Chuyện ghi ở làng Hữu Nghị

Thứ Hai, 16/04/2007, 10:00

Cựu chiến binh Mỹ Joomizo từng tham chiến ở Việt Nam trở lại thăm chiến trường xưa, ông đã khóc khi thấy những nạn nhân chất độc da cam phải sống khổ cực và đau đớn do hậu quả của di chứng chiến tranh để lại. Ông đã vận động mọi người quyên góp tiền bạc và dành dụm số tiền mà mình kiếm được để sang Việt Nam, xây dựng làng Hữu Nghị.

Một ngôi làng chỉ cách Hà Nội chưa đầy 20 km, ở đó có những người cựu chiến binh và con em họ đang phải từng ngày vật lộn với di chứng chất độc da cam, hậu quả của chiến tranh. Đó là làng Hữu Nghị (trực thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam) tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Nơi đây đã xuất hiện biết bao những việc làm ấm áp tình người và nghị lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Làng Hữu Nghị, cách Hà Nội quốc lộ 32 khoảng 20 km. Để có được cơ ngơi khang trang như hôm nay là cả một cố gắng không mệt mỏi của cán bộ, công nhân viên đặc biệt là tập thể Ban giám đốc của làng. Họ là những người lính đã từng đi qua chiến tranh nên thấu hiểu sâu sắc những mất mát và đau thương của đồng đội trở về sau cuộc chiến.

Vừa đưa chúng tôi đi thăm làng, ông Đặng Vũ Dũng -Giám đốc làng Hữu Nghị vừa kể: Năm 1991, khi có một đoàn cựu chiến binh Mỹ sang thăm Việt Nam, thấy hậu quả chiến tranh nặng nề, họ đã nêu ý tưởng đóng góp kinh phí để khắc phục phần nào hậu quả do chiến tranh để lại.

Thế là làng Hữu Nghị được thành lập trên cơ sở những ý tưởng, đóng góp của các tổ chức quốc tế và nguồn kinh phí có được từ sự vận động ủng hộ ở nhiều nơi.

Làng được khởi xướng xây dựng từ năm 1991, nhưng phải đến đầu tháng 10/1998 mới chính thức khai trương và đón các công dân đầu tiên là 6 em nhỏ nạn nhân chất độc da cam, đích thân Ban giám đốc làng đánh xe đến tận nhà đón về để nuôi dưỡng.

Các cựu chiến binh ở làng Hữu Nghị.

Trong năm này, khi bà Nguyễn Thị Bình (lúc bấy giờ là Phó chủ tịch Nước đến thăm làng) thấy được quy mô, đã đồng ý cho làng đón thêm 60 người, trong đó phần lớn là trẻ khuyết tật và cựu chiến binh thanh niên xung phong.

Khi làng đã đi vào hoạt động, nơi đây thường xuyên nuôi dưỡng từ 150-160 người với mức tiêu chuẩn hàng tháng là 400 ngàn đồng/cựu chiến binh và 300 ngàn đồng/1 cháu là nạn nhân chất độc da cam. Số kinh phí này, được dựa trên 2 nguồn chính, một phần là do Nhà nước cấp, phần còn lại là nguồn ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm và một phần do chính cán bộ trong làng tự tăng gia sản xuất.

Ngày mới vào làng, cậu bé Nguyễn Văn Toàn, 13 tuổi, quê ở Bắc Ninh bị bại não thể co cứng rất nặng, đặt đâu nằm đấy, không thể tự xúc ăn. Được sự chăm sóc của các mẹ và sự quan tâm của làng, cháu đã được mua xe lăn có áp nẹp riêng. Điều đặc biệt là Toàn đã được đưa đi  phẫu thuật tay, tập luyện phục hồi chức năng. Sau hai năm, em đã có những tiến bộ rõ rệt, tự cầm thìa xúc cơm ăn và kỳ lạ là Toàn đã có thể vẽ được.

Em Nguyễn Thị Yến, 19 tuổi ở Thái Bình khi đến làng, 2 bàn chân bị khoèo, không thể đứng và đi lại được. Sau khi phẫu thuật cả 2 chân, được luyện tập phục hồi chức năng, đến nay em tự đi lại được và đi được xe đạp 3 bánh.

Em Vũ Thị Hương, 18 tuổi ở Hải Phòng, hai bàn chân bị quặt ngược lại phía sau. Sau khi phẫu thuật chỉnh hình và qua luyện tập phục hồi chức năng đến nay em đã đi lại được với hai bàn chân bình thường. Tất cả những kết quả đó đã phần nào nói lên những cố gắng gần như chưa bao giờ biết mệt mỏi của những cán bộ làm công tác chữa trị, điều dưỡng cho các cháu.

Có một điều đặc biệt là ở làng Hữu Nghị năm nay đã có những học sinh học hết bậc trung học phổ thông chuẩn bị thi đại học, đó là em Nguyễn Thị Oanh. Kết quả này là sự rèn luyện không biết mệt mỏi không chỉ của các em, mà còn của cả tập thể bởi mỗi buổi đến lớp của Oanh là phải nhờ các bà mẹ trong làng đẩy xe lăn đưa em tới trường.

Oanh là một điển hình để các em nhỏ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, học tập phấn đấu vươn lên để khẳng định mình. Ban giám đốc làng Hữu Nghị còn cho hay, làng rất tự hào về những thành tích học tập của các em, có nhiều em đã trưởng thành từ nghề đan lát, nghề may.

Nhiều em khi trở lại đời thường đã sống được bằng chính nghề của mình học trong những ngày tháng ở làng. Điển hình cho những đối tượng này là một đôi bạn ở Nam Định, khi vào làng, ngoài việc chữa bệnh, các em còn được học nghề làm hoa giả.

Từ tình cảm yêu thương gắn bó ở trong làng, họ đã kết hôn với nhau. Hiện nay chính quyền tỉnh Nam Định đã đề nghị cấp đất cho đôi bạn trẻ này để họ có điều kiện ổn định cuộc sống.

Ở làng Hữu Nghị còn có rất nhiều tấm lòng không biên giới. Có một câu chuyện khá cảm động tại làng Hữu Nghị đó là câu chuyện về cựu chiến binh Mỹ tên là Joomizo. Ông là người đã từng tham chiến ở Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước.

Trở lại thăm chiến trường xưa, ông đã khóc khi thấy những nạn nhân chất độc da cam phải sống khổ cực và đau đớn do hậu quả của di chứng chiến tranh để lại. Vốn cũng là một cựu binh nghèo vì thế khi trở về Mỹ, ông đã vận động mọi người quyên góp tiền bạc và dành dụm số tiền mà mình kiếm được từ việc cùng vợ đi bán quần áo trên đường phố để lấy tiền sang Việt Nam, xây dựng làng Hữu Nghị.

Cựu chiến binh Joomizo đã được cử làm Chủ tịch Ủy ban xây dựng làng Hữu Nghị. Hiện nay tại làng Hữu Nghị có một khu trường học mang tên cựu chiến binh Joomizo.

Anh Rony là thợ sửa xe máy người Đức, 35 năm tuổi, mặc dù không hiểu nhiều về chiến tranh ở Việt Nam nhưng khi đến đây thấy những em nhỏ nạn nhân chất độc da cam, đã tình nguyện ở lại đây một thời gian khá dài làm thợ sửa xe lăn cho các em, hướng dẫn các em nhỏ tập đi xe.

Hàng ngày, anh Rony làm việc một cách chăm chỉ và say mê vì anh hiểu rằng đóng góp một chút sức lực nhỏ bé của mình để xoa dịu nỗi đau da cam là việc nên làm.

Rồi câu chuyện về một cựu chiến binh  Mỹ năm nay đã 84 tuổi, cảm động trước nỗi mất mát, thiệt thòi của các em, ông đã ở lại làng, dạy tiếng Anh cho các em. Ông bảo rằng, dạy cho các cháu cũng là một phần ông muốn chuộc lại lỗi lầm của mình trong chiến tranh trước đây

Mai Phương
.
.