Chông chênh phên bánh Mỹ Lồng

Thứ Hai, 28/10/2019, 12:02
Những ai đi ngang qua tỉnh lộ 885, đoạn thuộc địa phận ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre sẽ không khỏi ấn tượng bởi hàng trăm phên bánh tráng đang phơi. Đó chính là làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, nức tiếng từ xưa với truyền thống ngót nghét cả trăm năm.

Hàng chục hộ dân nơi đây, mỗi hộ đều có những khoảng đất trống rất rộng dùng để phơi bánh tráng -  nguồn thu nhập chủ yếu - được truyền từ đời cha ông.

Quanh năm trông hết vào cái Tết

Ông Trần Cao Đạt, 48 tuổi, chia sẻ: “Ngày thường nhà tui không có làm, chỉ làm mấy tháng tết thôi. Năm nào khỏe thì mình làm tới 28, 29 tết luôn. Ngày thường bán chậm lắm”. Vừa nói, đôi tay ông vừa khéo léo đặt những chiếc bánh nóng hổi mới tráng xong lên phên được đan bằng lá dừa.

Ông cho biết: “Tùy theo năm. Trung bình trong 2 tháng tết, vợ chồng ông làm ngày làm đêm thì cũng kiếm được hai, ba chục triệu. Nguyên một năm chỉ nhờ mỗi mùa này, nên dù cực cũng phải ráng”.

Bà Thái Thị Mỹ Hạnh, 61 tuổi, cùng ấp Nghĩa Huấn bổ sung: “Tết giá bánh tăng hơn nhiều, ngày được triệu mấy - hai triệu. Ba mươi, mùng một tết nhà tui vẫn còn làm. Tranh thủ mấy ngày tết thôi chứ những ngày thường làm gì bán được như vậy”.

Bà con cẩn thận trải từng chiếc bánh tráng nóng hổi lên phên trước khi mang đi phơi.

Thương hiệu “bánh tráng Mỹ Lồng” đã được nhiều người biết đến. Chính từ những nguyên liệu đặc sản của địa phương kết hợp cùng bí quyết truyền thống vô cùng đặc biệt, loại bánh giản dị này cứ thế mà vang danh khắp mọi nơi. Được tận mắt nhìn thấy nước cốt dừa được thắng lên, đổ vào xay chung với gạo, sau đó hòa cùng chung với đường và muối một cách kỹ càng rồi mới khéo léo đổ lên để tráng, chúng tôi mới hiểu được vì sao bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng như vậy. Có nhiều loại như: bánh tráng chuối, bánh tráng mè trắng, mè đen, bánh tráng sữa với hột gà.

Với bánh tráng Mỹ Lồng, thực khách ngoại tỉnh lại đặc biệt ưa chuộng hơn cả người dân xứ dừa. Tuy nhiên, phải là các tỉnh miền Nam. Người miền Bắc không thích ngọt, hầu như không chuộng loại bánh này. Bánh tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Vĩnh Long, ra tận Phú Quốc... trong đó, thành phố Cần Thơ là nhiều nhất.

Ông Đinh Thái Sơn, 42 tuổi, cho biết: “Chất lượng bánh thì... hên xui, không phải nhà nào cũng giống nhà nào. Muốn giữ tên tuổi lâu dài nên ai cũng làm đúng tiêu chuẩn để giữ uy tín, giữ mối”.

Được ăn cả, ngã về không...

Đối với bà con ở làng nghề, nỗi lo lớn nhất chính là thời tiết. “Bánh mình tráng tới 1, 2 giờ trưa nếu không có nắng phơi thì bánh không được ngon, mất 20% chất lượng. Phơi hai nắng thì sẽ không được ngon nữa. Bánh phơi suông một nắng thì rất ngon, không bị ẩm mốc” - ông Trần Thanh Tiến (53 tuổi, ấp Nghĩa Huấn) bộc bạch sau khi vừa ôm xong những phên bánh cuối cùng vào nhà trước khi cơn mưa ập đến.

Bà Nguyễn Thị Bình, 58 tuổi, vừa xếp lại những phên bánh trong nhà kể cho tôi nghe về quy trình làm bánh: “Bình thường cứ 11 giờ đêm  là tui dậy, đến 1 giờ chiều hôm sau mới nghỉ. Trung bình một ngày hai vợ chồng làm một ngàn cái. Ngày nào coi dự báo thời tiết thấy mưa là không dám làm. Mưa bất ngờ không mang bánh vào nhà kịp thì bánh hư, chỉ còn nước cho heo ăn”.

Chỉ cần trời chuyển mây đen là cả xóm nháo nhào, vội vàng mang bánh vào trong nhà. Ai nấy đều cố gắng thật nhanh để bảo toàn công sức lao động từ khuya của mình. Món đặc sản đậm đà vị thiên nhiên này cũng cần lắm lòng thương của “ông trời”!

Những phên bánh tráng được gấp rút chuyển vào nhà khi trời sắp mưa.

Nghề “mượn ăn trước rồi trả sau”

Nghề này nhìn thì đơn giản, thật ra không làm thì khó mà hiểu hết được nỗi vất vả. Dù là đặc sản nổi tiếng, thế nhưng thu nhập trung bình cho cả năm cũng không nhiều. “Tiền lời tết hằng năm thấy nhiều vậy chứ không có dư dả gì hết trơn. Coi như là mình mượn ăn trước rồi trả sau, quen rồi. Trong năm bán chậm rì, một thiên bánh (một nghìn cái) từ năm đến bảy ngày mới bán hết, lời từ một triệu tám đến hai triệu. Hai người làm trong năm, bảy ngày, tính ra được có bao nhiêu” - bà Phạm Thị Lành, 47 tuổi, vừa cười vừa nói.

Nhiều bà con trong làng nghề đã đổi sang làm nghề khác. Còn hơn chục hộ dân làm bánh tráng đều tập trung trong một ấp nên vấp phải sự cạnh tranh lẫn nhau không nhỏ. “Đâu phải bánh lò nào cũng ngon giống nhau. Ngày xưa còn cạnh tranh nhau, giờ cũng quen rồi, miễn là mình giữ chất lượng đàng hoàng thì mối nó không bỏ mình, còn ai làm gì kệ người ta” - bà Lành chia sẻ thêm.

Hàng chục phên bánh tráng được phơi trong sân nhà của một hộ dân.

Trong sân nhà bà Lành là một căn nhà lợp ngói bỏ trống, chưa được trám xi măng, cỏ mọc um tùm. Ông Đoàn Minh Rê, 50 tuổi, chồng bà Lành cho biết: “Tính xây nguyên căn này để làm bánh bằng máy đó nhưng coi bộ không có ăn nên thôi. Làm bánh bằng máy thì nhanh nhưng không ngon. Làm tay thì không đựợc bao nhiêu. Vậy đó nên vợ chồng tui nhận số lượng có hạn thôi. Một năm chừng ba - bốn chục thiên thôi”.

 Nghề truyền thống nhưng chỉ hai vợ chồng làm, con cái ông bà không cho đứa nào đụng vào. Ông bảo làm được ngày nào hay ngày đó còn cho con nó đi học, kiếm cái nghề tri thức mà theo, dù mất nghề cũng không tiếc. Ông bảo nghề cực, tổn thọ. Hai vợ chồng thức khuya dậy sớm, về già bệnh đủ thứ, nhất là bệnh phổi do hít nhiều khói bếp. Tại không có việc gì khác nên nghề bánh đeo mình thôi...

Những con người giữ lửa truyền thống

Bà con không ai biết rõ nghề làm bánh tráng ở đây có từ khi nào, họ chỉ biết học và giữ lấy cái nghề. Có người nhờ lập gia đình mà theo nghề của bên chồng, bên vợ. Chúng tôi tìm đến nhà những hộ dân ở khuất sâu bên trong vì theo lời giới thiệu, đây là những gia đình “lão làng” của bánh tráng Mỹ Lồng xưa nay.

Bên bếp lò nóng hừng hực và mồ hôi nhễ nhại, ông Đặng Hải Sơn, 70 tuổi, vừa cho củi vào bếp vừa khoe: “Tui làm nghề này từ hồi còn thanh niên. Nghề này nghề của ông bà nội. Vợ tui ở xa về học nghề, làm luôn với tui tới giờ. Chỉ có làm bánh tráng nuôi 4 đứa con ăn học thôi. Tụi nó đều học xong đại học...”.

Bà Phan Thị Bé Hai, 64 tuổi, thì cho biết: “Tui là đời thứ tư trong gia đình theo nghề này. Ông bà nội làm rồi chỉ ông bà già chồng làm, rồi chỉ tiếp cho chị chồng tui. Tui về làm dâu, chị chồng lại chỉ nghề, đeo theo cho tới bây giờ luôn. Nhà hai chị em sát bên nên làm chung cũng vui, có chị có em. Chồng tui với chồng bả làm vườn thôi, khi nào rảnh thì về phụ khiêng bánh đem phơi. Còn vào mấy tháng gần tết này là tui bắt nghỉ hết, ở nhà phụ chị em tui”.

Từng chiếc bánh thơm béo được đổ tại nhà và đem phơi ngay sau đó.

Dưới cái nắng oi ả của những ngày hè, nhà nào nhà nấy bếp lò đều đỏ lửa từ 11, 12 giờ đêm đến tận sáng hôm sau. Khói bay nghi ngút khắp các mái nhà, tiếng chặt dừa, đập dừa giòn giã ngoài sân, hòa tiếng bước chân tất bật khiêng từng phên bánh ra sân. Hàng chục chiếc phên, nhóm thì được xếp nằm ngay ngắn trên những cây sào tre trên sân, nhóm thì được phơi dựng đứng tựa vào hàng rào, vách tường bên hông nhà. Mọi người, mọi công đoạn đều tuần tự phối hợp cùng nhau nhịp nhàng, nhanh chóng...

“Hồi còn nhỏ, ông bà già dạy cho, rồi tui cứ vậy mà làm tới giờ luôn, cũng hơn 30 năm rồi. Nghề này vui buồn gì cũng có, thức khuya, ngồi nhiều, có khi làm bánh tết xong là bệnh nghỉ ăn tết luôn. Tuy cực thiệt nhưng tới mùa này, đông người làm, xung quanh ai cũng khí thế lắm, mình thấy vui lây, nhiều lúc buồn ngủ lắm mà cũng ráng” - bà Nguyễn Thị Lùn (51 tuổi, ấp Nghĩa Huấn) hào hứng kể.

Khi chúng tôi hỏi sao không đổi sang nghề khác như một số người trong ấp đã làm cho đỡ cực, tốt hơn cho sức khỏe, tiền cũng nhiều hơn, bà Lùn cười rồi nói: “Khi nào còn sức, còn làm nổi thì cứ làm thôi. Nghề của ông bà để lại cho mà, truyền thống nơi mình đẻ ra, mình không giữ thì ai giữ”.

Thế Anh
.
.