Chuyện của một Trưởng Công an huyện

Thứ Bảy, 26/12/2009, 22:50
Từ một năm qua, tại huyện Nga Sơn - Thanh Hóa đã triển khai rất thành công mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự". Trong đó có một nội dung quan trọng là xây dựng “Quỹ doanh nhân phòng chống tội phạm”. Theo đó Công an huyện đã kết hợp với Doanh nhân và Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện về vốn, giải quyết việc làm cho những người lầm lỗi hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Tác giả của đề án nhân văn và thiết thực này là Thượng tá, Trưởng Công an huyện Nguyễn Cao Sơn…

I- Lần đầu gặp Nguyễn Cao Sơn khi anh đang chuẩn bị ra mắt mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự", tôi bị ấn tượng ngay với ông Trưởng Công an huyện bởi tài... diễn thuyết. Ấn tượng hơn khi nghe anh nói rằng phải mất tới 8 năm, anh mới viết ra và triển khai mô hình này, mà ý tưởng lại bắt đầu từ một vụ án xảy ra cách đó... 8 năm.

Năm 2000, Nguyễn Cao Sơn vừa nhận nhiệm vụ Trưởng Công an huyện Nga Sơn đã trực tiếp chỉ huy phá vụ án buôn bán ma túy; đối tượng chính của vụ án này là một cô gái... rất đẹp nhưng vừa mãn hạn tù vì tội chứa mại dâm.

Khi nghe anh hỏi vì sao vừa mãn hạn tù đã lại phạm pháp, cô ta đã khóc và kể rằng khi đi tù về, bố mẹ đã chết cả, nhà không có, muốn đi làm thuê cũng không được vì không ai muốn thuê một người vừa đi tù về nên cô đành phải về gia đình nghèo khó của chị gái ở nhờ. Nhà chị gái cũng nghèo nên cả nhà có duy nhất một cái giường, khi cô về tá túc thì phải nằm dưới đất. Mùa đông mà nằm dưới đất, dù đã lót cả đống rơm bên dưới mà vẫn lạnh thấu lưng không thể nào ngủ được. Cô ta bảo chỉ mong có được 160 ngàn đồng mua cái giường cá nhân nhưng không kiếm đâu ra. Đúng lúc ấy, có một kẻ buôn ma túy ở huyện bên cạnh tìm đến, cho cô 500 ngàn đồng và rủ cô đi buôn "hàng trắng", cô chỉ việc mang hàng chứ không phải góp vốn. Vậy là cô ta đồng ý ngay. Lần đó, cô gái ấy bị kết án tới 20 năm tù, tới bây giờ vẫn đang trong trại giam...

Câu chuyện ấy đã khiến anh bị ám ảnh suốt. Bởi nếu ngày ấy, cô gái kia tìm được việc làm thì có thể đã trở thành một công dân tốt, tìm được hạnh phúc mới chứ không phải chịu cảnh tù lâu, án dài tới tận bây giờ. Ý nghĩ phải làm việc gì đó thiết thực giúp đỡ những người từng lầm lỗi có cơ hội hoàn lương cứ đeo đẳng suốt dù hàng ngày có bao nhiêu công việc sự vụ phải giải quyết, nhưng nhiều đêm, cứ trằn trọc không ngủ được. Vì thế "chỉ tới khi triển khai được mô hình này tôi mới thấy mình đã trả xong một món nợ với chính mình".

Bữa ra mắt mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự" được tổ chức khá hoành tráng, có hơn 200 người là các chủ hộ kinh doanh nhở ở huyện; giám đốc các doanh nghiệp ở Thanh Hóa và có người từ Hà Nội, Hải Phòng về dự; kẻ ít người nhiều đã đóng góp cho Quỹ được hơn 300 triệu đồng làm vốn ban đầu. 

II- Sau này, khi đã thành người quen, tôi mới biết thời điểm anh viết đề án này là anh đi nằm viện điều trị bệnh viêm cơ delta khiến cánh tay trái có lúc gần như liệt. Gần 10 năm làm trưởng Công an huyện Nga Sơn, anh còn là tác giả của những đề án rất thiết thực phục vụ công tác như đề án "113 cấp huyện", "làm chứng minh nhân dân tại nhà cho người cao tuổi và người tàn tật", giải quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở đảm bảo an ninh nông thôn... Không những thế, ông Trưởng Công an huyện này còn là tác giả kịch bản sân khấu đi thi Hội diễn nghệ thuật quần chúng đoạt giải cao và.. làm khá nhiều thơ...  

Sinh năm 1955, từng là học sinh giỏi Toán nhất huyện Nga Sơn. Nhưng tới bây giờ, ký ức tuổi thơ của anh là những cơn đói triền miên. Mồ côi cha từ khi mới 1 tuổi, khi ấy mẹ anh mới 27 tuổi đã ở vậy nuôi 4 đứa con thì chuyện bữa đói nhiều hơn bữa no cũng là bình thường. Nghèo đói như vậy nhưng cả 4 anh em đều được đi học cũng là may mắn.

Năm 1979, tốt nghiệp Khóa 6 Đại học An ninh, Thiếu úy Nguyễn Cao Sơn nhận lệnh lên công tác ở Công an Lạng Sơn đúng lúc cuộc chiến tranh biên giới nổ ra.

Ngày ấy, cả thị xã Lạng Sơn vắng ngắt vì dân đã đi sơ tán hết. Những lúc rảnh rỗi, không biết đi đâu, chàng thiếu úy trẻ lại vào thư viện tỉnh đọc sách. "Ông biết không, cả kho sách văn học ở thư viện ngày ấy tôi đã đọc gần hết". Đọc rồi lại nghĩ "tại sao mình không viết về chính cuộc sống ở nơi vùng biên thời chiến này nhỉ". Mất một tuần hì hụi ngồi viết, gạch xóa, chỉnh sửa, anh viết xong truyện ngắn "Cột mốc" và gửi báo Văn nghệ Lạng Sơn.

Chẳng ngờ cái truyện ấy đăng xong rất nhiều người thích, và một vị lãnh đạo Hội Văn nghệ Lạng Sơn đã đến gặp và nói nếu anh thích chuyển công tác sang Hội Văn nghệ thì ông sẽ giúp vì ở đó sẽ có môi trường tốt để phát triển khả năng văn chương. "Tôi mất mấy ngày suy nghĩ mới quyết định từ chối lời mời ấy vì với văn chương mình chỉ là kẻ ngoại đạo".

Năm 1985, bỏ lại nhiều cơ hội vì bà mẹ ở quê ngoài căn bệnh hen suyễn kinh niên lại bị "thiên đầu thống" mù cả hai mắt mà không có ai chăm sóc, Nguyễn Cao Sơn xin chuyển công tác về Công an Thanh Hóa. Quê ở Nga Sơn nhưng lãnh đạo lại phân công anh về Đội An ninh Công an thị xã Sầm Sơn.

Đó là những năm tháng cùng cực. Bà mẹ già ở Nga Sơn không ai chăm sóc, vợ thì ở TP Thanh Hóa có bầu đứa con đầu mà nhà cửa không có phải đi ở nhờ trong một căn nhà tập thể của cơ quan chỉ có 8 m2 lợp giấy dầu chiều nào cũng mù mịt khói bếp dầu. Chẳng còn cách nào khác, anh phải đèo bà mẹ xuống ở cùng trong tập thể cơ quan.

Bốn năm công tác ở Sầm Sơn, Sơn không nhớ đã bao nhiều lần với cái xe đạp mà bàn đạp thì đã bay mất pê đan chỉ còn trơ cái "bút chì" nhọn hoắt nhiều lúc đâm toạc cả chân, anh đèo theo bà mẹ già mù lòa từ thành phố Thanh Hóa xuống Sầm Sơn. Để bà không ngã, anh phải lấy dây buộc ngang người bà vào mình. Nhà tập thể thì mỗi người được một cái giường đơn, vậy là anh phải nhường mẹ cái "suất" ấy còn mình thì đi ngủ nhờ anh em suốt mấy năm trời như vậy.  

Rồi đến năm 1990, khi đang ở Phòng Bảo vệ Chính trị 1 Công an tỉnh, một buổi tối, khi đèo đứa con lớn đi trực ở cơ quan, đêm ngồi thức canh muỗi cho con, anh vừa nghĩ có lẽ nên bỏ nghề ra ngoài làm mới có tiền nuôi vợ con.

Ngày ấy cả phòng anh ai cũng phải làm thêm, vậy là anh quyết định xin nghỉ 6 tháng đi làm ngoài. Thấy nhiều người làm gia công gỗ ván sàn xuất khẩu kiếm rất được, anh cùng một người bạn quyết định vay tín chấp ở ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư. Thu gom gỗ về chất ở quê, thuê thợ xẻ đúng quy chuẩn rồi hăm hở thuê xe chở ra Hải Phòng. Ngồi nhà tính toán nếu bán trót lọt được hết lô gỗ này thì có thể đổi đời. Nhưng ra tới Hải Phòng mới biết chuyện làm ăn không đơn giản. Không quen biết ai ở bộ phận kiểm tra hàng xuất, vậy là lô gỗ ván sàn bị đánh thành hàng phế phẩm hết. Đúng lúc ấy có một tay buôn ở Hà Tây xuống đề nghị bán lại cho họ. "Mua của mình xong nó lại xuất được mà là hàng chính phẩm mới đau chứ".--PageBreak--

Nguyễn Cao Sơn bảo anh không bao giờ quên cái đêm ngủ vạ vật ở ga Hà Nội ngày ấy. Nửa đêm, đang ngủ lơ mơ thì thấy có người cứ thở vào mặt mình, choàng dậy thì thấy một cô gái nằm bên cạnh. Lay mãi cô ta mới dậy hỏi sao lại nằm đây thì cô ta thản nhiên vừa ngáp vừa nói "anh cho em nằm ngủ nhờ một lúc". Rồi bất ngờ cô rủ anh đi ăn phở. Đang lăn tăn thì cô ta bảo luôn là cô ta mời chứ nhìn mặt là biết anh không có tiền. Vậy là trong cái quán phở cạnh ga Hà Nội đêm ấy, anh, một đại úy công an, sau khi ăn một bát phở, trong lúc chờ tàu đã ngồi nghe cô ta kể chuyện đời mình. Cô bảo rằng cô là giáo viên cắm bản ở Yên Bái.

Một mình một trường mãi mà không được chuyển về trường chính nên thành gái già. Chán, cô bỏ nghề về Hà Nội rồi lang bạt xuống Hải Phòng. Và rồi cô thành gái mại dâm. Nhưng mấy năm quăng quật nơi thành phố, cô bảo thấy mình không thể sống mãi cuộc sống ấy. Vậy là cô quyết định về quê. Nhìn anh thất thểu lên tàu từ Hải Phòng, cô biết ngay đó là người cùng cảnh. "Trước lúc lên tàu, cô ta bảo em không biết anh làm nghề gì nhưng nhìn mặt anh không đi buôn được đâu, về thôi anh ạ".

Sau lần ấy anh quên luôn cái ý định đi buôn. Món nợ 50 triệu mãi mấy năm sau mới trả hết.

III- Năm 2000, Nguyễn Cao Sơn nhận quyết định về làm Trưởng Công an huyện Nga Sơn. Sau khi ổn định tổ chức, giải quyết hết mọi khúc mắc trong nội bộ để anh em yên tâm làm việc, với quan điểm "Trong mọi công việc không có việc gì là nhỏ", anh bắt tay vào thực hiện cải cách trong công việc.

Năm 2004, Nguyễn Cao Sơn quyết định áp dụng quy chế "113 cấp huyện" mà chính anh là tác giả. Đây là huyện đầu tiên trong cả nước áp dụng cách làm này. Theo đó Công an huyện chia thành 3 cấp trực và nhận tin báo từ nhân dân là: trụ sở Công an huyện; trụ sở cụm Công an phụ trách xã (đã bố trí chia đều trong địa bàn huyện để rút ngắn khoảng cách cho người báo tin) và trụ sở Công an xã, thị trấn...

Nhờ cách làm sáng tạo này mà chỉ sau một năm triển khai, tình hình an ninh trật tự ở Nga Sơn đã thay đổi. Bây giờ, mô hình này vẫn được thực hiện nhưng đã chia tới 4 cấp ứng trực xuống tới từng tổ bảo vệ an ninh ở các thôn.

Với nhiều người lầm lỗi hoàn lương, giờ đây luôn coi Trưởng Công an huyện như người nhà.

Năm 2006, Nguyễn Cao Sơn cũng là người đầu tiên quyết định chỉ đạo Công an huyện thực hiện việc làm và cấp chứng minh nhân dân tại gia đình cho người cao tuổi và người tàn tật. Kế hoạch này sau đó nhận được sự ủng hộ của Công an tỉnh và chính quyền các xã. Chỉ sau một năm triển khai, Công an huyện đã làm tới 10.000 chứng minh nhân dân và kinh phí 100 triệu đồng đều do UBND các xã chi trả.

Rồi tới năm 2008, chính anh cũng là người trực tiếp tham mưu để Huyện ủy Nga Sơn ban hành đề án giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài. Và chỉ sau một năm, tất cả những vụ "điểm" đều được giải quyết ổn thỏa, có vụ khiếu nại hơn 10 năm nhưng sau một cuộc hòa giải, người đi kiện đã hiểu ra và chấm dứt việc kiện tụng...

IV- Nhưng, trong những việc đã làm được thì đề án "Doanh nhân với an ninh trật tự" là cái mà anh tâm đắc và tốn nhiều công sức nhất. Anh bảo trong mỗi con người, dù là người xấu, vẫn có phần lương thiện, nếu cộng đồng không kỳ thị và biết khích lệ, quan tâm dù rất nhỏ thôi thì dù đã một thời lầm lỗi, người ta cũng sẽ hoàn lương.

Những lần về Nga Sơn, cùng anh đi thăm những người được vay vốn của Quỹ, tôi đều thấy họ chí thú làm ăn và đạt kết quả khá tốt. Hội Doanh nhân cũng hợp tác rất nhiệt tình khi bố trí việc làm cho 8 người từng lầm lỗi, chọn hàng chục người làm đại lý thu mua, bán hàng, bảo lãnh cho một đối tượng vay 1,4 tỉ đồng mở doanh nghiệp vận tải. Dịp Tết 2009, Quỹ Doanh nhân đã hỗ trợ 8 triệu đồng cho 28 đối tượng vừa được đặc xá; giải ngân 320 triệu đồng cho 40 đối tượng vay vốn.

Cũng nhờ có mô hình này mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã lồng ghép các chương trình để cho vay 1,5 tỉ đồng ở cơ sở. Có người khi mới đi tù về không có việc làm nhưng nhờ đồng vốn của Quỹ đã mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho 11 người với mức lương 2 triệu đồng/tháng, có người nhờ vốn của Quỹ mà chỉ sau một năm từ chăn nuôi nhỏ lẻ đang xúc tiến để mở cơ sở chăn nuôi theo hướng công nghiệp...

Nguyễn Cao Sơn bảo ngày đầu khi nghe anh trình bày đề án này, cũng có người không ủng hộ. Nhưng bây giờ thì mọi người đã hiểu. Vì thế, vừa rồi khi tổ chức sơ kết một năm thực hiện mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự", Quỹ đã nhận thêm được 70 triệu đồng ủng hộ của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, vì thế vốn của Quỹ đã tăng lên hơn 600 triệu đồng. "Tôi cứ nghĩ thế này ông ạ, vài năm nữa là mình về hưu rồi nên làm được việc gì có ích thì cố làm để khi ra về mình thanh thản là đã làm hết chức phận và tâm sức".    

Nghe tôi nhắc tới cái tài thơ phú với "vốn liếng giắt lưng" tới ngót 200 bài mà đọc đều được cả, anh cười bảo: "Làm thơ nhiều lúc cũng là cách xả streecs thôi chứ tôi chỉ là dân ngoại đạo. Để tôi đọc bài thơ về tâm trạng của cánh đàn ông khi qua ngưỡng tuổi 50 ông nghe thử có được không nhé: “Gần hết cuộc đời anh mới gặp em/ Chưa giống lắm những gì khao khát/ Nhưng quá đủ với cuộc đời xơ xác/ Khắc khoải tháng năm đau đáu đi tìm/ Em rực cháy còn anh thì không thể/ Bởi thời gian vắt kiệt anh rồi/ Sống chật chội trong cái lồng hôn thú/ Anh thấy mình có tội em ơi/ Ôi Thượng đế! Người đùa con có phải? Người cho con hay trừng phạt con đây? Thôi đành vậy trả em về thực tại/ Em vẫn là mơ suốt cuộc đời".

Nghe anh đọc thơ, bất giác tôi nghĩ "ông này về hưu có khi lại... phát tiết đường thơ cũng nên"

Nguyễn Thiêm
.
.