Chuyện ghi ở đất nước Chùa Tháp (kỳ 2)

Thứ Tư, 25/03/2009, 11:50
Ở ấp 7, xã Chông Knía, nơi có hơn 2.000 bà con người Việt sống trên các nhà thuyền thì vẫn còn khoảng 30% hộ nghèo. Gia đình ông Trần Văn Năm, cả nhà gồm 6 người sống chen chúc trên một chiếc ghe bề ngang 2 mét, dài 5,5 mét. Công việc mưu sinh hàng ngày là đi phụ cho một thuyền đánh cá, bình quân mỗi tháng kiếm được khoảng 500 nghìn riel (2 triệu đồng Việt Nam).

Ông y sĩ người Việt hành nghề trên đất khách

Ba giờ chiều, tôi từ thành phố Battambang đến thành phố Siem Reap, tỉnh Siem Reap (Siêm Riệp).

Nằm ở tây - tây bắc Campuchia, Siem Reap là một trong những điểm du lịch nổi tiếng bởi nơi đây có quần thể kiến trúc cổ Angkor Thom, Angkor Vat, được xếp vào loại kỳ quan thế giới. Chỉ trong 10 năm, Siem Reap phát triển nhanh như vũ bão với gần 300 khách sạn mà trong đó, hơn 2/3 tọa lạc trên những mảnh đất rộng từ 0,5 đến vài hécta.

Ông Trần Công Thịnh, Tổng lãnh sự - Lãnh sự quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia khi trao đổi với tôi, đã cho biết: “Thành phố Siem Reap hiện có khoảng 300 hộ người Việt làm ăn, sinh sống và có khá nhiều người thành đạt”.

Một trong những người Việt thành đạt ở Siem Reap là anh Thái Bá Y, Giám đốc Bệnh viện Rasmey Siem Reap (Ánh sáng Siêm Riệp). Sinh ra và lớn lên ở thôn An Xuân, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, năm 1984, anh đi bộ đội, phục vụ ở Quân y viện 7E – lúc ấy đặt trên đất Siem Reap. Tốt nghiệp y sĩ loại giỏi,  Thái Bá Y được lãnh đạo Quân y viện giữ lại làm cán bộ giảng dạy cho các lớp y tá. Đến năm 1989, Thái Bá Y ra quân.

Anh kể: “Biết tôi sẽ trở về Việt Nam, một cán bộ cao cấp của chính quyền tỉnh Siem Reap đến gặp tôi, động viên tôi ở lại. Thời điểm đó, Campuchia rất thiếu đội ngũ y tế lành nghề nên tôi gật đầu. Tuy nhiên, nhận thấy năng lực của mình vẫn còn yếu nên tôi quyết định về TP HCM, xin học thêm một số chuyên khoa lẻ ở Trường đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy...”.

Năm 1991, Thái Bá Y trở lại Phompenh, Campuchia. Được sự giúp đỡ về tài chính của gia đình, cộng với tiền vay mượn bạn bè, Thái Bá Y mở dưỡng đường đầu tiên, gọi là Mekong 1, đặt tại cầu Chba Ampou, bắc qua sông Basac, nhưng bà con người Việt vẫn quen gọi  là “cầu Sài Gòn”á, và đó cũng là dưỡng đường đầu tiên của người Việt ở Phnompenh nói riêng, Campuchia nói chung.

Anh kể tiếp: “Khi dưỡng đường Mekong 1 đi vào hoạt động, nó chỉ có 10 giường bệnh, chuyên khám và điều trị các bệnh nội khoa, thực hiện một số tiểu phẫu. Đội ngũ chuyên môn chỉ một mình tôi và 2 cô y tá người Campuchia, không có bác sĩ”. Nhiều người Việt sống ở xóm “cầu Sài Gòn” vẫn không quên dưỡng đường này bởi lẽ nếu ai đau ốm bệnh tật, mà không có tiền thì Thái Bá Y chữa miễn phí.

Ông Danh Phol, Việt kiều sống ở Phnompenh đã trên 20 năm, làm nghề chạy xe ôm, kể: “Tui còn nhớ bữa đó, vừa chạy xe ra khỏi nhà chừng hơn cây số thì tui đau bụng dữ dội. Dựng xe bên lề đường, tui ngồi bệt xuống, thở dốc. Mấy anh bạn đồng nghiệp thấy vậy bèn kè tui lên xe, đưa vào chỗ ông Y. Nghe tui nói tiếng Việt, ông Y kêu y tá dìu tui vào phòng khám rồi sau khi thăm khám, ổng kết luận tui bị viêm dạ dày cấp. Sau đó, tui được truyền dịch, tiêm thuốc. Tới lúc cơn đau giảm dần,  tui mới thưa  thiệt là tui không có tiền vì chưa chạy được cuốc xe nào. Ổng cười, đưa tui thêm mớ thuốc nữa, dặn tui uống rồi biểu tui cứ yên tâm về đi, đừng ngại...”.

Công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, tiếng lành đồn xa, dưỡng đường Mekong 1 lúc nào cũng đông bệnh nhân nên 6 tháng sau đó, Thái Bá Y kết hợp với một số bác sĩ Việt Nam, mở tiếp dưỡng đường Mekong 2, rồi tiếp theo là Mekong 3, 4, 5. Cuối năm 1996, anh kết hợp với bác sĩ Võ Khương, mở Bệnh viện Mekong với các khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi và đây cũng là bệnh viện đầu tiên của người Việt Nam được Bộ Y tế Campuchia cấp phép hoạt động.

Anh nói: “Rất may mắn là chính quyền nước bạn ủng hộ việc làm của tôi, cấp cho tôi giấy phép chuyển bệnh nhân về Việt Nam khi cần thiết. Lúc ấy, chỉ trừ chấn thương sọ não hoặc mổ tim hoặc đa chấn thương là tôi phải đưa sang BV Chợ Rẫy, BV Triều An, còn thì hầu hết các phẫu thuật khác, bệnh viện làm được hết”. Bước sang năm 1997, Thái Bá Y lao vào một lĩnh vực mới và kết quả là một thẩm mỹ viện lớn nhất Phnompenh ra đời.

Làm ăn khá, nhưng Thái Bá Y vẫn không quên cộng đồng người Việt. Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Vương quốc Campuchia cho biết: “Anh Y được bà con tín nhiệm, bầu làm Ủy viên Trung ương Hội Người Việt ở Campuchia, đồng thời là thành viên Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia”. Trong 2 đợt mổ mắt tại tỉnh Siem Reap do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM tổ chức, Thái Bá Y đã ủng hộ 12 nghìn USD. Ông Châu Văn Chi cho biết tiếp: “Từ những việc làm ấy, anh Y đã được UBND TP HCM và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao tặng bằng khen”.

Đến năm 2003, lúc thành phố Siem Reap bùng nổ về lượng khách du lịch, thì Thái Bá Y nhận thấy đây là nơi có rất nhiều tiềm năng. Sau khi chuyển nhượng các dưỡng đường, bệnh viện ở Phnompenh cho người khác, anh lên Siem Reap rồi năm 2004, Bệnh viện Rasmey Siem Reap ra đời với 45 giường, 5 bác sĩ, hàng chục điều dưỡng phụ trách các khoa: Cấp cứu, Săn sóc đặc biệt, Sản, Tai Mũi Họng, Nội, Ngoại tổng quát.

Anh cho biết: “Hiện tại, ngoài Bệnh viện Rasmey ở Siem Reap, tôi còn mở thêm một bệnh viện nữa ở tỉnh Odda Meancheay với 25 giường, 3 bác sĩ, và một bệnh viện ở tỉnh Kongpong Chàm với 30 giường, 3 bác sĩ. Sắp tới, tôi sẽ triển khai thêm một bệnh viện chuyên khoa Tai Mũi Họng và có lẽ nó sẽ là bệnh viện chuyên khoa tư nhân lớn nhất nhì Campuchia”.

Theo giới thiệu của ông Dương Văn Hai, Phó chủ tịch Tỉnh hội người Việt tại Siem Reap, tôi đến gặp ông Nguyễn Hoàng Oanh, 65 tuổi, Việt kiều ở ấp 7. Một đêm vào khoảng đầu năm 2008, bà con lân cận phát hiện ông bị chấn thương nặng trong một tai nạn. Vì ông Oanh không có ai là thân nhân nên bà con đã điện thoại, gọi anh Thái Bá Y. Thế là 3 giờ sáng, Thái Bá Y điều ngay một xe cấp cứu cùng một bác sĩ, chạy xuống Biển Hồ rồi thuê ghe máy vào ấp 7. Sau nhiều ngày điều trị, ông Oanh ổn định và không phải trả cho bệnh viện một đồng nào mặc dù tiền chi phí thuốc men của ông lên đến gần 1.100USD (20 triệu đồng tiền Việt Nam).

Cuối năm 2008, 24 người Campuchia làm việc ở Thái Lan, khi trở về nước trên một chiếc xe và khi còn cách Siem Reap khoảng 20km thì xe lật. Hậu quả 3 người chết tại chỗ, 21 người còn lại đều bị thương, có người bị chấn thương rất nặng. Được tin báo từ lực lượng Cảnh sát giao thông nước bạn, Thái Bá y đã không ngần ngại, điều ngay 3 chiếc xe cấp cứu của bệnh viện đến hiện trường, rồi chuyển tất cả những người bị thương về Bệnh viện Rasmey. Sau 10 ngày, cả 21 người đều ổn định và được Thái Bá Y miễn phí toàn bộ. Nghĩa cử cao đẹp ấy đã được chính quyền tỉnh Siem Reap và báo chí Campuchia viết bài khen ngợi.

Gần đây nhất, 4h20' sáng ngày 10/2/2009, Nhiên Mao, người Campuchia, 35 tuổi, bị một chiếc ôtô của một công ty Thái Lan làm ăn ở Campuchia đâm phải, gây vỡ bàng quang, đứt niệu đạo, dập nát chân trái. Sau khi sơ cứu, Thái Bá Y chuyển bệnh nhân đi Bệnh viện Triều An ở quận Bình Chánh, TP HCM. Anh kể: “Bệnh nhân chuyển đi rồi, gia đình họ hàng mới quyên góp được 1.500 USD trong lúc với tình trạng đa chấn thương như vậy, phía Bệnh viện Triều An báo cho tôi biết là phải tốn khoảng 5.000 USD điều trị. Vì bệnh nhân nghèo quá, tôi gọi điện thoại cho bác sĩ Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Bệnh viện Triều An và chỉ sau vài phút trao đổi, bác sĩ Nam đã đồng ý miễn cho bệnh nhân 3.500 USD”.

Tôi hỏi: “Còn tiền xăng xe chuyển viện thì sao? Thái Bá Y cười: “Coi như mình cho hết”. Hôm tôi đến bệnh viện, lại đúng vào ngày 27/2 là ngày Thầy thuốc Việt Nam. Mặc dù ở nơi quê người, nhưng Thái Bá Y vẫn tổ chức một đêm liên hoan, văn nghệ dành riêng cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện. Anh nói: “Uống nước nhớ nguồn. Tôi luôn tự hào mình là lính Bộ đội Cụ Hồ”.

Cuộc sống người Việt trên nhà thuyền

Tuy nhiên, số người thành đạt như anh Thái Bá Y chưa phải là nhiều lắm. Ở ấp 7, xã Chông Knía, nơi có hơn 2.000 bà con người Việt sống trên các nhà thuyền thì vẫn còn khoảng 30% hộ nghèo. Vào thăm gia đình ông Trần Văn Năm, cả nhà gồm 6 người sống chen chúc trên một chiếc ghe bề ngang 2 mét, dài 5,5 mét. Ông Năm cho biết công việc mưu sinh hàng ngày là đi phụ cho một thuyền đánh cá, bình quân mỗi tháng kiếm được khoảng 500 nghìn riel (2 triệu đồng Việt Nam).

Tôi hỏi: “Có thông tin nói rằng bà con mình khi chết, nếu nhằm mùa nước lớn thì phải treo hòm trên ngọn cây mấy tháng, đợi nước rút mới đem chôn đúng không?”. Ông Năm cười: “Nói trật rồi. Đúng là có treo tạm hòm lên cây nhưng nhiều nhất chỉ 2, 3 ngày để tìm đất. Hơn nữa, chính quyền Campuchia cũng rất thông cảm cho hoàn cảnh này vì xã Chông Knía ngoài ấp 7 là ấp người Việt, còn có 4 ấp khác của người Campuchia nên bạn đã đồng ý cho mình một chỗ đất để chôn”.

Một trong những nơi khác có đông bà con người Việt sinh sống ở vùng Biển Hồ là ấp 5, xã Kông Pông Luông, huyện Krako, tỉnh Pursat, gồm 488 hộ người Việt,  tổng cộng 2.855 nhân khẩu - và tất cả đều sống trên nhà thuyền. Anh Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Người Việt tỉnh Pursat cho biết: “Đặc tính của người Việt ở Biển Hồ là nay đây mai đó, chỗ nào đánh bắt được thì dong thuyền đến  nên dân số luôn biến động”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 30% người Việt ở ấp 5 thuộc loại khá, giàu, 50% có mức sống trung bình, còn hộ nghèo chiếm 20%. Ông Huỳnh Lũy, Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Pursat nói: “nghèo nhưng không đói bởi lẽ hàng năm, vào khoảng thời gian mà chính quyền Campuchia cấm đánh bắt tôm cá trên Biển Hồ - từ tháng 5 đến tháng 9 - để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, thì bà con bẻ mớ cành cây cắm xuống nước - gọi là chà. Hôm trước hôm sau cũng kiếm được cả ký tép, bán mỗi ký 5.000 riel (20 nghìn đồng Việt Nam)”.

Những người khá giả ở đây đều sở hữu những chiếc nhà thuyền có diện tích mặt sàn hơn 100m2, và kinh doanh các ngành nghề như bán hàng tạp hóa, xăng dầu, sửa chữa máy thủy..., còn người nghèo thì cả gia đình quây quần trên những chiếc nhà thuyền chỉ khoảng 12 hoặc 15m2. Ông Nguyễn Văn Tâm, một hộ được coi như nghèo ở ấp 5 vì thu nhập của ông hàng tháng được khoảng 400 nghìn riel (1,6 triệu đồng Việt Nam) nói vui: “Ấp này ai mà bán giày dép thì coi như ế” bởi lẽ quanh năm sống trên nhà thuyền, tứ bề mênh mông sông nước thì cần đến giày dép làm gì!

Thầy giáo Đạt đưa từng học sinh về tận nhà.

Ăn ở trên sông nước, nhưng người Việt ở ấp 5 ai cũng quan tâm đến chuyện học hành của con em mình. Trên một nhà thuyền có diện tích khoảng 80m2, được làm từ năm 1993 - và đã qua 3 lần sửa chữa, là một trường học từ lớp 1 đến lớp 5 do thầy giáo Nguyễn Viết Đạt phụ trách. Anh kể: “Tôi đi bộ đội quân tình nguyện Việt Nam ở vùng này, đến năm 1988 thì xuất ngũ. Tôi lấy vợ và ở lại luôn”.

Trước ngày đi bộ đội, thầy giáo Nguyễn Viết Đạt đã học xong lớp 10  và  khi làm rể Biển Hồ, thấy con em bà con mình không biết chữ, thông qua Chi hội Người Việt xã Kông Pông Luông, anh đã vận động bà con rồi dùng chính ngôi nhà thuyền nhỏ bé của mình, làm trường học. Mỗi buổi sáng, thầy giáo Đạt chia tấm bảng làm ba phần, mỗi phần dành cho một lớp. Lớp 1 học đánh vần, lớp 2 học ráp từ ngữ còn lớp 3 tập viết chính tả. Buổi chiều, bảng lại chia làm hai cho lớp 4, lớp 5. Anh kể tiếp: “Tôi dạy cho các em theo chương trình phổ thông của học sinh ở Việt Nam. Sách giáo khoa do Đại sứ quán Việt Nam ở Phnompenh hỗ trợ”.

Đến năm 1993, bằng sự đóng góp của nhiều người, ngôi nhà thuyền dùng làm trường học đi vào hoạt động và đến nay, từ ngôi trường có một không hai này, đã có 2 học sinh về Việt Nam học đại học, 8 học sinh khác cũng về để theo tiếp chương trình cấp 2, cấp 3.

Để động viên các em đi học, cứ mỗi sáng, thầy giáo Đạt lại dùng con thuyền nhỏ, đến tận nhà đón từng em, rồi buổi trưa, buổi chiều, lại từng em một được thầy đưa về nhà. Nhìn bóng dáng mảnh khảnh của thầy giáo Đạt ngồi sau tay lái, còn trong lòng ghe là hàng chục học sinh chỉ độ 6, 7 tuổi chen chúc, tôi bỗng nao lòng khi nghĩ đến một số học sinh ở thành phố, tiêu tiền như nước và rất rành rẽ về những tụ điểm ăn chơi nhảy nhót, còn đầu tư cho việc học thì họ lại xem như chuyện ngoài lề...

(Còn nữa)

Vũ Cao
.
.