Chuyện ghi ở đất nước Chùa Tháp

Thứ Tư, 18/03/2009, 19:55
Đúng 8h sáng, chiếc xe ca 45 chỗ ngồi của Công ty du lịch Sapaco từ khu phố “Tây balô” trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM khởi hành đi Phnompenh, Campuchia. Trên xe, gần một nửa là khách du lịch phương Tây, còn lại là người Campuchia và người Việt.

Xe vừa xuất bến, anh nhân viên phục vụ trên xe đã yêu cầu mọi người nộp hộ chiếu để lập danh sách. Với giá vé 200 nghìn đồng/người, hàng ngày bình quân có khoảng từ 10 đến 12 chuyến xe của các công ty lữ hành như Sapaco, Mai Linh, Sinh cafe... từ TP HCM đi Phnompenh, và cũng chừng ấy chuyến theo chiều ngược lại nên việc lập trước danh sách hành khách là nhằm  rút ngắn thời gian làm thủ tục khi qua biên giới.

10h30', xe đến cửa khẩu Mộc Bài. Vẫn anh nhân viên phục vụ lúc nãy cầm hộ chiếu vào trạm Hải quan, Biên phòng. Thủ tục xuất cảnh diễn ra mất khoảng 30 phút bởi lẽ cùng một lúc, ngoài xe của Công ty Sapaco, còn có xe của một số các công ty lữ hành khác.

Từ khi Campuchia bãi bỏ lệ phí visa, khách du lịch hoặc người buôn bán, làm ăn qua lại rất đông. Ngồi cạnh tôi là một phụ nữ tên Minh, nhà ở quận 11. Chị cho biết chị chuyên bỏ hàng gia dụng bằng nhựa cho các đầu mối - cả người Việt lẫn người Campuchia ở chợ Mới, chợ O Russey, chợ Olympic - Phnompenh. Chị nói: “Hàng thì em chở qua bằng đường sông để giảm chi phí, tàu chạy từ hồi khuya hôm qua, còn em đi xe này cho nhanh, khỏe”.

Việc nhập cảnh Campuchia cũng mất khoảng 30 phút. Thêm 30 phút cho hành khách ăn cơm trưa tại một quán ăn nằm cạnh cửa khẩu trên đất Campuchia, xe lại tiếp tục khởi hành. Đây là địa phận của tỉnh Svey Rieng  - mà bà con người Việt vẫn quen kêu bằng “Xoài Riêng”. Mới bắt đầu vào mùa khô nên hai bên đường, cỏ cây vẫn còn một màu xanh mát.

Cũng như người Việt, cứ thích ra ở “mặt tiền” thì người Campuchia bây giờ cũng tiến ra... mặt tiền thay vì quây quần trong những phum, sóc, nằm xa quốc lộ. Những phum, sóc ấy rất dễ nhận ra bởi những hàng cây thốt nốt hoặc những bụi tre xanh um, thấp thoáng trong đó là những mái tranh và đôi khi là vài mái tôn phản chiếu ánh nắng, sáng đến lóa mắt.

Tuy nhiên, dù là ở mặt tiền, nhưng suốt Quốc lộ (QL) 1 từ cửa khẩu Mộc Bài, Bavet đi Phnompenh - và sau này là QL 5 từ Phnompenh đi Pursat, Battambang, hoặc QL 6 từ Battambang đi Siem Reap (Xiêm Riệp), nhà nào cũng cách mặt đường ít nhất 5 mét - thậm chí 10 mét. Có lẽ vì vậy nên khi cần mở rộng đường, chính quyền Campuchia không phải lo lắng nhiều đến việc đền bù, giải tỏa.

Chạy hết địa phận tỉnh Svey Rieng, xe vào tỉnh Prey Veng rồi qua phà Nếch Lương (Nekloeung - người Việt gọi là Hố Lương). Theo tìm hiểu của tôi, có khoảng 500 hộ gia đình người Việt sống quanh bến phà này, và hàng ngày họ bán cho khách du lịch những loại trái cây, trứng luộc, nước khoáng ướp lạnh. Một số người có nhà - hoặc thuê mướn nhà nằm ngay ven đường quốc lộ thì mở tiệm đổi tiền Việt, đồng USD sang tiền riel Campuchia với hối suất 4 đồng tiền Việt ăn một đồng riel, hoặc 1 USD ăn 4,1 riel.

Bên cạnh đó, cũng có người mở tiệm bán simcard điện thoại di động hoặc mở quán cơm, quán giải khát. Phần lớn người Việt ở đây là bộ đội quân tình nguyện Việt Nam, sau khi đánh tan  Pol Pot rồi xuất ngũ, họ ở lại, lấy vợ người Việt hoặc người Campuchia. Số khác thì đã sinh sống ở Nekloeung hai, ba đời.

Anh Thạch Kun, làm nghề sửa xe gắn máy cho biết, ông cố anh sang đây từ năm 1940, sinh ra cha anh và thế hệ thứ ba là anh. Năm 1970, khi Lon Nol thực hiện cuộc đảo chính Quốc vương Sihanouk, tàn sát Việt kiều, cha mẹ anh dẫn cả gia đình chạy về Tây Ninh. Đến năm 1975, lúc Campuchia lọt vào tay Khmer Đỏ, cả nhà lại dắt díu nhau qua nhưng chỉ được mấy tháng thì một lần nữa,  phải chạy về Việt Nam vì không về có nghĩa là sẽ chẳng còn ai sống sót. Năm 1979, bộ đội tình nguyện Việt Nam giải phóng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, thì gia đình anh lại quay sang.

Anh nói: “Cũng may là nhà cửa đất đai vẫn còn y nguyên, nên việc bắt đầu lại cuộc sống cũng chẳng khó khăn lắm”. Một yếu tố nữa là người dân Campuchia rất thân thiện với người Việt, và chuyện chồng Việt, vợ Campuchia hoặc chồng Campuchia, vợ Việt là chuyện bình thường nên về mặt tinh thần, người Việt ở đây sống khá thoải mái.

Xe tiếp tục lăn bánh trên QL 1, mặt đường tuy nhỏ, chỉ 4 làn xe nhưng khá tốt. Chừng nửa tiếng sau, đã vào địa phận tỉnh Kandal rồi đến một cây cầu lớn - tiếng Campuchia gọi là cầu Chba Ompeum, bắc qua sông Basac, nhưng bà con người Việt vẫn quen gọi  là “cầu Sài Gòn” vì nó giống như ở TP HCM, qua khỏi cầu là vào đến thành phố. Giây lát, Phnompenh hiện ra trước mắt tôi với những con đường khá rộng rãi, những tòa nhà mới xây dựng theo kiến trúc Âu, Mỹ xen lẫn những biệt thự cổ kiểu Pháp, những mái vòm cong vút mái ngói nâu đỏ, hoa văn họa tiết mạ vàng của những ngôi chùa nhưng mật độ phương tiện đi lại trên đường thì không đến nỗi chen chúc.

Ở Campuchia, mặc dù ngành giao thông đã quy định đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm, nhưng người chấp hành vẫn còn rất ít nên khi leo lên chiếc xe ôm để về khách sạn nằm gần chợ Olympic  qua sự chỉ dẫn của chị Minh, tôi có cảm giác như trên đầu mình thiêu thiếu một thứ gì. Một điều đặc biệt nữa là ở Phnompenh - cũng như ở các thành phố khác mà tôi đã dừng chân như Kông Pông Chnăng, Pursat, Battambang, Sisophon, Siem Reap... hầu như trên đường không hề nghe tiếng còi ôtô, thậm chí cả xe gắn máy cũng rất ít người bóp còi. Ở các ngã tư, nếu một xe muốn xin rẽ thì chỉ cần chớp đèn “xi nhan”, là lập tức các xe ở chiều bên kia dừng lại, nhường đường...

Theo thống kê chính thức của Bộ Nội vụ Campuchia, hiện có khoảng 100 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn trên đất nước Chùa tháp - mà trong đó,  65% làm các nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Số còn lại làm nhiều ngành nghề dịch vụ khác nhau nhưng thực tế, con số này cũng có dao động chút ít bởi lẽ những người như chị Minh, qua đây 1 tuần để thu gom tiền hàng, nhận mối hàng rồi lại quay về Việt Nam.

Hay như anh tài xế xe ôm tên Phong chở tôi chẳng hạn, nhà anh ở Châu Đốc, cứ xong mùa lúa anh lại qua Phnompenh kiếm sống vài tháng - mà qua bằng hộ chiếu đàng hoàng chứ không phải đi “chui”. Riêng số người Việt sống bằng đánh bắt thủy hải sản lại tập trung ven vùng Biển Hồ bởi lẽ có 6 tỉnh của Campuchia giáp với hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. --PageBreak--

Anh Hà Quang Tuấn, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia, phụ trách cộng đồng Việt kiều - khi đưa cho tôi mượn chiếc simcard điện thoại di động mạng Campuchia để giữ liên lạc trong suốt thời gian tôi ở đây, đã cho biết: “Người Việt ở Phnompenh đông nhất, bà con sống tập trung tại cầu Sài Gòn, quận Mean Chay, quận 7, quận 1... sau đó là các tỉnh như Pursat, Siem Reap, Battambang. Riêng tỉnh Odda Mean Chay và tỉnh Pailin, mỗi nơi chỉ có khoảng 30 hộ...”.

Để hỗ trợ cộng đồng người Việt, bà con Việt kiều đã thành lập “Hội Người Việt ở Campuchia” - gọi là Hội trung ương, và mỗi tỉnh đều có một hội, chẳng hạn như “Hội người Việt đô thành Phnompenh”, “Hội Người Việt tỉnh Pursat”, “Hội Người Việt tỉnh Siem Reap”... Bên dưới, mỗi huyện, xã, ấp, lại có những chi hội mà mục tiêu vẫn là tương trợ nhau trong việc làm ăn, giúp nhau mỗi khi gặp chuyện tang ma, hiếu hỉ, mở trường dạy tiếng Việt.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam ở Phnompenh cũng như Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Battambang liên tục cử cán bộ đến từng nơi có bà con người Việt sinh sống để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, cũng như giải quyết các vụ việc có liên quan giữa người Việt với chính quyền nước bạn.

Trước hôm tôi đến Phnompenh 1 ngày, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam đã đến ấp Krako để trao tặng số tiền 10 nghìn USD, là tiền do Công ty Viễn thông Viettel giúp bà con ở đây xây dựng một căn nhà cộng đồng - là nhà bè, nổi trên mặt nước. Anh Hà Quang Tuấn, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam cho biết tiếp: “Với người dân sống trên biển Hồ, thì căn nhà cộng đồng rất quan trọng. Nó có thể là nơi tổ chức đám cưới, đám tang, là trường học và là nơi gặp gỡ, sinh hoạt của cán bộ Hội Việt kiều với bà con”.

Một ghe nhỏ trái cây trên sông Basac cũng giúp người Việt có cuộc sống bình thường.

Hôm tôi đến Battambang, thì anh Trần Công Thịnh, Tổng lãnh sự - Lãnh sự quán Việt Nam ở Battambang và anh Hồng, lãnh sự cũng vừa đi tỉnh Pailin về. Anh Hồng nói: “Pailin có rất ít người Việt, nhưng chúng tôi vẫn phải nắm rõ để khi bà con cần những việc như làm giấy khai sinh, hôn thú, gia hạn hộ chiếu... Lãnh sự quán sẽ giải quyết kịp thời”.

Trở lại “cầu Sài Gòn”, có thể nói đây là trạm dừng chân thứ nhất của phần lớn người Việt khi sang Campuchia. Nếu đi theo đường 369 mà khởi đầu là chợ Chba Ompeum, sẽ thấy hai bên đường gồm toàn nhà gạch, hàng quán san sát: Tiệm ăn, tiệm sửa chữa máy móc nông ngư cụ, tiệm hớt tóc, uốn tóc, phòng mạch tư khám chữa bệnh, quán cà phê, quán nhậu... hầu hết đều do người Việt làm chủ mà trong đó, nhiều người còn là chủ nhân của cả ngôi nhà.

Anh Thìn, một người Việt sống ở đây đã hơn 20 năm cho biết sau khi đi bộ đội, xuất ngũ, anh ở lại Campuchia, lấy vợ người Campuchia rồi thoạt đầu, anh thuê mướn mặt bằng, mở tiệm sửa chữa đầu video, tivi, cassette. Anh nói: “Dành dụm lần hồi, tôi mua được căn nhà này. Còn những người chưa mua được thì thuê mướn của chủ Campuchia. Tùy theo diện tích, giá thuê từ 300 đến 400USD/tháng”.

Dọc theo đường 369, có khá nhiều những con hẻm, bề ngang 4 mét, 6 mét, dẫn vào trong xóm. Bên trong là những mái nhà hầu hết bằng tôn, dựng san sát, chạy dọc theo sông, lúc nào cũng nhộn nhạo tiếng người và nếu khéo tưởng tượng, ta có thể nghĩ đó là một khu dân cư nào đó ở dọc theo mấy con kênh ở quận 4, quận 8, TP HCM. Đường dẫn vào xóm chưa rải nhựa nên mỗi lần có chiếc xe gắn máy chạy qua, lại cuốn theo một luồng bụi đất vàng quạch.

Bà con ở đây cho biết hồi đó khu đất này bỏ hoang nên họ mua cây, mua tôn về dựng nên những căn nhà tạm bợ. Một số người Campuchia thấy thế, cũng bắt chước dựng nhà rồi cho mướn. Bà Phương,  bán trái cây ngay trước căn nhà của mình cho tôi biết: “Lúc đầu cũng sợ chính quyền Campuchia không cho ở, nhưng riết rồi chẳng thấy ai nói gì. Bây giờ đã có khoảng 200 căn”.

Tôi đi sâu vào bên trong xóm. Nhiều nhà mở ra những dịch vụ buôn bán nhỏ: xì dầu, tương chao, bột ngọt, rau củ, bánh kẹo... Một anh chừng 36 tuổi, tên Thành, dân Tri Tôn, An Giang, dẫn cả vợ cùng đứa con trai 11 tuổi qua đây, nói: “Tui bốc vác cho ghe thuyền dưới sông. Vợ tui gọt trái cây bán còn thằng nhỏ thì đi móc bịch (nhặt bao nylon phế liệu)”. Tôi hỏi anh không cho cháu đi học sao? Anh cười ngượng nghịu: “Hội (Hội Người Việt ở Phnompenh) có tới kêu đó chứ, nhưng ngặt quá...”. Vì chưa có nhà, nên anh phải thuê một căn rộng khoảng 16m2, tiền thuê 150.000 riel/tháng (khoảng 500 nghìn đồng Việt Nam), bao luôn điện, nước.

Có thể nói, nhiều người Việt ở đây vẫn còn nghèo, nhưng không đói bởi lẽ nếu chạy xe ôm, bình quân mỗi ngày cũng có thể kiếm được từ 20 đến 30 nghìn riel (khoảng 80 đến 120 nghìn tiền Việt). Để quản lý, chính quyền Campuchia cho phép họ đăng ký cư trú, cấp cho họ sổ gia đình. Nhưng tất cả những thủ tục này chỉ có giá trị chứng nhận là họ đã đến khai báo xin cư trú vì thế, do thiếu hiểu biết, khá nhiều bà con đã rất vất vả khi phải làm các loại giấy tờ hộ tịch.

Vật giá ở Phnompenh nói riêng và Campuchia nói chung khá đắt đỏ. Các dịch vụ ở Campuchia - kể cả xe ôm đều thích lấy đồng USD nếu người thanh toán không phải là người Campuchia. Một tô mỳ “hoành thánh” ở TP HCM là 15 nghìn đồng thì ở Phnompenh là 10 nghìn riel (tương đương 40 nghìn tiền Việt). Nhà khách (guest house) chỗ rẻ nhất cũng 12 USD/đêm (200 nghìn).

Từ thị xã Pursat, tỉnh Pursat đi xuống ấp Krako bằng xe Tuk Tuk (tương tự như xe Lam ba bánh), đường dài 27km nhưng anh lái xe cương quyết lấy 40 nghìn riel (160 nghìn đồng Việt Nam), không bớt một cắc. Cước điện thoại di động thì khỏi nói. Tôi nạp card giá 10USD nhưng chỉ gọi về Việt Nam được đúng 4 phút 27 giây là... hết sạch tiền. Cước của mạng Viettel tuy có rẻ hơn nhưng cũng không rẻ hơn mạng Campuchia nhiều lắm.

(Còn nữa)

Vũ Cao
.
.