Chợ tiền vùng biên

Thứ Ba, 08/03/2016, 19:05
Từ thành phố Đông Hà (Trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Trị), phải hơn một giờ đồng hồ chạy xe qua những khúc quanh ngoằn ngoèo trên Quốc lộ 9, tôi mới chạm chân tới thị trấn vùng biên Lao Bảo. Nơi có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo của Việt Nam và cửa khẩu Den Savanh của nước bạn Lào.

Hiện ra trước mắt tôi là một vùng biên giới với bạt ngàn đồi núi điệp trùng, con sông Sê Pôn như một dải lụa mềm chảy xuôi từ nước bạn Lào về đất Việt. Khuôn mặt phố thị vùng cao đã hiện hữu với những dãy nhà mới khang trang, những khu mua sắm miễn thuế với hàng trăm chủng loại hàng nhập khẩu. Những con đường vừa được xây dựng mới rộng thênh thang cho những đoàn xe nối đuôi nhau để làm thủ tục xuất nhập cảnh. Hai bên cánh gà của cửa khẩu, khu vực bãi đổ xe du lịch để chờ làm thủ tục Hải quan người mua, kẻ bán chạy tới, chạy lui trông rất đỗi rộn ràng…

Anh Nguyễn Viết Hoàng, một cư dân bản địa và là người hướng dẫn đường cho tôi trong chuyến đi này khoát một vòng tay để giới thiệu về vùng đất nơi anh đang sống. Anh bảo rằng, ngày xưa vùng cửa khẩu này chẳng có gì nổi bật, hằâng ngày chỉ rải rác đôi ba chục chuyến xe chở hàng hóa qua Lào rồi mang than, củi, hoặc thạch cao cho những hành trình ngược lại.

Thế nhưng, từ khi Chính phủ cho phép thành lập khu thương mại đặc biệt Lao Bảo thì lượng người và hàng hóa đổ về đây ngày một nhiều. Và đương nhiên, một khi sự giao thương phát triển thì kéo theo đó là sự phát sinh của các loại hình dịch vụ. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn đề cập đến một loại hình dịch vụ mà từ nhiều năm qua đã rất phát triển ở vùng đất miền biên ải này.

Người dân địa phương gọi những người làm dịch vụ này là những người đi “xơng tiền”. Họ là những chị em phụ nữ có tuổi đời từ 20 cho đến 50, vì không có công ăn việc làm ổn định, trình độ văn hóa đa phần chưa qua hết cấp 3, vì vậy, khi thấy ngày càng có nhiều người qua lại vùng biên giới này để buôn bán, du lịch thì họ mới khai sinh ra dịch vụ… xơng tiền.

Cứ mỗi đầu ngày, hơn một trăm chị em xơng tiền tập trung lại quanh khu vực cửa khẩu để chờ khách buôn bán quá cảnh hoặc là khách du lịch qua Lào, Thái Lan để mời chào đổi tiền. Thời gian đầu, chủ yếu là họ đổi tiền Việt sang tiền Kíp (Lào) và Baht (Thái Lan), nhưng về sau do nhu cầu của khách nên họ nới rộng quy mô, thêm dịch vụ đổi tiền Việt ra tiền Dolar (Mỹ), Nhân dân tệ (Trung Quốc) thậm chí cả Dolar Úc, Dolar Singapor và đồng EURO… Bên cạnh đó họ còn làm dịch vụ bán các loại tiền Kíp, Baht, Dolar, Nhân dân tệ còn mới, có mệnh giá thấp cho khách du lịch làm quà lưu niệm.

Chị Nguyễn Thị Trang nhà ở thị trấn Lao Bảo là một trong số những người có thâm niên làm dịch vụ đổi tiền tại cửa khẩu biên giới Việt-Lào này kể với tôi rằng: Làm nghề đổi tiền ở đây vất vả lắm, từ sáng sớm đã phải có mặt ở khu vực cửa khẩu, rồi cứ theo lệ bất thành văn nhóm nào ở vị trí nào thì ngồi chờ khách ở vị trí đó (thường chị em ở cùng thôn, cùng xã thì lập nên một nhóm). Suốt hai mùa mưa nắng, chị em ở đây phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, những ngày gió Nam Lào thổi mạnh, đôi khi đang bưng bát cơm ăn trên tay mà gió giật làm rơi xuống đất, hoặc bụi thổi mịt mù làm mâm cơm nhuộm kín một màu đất đỏ…

Chị em ở chợ tiền này vẫn thường tự trào  về nghề nghiệp của mình là nghề nói và chạy. Không chạy thì không bắt được khách đổi tiền, mua tiền; không nói thì khách không hiểu giá trị các loại tiền Lào, Thái chênh lệch với tiền Việt bao nhiêu… Khổ, có lẽ vì vậy mà chị em làm ăn ở đây khá đoàn kết, thống nhất với nhau. Tất cả các loại tiền ở vùng biên giới này, vào đầu ngày sẽ được thống nhất một giá do những đầu nậu tiền bên chợ Carol (thuộc huyện Carol, tỉnh Savanakhet, Lào) quy định. Vì vậy, tuy làm ăn theo mô hình cá thể, nhưng tuyệt nhiên ở chợ tiền này không hề có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh nào để nhằm tranh khách hàng của nhau. Nếu ai đó vi phạm sẽ ngay lập tức bị góp ý, thậm chí là cô lập.

Thấy tôi lấy máy ảnh ra chụp cảnh mấy chị em xơng tiền đang ăn quà vặt để chờ khách, mấy cô gái trẻ vội khoát tay bảo rằng: “Anh ơi! Chụp hình chơi thôi, đừng đưa chúng em lên báo nhé! Người ta mà cấm chợ là con em đói anh ơi…”.

Rồi một cô tên Hà trong số đó tâm sự: Thực tình thì nghề đổi tiền, bán tiền ở đây không mang lại lợi nhuận lớn, ngày nào đắt khách cũng chỉ kiếm được độ vài trăm nghìn đồng. Khoản tiền ấy chỉ đủ chi dùng cho cuộc sống gia đình ở trên mức khó khăn một chút thôi. Chị em chúng em vẫn mong sao Nhà nước và chính quyền địa phương ở đây sớm xây dựng nên những cơ sở sản xuất kiểu như các xí nghiệp may mặc, sản xuất đồ chơi, gia công các mặt hàng lâm sản…như các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đà Nẵng… chắc chắn lúc ấy chị em chúng em sẽ nộp đơn để được vào làm việc ở đó. Có thể lao động phổ thông sẽ có thu nhập hàng tháng thấp, nhưng dẫu sao cũng ổn định hơn nghề xơng xách nhiều may rủi này.

Cách cửa khẩu quốc tế Lao Bảo chừng 60 cây số về phía nam là cửa khẩu quốc tế La Lay cũng thuộc tỉnh Quảng Trị. Vài năm nay, khi Chính phủ có quyết định nâng cấp cửa khẩu La Lay thành cửa khẩu quốc tế, lượng xe khách, xe tải và lượng người giao thương giữa hai nước Việt – Lào thông qua cửa khẩu này cũng ngày một nhiều hơn. Theo đó, một bộ phận chị em trước đây từng làm nghề xơng tiền ở cửa khẩu Lao Bảo hoặc là người thân của những người đổi tiền ở Lao Bảo đã đến và chọn cửa khẩu quốc tế La Lay để làm đất sống.

Chị Trương Thị Thanh, một người làm nghề đổi tiền ở cửa khẩu quốc tế La Lay tâm sự với chúng tôi rằng: Cửa khẩu này mới được nâng cấp nên lượng người và xe qua lại không nhiều bằng Lao Bảo, tuy nhiên những người thường xuyên qua về ở đây họ vẫn có nhu cầu đổi tiền, nhưng chủ yếu ở đây vẫn là đổi tiền Việt lấy tiền Kíp Lào để họ sang vùng Xà Muồi, tỉnh Salavan giao dịch…

Hiện tại, có chừng 20 chị em thường xuyên có mặt ở cửa khẩu La Lay để hành nghề đổi tiền cho khách giao thương. Chị Thanh bảo rằng, thu nhập thấp nhưng dẫu sao cũng có được đồng ra, đồng vào, cũng giải quyết được một phần khó khăn của cuộc sống…

Hỏi các chị làm dịch vụ đổi tiền ở vùng biên ải, Tết cổ truyền vừa rồi gia đình các chị đón Tết ra sao? Một chị trong nhóm nhanh nhảu trả lời, so với người giàu có thì không thể bằng, nhưng ơn trời thu nhập từ nghề này cũng đủ để cho gia đình có được vài ba cân thịt lợn, đôi ba loại mứt với nồi bánh chưng xanh…

Có hỏi han, tâm sự với những chị em làm nghề đổi tiền, bán tiền lưu niệm ở vùng biên ải phía tây của tỉnh Quảng Trị này chúng tôi mới thấy được hơn một trăm con người mưu sinh ở chợ tiền này là hơn một trăm cảnh ngộ. Không phải ai cũng có đời sống khá giả, vốn liếng dồi dào để ngày ngày đổi tiền cho khách, thu về lợi nhuận. Cũng có những người vốn lớn, nên tìm được những mối đổi tiền nhiều, mỗi ngày đến vài trăm triệu Kíp. Nhưng cũng có những người phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí phải vay nóng mới đủ vốn để hành nghề kiếm cơm qua ngày đoạn tháng.

Chị em xơng tiền ngồi chờ khách.

Qua tìm hiểu chúng tôi biết được, đại bộ phận chị em làm nghề đổi tiền ở vùng cửa khẩu này trước kia đều là dân làm nông nghiệp, họ làm công trồng củ mì, trồng cà phê ở các đồn điền, rồi họ lấy chồng cũng là những thanh niên địa phương. Ai đó có thoát ly ra khỏi nghề nông thì cũng chuyển sang nghề chạy xe ôm hoặc làm thợ phụ hồ vì trình độ chuyên môn hạn chế… gia cảnh của họ đa phần là nhọc nhằn, túng bấn. Vì vậy, họ miệt mài kiếm sống và khao khát con cái họ được học hành với ước mơ cuộc đời chúng sẽ không còn kham khó như cha mẹ…

Cùng đi với chúng tôi dọc theo cánh gà của cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, anh Nguyễn Viết Hoàng giải thích thêm cho chúng tôi rõ ngọn ngành về những người làm dịch vụ đổi tiền này. Họ là những con người rất cơ động, có khi tìm khách ở phía cửa khẩu Lao Bảo, La Lay để đổi tiền Việt ra các loại tiền khác cho khách, nhưng có thời điểm họ lại tụ tập ở phía cửa khẩu Den Savanh, Xà Muồi của Lào để đổi các loại tiền nước ngoài sang tiền Việt cho khách đến Việt Nam tham quan, du lịch...

Có người từng ví von rằng: “Mỗi chị em làm nghề xơng tiền ở đây là một ngân hàng di động, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu liên quan đến đổi tiền của khách. Dịch vụ bán mua, đổi chác ở cả hai bên cửa khẩu đều được chị em thực hiện rất nhanh và chính xác. Khách hàng của họ có số là khách quen thường xuyên qua lại vùng biên giới này để buôn bán gỗ, thạch cao, than và các loại hàng nông sản… một phần lớn khác là khách du lịch từ Quảng Trị đi Savanakhet và vùng Đông Bắc Thái Lan, rồi khách từ Thái Lan, Lào theo hành trình du lịch Caravan, hoặc tour du lịch Đông Dương một ngày ăn cơm ở ba nước…

Không biết rồi đây, những chị em làm nghề đổi tiền, bán tiền lưu niệm ở vùng biên giới Việt-Lào này sẽ kéo dài “sự nghiệp” của mình cho đến bao lâu nữa, nhưng rõ ràng là trong quá khứ và hiện tại họ đã góp một phần tiện lợi trong việc thu đổi ngoại tệ cho những ai có nhu cầu qua lại vùng biên giới.

Chắc chắn rằng, một ngày không xa nữa, trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế chung khu vực, sẽ ngày càng có nhiều nhà đầu tư, nhiều đoàn khách du lịch tìm đến với khu thương mại tự do Lao Bảo, dọc tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây. Lúc ấy, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Den Savanh, cửa khẩu La lay – Xà Muồi, những  điểm gạch nối quan trọng của hai quốc gia Việt – Lào sẽ ngày thêm nhộn nhịp…

Nên chăng, chính quyền tỉnh Quảng Trị phải sớm vạch ra phương án “đi tắt đón đầu”, sớm hình thành tại vùng biên giới quan trọng này những dịch vụ ngoại hối có quy mô hiện đại, văn minh, thuận tiện và minh bạch để đáp ứng tốt cho nhu cầu giao thương quốc tế, làm bệ phóng cho sự phát triển của nền kinh tế địa phương.   

Bảo Thy
.
.