Chuyện ghi ở đường 19-12

Thứ Tư, 21/01/2009, 16:30
Những ý kiến tâm huyết và có trách nhiệm đã đem đến một bất ngờ lớn. Điều này, ngay kể cả những nhà khoa học, những người tâm huyết với Hà Nội và giới truyền thông cũng không thể ngờ tiếng nói của mình lại có trọng lượng đến vậy. Khu chợ 19-12 chuẩn bị xây Trung Tâm Thương Mại nay đã được trả về với nguyên giá trị ban đầu.

Thành phố sẽ làm một con đường và đài tưởng niệm ngay tại nơi đã từng chôn cất hàng nghìn người con ưu tú trong 60 ngày đêm máu lửa phòng thủ đô thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vào mùa xuân năm 1946.

Vào những ngày giáp tết Nguyên đán năm Kỷ Sửu tại khu chợ 19-12, khi người ta xới những ô đất đầu tiên với độ sâu chưa đầy 1 mét thì phát hiện dưới lòng đất những khúc xương người  rời rạc, trộn lẫn và chồng chéo lên nhau.

Ngay sau đó, tối 10/1, 3 người trong đội phục vụ cải táng Văn Điển được điều đến để thu gom những hài cốt còn sót lại tại khu chợ. Và cứ như thế họ làm việc liên tục trong những ngày kế tiếp, ban ngày 6 người, đêm đến 3 người.

Hôm tôi tới là đêm ngày 13, bước sang ngày thứ tư của công việc thu gom hài cốt. Dưới ánh đèn vàng, 3 người đàn ông mặc bộ quần áo công nhân quen thuộc của mình, cẩn trọng trong từng nhát cuốc, lặng lẽ cần mẫn trên một khu đất rộng giữa cái lạnh thấu da của đêm Hà Nội.

Người thứ nhất cuốc đất. Người thứ hai cầm bao. Người thứ ba cặm cụi nhặt từng khúc xương bỏ vào trong bao. Mặc gió rít từng hồi, sương muối rơi ướt tóc và dưới chân họ là từng lớp xương người ngổn ngang, cả ba không ai bịt mặt, đội mũ.

Cách ly vi khuẩn duy nhất là một đôi găng tay bằng cao su. Họ đã quá quen với nghề này. Chẳng ai ngờ, chỉ trong một đêm, xương người xếp đầy 30 tiểu sành. Trung bình cứ một tiểu sành xếp được một bộ hài cốt, nhưng do hơn 60 năm chôn vùi trong lòng đất, chỉ còn trơ ra những đoạn xương cổ, xương tay, chân, đùi và sọ...

Xương người nọ lẫn vào người kia, cả đàn ông và đàn bà, cả già và trẻ, lẫn lộn lên nhau. Những linh hồn đã mất cùng chung sống với nhau hơn nửa thế kỷ trong lòng đất tại giữa trung tâm thành phố nay lại cùng được gom ở trong tiểu sành để được đưa ra vùng ngoại ô. Một người đàn ông thắp hương dọc suốt những chỗ đào đất. Đất tung lên đến đâu, nhang được thắp lên đến đó. Trong đêm những đốm lửa sáng lập lòe trên từng mô đất nhỏ.

Những ai đã từng biết đến khu chợ này đều có nghe kể những câu chuyện kỳ quái về ma quỷ của chợ Âm Phủ. Đó là những câu chuyện đã được thêu dệt một cách huyễn hoặc. Và đến rằm tháng 7 thì không đâu đốt vàng mã nhiều như ở đây.

Giờ thì hai tay tôi cảm giác như sắp rụng, không phải vì sợ mà vì lạnh. Thật là lạnh quá! Cái lạnh của đêm đông và khí lạnh của âm khí từ dưới đất xông lên. Một ông cụ ngồi trên chiếc phản nhỏ trước cửa nhà giữa khu chợ vẫy tôi ra và cả hai ông cháu đã trò chuyện với nhau khi cách đấy mươi bước chân là những khúc xương người đang được đào lên.

Qua câu chuyện tôi được biết ông cụ tên là Nguyễn Kim Thỉnh ở số nhà 48A Lý Thường Kiệt, dọn đến ở khu chợ này từ những năm 70 thế kỷ trước. Theo như lời ông kể, khi ông tới nơi đây đang là nghĩa trang, cỏ mọc xanh um, hai bên vỉa hè là dãy hàng cây xạ hương và long não. Học sinh, sinh viên thường ra đây ôn bài vào những kỳ thi. Người dân vẫn luôn lui tới để dạo mát, vì tuy là nghĩa trang nhưng nó lại khá thơ mộng.

Ở tại khu nghĩa trang, gần với đoạn nối ra phố Lý Thường Kiệt có một lư hương rất to dành cho những người theo đạo Phật. Một cây thánh giá cũng được dựng lên dành cho những người theo Công giáo ở đoạn khu nghĩa trang quay ra phố Hai Bà Trưng. Trước đây là một giao thông hào hình chữ chi nối từ phố Lý Thường Kiệt thông ra phố Hai Bà Trưng, trong ngày 19/12/1946 lịch sử đó cả nghìn người con ưu tú của dân tộc đã bỏ thân lại mảnh đất thủ đô và quy tập về đây. Những thây người chết của cả tự vệ thành, dân quân và người dân vô tội trong đó có cả những chí sĩ yêu nước cũng bị chở chung lên xe và đổ lấp đầy ở giao thông hào này.

Năm 1981, những ngôi mộ đã được chuyển đến Bất Bạt (TP Sơn Tây), và không một ai có thể ngờ rằng nằm dưới lòng đất này lại còn quá nhiều hài cốt đến vậy.

Mặt trời đã ló rạng, 6 người trong Đội Phục vụ cải táng Văn Điển ban ngày đến thay ca cho những người nhặt hài cốt đêm. Theo từng nhát cuốc là những khúc xương người được nhặt lên, lẫn trong bùn đất có cả những còng tay, bát sứ, kể cả biển số tù...

Một giả thiết được đặt ra, phải chăng những chiến sĩ cách mạng bị giam tại nhà tù Hỏa Lò cạnh đó đã bị bắn và chôn tại đây? Hoặc là đã chết bởi đói lả, vì người ta tìm thấy nhiều cùm chân. Không có người tử tù nào lại bị bắn khi bị cùm chân cả.

Những hài cốt đã được tìm thấy tại đường 19-12.

Tất cả những suy luận vừa rồi và tiếp theo đây đều là của chúng tôi (bao gồm những người trong Đội Phục vụ mai cải táng Văn Điển, một nhóm người trong Ban Quản lý dự án Sở Giao thông công chính, và những người dân xung quanh cùng một vài người có thân nhân mất hay có kỷ niệm với khu chợ 19-12, cùng một vài nhà báo) đang có mặt tại nơi đây tự biên tự diễn. Tuyệt nhiên mấy ngày nay, không thấy bóng dáng người đại diện của Sở Văn hóa - Thể Thao & Du Lịch, cũng không thấy có người của Viện Bảo tàng, hay các nhà nghiên cứu khoa học...

Mà điều này còn lạ lùng hơn nữa. Khi người ta đã, đang và sẽ ngốn hàng đống kinh phí của Nhà nước làm những thước phim để dựng lên những hiện trường giả tái hiện lại một thời đạn bom của đất nước.

Khi người ta có thể băng rừng lội suối tay xách nách mang với đủ các thứ đồ nghề lỉnh kỉnh lên tận hang cùng ngõ hẻm núi cao đèo sâu, để quay những thước phim tư liệu thì ngay tại khu chợ này giữa trung tâm thủ đô một không gian văn hóa tâm linh nơi ghi dấu ấn quá khứ hào hùng và bi tráng của lịch sử dân tộc, nơi thấm đẫm máu xương của ông cha đang được khai quật lại với những hình ảnh thật vô cùng sống động và chân thật nhất. Đó thực sự là những tư liệu sống, mà lịch sử thì không bao giờ lặp lại, vậy mà người ta lại có thể dửng dưng.

Làm việc 24/24 giờ là những người trong Đội Phục vụ mai cải táng Văn Điển, cho biết không thấy bóng dáng của những nhà quay phim, đạo diễn yêu nghề đâu cả. Phải chăng cái tết đang cận kề mà các nghệ sĩ của chúng ta đang mải mê với những pha quảng cáo phim tết hay bận bịu với những hợp đồng dự án phim mới cho năm 2009?--PageBreak--

Cả 6 người trong Đội Phục vụ cải táng Văn Điển hì hụi làm. Cuốc được một lúc, anh Tưởng Văn Nhã nhìn thấy hàng xâu tiền bằng bạc và bằng đồng lộ ra, anh Nguyễn Hữu Dần dùng tay vục từng xâu tiền đổ ra cái bát mà trước đấy chưa đầy 10 phút vừa được tìm thấy từ dưới lòng đất. Tiền được chất lên đầy bát sứ cỡ lớn, một nhóm người như đã nói ở trên trong đó có tôi đều châu đầu lại xem những đồng tiền xu gồm cả tiền xu, tiền hào và tiền đồng với các loại kích cỡ khác nhau.

Một anh đã mang một đồng tiền xu đi rửa và khi chúng tôi nhìn vào thì lộ ra một mặt in hình sao vàng 5 cánh. Trên đồng tiền có ghi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và in năm sản xuất là 1946, nghĩa là cùng năm với những ngày khói lửa phòng thủ đô thành của dân và quân ta bỏ thân lại nơi này. Chỉ sau mấy nhát cuốc tiếp theo, anh Vũ Văn Thành đã lôi lên một cái dây thừng bện bằng cao su dài hơn 40cm, lủng lẳng chiếc chìa khóa bằng đồng và cách đấy không xa là một cái còi chôn lẫn với xương người.

Mọi người đang hò nhau những hiện vật được tìm thấy đều được đưa lên bàn thờ dựng tạm trong những ngày khai quật. Cái còi được làm bằng kim loại gì, do đâu mà nó lại thất lạc đến đây thì xin nhường cho công tác sau này của những người làm bảo tàng và nghiên cứu khoa học. Nhưng khi những hiện vật trên chưa đến được nơi mà lẽ ra nó phải đến thì trong lúc lộm nhộm, đã biến mất.

Bên cạnh đấy, là những khúc xương liên tục được thả vào bao tải. Giả thiết của chúng tôi là người đàn ông này là cai ngục hay một người giữ hòm tiền? Một số người cho rằng đây là người Việt có thể do biển thủ công quỹ, hoặc là trong lúc chạy loạn đã bị bắn chết? Còn số người khác lại nhận định đây là người Tây vì những ống xương này to hơn những ống xương khác.

Trái với nhóm làm khai quật nhặt thi hài ban đêm, nhóm nhặt thi hài ban ngày vừa làm vừa trò chuyện một cách sôi nổi, cũng tại bởi nhiều người hiếu kỳ vì không biết là nhóm thợ đó sẽ còn đào được những gì.

Anh Nguyễn Danh Hòa hai tay bới trong đống đất rồi cầm một miếng màu ngà, thon nhọn hai đầu bé hơn ngón tay út. Vốn là nữ nên tôi biết ngay đó là mặt trang trí cho vòng cổ. Quả đúng như thế, ít phút sau anh này đã tìm thêm được một chiếc y như chiếc cũ, nhìn kỹ chúng được làm bằng ngà.

Một người trong nhóm thợ hỏi, cái viên đạn vừa được tìm thấy để ở trên bờ đâu rồi? Mọi người đều ngơ ngác. Hóa ra trong lúc chẳng ai để ý, anh chàng vui tính nào đó đã nhanh tay cuỗm rồi biến mất.

Trước cái sự nhộn nhạo và đã rồi, ông Đoàn Hồng Sơn - người đại diện chủ đầu tư dự án Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cử hai người của Sở Giao thông công chính, mặc sắc phục mỗi người canh giữ một đầu của khu chợ đang thi công để nếu thấy người lạ sẽ ngăn không cho vào.

Một anh trong nhóm gom hài cốt nói: "Những hiện vật được tìm thấy trong lòng đất sẽ để lên bàn thờ kia. Thực ra thì cũng chẳng ai trông, tất cả đều làm việc với tinh thần tự giác là chính. Nhiệm vụ của anh em là phải làm bằng cái tâm, miễn sao không thể để thiếu xót xương của các cụ là được".

Từng bao đựng hài cốt người chết dựng xếp thành hàng ở một góc sát với tòa khách sạn hiện đại Melia bên cạnh. Những di hài này không thể cho vào nước để rửa sạch vì làm như thế thì xương sẽ bị mủn ra, vì vậy người ta sẽ dùng nước vang (một loại nước thơm) rửa hài cốt đó và xếp cẩn thận vào trong tiểu sành.

Ngay trong khu đất này, một cái nhà tạm được dựng lên từ mấy ngày trước và bên trong hơn trăm tiểu đựng những hài cốt vừa mới được tìm thấy. Lá cờ đỏ sao vàng trang trọng phủ bên trên những tiểu sành đang chứa thi hài.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, ông Nguyễn Trọng Đức, thuộc Phòng Quản lý nghĩa trang, Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội, cho biết chỉ tính trong vòng 5 ngày với diện tích 140m2 chiều dài, 25m2 chiều ngang của cả khu chợ 19-12, công việc đào xới tìm hài cốt chưa đi được 1/3 chặng đường mà con số thu được hài cốt đã lên đến gần 200 tiểu. Vì vậy sang ngày mai (15 tháng Giêng) sẽ có thêm 3 người ở Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội sẽ được tăng cường đến đây. Nghĩa là ban ngày sẽ là 9 người và đêm 3 người làm việc liên tục.

Công việc tìm hài cốt của những người chết trong ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 tại khu chợ xác định không định ra giới hạn ngày nào vì ngay cả chính họ và chủ đầu tư cũng không biết bao giờ mới thu gom được hết hài cốt.

Tất cả những hài cốt sẽ được chuyển đến nghĩa trang Yên Kỳ, thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Và tại nghĩa trang sẽ có một biểu tượng mà bất cứ ai cũng sẽ nhận ra nơi đây chôn cất hài cốt những người hy sinh trong ngày 19/12/1946. Biểu tượng này do Bộ VH-TT&DL thiết kế.

Ông Đoàn Hồng Sơn - người đại diện chủ đầu tư dự án Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết với khối lượng công việc lớn đang dang dở như hiện nay, những vấn đề về tâm linh thì lại càng luôn phải cẩn trọng, cần phải làm thật tỉ mỉ. Xong lượt một sẽ tiếp tục đào đợt hai sâu thêm một mét nữa để xem còn xót hài cốt hay không, tìm được hết các hài cốt thì mới thôi. Và đây sẽ là lần cuối cùng để không bao giờ đào bới xới lộn lên nữa và sẽ có một con đường vắt  ngang qua đây với đài tưởng niệm xinh xắn.

Cây long não bị đốn dở và được lấp lại trước sự phản ứng của dư luận.

Có một câu chuyện làm người dân trong khu phố này bất bình. Đó là những cây long não, cây dạ hương gần trăm tuổi bị đơn vị thi công san lấp mặt bằng khu chợ tạm 19-12 (thuộc Ban Quản lý dự án giao thông đô thị Sở Giao thông Vận tải) tự động cưa đổ, cưa cụt cành, đưa lên xe tải chuyển đi. Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành lập biên bản những người có liên quan nhưng không ai chịu ký vào biên bản. Sự việc này dấy lên những dư luận không hay.

Sáng ngày 14/1, nhà sử học Dương Trung Quốc đã có cuộc trao đổi với Giám đốc sở VH-TT&DL Hà Nội và đề nghị Giám đốc Sở cử ngay người của ngành văn hóa đến để giám sát hiện trường. 

Trao đổi với chúng tôi nhà sử học nói: "Rồi đây, sau khi thu lượm những hài cốt còn sót lại người ta sẽ xây ở đây một con đường. Chắc chắn làm đường thì cần có hàng cây xanh. Vậy thì vì cớ gì mà người ta lại ngang nhiên chặt hạ cây xanh - một chứng nhân của lịch sử đã có từ 100 năm tuổi đang chắc khỏe, xanh tốt và thay vào đấy là trồng một cây non. Vì cớ gì chứ?!"

Trần Mỹ Hiền
.
.