Chuyện cảm động về thí sinh không tay

Thứ Hai, 11/07/2011, 09:25

Phú, tên đầy đủ là Nguyễn Minh Phú, 21 tuổi. Quê Phú ở Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Bố Phú là ông Nguyễn Quỳnh Lộc, gom góp trong nhà còn được 4 tạ lúa, bán sạch được 2,4 triệu đồng mượn thêm 1,6 triệu của bà con láng giềng, tổng cộng được đúng 4 triệu làm lộ phí đưa Phú vào Sài Gòn dự thi đại học.

Phú điển trai, lông mày rậm, đen mướt, lông mi cong vòng như con gái, râu dưới cằm lún phún xanh. Tôi gặp Phú trước Trường PTTH Diên Hồng trên đường Thành Thái, quận 10, TP HCM vào cuối ngày thi đại học đợt 1 bỗng dưng thắt lòng. Phú, bẩm sinh không có hai tay.

Nỗi lòng của bố

19 tuổi, năm 1974, chàng trai Nguyễn Quỳnh Lộc trốn nhà đi bộ đội. Lộc tham gia Chiến dịch Nam Tây Nguyên trong Sư đoàn 316A, đánh mải miết ở Buôn Ma Thuột, sau đó tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đất nước thống nhất, Lộc được cơ quan cử đi học ở Trường Quân chính Nha Trang, chuyên về kiểm toán trinh sát binh.

Năm 1987, Lộc ngược về Bắc. Tiếp tục đóng quân ở 4 tỉnh biên giới phía Bắc, tham gia vào những lần khói lửa chinh chiến triền miên. Mãi đến năm 1985, ông Lộc xin phục viên, với hàm thượng úy, chức vụ đại đội trưởng. Phục viên đơn giản là bởi, bố mất, mẹ đau yếu, nhà lại nghèo khó.

Ngày 4/7 vừa rồi, Thượng úy phục viên Nguyễn Quỳnh Lộc khi xưa ngồi trước mặt tôi ở quán cà phê cóc đầu con hẻm mà hai bố con ông được bác chủ nhà tốt bụng tên Nguyễn Đăng Lâm cho trọ miễn phí. Quần xắn móng lợn, răng ám vàng khói thuốc lào, tóc bạc quá nửa, những tháng ngày khốn khó khiến ông già hơn so với số tuổi 58 mà ông đang sở hữu… Ngồi từ trưa rồi đến tan chiều, ngồi từ lúc cậu con trai gia bảo vào phòng thi cho đến khi lang thang sang trường đón cậu về lại nhà trọ, ông chỉ kể một câu chuyện duy nhất, chuyện về Phú.

Ngày ông phục viên, đã kịp yêu cô công nhân nhà máy dệt tên Nguyễn Thị Bình, quê ở Phú Thọ. Ông quen trong những lần đi công tác hay đi xác minh lý lịch để kết nạp Đảng cho cậu lính mới nào đó. Ông phục viên tháng trước, thì tháng sau lên Phú Thọ, rước cô về Yên Thành, Nghệ An làm dâu.

Hai vợ chồng trẻ, nghèo xơ xác ở cùng với mẹ ông. Nhà bên này cũng nghèo, bên kia cũng nghèo, chẳng ai giúp đỡ được gì. Khi cậu nhóc đầu lòng ra đời, tiếp đến là cô con gái, hai vợ chồng xin phép mẹ cho ra riêng. Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi qua, ngày bận việc đồng áng với hợp tác xã thì ra ruộng. Ngày thưa việc thì lên rừng kiếm củi về bán đong gạo, được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu…

Năm 1990, Phú ra đời. Hôm mẹ sinh Phú ở Trạm y tế xã, các cô hộ sinh nhìn thấy Phú mặt mày bỗng dưng xanh nhợt. Bố Phú thẫn thờ, lặng im… Phú không có hai tay, từ vai của Phú mọc ra mẩu thịt con con, hình dáng giống một ngón tay. Phú cân nặng 1,3 kg, hai hố mắt sâu thẳm. Không hy vọng gì về một mầm sống.

Mẹ Phú tỉnh lại sau cơn đau vượt cạn, nhìn thấy Phú, khóc ngất. Bố Phú trong khoảnh khắc ấy chẳng nói gì cả, nỗi đau gần như đã đánh gục ông. Ông Lộc bảo với tôi rằng, chiến trường bom đạn ông chẳng sợ, lâu rồi ông cũng không biết mùi vị của nước mắt, nhưng nhìn Phú ông xót xa đến độ không còn có thể nghĩ ngợi được gì.

Phú không có hai tay, người mềm oặt. Ẵm vào lòng là cứ chực trôi tuột khỏi tay. Rồi xóm giềng dị nghị, ở quê mà, người ta gọi những hình hài như Phú là điềm xui rủi. Bố mẹ Phú nghe thấy hết, biết hết, nhưng như ông nói với tôi: "Con mình dứt ruột đẻ ra mà, ai nói gì thì nói, mình yêu thương cứ yêu thương thôi".

Phú và bố.

Ông Lộc kể, Phòng Lao động chính sách hay tin Phú như vậy nghi ngờ Phú bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam, nên cử người đến thăm. Rồi họ hướng dẫn cho mẹ Phú làm đơn xin trợ cấp, để hôm sau đến Phòng Lao động chính sách nhận 2 yến gạo và 20.000 đồng. Quà mừng đầy tháng lẫn thôi nôi của Phú chỉ có vậy.

Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí… Lúc Phú nằm khóc oe oe trên giường, cũng là khi ông Lộc bị căn bệnh đau dạ dày hành hạ. Đau đến mức ông cứ tưởng mình chết rồi, đau không đi được, chỉ biết nằm co ro chịu trận. Không có tiền đến bệnh viện, ông định nằm cho đến chết. Những người thân của ông sau màn hội ý chớp nhoáng, quyết định hùn tiếp rồi "cưỡng ép" ông đến bệnh viện khám bệnh, bởi lý do đơn giản nhưng đầy tình người: "Máu mủ không làm ngơ nhau được. Phải giúp mày một lần để mày đi viện chữa bao tử, chứ mày chết rồi, vợ con mày nheo nhóc, thằng Phú lại thế kia… Ai mà giúp cho xuể. Mày ráng khỏe mạnh về lo cho gia đình".

Ba năm, ông nằm viện 3 lần, cắt đi 3/4 bao tử… Những năm ấy, một mình bà cáng đáng lo việc trong nhà, vừa phải kiếm sống, vừa chăm chồng bệnh, lại vừa chăm con thơ và đứa con trai út khi đó mang hình hài tật nguyền. Ông nói, ông thương bà thời điểm ấy khủng khiếp, một bên gánh mạ, một bên gánh con là vậy. Thế nên, cho đến giờ, mỗi sáng ông vẫn dậy lúc 4 giờ để nấu cám lợn, rửa bát, đặt ấm nước, quét sân vườn, dọn nhà, nấu cơm rồi đánh thức vợ con dậy ăn sáng…

Trở lại chuyện của Nguyễn Minh Phú, có người nói với ông rằng, Phú yếu thế, thôi thì hú họa cố đợi đến sẩm tối, soi đèn ra cầu ao hay bụi tre ngà, tìm con cóc mủ bắt về làm sạch, băm nhuyễn nấu cháo cho Phú ăn. Mỗi ngày ăn từ 5-7 con, biết đâu sẽ khỏi.

Ông Lộc nghe vậy mừng lắm. Cứ sau giờ đi làm ruộng ở hợp tác xã về, lại ngong ngóng đợi đêm xuống đi bắt cóc về nấu cháo cho Phú. Cái may là nhờ món cháo ấy, mà năm lên… ba tuổi, Phú đã ngồi được.

Ba năm sau, Phú đã có thể đi lẫm chẫm và nói. Khỏi phải nói, niềm vui của bố mẹ Phú lớn đến mức nào. Họ có cảm giác, đời mình như được sống thêm lần nữa.

Đôi chân trần đi học

Phú 6 tuổi, ít bạn. Cả ngày lê la ra ngoài trường mẫu giáo xem mấy nhóc hát ê a. Thấy ai cũng có cái bảng gỗ đeo một bên vai, Phú cũng nằng nặc bắt bố làm cho mình một cái. Có được bảng gỗ, Phú đeo suốt, đi ngủ cũng không tháo ra.

Phú hơn 6 tuổi, đòi đi học. Bố Phú hỏi, tại sao? Phú trả lời, được mặc quần xanh áo trắng, đeo khăn đỏ ở cổ, đẹp.

Thương con, bố dắt Phú đến Trường tiểu học Hồ Tông Thốc, xin ông hiệu trưởng cho Phú được đến lớp. Hiệu trưởng nhìn bố Phú ái ngại, sau một lát suy nghĩ, thầy hiệu trưởng bảo: "Anh dắt cháu xuống lớp 1 của cô giáo đang dạy, cô đồng ý nhận thì tôi cho cháu học".

Cô giáo đồng ý nhận Phú. Phú về, mừng đến quên cả ăn cơm. Gặp ai cũng tíu tít khoe, mai cháu đi học.

Ba ngày sau, cô giáo tìm đến nhà Phú. Đứng khoanh tay, thưa chuyện: "Cô chú cho em ở nhà. Em không được khỏe, nên tiếp thu không nhanh bằng bạn. Mà thật ra, cháu nhìn em, cháu cảm động cháu khóc, cháu dạy không được ạ". Nói dứt câu, cô giáo ôm mặt khóc òa chạy đi.

Phú buồn, bỏ cơm. Bố Phú xót con quá mà không biết làm sao. "Thế bố dạy Phú học, nhé", ông quyết định. "Vâng, ạ", Phú lại tươi tỉnh.

Những con chữ cái được ông viết xuống nền đất bằng phấn trắng, Phú ngồi bệt xuống đất, đưa chân cho bố cầm, căng mắt tập trung hết tinh thần để giữ phấn chặt giữa kẽ chân... Nhưng hễ bố buông tay, là phấn lại rớt.

Bố cầm chân Phú tập viết được nhiều ngày, bận đi làm đồng. Bố viết một dãy chữ cái ngoài sân rồi bảo Phú ngồi tập viết theo, như là một cách để Phú khỏi ra ao chơi. Chẳng may sẩy chân, Phú không tay thì biết bấu víu vào đâu.

Bố về nhà nghỉ trưa, thấy Phú đầu trần giữa trời nắng chang chang, cắm cúi viết. Bố giận tím mặt, quát Phú: "Nắng thế sao không vào nhà mà ngồi ngoài đấy viết?". "Trong nhà không có chữ", Phú mếu máo. Nghe Phú đáp mà mắt bố ầng ậc nước... Từ đó, bố viết khắp nơi trong nhà để Phú viết theo, viết trên sân trước nhà, trên nền nhà, trên vách nhà... Bất cứ chỗ nào Phú ngước mắt nhìn đều thấy chữ cái mẫu của bố.

Mẹ Phú trong lúc tắm cho Phú, cứ ngạc nhiên không biết sao cái khe giữa hai ngón chân phải của Phú cứ bị loét rồi lõm mãi. Hỏi thì Phú không nói. Bà mách lại chuyện đó với chồng, ông Lộc âm thầm quan sát thì mới biết chuyện, phấn "ăn" chân Phú. Nhưng, ông không cấm Phú thôi viết được, bởi ông ném phấn đi thì Phú dùng gạch non viết, ném gạch non, Phú lại dùng than bếp.

Chịu không thấu, ông dạy cho Phú cách viết bằng bút chì. Đầu bút chì nhọn, lực chân lại mạnh, hễ Phú ấn cây bút chì lên giấy cứng bút chì lại gẫy. Đang không biết làm cách nào, thì vô tình, ông Lộc bắt gặp hình ảnh Phú dùng hai đầu ngón chân cái, khậy khậy đầu bút chì để tìm lõi bút viết tiếp, ông nhìn thương quá. Nghĩ mãi, ông mới phát hiện ra chuyện lấy cái phần nhựa cứng ở đầu cây bút bi, gắn vào đầu bút chì thì có khả năng Phú sẽ không làm gẫy đầu bút chì. Ông thử, và thành công.

Sau khi viết được bút chì, ông lại tập cho Phú viết bút mực. Viết bút mực trên giấy tập mỏng hẳn hoi... Phú viết được, tập mãi rồi thành viết đẹp. Lúc này, ông tự tin dẫn Phú đến trường tiểu học xin học lớp 1. Ở lần "tái học" này, cô giáo đã không còn đến nhà trả Phú nữa. Phú được bạn bè ưu tiên nhường cho phần ghế rộng hơn để có thể xoay xở trong việc học.

Năm Phú học lớp 3, Phú được nhà trường cử đi tham dự cuộc thi Vở sạch chữ đẹp của huyện. Và ngay lập tức, cậu học trò viết bằng chân đã tạo nên cơn địa chấn thông tin khắp cả một vùng quê. Đài truyền hình của tỉnh Nghệ An cắt cử phóng viên xuống thực hiện phim phóng sự về nghị lực của Phú...

Rồi những năm tiếp theo, Phú xuất hiện ở chương trình Người xây tổ ấm của Đài Truyền hình Việt Nam, Phú được Thủ tướng Phan Văn Khải tặng Kỷ niệm chương, được đến thăm nhà riêng và nhận Kỷ niệm chương của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết... Phú còn được tham dự Hội nghị Hiệp sĩ công nghệ thông tin diễn ra tại Hà Nội...

Phú đã có một cuộc sống khác.

 Ngoài chuyện học hành, Phú cũng có thể chơi thể thao. Phú đánh cầu lông, bóng bàn bằng cách kẹp vợt vào giữa một bên má và vai. Phú chơi bóng chuyền bằng... đầu. Bố Phú nói với tôi rằng Phú đá banh cũng hay... vừa vừa.

Phú có thể tự đi mua đồ cho riêng mình, bộ nào chẳng may chật quá, Phú tự biết cách cắt ra rồi may lại sao cho vừa người. Việc vệ sinh cá nhân đa phần Phú làm được hết, nhưng không phải là tất cả.

Ông Lộc kể rằng, Phú còn có cậu em út nhỏ hơn Phú 3 tuổi, tên Thọ. Những năm Phú đi học, một tay Thọ săn sóc cho Phú những khi Phú ở trường. Thọ học đến lớp 12 thì nghỉ, nằng nặc đòi ở nhà để đi làm công nhân, phụ bố mẹ tiền nuôi Phú đi học đại học, nếu lần này Phú thi đậu... Bởi anh chị Phú đều đã có gia đình. Mà 6 sào ruộng của bố mẹ Phú, năm nào may lắm không bị bão lũ thì trồng được hai vụ lúa, năm nào xui rủi thì chỉ được mỗi vụ đông xuân... Năm được 2 mùa lúa, thu hoạch sau khi trừ mọi chi phí, thuế má, tiền ủng hộ này kia còn lại được khoảng 2 tấn lúa, tương đương 12 triệu đồng. Năm nào lũ lụt mất trắng, thì số tiền ấy còn một nửa.

Thế nên, "thu nhập" lớn nhất của gia đình Phú là từ số tiền trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam mà Phú được hưởng, mỗi tháng là 700 nghìn cộng với 500 nghìn tiền chế độ thương binh của ba Phú.

Hết giờ thi, tôi cùng ông Lộc lang thang dọc đường Nguyễn Tri Phương sang Thành Thái đón Phú. Thấy Phú đang đứng trò chuyện với nhiều người bạn xung quanh, có cả phóng viên.

Hỏi Phú em thi làm bài được không? Phú bảo đề toán hơi dài, Phú viết bằng chân nên không kịp. Còn môn Lý em làm bài được. Vào phòng thi, Phú được ngồi riêng một ghế để tiện cho việc làm bài. Đợt thi này, Phú chọn ngành Công nghệ thông tin...

Tôi không thích gọi Phú là một Nguyễn Ngọc Ký thứ hai, bởi tôi vẫn tin mỗi người có một thời cho riêng mình...

Ngô Nguyệt Hữu
.
.