"Cháy"... nhà trọ mùa tuyển sinh

Thứ Sáu, 27/06/2008, 14:00
Chưa đến 10 ngày nữa là đợt thi đại học, cao đẳng đầu tiên sẽ diễn ra trên toàn quốc. Đợt 1 từ ngày 3 đến 5/7; đợt 2 từ ngày 8 đến 10/7. Hiện nay đang là giai đoạn “nước rút” đối với các “sĩ tử” trong việc luyện thi, nhất là với các thí sinh ngoại tỉnh. Và nhà trọ đang là vấn đề "nóng" nhất đối với thí sinh lúc này.

Bởi sau thời gian ôn thi và hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT tại quê nhà, giờ họ mới có điều kiện “đổ” ra thành phố để “văn ôn võ luyện” với các thầy danh tiếng tại trung tâm luyện thi của các trường đại học, cao đẳng... nhằm “trang bị” kiến thức cũng như “bí quyết” khi thi. Do nguyên nhân này mà nhiều nhà trọ ở thành phố đang “sốt” thậm chí không có để mà thuê.

Đến Phùng Khoang, nơi được xem là “ổ” nhà trọ của học sinh, sinh viên tại Hà Nội mỗi mùa thi đến. Ở đây, vào giờ cơm trưa hoặc tối, dọc theo đường làng chỉ thấy màu trắng của áo học sinh. Cùng đi với thí sinh còn có người thân trong vai trò “hậu phương” để chuyên lo cơm, áo gạo tiền...

Một người dân trong làng nói: “Cứ mỗi mùa thi đến, Phùng Khoang lại đông vui nhộn nhịp hơn ngày thường”.

Theo con đường đất đầy sỏi đá ôm lấy hồ Câu, một cái hồ rộng nhất nằm sâu trong ngõ 43 mà có lẽ một người đi còn phải vững bước, nếu không dễ rơi xuống hồ, đến khu nhà trọ thuộc số nhà 59 của ông Đồng, bà Kiên. Khu nhà trọ tối thui và nó không thể tồi tàn hơn. Khoảng 17 căn phòng đều giống nhau ở chỗ, cửa mối mọt đến mức đóng hay mở đều phải nhẹ tay.

Bước vào phòng thì không khí hầm hập mặc dù thời tiết bên ngoài đang gió lồng lộng. Trên trần nhà, những tấm xốp đen cáu két được ghép vụng về để che đi những tấm lợp prô-ximăng. Còn để chống nóng thì những mảnh xốp đó chẳng có tác dụng gì.

Những căn phòng ấy đều có diện tích chung: từ 6-8m2/phòng. Giá thuê mỗi phòng được bà chủ đặt giá 400-500 nghìn đồng /phòng tùy theo diện tích. Điện sử dụng thì cứ tính 2.000 - 3.000 đồng/số, chưa kể tiền nước 20.000 đồng/người/tháng.

Mà nước ở đây thì vàng, đục như nước sông. Đã thế còn “tắc tụp” lúc có, lúc không chẳng hiểu có phải do nhà chủ cắt. Vì nước ở đây là nước giếng khoan, các hộ dân sử dụng chủ động. Vào công trình phụ của khu nhà trọ thì không thể tả nổi. Bước vào phải quay ra ngay vì không đủ bình tĩnh để đứng lại.

Vậy mà nhà trọ như những người ở đó ví “nhà ổ chuột” ấy cũng chẳng còn để thuê. Kín đặc cả 17 phòng. Một học sinh quê ở Hải Dương, đang trọ để thi vào Trường ĐH Thương mại cho biết, phải nhờ một người quen “book” (đặt phòng) trước mấy tháng mới có phòng để trọ. Chứ tầm  này khi sắp thi mới đi thuê thì thí sinh chỉ có “khóc”.

Hai học sinh khác cũng thuê nhà trọ trên nói, vì không đủ tiền mỗi người thuê một phòng nên hai em cùng với hai người nhà đi theo để phục vụ phải chung nhau thuê một phòng. Tiền thanh toán cho nhà chủ cũng như tiền điện, nước, chia đôi. 4 người ở trong phòng trọ rộng chưa đến 10m2 như vậy, các em phải thay nhau nằm nghỉ.

Còn đêm, vì có khi học đến sáng nên các em để 2 người nhà ngủ là chính trên chiếc phản gỗ duy nhất kê trong phòng. Còn lúc nào mệt quá các em có thể gục đầu ngay lên chiếc hòm sắt được dùng làm bàn học để ngủ. “Khổ nhất là hôm nào mưa, nước thấm dột chảy tong tỏng trong nhà. Em phải mượn cái chậu của nhà chủ để hứng nước” - một em kể.

Cũng như Phùng Khoang, trên đường Nguyễn Phong Sắc, nơi gần Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, có rất nhiều phòng được chủ định xây để cho sinh viên hoặc thí sinh ngoại tỉnh lên thành phố thi đại học thuê. Những phòng trọ này, có vẻ “chất lượng” hơn khu nhà trọ ở Phùng Khoang đã kể.

Cũng diện tích như nhà trọ ở Phùng Khoang trung bình chỉ 7-8m2 một phòng, nhưng sáng sủa, cao ráo hơn, khu phụ được quan tâm đến việc làm vệ sinh hơn... Có lẽ vì “Isso” hơn như vậy mà giá cả thuê phòng cũng đắt hơn. Thấp nhất là 600.000 đồng/phòng, cao nhất là 800 đến 1 triệu đồng/phòng.

Chưa tính tiền điện, nước sử dụng... Không chỉ có các phòng chuyên để học sinh thuê trọ mà ngay nhà dân quanh khu vực trường, cũng nhiều nhà cho học sinh trọ thuê cùng nhà chủ. Một căn nhà 4 tầng cao ngất ngưởng nằm cách trường ĐH Sư phạm mấy bước chân, có 3 phòng trên tầng 3, 4 cho học sinh thuê trọ.

Mỗi phòng rộng chừng 12m2, có quạt trần, nền nhà lát gạch đá hoa, cửa sổ thoáng mát, khu phụ khép kín... Tuy nhiên, trọ thuê cùng nhà chủ như vậy, giá thuê không còn trong giới hạn mấy trăm nghìn nữa mà phải 1 triệu đến 1,2 triệu/phòng.

Đã vậy, không được nấu nướng trong phòng, người trọ phải ra ngoài ăn. Tiền điện nước lại tính riêng. Cả khi phòng trọ giá “cao” bằng một tạ gạo như vậy, nhiều gia đình ở nông thôn cũng gắng sức để con thoải mái trong những ngày ôn và thi đại học tại thành phố.

Ông Nguyễn Văn Thìn, quê ở Sơn Tây, đưa cháu nội lên ôn thi vào ĐH Sư phạm và trọ tại nhà trên nói: “Cả đời mình đi làm là để chắt chiu cho bọn trẻ. Chúng nó thành đạt thì ông bà, bố mẹ... cũng mở mày mở mặt. Do vậy, có đắt so với thu nhập ở quê chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng cố gắng tạo đIều kiện cho cháu trong những ngày ôn thi này”.

Ông Thìn còn nói, nhờ một người bạn thời quân ngũ của ông ở Hà Nội đặt trước khi cháu ông thi tốt nghiệp THPT mà ông mới có phòng này để thuê. Nếu không, đến ngày ôn thi cách đây khoảng 1 tháng mà mới đi thuê thì “cháy” phòng.

Chị Nguyễn Kim Thoa, chủ căn nhà 4 tầng này cũng nói, rất nhiều người hỏi chị còn phòng cho thuê không. Nhưng những phòng nào có thể chị đều cho thuê cả rồi. Và những nhà cho thuê trọ gần nhà chị mà chị biết, theo chị cũng “cạn” hết phòng.

Tại các ngõ 332, 336 nằm bên hông Trường ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội - cũng là một trong những khu vực “trung tâm” cho thuê nhà trọ mỗi mùa tuyển sinh đến, các phòng trọ không còn trống cái nào. Thậm chí, các phòng còn như “nêm” người.

Một phòng trong ngõ 332 rộng hơn 30m2 nhưng có tới chục người ở với giá 1,5 triệu đồng tiền thuê phòng. Một phòng khác rộng chừng 10m2 nhưng có 4 em thuê với giá 800 nghìn đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là giá dành trong khoảng thời gian tháng 6.

Còn từ đầu tháng 7 trở đi đến hết mùa thi, giá thuê phòng lại tính theo ngày. Vì theo chủ nhà cho thuê, càng đến gần ngày thi càng khan hiếm phòng nên phải tính tiền như vậy. Và mỗi ngày, mỗi người phải trả 35 đến 40 nghìn đồng. “Vậy mà...”, ông chủ nhà này nói: “Cũng chẳng còn phòng cho thuê đâu. Người ta đặt hết rồi”.

Nhằm tạo đIều kiện cho thí sinh trong mùa thi đồng thời khắc phục tình trạng khan hiếm nhà trọ diễn ra hằng năm, một số trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm I, ĐH Giao thông, ĐH Luật Hà Nội... đã chuẩn bị số giường, phòng nhất định để phục vụ thí sinh.

Theo ông Phạm Thanh Nghị, Trưởng ban Quản lý KTX Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho báo giới biết, KTX nhà trường dành 1.500 chỗ ở cho thí sinh và người nhà. Và chỗ cho thuê trọ đó phân làm hai loại giá: Giá cao nhất là 20.000 đồng/người/ngày với những phòng có quạt, nhà vệ sinh khép kín. Trong đó đã tính cả tiền điện nước sử dụng. Giá thấp nhất từ 10.000 - 15.000 đồng/người/ngày với các phòng không có quạt. Ngoài ra các đồ dùng như chậu, xô dùng để đựng nước nhà trường cho mượn miễn phí.

Tại ĐH Sư phạm I, năm nay nhà trường dành 2.000 chỗ trong KTX cho thí sinh dự thi. Đặc biệt kèm theo các chỗ cho thuê trọ đó, nhà trường phục vụ tận tình thí sinh với các đIều kiện chu đáo như tất cả các phòng đều có quạt, có nước uống tinh khiết với giá chỉ 600 đồng/lít.

Như Trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng chuẩn bị  khoảng 400 chỗ cho thí sinh đến trọ. Trong đó có 100 chỗ dành cho thí sinh đến sớm để ôn thi. Và thời điểm này, trường đã sắp xếp tiếp 300 chỗ nữa tại KTX cho thí sinh. Theo ông Thân Văn Trung, Ban Quản lý Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, KTX của trường có 2 khu: một khu có quạt nhưng nhà vệ sinh dùng chung; một khu không có quạt nhưng nhà vệ sinh lại khép kín. Nếu thí sinh ở từ tháng 6 đến cuối đợt thi ĐH, CĐ, giá thuê trọn gói mà không phải trả thêm khoản nào là 80.000 đồng/người. Còn thí sinh thuê phòng ở cấp tốc trong 4 ngày thi có giá khoảng 50-70.000 đồng/người.

Trường ĐH Luật với khoảng 1.000 chỗ cho thí sinh được phân làm 2 loại: phòng 21m2 và 25m2. Tất các phòng đều có quạt và chiếu. Thí sinh muốn mượn chiếu thí sinh phải cược 10.000 đồng/chiếc. Kết thúc kỳ thi Ban Quản lý KTX sẽ trả lại tiền cược cho thí sinh.

Đặc biệt hơn các trường ĐH kể trên, năm nay, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, bên cạnh những chỗ dành cho thuê trọ, KTX Mễ Trì của trường còn dành 100 chỗ ở miễn phí cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tại thời điểm này khi mà giờ G cho đợt thi ĐH, CĐ đầu tiên chỉ còn cách khoảng thời gian ngắn, cũng như nhiều nhà trọ tại Hà Nội, các chỗ trọ dành cho thí sinh tại các trường ĐH cũng không còn nhiều, thậm chí còn thiếu để phục vụ thí sinh lên đúng ngày thi.

Để hỗ trợ các trường cũng như giúp thí sinh trong những ngày “lạ nước lạ cái” về thành phố dự thi, theo ông Bùi Đức Minh, Ban trường học, Thành đoàn Hà Nội cho biết, năm nay Đội Thanh niên tình nguyện thuộc quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch đón thí sinh về trọ tại nhà mình.  Ngoài ra, những thí sinh nào muốn liên lạc về chỗ trọ giá rẻ hoặc tư vấn chỗ ở có thể liên lạc với các sinh viên tình nguyện tại địa đIểm thi, cổng trường ĐH, CĐ hoặc các điểm nút giao thông nơi gần nhất.

Cũng Thành đoàn Hà Nội, Ban Thường vụ Thành đoàn và Ban Thư ký Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi 2008” với phương châm “Hỗ trợ tối đa, hiệu quả tối ưu”. Chương trình này có tổng số 8.000 thanh niên, sinh viên tình nguyện hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh ở các tỉnh, thành phố đến Hà Nội dự thi.

Cùng với đó khoảng 20 máy tính, máy in sẽ được đặt tại bến xe, nhà ga trọng điểm là Giáp Bát, Mỹ Đình, Ga Hà Nội... để cung cấp thông tin cần thiết cho thí sinh và người nhà đến địa đIểm thi. Ngoài ra, Đội Sinh viên tình nguyện “Đom đóm xanh” hoàn thiện phần mềm chỉ dẫn đường đi và cập nhật nhà trọ giá rẻ, miễn phí trong thời gian cao điểm từ 25/6 đến 15/7.

Đoàn Thanh niên quận Long Biên thành lập đội xe tình nguyện “Chở những ước mơ” tại bến xe để đưa thí sinh và người nhà đến địa điểm thi...

Mỗi mùa thi đến là một mùa bận rộn và vất vả nhất đối với thí sinh. Nhưng chẳng có thành công nào mà không có sự đánh đổi mồ hôi công sức. Học sinh hãy coi mùa thi như một dịp thử thách cam go nhất trong cuộc đời học sinh không chỉ về kiến thức mà còn về cả điều kiện sống khó khăn. Nhà trọ là một ví dụ

Tú Anh
.
.