Chọi trâu: Phía sau những “giáp đấu”

Thứ Tư, 28/01/2009, 09:00

Kết quả cuộc thi vòng đấu loại Hội chọi trâu Đồ Sơn 2008 đã kết thúc, danh sách 16 “ông trâu”  đã được điểm,  nay đang chuẩn bị vào “giáp đấu”  trong vòng chung kết tới. Vậy là lại một năm nữa du khách thập phương lại khấp khởi chờ đến một lễ hội lớn. Nhưng có ít ai biết được đằng sau những “giáp đấu” ấy là những điều mà không mấy ai tỏ…

Ông Nguyễn Văn Thao, là người dân Đồ Sơn, cả đời ông gắn bó với mảnh đất này cho biết, chỉ cần kết thúc  hội, đội quân chuyên săn trâu chọi đã bổ nhào đi ráo riết lùng sục khắp nơi để tìm mua những “ông trâu” mới về nuôi dưỡng.

Để tìm ra được trâu ưng ý, có miếng đánh hiểm là điều cực kỳ khó. Các chủ trâu sẵn sàng bỏ ra 30 - 40 triệu đồng để mua một con trâu “lọt vào mắt xanh” về nuôi dưỡng, huấn luyện. Những con trâu đủ tiêu chuẩn là những con trâu đực khỏe, sừng cánh cung, ức rộng, cổ tròn dài. Đặc biệt con nào lưng dầy, càng phẳng càng tốt để bát nước đầy lên không đổ là quý.

Việc mua trâu đã khó, huấn luyện trâu lại càng khó hơn. Người chăm trâu được làng lựa chọn phải là người có kinh nghiệm, thường là người già và không được là phụ nữ. Theo các bậc cao niên ở Đồ Sơn, trước ngày chọi trâu 3 tháng, người chăm trâu không được ăn nằm với vợ. Trâu chọi được nuôi chuồng riêng không cho thấy trâu nhà, mục đích nuôi dưỡng bản thân hoang dã của nó.

Trâu được mua về thường xuyên cho ăn cỏ non, gần ngày thi, trâu được các ông chủ bồi dưỡng bằng cháo ngô, hay uống nước vitamin B1. Tiền công do chủ trâu trả bình quân là 700 đến 900 ngàn đồng/tháng. Người dân  Đồ Sơn bảo, xưa ở đất này  có ông Vệ “ghẻ” là người có kinh nghiệm nuôi và chọn trâu chọi nổi tiếng. Con nào đã lọt vào tầm ngắm của ông y như rằng, thế nào cũng giành giải.

Sau một thời gian dài được chăm bẵm cẩn thận, gần  đến ngày vào “giáp đấu”, để các “ông trâu” quen với không khí “trận mạc”, sáng sáng các ông chủ lại lục tục dắt trâu dạo bờ biển Đồ Sơn, tập chạy trên cát, sau rồi cho “ông trâu” ra bãi bùn ngập để lội tập thể lực. Cận ngày thi đấu, các “ông trâu” lại được dắt ra phố để lũ trẻ con gí thanh la, não bạt, chiêng chống vào tai mà gõ, rồi cờ quạt múa liên hồi quanh mắt trâu. Bài  này  để cho các “ông” quen với âm thanh, không bị hoảng khi lâm trận.

Ông Nguyễn Văn Ký (phường Ngọc Xuyên) cho biết: “Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mấy năm gần đây khác với xưa nhiều lắm”. Ông nói rằng, không chỉ phường Ngọc Xuyên nhà ông mà hầu hết các phường khác ở Đồ Sơn đều phải lên miền núi mạn Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí sang tận Lào tìm trâu để chọi. Sở dĩ họ lên đó tìm trâu là vì đồng bằng hiện nay gần như không còn trâu, ruộng nương giờ người ta toàn làm bằng máy. Đi lùng cả tháng trời, có khi không tìm ra con ưng ý. Trâu to chưa chắc đã thắng trận, “năm trước con trâu nhà ông Tuyền (phường ông)  mua ở Nghệ An to như con voi nhưng vẫn thua” - ông Ký nói.

Quyết liệt!

Lễ hội chọi trâu truyền thống ở Đồ Sơn là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thủy thần và tục hiến sinh, bên cạnh đó nó còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Hải Phòng xưa, thế nhưng mấy năm gần đây nó đang bị một số tay cờ bạc lợi dụng biến thành những trò sát phạt đỏ đen.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số tiền đặt cược có thể lên tới 20 - 30 triệu đồng cho mỗi “giáp đấu”. Có hai loại cá độ khác nhau, loại cá độ theo kiểu “đánh nóng” nghĩa là dân chơi cá độ đặt tiền vào các “ông trâu” trước khi ra trận tại hai cửa Bắc và Nam theo cảm quan của mình. Kiểu này chỉ giành cho các tay chơi không biết được danh tính của từng “ông trâu”, họ đến từ các nơi lân cận nhất thời “nổi hứng”  mà chơi.

Dân Hải Phòng rất ít khi chơi theo kiểu “đánh nóng” mà trước khi chơi các tay cá độ thường tìm đến chủ trâu tìm hiểu, quan sát nghe ngóng rồi mới đặt tiền chơi độ. Lúc đó chủ trâu sẽ là người “cầm cái”. Cũng có trường hợp chủ trâu này nhận đánh cá độ với chủ trâu khác. Tuy nhiên, theo những tay cá độ đất cảng thì dân  chơi bây giờ rất tinh ranh, trước khi cá độ trận nào họ đều dò la tình hình về đối thủ rất kỹ. Vì thế chuồng trại của những “ông trâu” được xây dựng rất cẩn thận, rào cao, kín cổng đề phòng trước ngày ra “giáp đấu” kẻ xấu dắt trộm mất, hay những tay chơi xấu lẻn vào làm hại trâu.

Ngoài sự dũng mãnh trước những pha đòn hiểm như miếng vồ, đánh dập, luồn sừng bẻ, lật ngược đối thủ hay miếng gảy, dùng sừng đánh vào bất kỳ chỗ nào tiếp giáp, rồi miếng quỳ hiểm hóc... Các chủ trâu còn dùng những trò “tiểu xảo” như: vót nhọn sừng, rồi tẩm axít, hay nước tiểu vào để tăng độ buốt của đòn làm đối thủ chóng bỏ cuộc. Vì thế đặc biệt trước ngày hội, chủ trâu phải canh gác trâu 24/24 giờ và không cho người lạ vào xem.

Cũng chính vì những lý do này mà suốt cả ngày lùng sục tại phường Ngọc Hải mà chúng tôi không tiếp cận được “ông trâu” nào mặc dù được rất nhiều người dân trong phường chỉ vào tận cổng. Tuy nhiên khi hỏi các chủ trâu đều chối quanh, không muốn mời khách vào nhà. Hỏi ra mới hay, không riêng gì Ngọc Hải này, mà ở những phường khác cũng vậy.

Trong khi nguồn trâu ở vùng đồng bằng đang cạn dần do hiện nay đất nông nghiệp đang bị thu hẹp, cùng với trào lưu cơ khí hóa nông nghiệp  nên nắm được “yếu điểm” này những “lái trâu chọi” từ các tỉnh miền Bắc Trung Bộ  thường tìm xuống tận Đồ Sơn tiếp thị. Hội kết thúc cũng là lúc các tay lái í ới gọi điện cho nhau lùng trâu mới. Theo cách tính của những tay “lái trâu” này, khi chào bán thành công một “ông trâu” có thể lời từ 10-15 triệu đồng là chuyện thường.

Tiếp thị trâu chọi ở Đồ Sơn không khó, chỉ cần dạo qua mấy quán nước ven đường là các lái trâu có thể tìm được mối ngay. “Ngay cả thời điểm này Đồ Sơn vào những ngày gần lễ hội – thời điểm thị trường trâu chọi ít sôi động, nếu có trâu bán vẫn có người mua” - ông Ký ở phường Ngọc Xuyên khẳng định như vậy.--PageBreak--

Ngày xưa, cứ sau tết Âm lịch, người ở các giáp (làng) Đồ Sơn lại tự nguyện góp tiền và cử người có kinh nghiệm đi khắp nơi lùng mua trâu tốt. Người được dân làng ủy nhiệm đi mua trâu có khi lặn lội cả tháng trời, đi khắp các vùng miền trong cả nước. Ngày nay, dù công việc “lái trâu chọi” có lãi cao, nhưng muốn bán được một con không phải là chuyện dễ.

Theo quy trình của dân “lái trâu chọi” sau khi tìm được “hàng” họ phải chụp ảnh con trâu, rồi đo vòng cổ, vòng ức, bụng, độ dài của sừng thật chính xác sau đó mang ảnh cùng các thông số đó xuống Đồ Sơn chào hàng. Nếu phía chủ trâu ưng ý là họ xách tiền theo ngay. Thế nhưng, chỉ khi chủ trâu đến tận nơi ngắm kỹ tướng mạo, quan sát “phong thái” như động tác cào đường của nó  khi gặp trâu cái, rồi ngay cả động tác ngửi nước tiểu của trâu cái… mới quyết định mua. Chỉ nhìn không thôi mà không quan sát các “phong thái” khác thì khó mà biết con nào là trâu hăng.

Theo kinh nghiệm của các chủ trâu cao niên ở Đồ Sơn, thì  trâu mua ở vùng núi đánh không dai sức bằng trâu nuôi ở vùng đồng bằng. Vì thế, mấy năm gần đây người ta thấy các “giáp đấu” chỉ kéo dài trong 15 đến 20 phút là cùng. Nếu là trâu đồng bằng thì “giáp đấu” có thể kéo dài tới cả tiếng đồng hồ.

Ngày trước trâu chọi của các cụ đánh dữ lắm. Đánh lao cả xuống ao, sủi tăm mà không phân thắng bại. Vào “giáp đấu” những thớt trâu tím lịm như những trái sim khổng lồ xé nước lao sầm sập vào nhau đến chóng mặt, những cặp sừng nghênh lên thách thức ngạo nghễ như đô vật lên sới. Nhiều khi, người ta phải dùng rơm đốt ném vào, hai con trâu mới chịu bỏ cuộc. Giờ không còn cảnh đó nữa. Trâu đồng bằng thì hiếm, thành thử  những chủ trâu già ngày xưa không theo được thú chơi này nữa mà thay vào đó mấy năm gần đây các chủ trâu toàn là những người trẻ tuổi.

Ông Thao cho biết:  “Họ có sức khỏe, nhanh nhẹn, lùng sục được khắp nơi, chứ mấy ông già như tôi theo sao nổi”. Ngay cả chủ trâu Đinh Đình Phú, nức tiếng một thời, giờ cũng phải đứng ngoài “giáp đấu” vì không lùng được trâu đẹp.

Vòng loại năm nay diễn ra với 16 cặp đấu của các phường Ngọc Hải, Ngọc Xuyên, Vạn Sơn, Vạn Hương… Theo phong tục thì những con trâu bị loại sẽ là vật tế thần ngay tại trận và cống hiến cho khách thập phương hương vị đặc biệt của thịt trâu chọi. Có người nói ăn thịt trâu chọi sẽ gặp nhiều may mắn, chính vì thế  mấy năm gần đây giá thịt trâu chọi có thể lên tới 300 - 500 ngàn đồng/kg; có khi nó còn lên tới 700 ngàn/kg.

Anh Lê Văn Thành, ở phường Ngọc Xuyên cho biết, năm ngoái thịt trâu chọi được bán đầy ở chợ Đồ Sơn. Thế mới có chuyện năm ngoái trong khi trong sân các “giáp đấu” đang diễn ra quyết liệt thì ở ngoài chợ Đồ Sơn đã bán đầy thịt các “ông trâu” có đánh số hẳn hoi. “Tốt nhất là thịt mua tại trận” - ông Thao nói với tôi. Cùng với dịch vụ thịt trâu chọi, dịch vụ phim chọi trâu cũng được các tay quay dựng phim nhanh chóng. Vừa kết thúc lễ hội là các cửa hàng băng đĩa ở Hải Phòng đã có bán các đĩa quay những cảnh húc nhau nảy lửa của các “ông trâu”, giá một đĩa bình quân từ 30 đến 35 ngàn đồng.

Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ XVIII. Một vùng đất tập trung cư dân nhiều nơi về đây khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp. Các cụ già trong làng kể lại, cứ vào tháng 8, khi lúa ngoài đồng đang thì con gái, ngư dân cũng vừa kết thúc mùa cá thì người dân Đồ Sơn bắt đầu chuẩn bị cho lễ chọi trâu.

Nay xuống Đồ Sơn trước ngày trâu chọi, ông chủ quán nước chè gần UBND quận cứ dặn tôi mãi: “Hôm nào xuống hội tôi lo vé cho, không phải mất tiền gửi xe, xong tôi dẫn đi mua thịt trâu xịn. Chứ không khéo mua phải vé giả, thịt trâu cày thì toi công!”

Phương Nam
.
.