Chàng “hiệp sĩ”… xé toang bóng tối

Thứ Tư, 03/02/2010, 20:10
Chàng trai ấy tên Đặng Hoài Phúc, hiện đang là Giám đốc Trung tâm Tin học vì người mù Sao Mai. Gặp Phúc, tưởng sẽ gặp một người khô khan, khuôn mặt nghiêm nghị vì suốt ngày gắn với máy tính, nhưng tôi nhầm, Phúc tự tin, nói chuyện lém lỉnh, thông minh, sâu sắc và đặc biệt chơi ghita rất cừ...

Phúc đã được Tuần tin e-Chip trao tặng danh hiệu "Hiệp sĩ công nghệ thông tin", cho đến bây giờ, Phúc vẫn là người dẫn đường cho cộng đồng người khiếm thị tiếp cận với cuộc sống hiện đại - cuộc sống thời kỹ thuật số.

Tối tăm và… bừng sáng

Đặng Hoài Phúc sinh năm 1982 tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cậu bé miền biển mang hồn của nắng, của gió biển, nghịch như sóng, rắn rỏi như đá biển. Nhưng ông trời thích thử thách lòng người. Sau một tai nạn năm lên 9, Phúc vĩnh viễn không còn được nhìn thấy ánh sáng. Nhiều người tiếc cho cậu bé thông minh bất hạnh. Phúc không nghĩ thế. Phúc không mặc cảm. Chỉ cảm thấy khó chịu vì con đường hàng ngày mình đi dễ dàng là thế, bây giờ đi đâu cũng vấp, làm gì cũng khó khăn.

Chiều chiều, Phúc mò mẫm dán diều hoặc theo đám bạn tìm bắt dế đá. Nhiều lần chạy trên đồng sụp hố, đau điếng mà cậu vẫn không sợ. Cậu vẫn chạy nhảy khắp nơi, té ngã lại đứng lên. Chỉ duy chuyện học làm Phúc thấy buồn nản, ở quê Phúc khi ấy, không có trường dành riêng cho người khiếm thị, nghe nói ở TP HCM có một cộng đồng dành cho người khiếm thị, Phúc năn nỉ cha mẹ cho lên TP HCM. Năm 10 tuổi, Phúc có mặt tại Trung tâm Khiếm thị Bừng Sáng, quận 10, TP HCM.

Ở Bừng Sáng, Phúc mới phát hiện ra một thế giới khác, một thế giới chìm trong bóng đêm nhưng đầy tiếng cười và niềm vui của cuộc sống. Phúc bắt đầu học chữ nổi, học nhạc, rồi ra ngoài học bổ túc văn hóa chung với các bạn sáng mắt, tư chất thông minh cùng với một nghị lực hiếm có, mọi khó khăn của một người khiếm thị, Phúc vượt qua dễ dàng theo một suy nghĩ: "Mình không có đôi mắt, nhưng có nghị lực có khi bằng 2, bằng 3 người bình thường". Khi mà các bạn đồng lứa chỉ học 1 tiếng, Phúc dành 3 tiếng cho việc học. Phúc kiên trì "mò mẫm", góp nhặt vốn tri thức. Và Phúc tốt nghiệp phổ thông khi mới... 16 tuổi.

Cầm tấm bằng tú tài, Phúc tất tả làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học (ĐH), Phúc đã đặt chân đến rất nhiều cổng trường ĐH, nhưng hầu hết, người ta đều trả hồ sơ về, bởi Phúc là người khiếm thị. Không nản, Phúc tiếp tục làm hồ sơ, cuối cùng, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM nhận hồ sơ của Phúc. Phúc đăng ký vào khoa Anh văn. Đó là năm 1999. Ngày đi thi ĐH, Phúc cùng các bạn khiếm thị dự thi được hội đồng thi dành riêng cho một phòng. Hai ngày thi ĐH cũng qua trong sự hồi hộp, lo lắng của Phúc.

Là người rất tự tin, nhưng đây là lần đầu tiên, Phúc không tin vào chuyến "vượt vũ môn" của mình. Khỏi phải nói, khi nhận được tin trúng tuyển, nỗi vui mừng trong Phúc lớn thế nào, ngọt ngào thế nào. Phúc hét lên thật lớn, bắt xe đò về nhà thật nhanh, sà vào lòng mẹ, khóc nấc!

Phúc chỉ nghĩ "cuộc sống không có đôi mắt - cuộc sống trong bóng tối khổ lắm. Nhưng còn khổ hơn nếu mình sẽ phải sống lệ thuộc suốt đời. Vì thế, mình quyết tâm phải tự học để ít nhất nuôi được bản thân".

Khát vọng “ánh sáng” từ thế giới số

Đôi bàn tay thoăn thoắt lướt trên bàn phím, lắng tai nghe tiếng phát âm từ phần mềm hỗ trợ dành cho người khiếm thị, soạn văn bản, truy cập Internet... một cách thành thạo. Trước khi gặp Phúc, chúng tôi không thể tin được, một người khiếm thị lại có thể làm chủ chiếc máy tính có "nghề" đến vậy.

Đặng Hoài Phúc tại một lớp học ở Trung tâm Sao Mai...

Phúc kể tiếp, khi đang theo học năm thứ nhất của ĐH, Phúc được học một khóa đào tạo tin học do một tổ chức nhân đạo Italia tổ chức. Đầu năm 2000, lãnh đạo Hội Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TP HCM đã giúp đỡ Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP HCM xây dựng mối quan hệ hợp tác với Tổ chức từ thiện Mantovan và Hội Hữu nghị Việt Nam - Italia, do sáng kiến của 2 giáo sư người Italia Carlo Pizzato và Amedeo Pignatelli đứng ra quyên góp được một số máy tính, kèm theo một số thiết bị đặc biệt đưa sang Việt Nam từ năm 1999 đến 2001 với hy vọng đào tạo được một nhóm người khiếm thị thông thạo máy tính.

Hồi chưa bị mù, Phúc chỉ mới biết đến tivi đen trắng. Phúc tham gia khóa học chỉ vì muốn biết người khiếm thị có thể làm được gì với cái máy mà theo mọi người mô tả giống như chiếc tivi có màu, chương trình chọn Phúc vì Phúc là người khiếm thị có vốn ngoại ngữ khá nhất. Phúc đâu ngờ, kể từ lúc đặt tay lên chiếc bàn phím chỉ có tiếng lách cách ấy, cuộc đời Phúc bước sang một thế giới mới.

Vượt qua nhiều trở ngại trong việc tiếp cận máy tính, Phúc dần dần nắm bắt được ánh sáng mới từ thế giới số. Ăn... máy tính, ngủ... máy tính, suốt hơn một năm gắn mình với đánh máy, lập trình, sử dụng Internet và kỹ năng sư phạm, Phúc nhận thấy tin học là một thế giới mới mẻ mà người khiếm thị có thể khám phá và truyền đạt cho nhau. Nhiều đêm Phúc trằn trọc suy nghĩ phải làm sao để người khiếm thị tiếp cận với máy tính, dùng máy tính, công nghệ thông tin để phá bỏ rào cản trong xã hội. Quyết tâm san sẻ những gì mình có cho những người đồng cảnh và rút ngắn khoảng cách "thua thiệt" cho người mù, Phúc trở về Bừng Sáng dạy tin học cho anh, chị em.

Khi dự án kết thúc, Phúc cùng hai thành viên khác đến Trung tâm Tin học vì người mù Sao Mai làm thầy, khi ấy Trung tâm (TT) Sao Mai cũng vừa được thành lập. Trong quá trình dạy, Phúc thấy không phải ai cũng có cơ hội học tập trung. Ý tưởng giảng dạy và học từ xa cho người khiếm thị hình thành, "Đào tạo tin học từ xa cho người mù" và "Xây dựng thư viện sách nói kỹ thuật số và trình đọc màn hình tiếng Việt", hai ý tưởng của Phúc đã vượt qua hàng trăm dự án khác đến từ nhiều quốc gia và Phúc đã đoạt giải Samsung Digitall Hope, một giải thưởng công nghệ thông tin tầm cỡ quốc tế. Khát vọng “đem ánh sáng đến vùng tối” của Phúc giờ không chỉ còn là mơ ước viển vông!

Tài liệu tin học được nhóm giáo viên tại TT Sao Mai biên soạn phù hợp với hình thức đào tạo: các dạng chế bản điện tử, sách chữ nổi, các hình minh họa nổi (Braille Books & Tactile Graphics) và sách nói (Talking Books). Học viên có thể gửi các câu hỏi qua thư điện tử hoặc đặt câu hỏi trực tiếp qua điện thoại với giáo viên hướng dẫn.--PageBreak--

Phúc cho biết, không chỉ được ứng dụng ở Việt Nam, dự án này còn được áp dụng ở các nước trong khu vực châu Á như: Thái Lan, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines. Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 11/2003, chương trình truyền hình nổi tiếng thế giới Discovery Channel đã thực hiện phóng sự về dự án mang tính nhân văn đặc biệt của Phúc.

Phúc tâm sự: "Thế nhưng điều khó khăn nhất không phải là những thứ kể trên. Dạy không khó, mà khó nhất là phải thuyết phục người ta biết được lợi ích thật sự của công nghệ thông tin. Nhiều người còn cho rằng đó là điều xa xỉ. Lúc mới đầu, dự án đào tạo tin học từ xa cũng có người nói vào nói ra, mình lo lắm. Nhưng bây giờ thì an tâm rồi". "Công nghệ thông tin như đôi mắt giúp người khiếm thị rũ bỏ rào cản, định kiến xã hội" - triết lý học được trong những ngày đào tạo ấy nhanh chóng thấm và ngấm vào Phúc và cộng đồng người khiếm thị. Bây giờ, sẽ không còn ai bất ngờ khi thấy một người khiếm thị soạn thảo văn bản, sử dụng thành thạo các chương trình quản lý máy tính, thậm chí thiết kế trang web. Có lẽ, điều quan trọng nhất, Phúc giúp cộng đồng mình có thêm cơ hội sống độc lập!

Sau chuyến đi tập huấn và tham gia các hội thảo lớn về phương pháp giảng dạy cho người khiếm thị ở Mỹ, Thái Lan..., Phúc thấy người khiếm thị được tiếp cận với Internet qua JAWS Script- phần mềm đọc màn hình phổ biến cho người khiếm thị (bằng tiếng Anh). Tuy nhiên, có nhiều người khiếm thị ở Việt Nam không biết ngoại ngữ, vì vậy, Phúc cùng với các giáo viên tại TT Sao Mai đã hợp tác với Công ty SCITEC thiết kế trình duyệt web "Web Browser" dành cho người khiếm thị. Với trình duyệt web này, người khiếm thị có thể "nghe" nội dung của các website tiếng Việt trên Internet.

Đầu năm 2004, Web Browser hoàn thành và được tải hoàn toàn miễn phí lên website của TT Sao Mai tại địa chỉ: www.saomaicenter.org. Phúc cũng đã phối hợp với Công ty SCITEC xây dựng phần mềm Nguyễn Đình Chiểu (NDC) để đọc màn hình bằng tiếng Việt, chuyển văn bản từ chữ thường sang chữ nổi rồi in ra bằng máy in chữ nổi.

Phúc cũng đã tham gia dự án thành lập các trung tâm tin học cho người khiếm thị ở các tỉnh, thành Việt Nam từ năm 2007 đến 2010, dưới sự phối hợp của Trung ương Hội Người mù Việt Nam và sự tài trợ của Tổ chức ONNET. Cho đến bây giờ, Phúc vẫn tham gia đào tạo, nghiên cứu phát triển dự án mới phục vụ cho người khiếm thị.

Tôi biết Phúc từ cô gái Phạm Thị Kim Thoa, một cô gái khiếm thị đã từng mặc cảm, từng có ý nghĩ quyên sinh, nhưng rồi Thoa đến Sao Mai, được tiếp cận với máy tính và Internet, từ con số 0 vi tính, ngoại ngữ, Thoa dễ dàng lướt web, tiếp cận với kho tàng tri thức. Mới đây, cô gái khiếm thị Kim Thoa đã đậu đến 3 trường đại học, hiện em đang là sinh viên khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Thoa bảo, nhiều người đã được "đổi đời" từ những chiếc máy tính và dự án của Giám đốc Phúc...

...và tại một hội thảo về công nghệ thông tin.

“Nếu cho tôi một cơ hội, tôi sẽ làm được”

Tôi gặp Phúc ở quán cà phê có tên Đom Đóm Luciola, nơi Phúc làm chủ, quán nhỏ nằm khuất trên con đường Phạm Đình Toái ở quận 3, được bài trí giản đơn, nhưng khoảng giữa là một góc sân khấu, nơi có cây đàn piano, vài cây ghita. Quán cà phê này cũng là một dự án, mục đích tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho những người khiếm thị đến với tin học và Internet. Tên “Đom Đóm Luciola” là gợi ý từ một bạn tình nguyện viên.

Loài đom đóm Luciola có đặc điểm là giữa giống cái và đực khá bình đẳng, con cái vẫn có đầy đủ cánh như con đực, không như một số loài đom đóm khác con cái không có cánh mà mang hình dạng ấu trùng, có thể phát sáng nhưng chỉ làm nhiệm vụ là sinh sản chứ không thể bay. Thông qua đó, có thể nói lên mong muốn của người khiếm thị được tạo cơ hội bình đẳng trong cuộc sống. Như những ánh sáng lấp lánh của loài đom đóm trong đêm tối, nếu người khiếm thị được tạo cơ hội học tập, làm việc tốt thì họ sẽ trở thành những đốm sáng trong cuộc sống..." - Phúc giải thích như vậy.

Có lẽ, nhắc đến Đặng Hoài Phúc, người ta chỉ biết đến một chàng hiệp sĩ CNTT, Giám đốc của TT Sao Mai, một chàng "sinh viên" bận rộn đến mức, cho đến nay, Phúc vẫn chưa tốt nghiệp được... Niềm đam mê âm nhạc của Phúc cũng rất ấn tượng. Phúc sử dụng thành thục nhiều loại nhạc cụ: ghita, trống, violon, piano, organ... nhưng chơi hay nhất vẫn là ghita và pianio. Phúc học nhạc từ những ngày sống trong Bừng Sáng.

Phúc từng cho ra đời một album với 12 bài hát trữ tình, bài hát “Niềm tin” do Phúc sáng tác đã được ca sĩ Anh Bằng thể hiện trong chương trình “Thay lời muốn nói” của Đài Truyền hình TP HCM, Phúc đã hát bài này trong đêm nhạc “Khát vọng” do Hội Phụ nữ TP HCM tổ chức hồi đầu tháng 4/2004. Phúc bảo rằng, cũng nhờ "niềm tin" ấy mà Phúc đã vượt qua những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời để sống, hát và cười, kể cả khi nói về nỗi đau của mình...

"Nếu cho tôi một cơ hội, tôi sẽ làm được", Phúc từng khẳng định với tôi như thế. Sẽ là quá sớm để khẳng định cuộc sống của Phúc giờ đây đã hoàn toàn viên mãn: mỗi sáng khi Phúc thức dậy, không gian trước mắt vẫn tối tăm nhưng tôi chắc chắn rằng, trong Phúc đã tồn tại một thứ ánh sáng kỳ diệu - đó là "ánh sáng" của niềm tin, của nghị lực và sự sẻ chia khát vọng! Phúc đã tự mình mở cửa bóng tối, tìm được lối đi, không chỉ cho riêng mình...

Trung tâm Tin học vì người mù Sao Mai được thành lập vào đầu năm 2002, tại số 12B/C7 Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM, một tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP HCM. Trung tâm có chức năng nghiên cứu ứng dụng đào tạo tin học cho người khiếm thị, phối hợp với các tổ chức xã hội, các cơ quan hữu quan nhằm phát triển ứng dụng CNTT cho người khiếm thị.

Thuận Thiên
.
.