Cụ ông 87 tuổi bị các con “vứt” trên vỉa hè tại phường Kim Mã (Hà Nội):

Chuyện đau lòng mùa Vu Lan

Thứ Sáu, 28/09/2012, 09:25

Tháng 7 âm lịch. Mùa Vu Lan, mùa báo hiếu cha mẹ. Đây là dịp những người con dù đã lớn khôn hay còn nhỏ dại báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đạo hiếu vốn là truyền thống, là đạo lý, là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Mùa Vu Lan chưa qua. Nhưng tại phường Kim Mã (Hà Nội), thật đau lòng thay khi một cụ ông 87 tuổi ốm yếu bệnh tật bị chính con đẻ "vứt" trên vỉa hè nửa ngày trời. Hành động bất nhẫn của những đứa con ngay trong mùa báo hiếu cha mẹ khiến dư luận hết sức phẫn nộ và bất bình.

1. Theo lời kể của các nhân chứng thì cụ ông Ngô Vi N., 87 tuổi, được hai cô con gái cùng một người con rể chuyển từ bệnh viện đến trước cửa số nhà 11 Núi Trúc lúc 11 giờ 30 phút ngày 7/9 bằng taxi. Người con rể cõng ông cụ từ taxi xuống. Cô con gái lấy chiếu trải trên vỉa hè rồi đặt bố nằm. Đầu ông cụ được đặt hướng lên bậc cửa ra vào. Xung quanh lủng liểng túi xách, chăn màn. Cửa cuốn của ngôi nhà lúc đó đã được hạ.

Người đi đường và dân phố trở nên huyên náo từ khi xuất hiện ông cụ. Họ dừng  lại nhìn. Người lớn, trẻ con ở gần đó cũng kéo đến xem ông cụ như một sinh vật lạ. Tội nghiệp cho cụ N. tóc bạc trắng nằm run lẩy bẩy trên vỉa hè, mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt. Trên tay cụ còn dính chiếc băng trắng ở chỗ bác sĩ thường lấy ven để truyền tĩnh mạch.

Thời tiết hôm đó lúc nắng lúc mưa. Ông cụ được "úp" bởi 2 chiếc ô. Không hiểu có phải do yếu quá hay vì xấu hổ với người đi đường, ông cụ nằm bất động. Nhìn ông cụ da bọc xương thoi thóp thở, nhiều người rỉ tai nhau đoán rằng có thể cụ sẽ "đi" trên vỉa hè này mất.

Trong khi đó, hai người phụ nữ đưa  cụ N. đến ra sức phân bua với hàng phố rằng họ là con gái của ông cụ. Hôm nay, họ đến bệnh viện đón cụ về nhà thì chị dâu đóng cửa không cho vào nên họ phải để bố nằm trên vỉa hè. Rồi họ đập cửa, chửi bới chị dâu. Ông cụ vẫn nằm lặng. Người ta thấy hình như nước mắt ông lặng lẽ chảy xuôi theo những nếp nhăn năm tháng.

Sự việc gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực này đã được báo cho công an và chính quyền phường Kim Mã. Xét đây là vụ việc bắt nguồn từ mâu thuẫn trong nội bộ gia đình cụ N., Ủy ban phường đã mời hai người con gái, cô con dâu cùng lên phường để giải quyết. Ông cụ vẫn phải nằm trên hè để chờ đợi. Anh con rể được phân công ở lại để trông ông cụ. Lúc đó là 14 giờ 30 phút ngày 7/9.

Cuộc họp giải quyết mâu thuẫn của gia đình cụ Ngô Vi N. tại UBND phường Kim Mã với sự tham gia của đồng chí Phó chủ tịch phường cùng các thành phần: cán bộ tư pháp, cảnh sát khu vực, chủ tịch Hội Người cao tuổi, thanh tra nhân dân, trưởng ban Mặt trận Tổ quốc, tổ trưởng dân phố 15 cụm dân cư số 3 phường Kim Mã. Tại đây, hai người con gái trình bày do em trai đi công tác vắng, nhà em trai lại hỏng không ở được nên hôm nay là ngày bố ra viện đã đưa về nhà chị dâu cả tại 11 Núi Trúc. Họ đề nghị chính quyền phường can thiệp để họ đưa cụ N. vào trong  nhà 11 Núi Trúc với lý do ở cùng cụ bà N., sau đó hàng ngày họ sẽ luân phiên nhau đến chăm sóc cả hai cụ.

Hai cô con gái cũng không quên "tố" chị dâu đã đóng cửa ngăn cản việc đưa cụ N. vào nhà. Về phía cô con dâu thì đề nghị đưa cụ N. vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 tại thôn Miêu Nha, Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội để tiện cho việc chăm sóc vì trước đó cậu con trai út đã ký hợp đồng đưa ông cụ vào đây. Tuy nhiên hai người con gái nhất quyết phản đối phương án này mà khăng khăng phải đưa ông cụ vào nhà 11 Núi Trúc vì theo họ đó là nhà của ông cụ.

Tuy nhiên, chính quyền và CSKV xác định cụ N. không có hộ khẩu tại 11 Núi Trúc nên ý kiến của đại diện các tổ chức đoàn thể đưa ra là các con cụ N. phải đưa ông cụ về nơi cư trú tạm thời để đảm bảo sức khỏe cho cụ, sau đó nội bộ gia đình sẽ bàn bạc cụ thể việc chăm sóc cụ.

Tưởng thế là đã xong. Không ngờ sau khi ở phường về, người con dâu cả thì vẫn giữ nguyên quan điểm không mở cửa. Hai người con gái cũng không kém, quyết để bố nằm trên vỉa hè, bất chấp sự phản đối của người dân xung quanh. Cho đến gần 20 giờ cùng ngày, không thể chấp nhận hành vi bất nhân của những người con cụ N., nhiều người dân đã nổi giận thật sự, yêu cầu hai cô con gái phải đưa bố về nhà. Không chỉ la ó phản đối, có người vì quá bất bình dọa sẽ xử lý hai cô con gái. Một người đi đường chủ động gọi taxi, trả tiền để họ đưa ông cụ đi. Lúc đó những người đã "vứt" ông cụ trên vỉa hè mới chịu giải tán.

Không rõ họ đưa ông cụ đi đâu? Về nhà? Vào viện? Hay vào Trung tâm dưỡng lão?

Cụ Ngô Vi N. bị "vứt" ở vỉa hè nửa ngày trời. Ảnh: Internet.

2. Ông Hoàng Văn Lượng, tổ trưởng dân phố số 15 cho biết, cụ N. có 4 người con gồm 2 trai 2 gái. Do vợ chồng cụ N. không hợp nhau nên họ đã sống ly thân từ nhiều năm nay.

Theo ông Lượng thì có lẽ do sự phân chia trong nội bộ gia đình ông N. nên cụ bà cùng vợ chồng con trai cả ở tại 11 Núi Trúc từ nhiều năm nay. Còn cụ ông thì ở luân phiên nhà 3 người con còn lại. Thi thoảng cụ N. có đến nhà con trai cả, nhưng cũng chỉ là ở chơi ít bữa. Cách đây hai năm, anh con trai cả qua đời. Cụ bà vẫn ở cùng cô con dâu và cháu gái từ đó đến nay.

Theo nhận xét của hàng xóm cũng như cán bộ dân phố thì gia đình người con trai cả được đánh giá là sống ôn hòa với mọi người, chưa xảy ra va chạm to tiếng với xóm giềng bao giờ.  Cô con dâu được mọi người quý mến vì sống lành hiền, đối xử tốt với mẹ chồng. Mấy tháng gần đây, khi bố chồng nằm viện, cô con dâu cả cũng rất tích cực, thường xuyên vào viện thăm nom, chăm sóc cụ N.

Theo lãnh đạo UBND phường Kim Mã và cán bộ dân phố xác nhận,  nhà số 11 Núi Trúc mới được bà H. sửa sang lại để cho thuê mấy tháng nay. Trước đó thì nơi này chỉ là căn nhà lụp xụp, được vợ chồng người con trai cả mở cửa hàng rửa xe để sinh sống. Khi đó thì yên ổn, chẳng xảy ra chuyện gì. Cụ ông Ngô Vi N. vẫn ở với 3 người con. Vì thế mọi người đồ rằng chuyện hai cô con gái "vứt" ông N. trước cửa nhà chị dâu cả, chung quy cũng chỉ vì cái cửa hàng mặt phố xinh xắn này. Đấy chỉ là đồn đoán của mọi người. Còn theo nhận định của ông tổ trưởng dân phố thì về mặt lý thì chẳng thể nào tranh chấp được bởi ngôi nhà này hiện đang bị vướng mắc do người chủ cho thuê nhà cũ mấy chục năm về trước làm đơn ra tòa kiện đòi lại nhà.

Cho dù vì bất cứ lý do gì đi chăng nữa, thì hành vi của những người con đang tâm để người cha già đau yếu nằm trên vỉa hè nửa ngày trời là không thể chấp nhận được. Sự phẫn nộ của người dân chủ yếu dồn vào hai người con gái. Còn với cô con dâu, dư luận có phần lượng thứ hơn, bởi theo hàng xóm thì vợ chồng người con trai cả đã nhận nuôi mẹ từ nhiều năm nay, hoàn cảnh nhà thì quá chật chội. Nhất là khi anh con trai cả đã mất thì chuyện bố chồng, nàng dâu trong một nhà là điều cần được cảm thông. Hơn nữa 3 người con còn lại cũng có nhà cửa đàng hoàng thì chẳng có lý gì lại "dồn" ông cụ vào ngôi nhà chưa đầy chục thước vuông này.

Ông Nguyễn Xuân Cao, Chủ tịch Hội Người cao tuổi kể rằng, có lẽ chưa bao giờ ông  cáu giận như tại cuộc họp giải quyết mâu thuẫn gia đình ông N. "Trong cuộc họp đó,  tôi đã đập bàn vì quá bức xúc trước hành vi, thái độ của hai cô con gái. Khi ra phường, cả hai cô con gái đều vỗ ngực tự xưng là làm việc cơ quan nhà nước. Một cô nói là giáo viên, một cô giới thiệu trước là y tá của một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Chúng tôi hiểu ý của họ muốn thể hiện cả  hai đều là cán bộ đàng hoàng nên không thể làm sai được. Nhưng việc họ xưng là cán bộ nhà nước khiến chúng tôi càng bất bình hơn bởi nếu là cán bộ nhà nước thì phải gương mẫu cho mọi người noi theo chứ?

Rồi trong cuộc họp, hai cô con gái luôn miệng nói thương bố. Chúng tôi bảo nếu thương bố, sao không đưa bố về nhà chăm sóc thì họ bảo rằng đưa ông cụ về ở cùng bà những ngày cuối đời. Chúng tôi bảo rằng ngày trẻ hai ông bà bất hòa đã chẳng ở được với nhau thì cuối đời cớ sao lại buộc họ vào cho thêm khổ. Và nếu họ có ý tốt như vậy, sao trước đó không đưa bố đến ở?  Cá nhân tôi là người cao tuổi, tôi rất phẫn nộ và xót xa cho cụ N. Nếu là thương bố thật thì hai cô con gái phải đưa bố về nhà mình, còn hạ hồi phân giải chứ không thể mang một người già ra làm trò bung xung như vậy được. Tôi không hiểu sau này nếu con cái của hai cô này đối xử với mẹ như vậy thì các cô ấy có thấm thía không?" - Ông Cao  bày tỏ thái độ bức xúc.

Cùng quan điểm như ông Cao, ông Hoàng Văn Lượng cũng tỏ sự bất bình: "Tôi không thể chấp nhận những lý do mà những người con gái của cụ N đưa ra. Họ nói họ phải đi làm không có thời gian chăm sóc bố. Họ đưa ra lý do em trai út phải đi công tác nên cũng không thể chăm sóc bố. Rồi nhà con trai út đang hỏng không ở được. Họ nói con gái đã đi lấy chồng mà bố đẻ về ở cùng thành ra ở nhờ nhà con rể. Họ cho rằng, nhà chị dâu đang ở là nhà của anh trai cả nên chuyện bố về ở cùng là phù hợp nhất, thuận tình nhất… Trong khi đó, cô con dâu hoàn cảnh mẹ góa con côi lại đang phải phụng dưỡng mẹ chồng già yếu. Không ai có thể chấp nhận được cái lý lẽ này. Chẳng qua là họ đang chối bỏ, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà thôi".

Theo luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, xét về khía cạnh đạo đức xã hội thì hành vi của tất cả những người con cụ N. là không thể chấp nhận được, cần phải phê phán. Chưa nói đến việc để cha già đau yếu nằm nhiều tiếng đồng hồ trên vỉa hè trong điều kiện tiết trời mưa gió là dấu hiệu của hành vi ngược đãi.

3. Bà cụ N., từ hôm xảy ra sự việc đến nay cũng đổ bệnh nằm liệt một chỗ. Cô con dâu cả từ chối gặp chúng tôi với lý do chị rất hổ thẹn về chuyện xấu hổ của gia đình mình và cả về việc chị đã không mở cửa. Còn hai cô con gái, vì một lý do nào đó, khi ra chính quyền phường làm việc, họ chỉ xưng danh chứ nhất định không trình bày rõ ràng địa chỉ mà họ đang cư trú.

Chưa rõ những người con của cụ N. sẽ chọn giải pháp nào. Nhưng nếu còn có lương tâm, thì hãy để cho cha mẹ họ được yên ổn những ngày cuối đời. Đừng mang cha mẹ ra vỉa hè một lần nữa. Đau lòng lắm thay!

H.Vũ
.
.