Chuyện chàng sinh viên câm - điếc đầu tiên của Việt Nam

Thứ Hai, 02/08/2010, 15:45
Khi hay tin về chàng trai khuyết tật câm - điếc Đoàn Phạm Khiêm trở thành sinh viên câm - điếc đầu tiên của Trường đại học Mỹ Thuật TP HCM, tôi tìm đến, và trong căn nhà nhỏ chưa đến 18m2 nằm trên đường Lê Thánh Tôn, ngay chợ Bến Thành, tôi lại nghe câu chuyện về bà Phạm Cao Phương Thảo - mẹ Khiêm, người đã chịu đựng đủ những nhọc nhằn, cay đắng nuôi dạy cậu bé Khiêm trưởng thành, một câu chuyện như cổ tích...

Không ít lần bà Thảo gục ngã, buông xuôi, muốn bỏ con để đi đến một nơi thật xa, không còn những trận đòn kinh hoàng từ người chồng nghiện rượu, không còn rơi nước mắt chịu đựng nỗi đau câm lặng, tật nguyền của con. Nhưng bà không bao giờ làm được...

Mẹ

Bà Thảo ngồi trước mặt tôi, vóc người nhỏ, nụ cười hiền, chưa đến 60 tuổi nhưng mái tóc đã bạc quá nửa. Kể về con, bà hay cười, nhưng khi nói về mình, bà lại không cầm được nước mắt...

Ngay khi bà Thảo cùng chồng về ra mắt gia đình, gia đình bà đã kịch liệt phản đối, bởi chồng bà nghèo quá, vì yêu, bà chấp nhận từ bỏ... gia đình, vì nghĩ, dù có nghèo, hai vợ chồng biết thương yêu, đùm bọc, lo lắng cho nhau là đủ. Hai người lao vào làm, tối mặt tối mày kiếm tiền tổ chức một đám cưới nho nhỏ. Ngày về làm dâu, căn phòng tân hôn chẳng có gì ngoài một manh chiếu rách, bà chẳng ta thán gì! Cuộc sống của vợ chồng bà cứ lặng lẽ trôi, nghèo nhưng thực sự hạnh phúc. Sự ra đời của cậu con trai vào năm 1982 khiến tình cảm đôi vợ chồng trẻ thêm gắn bó. Khiêm sinh ra bụ bẫm, trắng trẻo, rất đáng yêu.

Nhưng bất hạnh ập đến, Khiêm bị dịch tiêu chảy, hai vợ chồng đưa con đến bệnh viện, trong phòng điều trị có 3 đứa trẻ đều bị bệnh như nhau, 2 đứa chết, chỉ mình Khiêm được cứu sống, nhưng từ một cậu bé bụ bẫm, chỉ còn lại một thân thể còm nhom. Khi ấy, vợ chồng bà Thảo không hề biết Khiêm đã bị câm - điếc, họ vẫn mừng rỡ đưa con về nhà. Khiêm càng lớn, vợ chồng bà càng cảm thấy có gì đó không bình thường ở con mình, nó hoàn toàn vô cảm trước tiếng động và không biết nói, đến bệnh viện, lời khẳng định của bác sĩ khiến cả vợ lẫn chồng đều bật khóc: Khiêm đã bị câm - điếc hoàn toàn. Nhưng vì Khiêm không phải bị bẩm sinh, Khiêm bị khi cậu bé điều trị bệnh tiêu chảy ngày nọ, nghĩa là, Khiêm còn có thể phục hồi chức năng...

Bao nhiêu tiền của vợ chồng dành dụm được đều dồn vào chữa chạy cho Khiêm, ra Bắc, vào Nam, lên rừng, lên núi, thuốc tây, thuốc ta, kể cả thầy cúng, thầy mo... họ đều đưa Khiêm đến, hai vợ chồng làm ngày, làm đêm để có tiền lo cho con. 3 tuổi, Khiêm vẫn chỉ biết ú ớ, vô cảm với tiếng động...

Cha Khiêm vì quá buồn, quá lo lắng, ông tìm quên trong rượu, sau những cữ rượu là ông về gây sự với vợ từ những trận đòn nhẹ, rồi nặng dần trút lên người phụ nữ nhỏ bé. Không ít lần bà vào nằm viện chỉ vì những trận đòn tàn khốc của chồng. Bà Thảo cắn răng chịu đựng. Nhưng rồi một đêm, ông đi nhậu về, đánh cả bà lẫn con, khi ấy Khiêm vẫn còn rất nhỏ, thương con, bà đi đến quyết định ly hôn. Khi tỉnh rượu, nghe bà nói, ông lại lao đến ôm bà, áp đầu bà vào ngực mình xin lỗi, ông hứa sẽ không thế nữa, sẽ không để 2 mẹ con phải đau khổ, bà lại mủi lòng, lại tha thứ cho ông. Nhưng tật xấu của ông nào có bỏ, rượu làm cho ông mụ mị, hai mẹ con bà lại thay nhau chịu những trận đòn, bà uất lắm, không ít lần nằm trong bệnh viện, bà đã tính quyên sinh, nhưng Khiêm lại xuất hiện, ú ớ nắm tay bà áp vào má mình, bà chỉ biết khóc thầm, nước mắt nuốt ngược vào trong...

Mẹ chồng bà biết chuyện, thương con dâu, cháu nội, dọn đến ở với vợ chồng bà, phụ chăm sóc cho Khiêm, bà hết lời khuyên giải con trai mình, nhưng chỉ có thể khuyên giải khi ông tỉnh, khi  say đến mẹ mình ông cũng chẳng nhớ là ai. Bà Thảo nói với mẹ chồng quyết định ly hôn, mẹ chồng bà cũng không phản đối. Ly hôn, chồng bà dọn ra ngoài ở, lấy rượu làm bầu bạn, nhưng mẹ chồng bà vẫn sống với hai mẹ con bà, cho đến ngày bà qua đời...

Sau khi ly hôn, việc kiếm tiền lo cho con, chăm sóc, dạy dỗ con một tay bà gánh vác. Bà từng làm việc ở Công ty Fafilm, thông cảm với cuộc sống của hai mẹ con, cơ quan đã cho họ ở một căn phòng tập thể, bên trên một rạp chiếu bóng cũ, số 122 Lê Thánh Tôn, đối diện với cổng Nam chợ Bến Thành. Ngày ấy, để có thêm thu nhập, bà nhận làm cả chân bảo vệ cơ quan buổi tối, để Khiêm nằm ngủ kế bên rồi bán thêm thuốc lá, ngày thì đi bán dép, quần áo. Khi ấy, vào cuối những năm 80 thế kỷ XX, vẫn chưa có một trường học nào dành cho người câm - điếc.

Đoàn Phạm Khiêm và mẹ.

Trong một dịp nói chuyện với một cô giáo hiểu về khuyết tật câm - điếc tại Lái Thiêu, người ta bảo, dù cậu bé có câm - điếc nhưng vẫn có thể hòa nhập cộng đồng. Tại nước ngoài, người câm - điếc đã có thể giao tiếp tốt với xã hội, nhìn đôi mắt thông minh của con, bà lại thêm hy vọng. Trở về nhà, bà cố gắng "dạy" con "nói chuyện". Đi đâu, bà cũng dẫn Khiêm theo, để Khiêm có thể nhìn, giao tiếp dù bằng ánh mắt, ra dấu với thế giới bên ngoài, để Khiêm không thụ động. Nhưng cậu bé Khiêm này lại hiếu động quá mức, cứ sểnh mắt là cu cậu lại lỉnh đi chơi, không nói được, không nghe được, không biết đường.

Có lần, cậu bé cứ đi, đi mãi rồi bị lạc. Không thấy con, bà bỏ việc, cuống cuồng đi tìm, bà đi từ phố này qua phố khác, từ quận 1, quận 3 đến quận 5, hơn một ngày trời, bà mới tìm thấy Khiêm đang nằm co ro ở cửa một trung tâm văn hóa quận, bởi nó giống cái rạp chiếu bóng mà mẹ hay làm việc, thấy con, bà muốn đến đánh cho Khiêm một trận nhớ đời, nhưng khi thấy con lấy tay xoa bụng, bà hiểu, nó đói, chắc cả ngày qua con bà vẫn không ăn gì, mà cũng không biết xin ăn người ta, bà ôm con vào lòng, bật khóc!

Đến năm 1992, ngay khi hay tin về Trường Hy Vọng I - ngôi trường dạy văn hóa cho trẻ câm - điếc, bà đưa con đến học. Cuộc sống của Khiêm bắt đầu sang một trang khác khi cậu bé được đến trường, học văn hóa và học "chuyện trò". Từ đây, mỗi ngày bà Thảo phải đến lớp học múa dấu cùng con để về nhà nói chuyện và giúp Khiêm học nhanh hơn. Bà kể: "Dạy Khiêm hiểu được một câu tục ngữ "Có chí thì nên" tôi phải mất hết 4 tiếng đồng hồ, với đủ mọi hành động, cử chỉ... Khi Khiêm hiểu được các con chữ, tôi lại mua sách báo về cho Khiêm đọc để viết được câu tốt hơn".--PageBreak--

Con

Giờ, cứ mỗi sáng Chủ nhật, bà Thảo lại theo Khiêm đến Trường tiểu học Lý Nhơn quận 4, TP HCM dạy múa dấu ký hiệu cho các học trò khuyết tật. Bà Thảo đã trở thành "trợ lý" ngôn ngữ của con mình. Tôi gặp Khiêm ở đây, khuôn mặt vuông chữ điền, đôi mắt sáng, chân mày rậm, ở Khiêm toát lên vẻ cương nghị. Không máy ghi âm, không một lời qua lại, cuộc "trò chuyện" của chúng tôi đều trên giấy, và từ đây, tôi phát hiện ra, Khiêm viết chữ rất nhanh và rất đẹp, những nét chữ gọn gàng, chuẩn mực như chữ in...

Khiêm thông minh, hiếu động và cả hiếu thắng - bà Thảo kết luận về con mình. Khi Khiêm đã nghĩ như thế nào thì đấy như là... chân lý, cũng vì lẽ đó, Khiêm rất kiên trì theo đuổi những mục tiêu của cuộc đời. Không thể nghe, không thể nói, nhưng kỳ tuyển sinh năm 2009, Đoàn Phạm Khiêm đã làm nên một kỳ tích khi thi đậu vào Trường đại học Mỹ thuật TP HCM với số điểm rất cao: 29,5 điểm, chưa tính 2 điểm ưu tiên (1,5 điểm ưu tiên người câm điếc và 0,5 điểm khu vực 2 - Đồng Nai), Khiêm đứng trong top 10 những người cao điểm nhất của Khoa Hội họa và là người khuyết tật câm - điếc đầu tiên ở Việt Nam đậu vào trường đại học chính quy.

Hành trình học đại học của Khiêm đủ những nhọc nhằn nhưng số phận cũng ưu ái cho Khiêm nhiều may mắn. 10 tuổi, tại ngôi trường mang tên Hy Vọng, Khiêm bắt đầu làm quen với những con chữ. Không đọc, không nghe được, học được mỗi con chữ đối với cậu bé Khiêm đều như "đánh vật", nhưng Khiêm kiên trì kỳ lạ, mỗi con chữ đối với Khiêm như một phát hiện kỳ thú, cậu mê mẩn với nó, "say" với nó. Bà Thảo kể lại rằng, khi biết chữ, hầu như ngày nào Khiêm cũng chăm chú vào chúng, không thiết tha gì, có khi bỏ ăn, bỏ ngủ, nhiều đêm, Khiêm mày mò "đọc" sách, nào có ra tiếng gì, những câu chuyện Khiêm đọc ra cứ ú ớ trong cổ họng...

Cũng chính tại ngôi Trường Hy Vọng, Khiêm được học vẽ và sớm bộc lộ năng khiếu bẩm sinh của mình về hội họa. Khiêm vẽ bất cứ khi nào rảnh rỗi, vẽ ngay lên bàn học, vẽ lên tường chỗ góc học tập của mình. Trong căn nhà nhỏ đầy ắp những tranh vẽ của Khiêm...

Khiêm học hết phổ thông cơ sở thì hết... chương trình. Tại TP HCM những năm này vẫn chưa có trường cấp III dành cho người khuyết tật câm - điếc, nhưng may mắn thay, có một dự án ngôn ngữ dấu và phổ thông do Đại học Gallaudet (Mỹ) tổ chức dạy tại Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, Khiêm năn nỉ, thuyết phục mẹ để được tham gia đợt tuyển chọn học viên của dự án bởi Khiêm hiểu, đây là cơ hội của đời mình. Bà Thảo kể, từ nhỏ đến lớn, Khiêm đều sống dưới vòng tay che chở của bà, Khiêm bị tật nguyền như thế, không khi nào bà yên tâm khi để Khiêm đi xa một mình.

Biết mẹ không đồng ý, Khiêm buồn lắm, thế nhưng Khiêm quyết không bỏ cuộc. Em viết thư bằng tiếng Anh cho Tiến sĩ James Woodward và Mike Kemp (hai người tham gia dự án dạy ngôn ngữ cho người câm - điếc) cùng nhiều thầy cô khác trong dự án, nhờ họ viết thư, gọi điện thuyết phục mẹ mình. Và bà Thảo đã xiêu lòng! Khiêm được tuyển ngay khóa đầu, trở thành 1 trong 5 người đầu tiên được chọn giúp dự án soạn bộ từ điển ngôn ngữ ký hiệu dành cho người câm - điếc...

Chỉ một thời gian ngắn theo học tại đây, Khiêm đã đạt chứng chỉ giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam mức 1. Cũng trong năm này, Khiêm được mời làm cộng tác giảng dạy tại Khoa Nghiên cứu Văn hóa ngôn ngữ của người câm - điếc. Nhưng mãi đến năm 2006, Khiêm mới hoàn thành chương trình THPT. Ngay sau đó, Khiêm đã tính về TP HCM luyện thi đại học, nhưng thầy Woodward thuyết phục Khiêm ở lại thêm một năm để hoàn thành xong khóa ngôn ngữ ký hiệu.

Tranh của Đoàn Phạm Khiêm.

Năm 2007, Khiêm dự thi vào Khoa Kiến trúc công trình của Trường đại học Kiến trúc nhưng... thất bại. Nhiều người khuyên Khiêm nên đi học chuyên về ngôn ngữ ký hiệu, nấu ăn hay đầu bếp... nhưng Khiêm vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình, cậu lao vào ôn thi tiếp. Kỳ tuyển sinh sau, Khiêm quyết định thi vào Trường đại học Mỹ Thuật và em đã đậu với số điểm rất cao.

"Đừng bao giờ bỏ cuộc"

Người câm - điếc thì làm được gì? Câu hỏi ấy đã găm vào suy nghĩ từ khi cậu bé Khiêm bắt đầu biết chữ, đó là nỗi đau, nhưng cũng là động lực để em phấn đấu, nỗ lực từng ngày. Trưởng thành, Khiêm dần nhận ra thêm một mục đích sống của mình là giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ, như một cách để trả ơn cuộc đời. Bà Thảo từng khuyên con: "Khiêm à, sau này con nên đi dạy lại những gì mình biết cho những em bé đồng cảnh ngộ như con. Mẹ nghĩ, công việc đó rất hợp với con vì con hiểu những người đặc biệt ấy hơn bất cứ ai"!

Khiêm ghi vào cuốn sổ phỏng vấn của tôi: "Nếu đã biết ước mơ thì hãy cố gắng thực hiện để chạm tay vào mơ ước đó. Mình muốn đi du học ở Pháp hoặc Mỹ, những nước sử dụng ngôn ngữ ký hiệu rất phổ biến, rồi mình sẽ trở về dạy cho những người câm điếc chưa có điều kiện học như mình, dạy ngôn ngữ ký hiệu hoặc những lớp phiên dịch cho người câm - điếc”.

Ngày xưa, khi những đứa trẻ khác trêu chọc là "thằng câm, thằng điếc", Khiêm không nghe được, nhưng nhìn chúng, Khiêm biết đấy là những lời không hay. Mẹ chỉ bảo Khiêm: "Con đừng bận tâm đến chuyện đó, mà hãy tin rằng cuộc sống rất công bằng". Bà Thảo dạy Khiêm phải biết quý trọng những gì mình đang có, vì Khiêm vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều người khác. Bà Thảo dạy Khiêm những bài học về giá trị bản thân và niềm tin vào cuộc sống, nhờ có mẹ, Khiêm biết cách chiến đấu và chiến thắng với chính số phận của mình.

Giờ, Khiêm đã tin lời mẹ, rằng sự hiện hữu của mình trong cuộc sống này thật sự có ý nghĩa, với mẹ, với riêng Khiêm và với những người khác. Khiêm sẵn lòng hòa mình vào thế giới xung quanh. Khiêm sẽ dạy lại cho những học sinh đặc biệt của mình, thêm một điều, đó là: "Đừng bao giờ bỏ cuộc!". Khiêm còn muốn xây một trung tâm giao lưu cho người khuyết tật, một trường đại học cho người câm - điếc, ước mơ lớn nhất của Khiêm...

Còn tôi, trở về với một "bài học" từ Khiêm: Điều kỳ diệu chỉ có thể xảy ra và thực sự đã xảy ra với những ai không bao giờ bỏ cuộc...

Thuận Thiên
.
.