Chống buôn bán ma tuý ở Điện Biên: Cuộc chiến đấu một mất một còn

Thứ Sáu, 27/07/2007, 15:00

Công việc của các anh là trực tiếp đối mặt với bọn tội phạm, đầy rẫy sự nguy hiểm, gian khổ nhưng đối mặt với tội phạm ma túy (trong đó có cả tội phạm mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS) - loại tội phạm xảo trá, khôn ngoan và manh động thì lại càng nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Trong cuộc chiến khốc liệt nơi tuyến lửa Tây Bắc, máu các anh đã đổ và có lẽ còn tiếp tục đổ xuống cho bình yên cuộc sống, cho hạnh phúc của nhân dân...

Trận tuyến khốc liệt

Do có vị trí “đắc địa” tiếp giáp với khu vực Tam Giác Vàng nên từ hàng chục năm nay, Điện Biên là điểm nóng về hoạt động của tội phạm ma túy. Theo tài liệu trinh sát, đây là địa bàn hoạt động của nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Làm công an “đánh” ma túy là một nghề cực kỳ nguy hiểm.

Một thống kê nghe “lạnh lẽo” và ám mùi “tử khí” là từ năm 1998 đến nay, qua tổng kết có đến 92% các vụ án bắt giữ tội phạm ma túy ở Điện Biên đều thu được vũ khí nóng, bao gồm: súng các loại, lựu đạn, quả nổ, còn mã tấu, dao găm, kiếm, đao thì nhiều không kể xiết.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, chập tối ngày 6/10/2001, Trung úy Phạm Văn Cường, trinh sát PC17 Công an tỉnh và 2 quần chúng nhân dân trong khi truy đuổi đối tượng ma túy nguy hiểm tại địa bàn bản Na Hai, xã Sam Mứn (Điện Biên) đã bị chúng dùng súng AK và lựu đạn điên cuồng chống trả làm Trung úy Cường và 2 quần chúng anh dũng hy sinh. Tại hiện trường (Km 17 quốc lộ 279 Điện Biên – Tây Trang), Lực lượng Công an (LLCA) thu giữ cả mấy chục vỏ đạn, dấu vết của lựu đạn, quả nổ...

Ở Công an tỉnh Điện Biên có hai người đã nổi danh trong trận tuyến đấu tranh ngăn ngừa "cái chết trắng", đó là: Thiếu tá Mai Đình Vân và Thiếu tá Đinh Tiên Hoàn. Hai anh đã hàng chục lần cận kề giữa sự sống và cái chết. Hai người đều có thâm niên hơn 20 năm “đánh” ma túy. Anh “đánh” nhiều đến mức không nhớ đã phá bao nhiêu vụ, đã bao nhiêu tên phải vào trại bóc lịch nữa.

Kéo áo cho tôi xem cánh tay chằng chịt những vết sẹo, Thiếu tá Mai Đình Vân – nguyên Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Điện Biên tâm sự: “Hầu như lần nào cũng vậy, để tóm được tội phạm ma túy, trên thân thể trinh sát lại “dính” một vết thương, nặng là vết đạn, bình thường là dao đâm, nhẹ cũng là vết ngoạm hoặc vết cào cấu”. Anh cười nói vui: “Muốn biết anh em bắt được bao nhiêu tội phạm ma túy, cứ vạch áo ra đếm sẹo”.

Cách đây 3 năm, Thiếu tá Vân được giao nhiệm vụ bóc gỡ đường dây ma túy Na Ư - Điện Biên. Tên cầm đầu đường dây này là "con cáo già" Lý A Pó. Tên này rất cáo già đã nhiều lần lọt lưới công an nên hắn rất cảnh giác. Hôm phục bắt hắn, có một tình huống ngoài dự kiến là tên Pó thay đổi địa điểm giao “hàng” nên một mình anh đơn thương độc mã đối phó với 3 tên giữa đỉnh dốc Cô Hồn.

Thấy anh chỉ có một mình với khẩu súng bắn... hơi cay, 3 tên ném vội 3 bánh hêrôin xuống vực, rồi xông vào đấm đá anh túi bụi. Khẩu súng bắn hơi cay sau khi nổ được 1 phát cũng không còn tác dụng! Với quyết tâm bắt tên Pó bằng được, Thiếu tá Vân phải ôm chặt lấy hắn, gồng mình cho hai tên kia đấm đá tới tấp.

Để chắc ăn, anh dùng khóa số 8 khóa luôn tay anh và tay nó vào với nhau. Tên Pó điên cuồng dở chiêu “cẩu xực”, ngoạm vào tay, vào cổ anh. Hắn cắn mạnh đến nỗi rớt cả mấy miếng da, máu chảy đỏ lòm.

Sau 10 phút vật lộn với 3 tên tội phạm, sưng vù mặt mũi, gãy mất 2  chiếc răng cửa, cổ tay còng chung với tên Pó bị xé toang một miếng thịt bằng hai đầu ngón tay thì đồng đội mới đến kịp hỗ trợ và đưa anh  đi bệnh viện cấp cứu. Cũng may cho anh, bởi sau này trước Cơ quan điều tra, 2 tên đồng bọn thú nhận đã định dùng dao chặt phăng cánh tay Thiếu tá Vân để giải thoát cho tên Pó (?!).

Thiếu tá Đinh Tiên Hoàn - Đội trưởng trinh sát PC17 là người duy nhất ở Công an tỉnh Điện Biên 2 lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Năm 1995, khi thâm nhập vào đường dây ma túy do tên Và Chái Cậy (lúc đó đang là Chủ tịch UBND xã Na Ư, Điện Biên), anh đã bị chúng thử thách bằng cách nã liên tiếp 6 viên đạn qua háng (?). Thượng tá Đặng Xuân Ưu – Trưởng phòng PC17 tiết lộ: “Có không dưới 60 tên tội phạm ma túy phải ra pháp trường vì Thiếu tá Đinh Tiên Hoàn rồi”.

Thượng tá Sùng A Hồng, Phó giám đốc Công an tỉnh Điện Biên kể cho tôi nghe cái lần truy bắt tên Mùa A Dế ở bản Na Ư năm 1998. Hôm đó, Mùa A Dế trong khi vật lộn với Thượng tá Hồng (khi đó đang là Thiếu tá) đã móc được khẩu K54 gí vào bụng anh và... bóp cò. Nhưng không hiểu ông trời run rủi thế nào mà viên đạn lại lép. Cũng nhờ viên đạn không nổ, nên Thiếu tá Hồng đã tước được khẩu súng, tóm tên tội phạm nguy hiểm và thu giữ 6 kg thuốc phiện...

Máu vẫn đổ...

Theo thống kê từ năm 1995 đến nay, đã có gần 50 lượt CBCS Công an Điện Biên bị thương trong khi truy bắt tội phạm. Trong đó có 2 trinh sát và 2 quần chúng hy sinh, 17 lượt CBCS phải vào bệnh viện điều trị vết thương ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Khoảng 5 năm trở lại đây, Lực lượng Phòng chống ma túy Công an Điện Biên phải đối mặt với một loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm, đó là tội phạm mang trong người căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Cách đây vài năm, trong Chuyên án MT-103, PC17 bắt giữ tên Lò Văn Út ở thị trấn Tuần Giáo. Khi “điệu” được tên này về Ủy ban lấy lời khai, chỉ 1 phút sơ sảy tên Út chạy lên tầng hai đập vỡ kính cửa, lấy mảnh vỡ tự sát. Tất nhiên, hắn không chết, khi các trinh sát lao vào, hắn đã dùng mảnh vỡ nhọn hoắt đâm túi bụi, khi quật ngã được hắn, anh em đều bị thương, máu của tội phạm và máu công an chảy đỏ cả người nhưng hồi đó do nghĩ đơn giản nên cũng chẳng ai đi xét nghiệm HIV. Sau này, tên Út thụ lý án tại Trại giam Yên Hạ, Sơn La được vài năm thì chết trong tù vì... AIDS, lúc bấy giờ anh em tá hỏa đi làm xét nghiệm, nhưng nhờ trời không ai bị “dính”. --PageBreak--

Chỉ trong vòng 20 ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2007, 5 CBCS Công an Điện Biên đã bị thương khi truy bắt tội phạm nguy hiểm nhiễm HIV. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 21/6/2007 tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, Điện Biên.

Từ nhiều năm nay, bản Na Sang  1 là một tụ điểm phức tạp về ma túy, bản có 60 hộ dân, gần 300 nhân khẩu nhưng có đến hơn 30 con nghiện. Các đối tượng ở Na Sang 1 thường xuyên qua lại với một số đối tượng ở TP Điện Biên Phủ, Tuần Giáo và Sơn La.

Đối tượng cầm đầu đường dây tội ác này không ai khác chính là Hoàng Văn Biêng, 23 tuổi, ở ngay trung tâm bản Na Sang 1, xã Núa Ngam. Hoàng Văn Biêng có thâm niên nghiện hút từ nhiều năm nay, bản thân hắn nhiễm HIV nên rất manh động, luôn có vũ khí nóng trong người để sẵn sàng chống trả LLCA khi bị truy bắt.

Rạng sáng ngày 21/6, nhận được tin báo Hoàng Văn Biêng đã xuất hiện ở nhà sau nhiều ngày bặt vô âm tín, 3 trinh sát gồm Thiếu tá Đinh Tiên Hoàn, Trung úy Văn Si Thắng và Trung úy Trần Trung Kiên của PC17 nhận lệnh phối hợp với một tổ khác tổ chức phục bắt ngay tại nhà riêng của hắn tại bản Na Sang 1.

9 giờ ngày 21/6, mũi trinh sát do Thiếu tá Đinh Tiên Hoàn dẫn đầu bất ngờ ập vào nhà Hoàng Văn Biêng thấy hắn đang dùng dao nhọn cắt nhỏ hêrôin cho vào các túi để bán lẻ. Khi các trinh sát xuất hiện, Biêng đã dùng dao nhọn tấn công tới tấp 3 trinh sát. Sau hơn 5 phút điên cuồng chống trả, cuối cùng Hoàng Văn Biêng cũng bị tước hung khí và bị bắt. Nhưng lúc này cả 3 trinh sát đều bị con dao nhọn vấy máu và hàm răng của Hoàng Văn Biêng đả thương...

Hồi 10 giờ 15 phút ngày 11/7/2007, tổ công tác Công an phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ phục bắt quả tang đối tượng Phạm Thanh Biên, 36 tuổi ở tổ 1, phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ. Khám trong người hắn, thu giữ được 1 tép hêrôin.

Đấu tranh khai thác, Biên khai nhận vừa mua tép hêrôin này của Phan Anh Dũng - một con nghiện nhiễm HIV ở tổ 29, phường Mường Thanh. Lãnh đạo Công an phường đã phân công 2 trinh sát là Trung úy Hoàng Trung Hà và Thượng sĩ Đậu Quang Thắng triển khai phương án truy bắt tên Phan Anh Dũng.

11 giờ cùng ngày, Phan Anh Dũng đang có mặt tại khu vực cổng trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân  tỉnh, phát hiện ra 2 trinh sát hắn đã bỏ chạy. Với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Đậu Quang Thắng và Hoàng Trung Hà đã truy đuổi, quật ngã đối tượng. Tên Phan Anh Dũng đã chống trả quyết liệt; hắn đã cắn, làm sây xước và chảy máu cả 2 trinh sát...

2 trinh sát Đậu Quang Thắng và Hoàng Trung Hà được khẩn trương đưa đến Trung tâm Y học dự phòng tỉnh Điện Biên để điều trị và uống thuốc chống phơi nhiễm HIV.

Nỗi lòng ai tỏ

Thiếu tá Đinh Tiên Hoàn tâm sự: “Nếu hèn nhát thì không thể “đánh” ma túy được. Trinh sát chúng tôi không ngại đối mặt với những tên tội phạm này bởi đã vào Lực lượng Công an thì xác định phải cống hiến, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh 5 lời thề danh dự của Lực lượng CAND, Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy chúng tôi còn có 4 lời thề riêng. Chúng tôi nguyện thực hiện tốt 9 lời thề cho dù có gặp hoàn cảnh nào đi chăng nữa”.

Trinh sát ma túy khi nhận nhiệm vụ là lên đường để lại nỗi lo lắng cho những người mẹ, người vợ phải thấp thỏm chờ chồng, chờ con trong lo âu. Chị Nguyễn Thị Hà là vợ của Thiếu tá Đinh Tiên Hoàn cũng công tác trong LLCA nên chị hiểu chồng, hiểu công việc và những vất vả của anh. Chị tâm sự: “Đây không phải là lần đầu tiên anh ấy bị thương, nhưng bị thương vì tên tội phạm nhiễm HIV nên em cũng rất lo lắng.

Nhưng được sự quan tâm kịp thời của Đảng ủy – Ban Giám đốc và anh em đồng chí đồng đội, em cũng chỉ biết động viên anh ấy an tâm chữa trị để còn công tác, không phụ sự quan tâm của mọi người”. Sau khi bị thương phải điều trị chống phơi nhiễm HIV, nhưng vì mấy chuyên án còn dang dở nên anh Hoàn cứ đi biền biệt, có hôm gần sáng mới về đến nhà. Nhìn chồng mặt mũi hốc hác, chị không cầm được nước mắt, nhưng mỗi khi thấy vợ nhỏ lệ, Thiếu tá Hoàn cũng chỉ pha trò: “Anh mình đồng da sắt, bọn ma túy không sợ anh thì thôi chứ anh thì sợ gì bọn chúng...”.

Trong số 5 CBCS Công an Điện Biên vừa bị thương trong khi truy bắt tội phạm ma túy nguy hiểm nhiễm HIV có 3 người đã có gia đình. Trung úy Trần Trung Kiên có một con trai mới được 7 tháng tuổi, Trung úy Hoàng Trung Hà có một “cách cách” 18 tháng tuổi, còn lại Trung úy Văn Sĩ Thắng và Đậu Quang Thắng thì chưa có “mảnh tình vắt vai”.

Hai trinh sát trùng tên Văn Sĩ Thắng và Đậu Quang Thắng hiện nay ở tập thể, gia đình ở tận Nghệ An, tốt nghiệp Trường Cảnh sát rồi được phân công lên Tây Bắc. Tuổi trẻ thích cống hiến và cũng ưa mạo hiểm nên có vụ án nào các anh đều nài nỉ lãnh đạo duyệt cho vào đội hình đánh án. Văn Sĩ Thắng có nụ cười rất hiền, không có vẻ gì là một trinh sát dày dạn kinh nghiệm: “Từ hôm “bị” đến nay em còn tham gia tiếp 2 chuyên án nữa. Mẹ em trong quê gọi ra cứ khóc ròng làm như em sắp chết đến nơi, em phải động viên, an ủi mãi bà mới thôi bắt xe lên Điện Biên xem mặt mũi thằng con thế nào”.

Văn Sĩ Thắng chẳng muốn nói về mình, nhưng qua Thượng tá Đặng Xuân Ưu – Trưởng phòng PC17 chúng tôi được biết từ đầu năm đến nay Thắng đã cùng anh em trong đơn vị điều tra, khám phá 8 chuyên án ma túy, bắt giữ 13 đối tượng, thu 4,2 kg hêrôin, 200 viên ma túy tổng hợp; tham gia xóa  4 tụ điểm, 7 điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trực tiếp thụ lý, điều tra 5 vụ, 8 bị can, trong đó mở rộng điều tra 2 vụ, 5 đối tượng, làm rõ 1 đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy từ Điện Biên đi Lào Cai, đấu tranh làm rõ bọn chúng đã tiêu thụ 8 bánh hêrôin, 1,9 kg thuốc phiện và nhiều tài sản có giá trị khác...

Trận tuyến đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy ở Điện Biên vẫn hết sức khốc liệt và vô cùng nguy hiểm. Nhưng CBCS Công an nơi tuyến đầu Tây Bắc này không ngại gian khổ, hy sinh, vẫn dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ để bảo vệ bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Máu đã đổ và có thể còn đổ, nhưng các anh trước sau vẫn xứng đáng là người lính xung kích trọng yếu nhất, trong trận tuyến khốc liệt, gian khổ với đầy rẫy hiểm nguy này

Vũ Mạnh Hà
.
.