Chợ đêm và bi kịch của những đứa trẻ mù chữ

Thứ Sáu, 01/11/2013, 23:55

Chợ đầu mối Long Biên, nơi mưu sinh nhọc nhằn của hàng nghìn con người mỗi ngày. Không chỉ có người lớn, chợ còn là đất sống của biết bao trẻ em cơ nhỡ, lang thang, trẻ em nghèo tứ xứ tụ về. Bị quẳng ra đường kiếm sống từ nhỏ, những đứa trẻ lầm lụi lớn lên như những con thú hoang. Không được đi học, cuộc sống mông muội khiến chúng hành động một cách bản năng và bị lôi kéo vào thế giới tội phạm…
>> Trẻ “dạt nhà”, những ẩn họa được báo trước

2 giờ sáng. Trong khi các con phố của Hà Nội vẫn im lìm, vắng lặng chìm trong giấc ngủ thì ở chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Long Biên dường như là một "thế giới" khác. Đèn đuốc sáng rực, người mua kẻ bán tấp nập. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng quát nạt chao chát, tiếng còi xe inh ỏi tạo thành một mớ âm thanh hỗn độn. Bao năm nay, chợ Long Biên vẫn thế, ngày ngủ đêm thức cùng biết bao phận người.

Những đoàn xe đông lạnh nối dài dọc đường đê Hồng Hà. Khu buôn bán thủy hải sản ngay cạnh chợ chính tanh nồng. Mặt đường gồ ghề, lõng bõng nước.  Xe máy, xe thồ, xe kéo tất tả đi lại qua những vũng nước đọng, bắn tung tóe. Ngày mưa cũng như ngày nắng, người mua kẻ bán hầu hết đều mặc áo mưa, đi ủng. 

Ở góc chợ, chiếc xe đông lạnh đang bốc dỡ hàng, mọi người xúm đông xúm đỏ xung quanh. Thấp thoáng mấy đứa trẻ con người nhỏ thó tay cầm túi nilon cũng ra sức chen lấn, thò tay vào những vỉ tôm bốc cho vào túi. Thoáng thấy  sự xuất hiện của lực lượng Công an quận Ba Đình hóa trang tuần tra, chúng bấm nhau lủi nhanh vào con ngõ gần đó rồi mất hút trong bóng tối.

Chủ một kiốt kinh doanh hải sản cho biết, đây là nơi mưu sinh của những nhóm trẻ lang thang, bụi đời từ nhiều năm. Nếu như trước đây, chúng hay tập trung tại khu buôn bán hoa quả, rau củ thì nay chuyển nhiều sang khu buôn bán thủy sản. Công việc "mót" tôm cá rơi vãi chỉ là phụ. Thông thường chúng đi thành nhóm gần chục đứa, táo tợn xông vào bốc trộm. Có lần chúng ngang nhiên bê đi cả vỉ tôm. Thủy sản có giá trị cao hơn hàng hoa quả. Mỗi tối đi "mót" như vậy, mỗi đứa cũng kiếm được một vài trăm nghìn.

Chợ đêm Long Biên, nơi mưu sinh của trẻ lang thang, bụi đời.

Những năm trước, nhóm của Nguyễn Văn Lợi (23 tuổi) tức  Lợi "xu" từng là nỗi lo lắng, sợ hãi của các chủ hàng ở chợ đêm Long Biên. Nhắc đến Lợi "xu", không ai là không biết bởi gia đình của Lợi quá đặc biệt. Không ai có thể ngờ được ngay tại khu vực trung tâm của thủ đô, đại gia đình của Lợi "xu" với hơn chục thành viên đều thuộc diện "mù chữ".

Bố của Lợi "xu" là ông Nguyễn Văn Gỗ, mưu sinh bằng nghề đạp xích lô. Cuộc đời không nhà lang bạt, ông Gỗ dựng một túp lều ở ven đê tá túc. Người vợ đầu sau khi sinh cho ông 3 người con không may qua đời vì bệnh tật. Ông Gỗ tiếp tục gá nghĩa với bà Nguyễn Thị Hòa, thuộc diện giang hồ tứ chiếng, dạt về khu gầm cầu này mưu sinh.

Trong túp lều rách nát ấy, 9 anh chị em Lợi "xu" lần lượt ra đời. Ông Gỗ phải cho bớt một đứa con của người vợ đầu đi làm con nuôi. Còn lại 11 đứa con, cộng thêm hai vợ chồng ông Gỗ cùng chui rúc trong túp lều chật hẹp. Những người buôn bán ở chợ chẳng thể nào nhớ hết tên những đứa con của ông Gỗ.

Lợi "xu" là thứ sáu trong gia đình. Sau Lợi, 3 đứa em được đặt tên như mơ ước một cuộc sống no đủ "Lộc - Lá - Long". Thế nhưng, đông con khiến cuộc sống vốn đã nghèo khó càng trở nên bần hàn. Lộc lá đâu chẳng thấy, chỉ có sự nheo nhóc bủa vây. Những đứa trẻ như củ khoai củ ráy  lăn lóc lớn lên, đứa lớn dắt đứa bé ra chợ kiếm sống. Không một đứa nào được đến trường. Khai sinh cũng không luôn.

Tuổi thơ của Lợi "xu" gắn với khu chợ Long Biên, khu gầm cầu - nơi nó được các đàn anh truyền cho những ngón nghề trộm cắp, cướp giật tài sản của người đi chợ, người đi lẻ trên cầu Long Biên… Dù ít tuổi nhưng với bản chất manh động, liều lĩnh đã khiến nó trở thành thủ lĩnh của một đám thanh thiếu niên ngoại tỉnh dạt nhà đi hoang. 12 tuổi, Lợi "xu" đã biết mùi ma túy. Nó bảo trong những đêm lang thang tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, các đàn anh cho phép nó xem cách "chơi" ma túy như thế nào và cho thử. Nó trở thành con nghiện. Cũng không có gì là lạ khi cái đói nghèo đã biến mẹ  thành "đại lý" ma túy chuyên nghiệp. Gần một nửa anh chị em dính vào ma túy. Cho đến giờ, mẹ nó và một người chị gái vẫn đang ngồi bóc lịch về tội ma túy.

Nhóm của Lợi "xu" trở thành nỗi kinh hoàng của không ít chủ kinh doanh ở chợ cũng như người dân sinh sống tại khu vực lân cận. Chúng xách theo những chiếc bao tải để "mót" hoa quả bằng cách bám các xe tải mới xuống hàng, một đứa nhảy lên bê cả thùng ném xuống cho đồng bọn. Lái xe và chủ hàng nào dũng cảm ngăn lại, lập tức chúng tập trung cả bọn, xông vào xâu xé đánh lại và phá tan hàng. Để yên ổn làm ăn, đa phần chủ hàng đành ngậm đắng.

Không chỉ trộm cắp, cướp giật, khi cơn nghiện ma túy lên, bọn Lợi "xu" còn chặn đường trấn tiền và "thuốc" của con nghiện ma túy. Nếu con nghiện khác có ý phản kháng, Lợi "xu" sẵn sàng nhảy vào, vít cổ đối thủ, dùng gạch đánh đòn phủ đầu. Không ít con nghiện đáo để và lớn tuổi cũng phải chờn nhóm cướp tuổi "teen" do Lợi "xu" cầm đầu.

Xóm thuyền chài trên sông thuộc phường Phúc Xá, quận Ba Đình, một điểm đến của trẻ lang thang.

Năm 14 tuổi, Lợi "xu" cùng đồng bọn liên tiếp gây ra 2 vụ tấn công, cướp xe máy của người đi đường. Lợi bị Công an quận Ba Đình điều tra bắt giữ, tòa án xử gần 7 năm tù.

Men theo những ngõ ngách tối om của khu xóm trọ đất bãi, chúng tôi tìm đến nơi ở của Lợi "xu". Nơi đây thực sự là khu "ổ chuột" của những người lao động ngoại tỉnh, của những người không nhà dạt về đây trú ngụ. Sáu năm cải tạo tại Trại giam Thanh Phong cộng với 4 năm sau khi được ra tù, Lợi "xu" giờ đã là một thanh niên cao to và khá đẹp trai.--PageBreak--

Trong thời gian Lợi đi tù, có nhiều biến cố xảy ra với đại gia đình mù chữ của Lợi. Ông Nguyễn Văn Gỗ qua đời. "Căn nhà" dựng trên phần đất lấn chiếm bị giải tỏa. Rồi người xây dựng gia đình. Khi Lợi "xu" ra tù, đón nó về là chị Tâm, người chị cả cùng cha khác mẹ. Căn nhà trọ chưa đầy chục mét vuông, chỉ kê đủ 2 cái phản. Một bên là chỗ của Lợi, Lá và Long. Bên còn lại của mẹ con chị Tâm.

Cuộc sống của mấy chị em Lợi "xu" vẫn bám vào chợ Long Biên. Mỗi người nhận trông giữ xe máy ở một góc chợ đêm. Lợi thì xin được công việc trông xe ôtô ở một bến bãi bên quận Long Biên. Hỏi cậu ta đã biết chữ chưa, Lợi ngượng nghịu cho biết, thời gian ở tù có được các thầy quản giáo dạy cho cái chữ nhưng học không vào. Không biết đọc, không biết viết, may ra chỉ biết "vẽ" tên của mình thay cho điểm chỉ như trước kia. Biết làm công việc gì khi không có cái chữ bây giờ ngoài trông xe.

Nhóm của Lợi "xu" tan rã nhưng trẻ lang thang khắp mọi nơi về Hà Nội thì chưa hết mà ngày càng gia tăng. Chợ Long Biên vẫn là điểm đến, là đất sống của những đứa trẻ dạt nhà. Vẫn quanh quẩn trộm cắp, móc túi, tiến tới cưỡng đoạt, cướp tài sản. Trong số đó, không ít đứa trẻ thuộc thế hệ 9X nhưng vẫn rơi vào bi kịch của kẻ mù chữ.

Con đường đất mòn quanh co dẫn chúng tôi xuống khu thuyền chài trên sông thuộc địa bàn phường Phúc Xá. Đang là mùa cạn, những chiếc nhà thuyền được ghép từ đủ mọi thứ vật liệu mắc cạn trên dòng nước đục ngầu đọng thành vũng giữa lòng sông. Nhìn từ xa, đám nhà thuyền trông như những tấm áo vá víu chằng đụp. Một thế giới hoàn toàn tách biệt so với phồn hoa đô thị trên bờ.

Gia đình chị Nguyễn Bích Hạnh cư ngụ tại xóm thuyền chài này đã được gần chục năm nay. Một bàn tay bị mất gần hết bởi tai nạn lao động nên người ta gọi chị là Hạnh "cụt". Chiếc thuyền của Hạnh "cụt" rộng chừng hơn chục mét vuông, là nơi trú ngụ của 9 con người: Hai vợ chồng, 5 đứa con, ông bố chồng và đứa cháu trai Hồ Tùng Ngọc. 17 tuổi, cao ráo, đẹp trai, tóc nhuộm đỏ sành điệu nhưng Ngọc mù chữ. Cuộc đời của cậu thanh niên này cũng là một bi kịch nối tiếp vô số bi kịch của những đứa trẻ đường phố bị cuộc đời xô đẩy "dạt" đến khu chợ Long Biên kiếm sống.

Bố buôn ma túy rồi chết trong tù vì nghiện ngập, mẹ cũng qua đời vì tật bệnh, Ngọc được bà ngoại đón về nuôi lúc nó mới chỉ vài ba tuổi. Bà ngoại già yếu lại nghèo, liên tục phải mang sổ hưu đi cầm để lấy tiền nuôi cháu qua ngày. 5 tuổi, thằng Ngọc đã biết mò mẫm ra chợ Long Biên mót hoa quả cùng đám trẻ lang thang. Ban đầu là nhặt nhạnh đồ rơi vãi, lớn lên thì trộm cắp, người ta không cho thì xông vào cướp. Nhiều lần bị Công an quận Ba Đình lập hồ sơ để đưa vào trường giáo dưỡng. Nhưng vướng mắc vì Ngọc không có hộ khẩu, không có địa chỉ cư trú rõ ràng. Mỗi lần Ngọc bị bắt, dì Hạnh lại cầm tờ khai sinh lên bảo lãnh cho cháu về.

Hỏi vì sao không cho Ngọc đi học, chị Hạnh thở dài bảo quãng thời gian khi bố mẹ Ngọc mất, nó ở với bà ngoại. Bà thì già cả, nuôi cháu còn trầy trật nên chẳng nghĩ tới việc cho cháu đi học. Lớn lên một chút, nó theo đám bạn bỏ nhà đi bụi, thi thoảng mới về qua nhà. Đến khi dì Hạnh đón về ở cùng thì nó đã lớn. Xin cho nó đi học tại Mái ấm tình thương 19-5, lớn lộc ngộc nên nó xấu hổ, không chịu đi học. Ngọc ở nhà trông các em. Thỉnh thoảng Ngọc cũng lên chợ mót cá tôm với dì. Giờ thanh niên có sức vóc thì làm cửu vạn. Ai thuê gì làm nấy. Mà cũng làm được việc gì hơn nữa vì Ngọc đâu biết chữ.

Tương lai của những đứa trẻ xóm thuyền chài sẽ đi về đâu?

Lợi "xu" và Ngọc chỉ là hai trong số rất nhiều bi kịch của trẻ lang thang ở chợ đêm Long Biên. Có điều đáng buồn là cuộc sống hiện đại hơn, no đủ hơn lại làm gia tăng số trẻ em đường phố. Trẻ em từ các vùng quê nghèo ra Hà Nội kiếm sống, trẻ em hư bỏ nhà đi hoang. Bị quăng ra cuộc đời quá sớm, những chồi non mới nhú ấy nhanh chóng bị nhuộm đen, trở thành những đứa trẻ già nua, từng trải. Cuộc sống giang hồ đã lấy đi tuổi thơ của chúng.

Ở chợ Long Biên, không riêng gì trẻ em trai, nhiều trẻ em gái khi bị lôi kéo vào thế giới đen đã trở thành những "nữ quái" cầm đầu băng nhóm tội phạm nhí gây khiếp đảm cho nhiều người. Nguyên nhân của tình trạng này cũng bắt nguồn từ bi kịch mang tên gia đình hết sức chua xót

Hương Vũ
.
.