Chiếc “ATM Thạch Sanh” và những tấm lòng thơm thảo

Thứ Tư, 22/04/2020, 10:45
Dịch bệnh COVID-19 bất ngờ ào tới như một cơn siêu bão tàn phá mọi lĩnh vực của đời sống. Người ta thu vén tiền bạc, sắp xếp lại việc đi học, đi làm để bảo vệ tổ ấm của mình. Nhưng, ở đâu đó, những người lao động nghèo, người lang thang cơ nhỡ vẫn đang chật vật xoay xở từng bữa cơm giữa Hà Nội vắng vẻ mùa dịch bệnh.

Trong tâm “bão” COVID-19, những con người khốn khó - với “sức đề kháng” yếu nhất - đã phải hứng chịu sớm nhất, trực tiếp nhất mọi khó khăn mà không có khả năng chống đỡ. Hơn lúc nào hết, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để không ai bị bỏ lại phía sau.

“Niêu cơm Thạch Sanh”

Trong mùa dịch bệnh kéo dài, có lẽ chỉ những ngày này Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Bắc Từ Liêm (đường Võ Quý Huân, phường Phú Diễn) mới có nhiều người lui tới đến vậy. Bà con xếp hàng cách nhau 2m để chờ lấy gạo từ thiện từ cây ATM gạo do Công ty Cổ phần sách Thái Hà tài trợ. Vừa hướng dẫn người dân lấy gạo, chị Đào Thị Oanh, nhân viên của Công ty và cũng là thành viên ban tổ chức tại điểm phát gạo này cho tôi biết gạo sẽ được đựng trong các túi giấy để giảm thiểu rác thải khó phân hủy ra môi trường.

Chị bảo thật ý nghĩa khi có sự chung tay của những người thực hiện dự án Ước mơ xanh - Vì một Việt Nam không túi nilon khi họ trực tiếp mang túi giấy đến tặng bà con đựng gạo. Thay vì dùng tay, người lấy gạo sẽ dùng chân ấn nút trên sàn để giảm thiểu tiếp xúc.

Những ngày qua, nhiều người khó khăn đã đến địa chỉ 52 phố Hoa Bằng (quận Cầu Giấy) để nhận gạo, mỳ và khẩu trang miễn phí.

Cụ Tạ Thị Vinh (ở phường Tây Tựu) đã 75 tuổi nhưng hiện là trụ cột gia đình. Chồng bà mất 8 năm nay, để lại cho bà anh con trai bị bệnh tâm thần. Con gái bà cũng vì bệnh tật mà mất sớm, đứa cháu ngoại trở về sống với bà ngoại. Cuộc sống của gia đình bà những ngày dịch bệnh vốn đã khó khăn lại càng thêm túng thiếu, thường xuyên phải nhờ cậy sự giúp đỡ của tổ dân phố. Buổi sáng bà được thông báo đi nhận gạo, vậy là buổi chiều bà đi nhờ xe đến đây từ sớm.

Nhận được túi gạo, bà cụ lưng còng rạp cứ đi một bước lại dừng một bước vì đầu gối đau nhức do bệnh thấp khớp hành hạ. Bà cười móm mém nói với tôi: “Cái máy này kì diệu cô nhỉ. Cứ như niêu cơm của Thạch Sanh. Ấn một cái là gạo ở đâu chảy vào túi. Bao nhiêu người lấy mà không hết”. Tôi bật cười trước cách liên tưởng thú vị của bà cụ.

Bà sẽ chẳng biết được rằng sau tấm phông ở vị trí lấy gạo kia là 2 nhân viên đứng suốt mấy tiếng đồng hồ để đổ gạo vào bồn chứa trên cao nối với ống nhựa, phía sau họ là cả trăm bao gạo xếp cao ngất mà các nhà hảo tâm chung tay góp sức.

Ngập ngừng ngoài sân, chị Đáng Thị Hiền (ở tổ dân phố Thượng 2, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) tay nắm chặt gấu áo cô bé hàng xóm Nguyễn Thị Loan, miệng thì thầm: “Cây ATM gạo ở chỗ nào thế, đã được vào nhận gạo chưa?”. Vì đôi mắt đã mù lòa từ bé do thoái hóa võng mạc nên người phụ nữ 40 tuổi này không thể tự đi đến đây, phải nhờ cô bé Loan dắt đến. Loan cũng thay người mẹ bị liệt đến lấy gạo từ thiện về cho gia đình 4 người ăn. Biết chị Hiền là người khuyết tật, một anh trong ban tổ chức nhanh chóng lấy 2 túi gạo trao tận nơi cho hai người, không để họ phải xếp hàng chờ đợi. Tay ôm túi gạo, chị Hiền cười bảo: “3kg gạo này nhà tôi ăn được 2 ngày đấy”. Khỏi phải nói là chị mừng đến thế nào khi được dặn rằng ăn hết gạo thì hãy ra đây lấy tiếp.

Những hoàn cảnh khó khăn nhận gạo từ nhà hảo tâm tối 16-4 tại phố Hào Nam, quận Đống Đa.

Hiện tại, cùng với hai cây ATM gạo, “Siêu thị Hạnh phúc” với giá bán 0 đồng và rất nhiều các điểm phát thực phẩm miễn phí tại Hà Nội cũng đang hoạt động hết công suất nhằm sẻ chia gánh nặng mưu sinh với người dân nghèo. Bên cạnh đó, nhiều công ty, cơ quan xí nghiệp và cá nhân vẫn ngày ngày đi đến từng điểm, gõ cửa từng nhà để phát gạo, mỳ và khẩu trang cho người gặp khó khăn, lan tỏa tinh thần lá lành đùm lá rách trong ngày dịch bệnh.

Những tấm lòng thơm thảo

Tối ngày 16-4, buổi tối đầu tiên Hà Nội thực hiện cách ly xã hội thêm một tuần, tôi theo chân chị Phan Thu Hằng thuộc Công ty TNHH Viễn Đông đi khắp các phố Hà Nội phát đồ từ thiện cho những người nhặt đồng nát, xe ôm, bán vé số, bán hàng rong đang tiếp tục mắc kẹt trong khốn khó.

21 giờ, đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) mọi khi tấp nập đến tận khuya mà nay vắng hiu hắt. Chú Phạm Văn Tuyền đang gò lưng kéo chiếc xe cải tiến chất đầy sắt vụn, hai chị Cao Thị Lan và Nguyễn Thị Vân ra sức đẩy phía sau. Họ đều quê ở huyện Xuân Trường, Nam Định và đã bám trụ ở Hà Nội cả chục năm rồi.

Chú Tuyền chuyên nhận vận chuyển đồ, còn hai chị hằng ngày đi thu nhặt đồng nát. Nghĩ đến việc về quê phải đi cách ly nên cả ba người đều ở lại Hà Nội, hằng ngày quanh quẩn trong khu trọ để thực hiện giãn cách xã hội theo quy định. Hôm nay, túng bấn quá, nghĩ đến tiền nhà trọ tháng này chưa có, cả ba người đành liều ra đường. Thật may, hôm nay mua được mẻ sắt ở một công trình, họ khấp khởi mừng.

Người dân đến nhận gạo từ thiện tại cây ATM gạo trong Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Bắc Từ Liêm, chiều 15-3.

Đẩy chiếc xe cải tiến về cơ sở thu mua sắt vụn ở đường Lê Văn Lương, cả ba người lại thấp thỏm không biết dịch bệnh thế này người ta có nhận mua hay không. Đã muộn mà họ chưa được ăn bữa tối. Nhận được gạo và mỳ, ba người mừng lắm vì sẽ đỡ được tiền ăn trong nhiều ngày tới. Chị Hằng không quên ghi địa chỉ, số điện thoại của mình vào mẩu giấy, dặn họ hết gạo thì đến đó sẽ được ủng hộ tiếp.

23 giờ đêm, chúng tôi đến gầm cầu Chương Dương khi những người nhặt rác, bán hàng rong đang nằm ngủ trên những mảnh bìa caton trải rộng, trùm chiếc chăn mỏng kín đầu, xức cả dầu gió để “cách ly” lũ muỗi đang vo ve xung quanh. Đang dịch bệnh nên bà con khi ngủ cũng thực hiện nghiêm cách nhau 2m chứ không túm tụm như thường ngày.

Thấy chúng tôi dừng xe, lịch kịch chuyển mỳ và gạo xuống, bà cụ Đàm Thị Khánh trở dậy nói: “Sao các cô đi khuya thế!”. Bà Khánh năm nay đã 71 tuổi, người huyện Vũ Thư, Thái Bình, tuy có hai người con nhưng khi về già vẫn cô đơn. Cô con gái lấy chồng mãi trong Nam, hoàn cảnh nghèo khó nên đã mấy năm nay không về thăm mẹ. Người con trai thì đang trong trại cai nghiệm ma túy tận Thanh Hóa. Ở nhà một mình không biết bấu víu vào đâu nên bà Khánh lên Hà Nội để thu lượm đồng nát kiếm cơm qua ngày.

“Nhà” của bà Khánh chồng chất những túi đồng nát to tướng tích lại chưa có nơi thu mua. Trong cái rét nàng Bân se sắt, gió lùa thông thốc vào gầm cầu trống hoác, trụ cầu vừa là bức tường cản gió, vừa là chỗ bà Khánh tựa lưng cho đỡ mỏi. Bình thường, bà hay đi bới rác vào ban đêm. Cứ đến thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật bà lại lọ mọ đến khu phố đi bộ trên phố cổ nhặt nhạnh chai lọ từ nửa đêm đến sáng rồi đem bán, mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn.

Đợt này dịch giã, cả Hà Nội trống trơn, không chỉ bà mà tất cả cư dân ở gầm cầu này đều lao đao. Bà bảo may có túi gạo này mà bà có cơm ăn trong vài ngày, đỡ phải đi nhặt nhanh trên các phố đến rạc cả chân. Còn thùng mỳ, bà để dành đến khi hết cách ly sẽ mang đi làm quà thăm con trai.

Trước một cửa hiệu có mái hiên rộng trên đường Bà Triệu, ông lão Phạm Văn Thu đã mắc màn đi ngủ. Chiếc xe đạp dựng sát bên, ghi đông xe là nơi buộc mối màn. Phố xá ngày này vắng tanh, chả ai ra đường bơm, vá xe nên ông lão chẳng kiếm được đồng nào. Giúp đỡ ông lão đã nhiều lần, chị Hằng biết rõ là ông không có nơi nấu nướng nên hôm nay chị mang biếu ông cả hộp cơm, bánh mỳ và mỳ tôm.

Ông lão nhận đồ, cảm động và nói rõ tội: “Tôi giờ chỉ mong được đi cách ly. Nghe đâu người ta ở trong khu cách ly sướng lắm. Ngày được ăn 3 bữa cơm canh đầy đủ, có chỗ ở, chỗ tắm giặt tử tế, chứ ở ngoài đường những ngày này mà không có các cô giúp đỡ thì cũng chết vì đói”.

Cụ Đàm Thị Khánh ngày đi bới rác, đêm về tá túc ở gầm cầu Chương Dương.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Trời đã khuya, chúng tôi đến đường Đào Tấn, vẫn thấy có một người đàn ông đang lúi húi bới rác. Trao cho bác túi gạo và thùng mỳ nhưng bác nhất quyết: “Các cô cho tôi nhiều quá. Tôi chỉ nhận gạo thôi, còn mỳ để cho người khác”. Câu nói của bác làm chúng tôi vừa xúc động lại vừa vui trước hành động biết vừa đủ để sẻ chia với người khác. Chị Hằng bảo tôi đó là một phần động lực để tối tối chị cất công đi giúp đỡ những người vì dịch bệnh mà rơi vào cơn bĩ cực.

Ban ngày, tại địa chỉ 52 phố Hoa Bằng (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), chị lại xếp sẵn mỳ, gạo và khẩu trang để bà con ai thiếu thốn thì đến nhận. Mong muốn giúp được những người thực sự khó khăn trong mùa dịch, chị Hằng cảm thấy buồn khi những người có cuộc sống ổn định vẫn đến nhận đồ. Có người ăn mặc đẹp, đi xe xịn vẫn dừng lại lấy một thùng mỳ; có người sáng đã nhận, chiều lại ra nhận; có người xin túi gạo xong về nhà giục chồng con ra xin thùng mỳ về tích trữ...

Cũng bởi vậy mà anh Nguyễn Văn Long, nhân viên Công ty cổ phần Sách Thái Hà nói với tôi tại cây ATM gạo rằng, mọi người đến lấy gạo phải mang chứng minh thư nhân dân và sẽ được lưu lại thông tin trên máy tính để giúp ích cho việc kiểm soát dịch bệnh. Và một lý do nữa là để hạn chế tình trạng có những người một ngày “nhiệt tình” đến lấy gạo nhiều lần.

Nếu ai đó trong một ngày đến lấy gạo lần thứ hai, khi nhập số chứng minh thư nhân dân máy tính sẽ lập tức báo bị trùng. Khi đó, nhân viên công ty sẽ nhẹ nhàng nhắc nhở rằng hôm nay bà con đã lấy rồi thì nhường cho người khác, ngày mai ăn hết gạo, mời quay lại lấy. Lời nhắc nhở đó cũng để mọi người hiểu rằng, khi mình đang ở phía trước thì hãy có ý thức giúp đỡ và nhường nhịn người nghèo khó, để không còn ai bị bỏ lại phía sau.

Việc hỗ trợ người dân trong mùa dịch bệnh không chỉ thuộc về các tổ chức, cá nhân mà cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Chiều 15-4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Tại Hà Nội, các quận, huyện đang tiến hành rà soát các đối tượng sẽ được thụ hưởng gồm người có công, diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo, lao động có hợp đồng và lao động tự do.

Huyền Châm
.
.