
.