Chuyện kể từ tâm dịch

Thứ Năm, 13/02/2020, 13:50
Khi cả thế giới sống phấp phỏng và gấp gáp theo dòng thông tin về virus Corona, khi mà đi đâu cũng thấy tinh thần căng mình phòng, chống dịch, thì những người Việt Nam đã, đang ở tâm dịch bệnh Vũ Hán những ngày này bị tác động trực tiếp về mọi mặt. Nghe những điều họ nói, nhận những bức ảnh họ truyền về, tôi hiểu rằng tất cả họ đều có cuộc sống và tâm trạng đặc biệt khác so với thường ngày…

Nổi tiếng bất đắc dĩ

Bây giờ thì Vy đã có thể đi làm trở lại và chúng tôi có một cuộc trò chuyện nóng sốt xoay quanh chủ đề dịch bệnh Corona. Vy bảo với tôi rằng, bây giờ cô tự tin đi lại, giao tiếp với mọi người, chứ mấy hôm trước thì hoang mang và dè dặt lắm. Vy là “người nổi tiếng bất đắc dĩ” vì là lưu học sinh tại Vũ Hán trở về nước ăn tết, từng có biểu hiện sốt và ho và phải cách ly vì nghi nhiễm virus Corona. Thật may, kết quả xét nghiệm cho thấy cô âm tính với loại virus này.

Vy đang là nghiên cứu sinh tại một trường đại học ở thành phố Vũ Hán. Ngày 30-12-2019, Vy cùng một nhóm bạn rời Vũ Hán đến Bắc Kinh làm việc. Sau đó 4 ngày, cô bay từ Bắc Kinh về Hà Nội. Chặng bay dừng chân tại sân bay Côn Minh 3 giờ đồng hồ, Vy chỉ ngồi chờ trong sân bay và không tiếp xúc với ai. Ngày 4-1-2020, Vy có mặt tại Hà Nội. Buổi tối cùng ngày, cô về đến quê.

3 ngày sau, Vy đến nhà người bạn ở Hà Nội và lưu trú tại đây 2 tuần để làm việc. Ngày 23-1, Vy trở về quê và sau đó 2 ngày có biểu hiện sốt và ho. Vy cũng không thể ngờ rằng khi cô rời Vũ Hán thì thành phố này vẫn diễn ra nhịp sống bình thường, vậy mà đến những ngày cận tết thì nơi đây đã thành tâm dịch bệnh. Vy đi khám tại bệnh viện huyện, sau đó được chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương ngày 27-1 vì nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV.

Khu chung cư Thanh Lăng, Vũ Hán (nơi có lưu học sinh Việt Nam sinh sống) không có người ra đường. Ảnh chụp của một lưu học sinh Việt Nam chiều ngày 23/1 (29 tết).

Tại đây, Vy được cách ly, theo dõi điều trị tại Khoa Virus và Ký sinh trùng. Kết quả xét nghiệm cho thấy cô chỉ bị ho, sốt đơn thuần, không nhiễm virus nCoV. Đến ngày 31-1, Vy được xuất viện trở về nhà trong tình trạng sức khoẻ ổn định, ăn uống sinh hoạt bình thường cùng người thân.

Vy bảo với tôi, khoảng thời gian qua liệt kê ngắn gọn thì thấy có vẻ đơn giản. Nhưng sự thực thì cô và gia đình đã có những ngày tết bất an, nhịp sống gia đình hoàn toàn đảo lộn. Từ chỗ bị nghi nhiễm, Vy gần như đã thành bệnh nhân nhiễm bệnh trong câu chuyện của nhiều người. Trong câu chuyện cởi mở với tôi, bố của Vy nói rằng ông vừa lo lại vừa thương cô con gái. Nỗi thương khi con gái mất ăn mất ngủ vì liên tục bị “hỏi thăm” có khi còn lớn hơn nỗi lo về sức khoẻ của con.

Một số bài báo đưa tin nửa vời, bỏ lửng và không phản ánh tận cùng sự việc, những câu chuyện “thông tấn xã bể nước” một đồn mười, mười đồn trăm khiến Vy trở thành nhân vật đặc biệt. Quãng đường di chuyển của Vy từ Vũ Hán về Việt Nam trở nên đầy ám ảnh như đang mang mầm virus về Việt Nam.

Chưa bao giờ Vy thấy mình “nổi tiếng” một cách khổ sở như những ngày qua. Số điện thoại và thông tin cá nhân của cô nhanh chóng bị công khai. Một trang facebook cá nhân sốt sắng thông báo với cộng đồng mạng là Vy đang trong tình trạng nguy hiểm. Liên tục nhiều người gọi điện, nhắn tin cho Vy. Có người hỏi han chân tình, nhưng có người hỏi đầy vẻ dò xét, kiểu như bị nhiễm Corona hả, giờ đang ở đâu, đã gặp những ai…?

Có không ít những người không quen biết chẳng hiểu bằng cách nào có số của Vy đã gọi điện đến mắng té tát: “Sao không ở luôn bên Vũ Hán đi, về đây làm gì làm khổ mọi người”, “Sao về nước không ở yên một chỗ lại đi khắp nơi, gặp hết người này đến người kia thế”. Cô thật sự choáng khi biết rằng mình nằm trong “danh sách các bệnh nhân nhưng nhà nước không công bố” được lan truyền trên facebook.

Vũ Hán trong mắt Vy qua mấy năm gắn bó là thành phố phát triển và hiện đại, là nơi trung chuyển của nhiều tuyến giao thông quan trọng, rất nhiều chuyến bay quốc tế quá cảnh qua đây. Đây cũng được gọi là thành phố của đại học khi tập trung nhiều trường đại học lớn và có nhiều lưu học sinh các nước trong đó có Việt Nam.

Các quầy trong siêu thị ở Vũ Hán liên tục cháy hàng. Ảnh chụp ngày 9/2.

Và giờ đây, Vũ Hán đang căng mình chống dịch, tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng ngừa tình trạng lây lan. Nhà trường bên Trung Quốc mỗi ngày đều gửi thư điện tử yêu cầu các du học sinh như Vy báo cáo tình hình sức khoẻ và hướng dẫn cụ thể cách phòng bệnh. Vy những ngày này vẫn thường xuyên liên lạc với bạn bè kẹt lại ở Vũ Hán.

Cô được biết từ ngày 2/2 vừa qua, những sinh viên ở kí túc xá được nhà trường hỗ trợ 3 bữa ăn miễn phí/ngày, được phát khẩu trang, nước rửa tay, nhiệt kế để kiểm soát thân nhiệt. Trường đại học thông báo lùi thời gian đi học trở lại sau kì nghỉ tết, lịch học cụ thể sẽ thông báo sau.

Vy cho biết nhóm bạn của cô học tập ở Vũ Hán về nước đều liên lạc với nhau hàng ngày. Tất cả họ đều khoẻ mạnh bình thường và thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc phòng ngừa dịch bệnh. Vy nhắn nhủ tới những người Việt Nam trở về từ Vũ Hán khi gặp vấn đề về sức khoẻ hãy bình tĩnh và chủ động báo tin cho nhân viên y tế để được cách ly, theo dõi và xét nghiệm xem có bị nhiễm virus nCoV hay không. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tết trong lòng Vũ Hán

Tết Canh Tý 2020 này có lẽ là cái tết đặc biệt nhất của Hoa và nhiều lưu học sinh Việt Nam kẹt lại ở thành phố Vũ Hán. Hoa sống cùng các lưu học sinh Việt Nam tại tầng 5 của một khu chung cư. Họ đều học năm cuối đại học, tranh thủ những ngày tết ở lại Vũ Hán để làm luận văn tốt nghiệp và trải nghiệm tết nguyên đán Trung Quốc.

Họ không thể ngờ rằng thành phố này lại trở thành tâm điểm của thế giới trong suốt nhiều ngày qua khi dịch virus Corona bùng phát mạnh. Một Vũ Hán sôi động và hiện đại thường ngày giờ đây trở nên vắng vẻ và căng thẳng, đang gồng mình chống chọi lại bệnh dịch. Mọi kế hoạch, những háo hức nhanh chóng bị dập tắt, sinh hoạt hàng ngày co cụm lại hơn cả ngày thường chứ đừng nói đến không khí tết.

Thay vào đó, Hoa và các bạn hơn 10 ngày qua đã tuân thủ các quy định tự cách ly phòng dịch của nhà trường và chính quyền sở tại. Tất cả những người ra vào trường trong thời gian này đều phải được kiểm tra nhiệt độ hàng ngày.

Nhân viên cộng đồng đang phân phát thực phẩm cho người dân tại quận Vũ Xương, Vũ Hán ngày 9/2.

Theo lời Hoa kể, 10 giờ sáng theo giờ Trung Quốc ngày 23/1 (29 tết), thành phố Vũ Hán chính thức công bố lệnh phong toả, đặt ra những quy định nghiêm ngặt hạn chế việc rời đi hoặc chuyển đến giữa các vùng dân cư. Các ga tàu, trạm thu phí xa lộ, bể bơi, rạp chiếu phim, bảo tàng đồng loạt đóng cửa. Tàu điện ngầm, xe buýt ngừng hoạt động. Tất cả các sự kiện cộng đồng bị huỷ kế hoạch.

Buổi chiều, toàn thành phố Vũ Hán được phun xịt khử trùng và người dân được thông báo không ra khỏi nhà, đóng chặt cửa ra vào, cửa sổ. Người dân được hướng dẫn đi mua đồ ăn từ bên ngoài về nhà cần phải rửa sạch nhiều lần, đeo khẩu trang trong tất cả các tình huống, rửa tay sạch sẽ, giữ ấm cơ thể vì thời tiết ở Vũ Hán đang rất lạnh, tuyết rơi đầy đường.

Hoa cho tôi biết rằng hiện tại Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc thường xuyên liên lạc, thăm hỏi tình hình các lưu học sinh đang ở Vũ Hán, trong đó có cả một cặp vợ chồng có con nhỏ đang tuổi học mẫu giáo. 

Hoa và các bạn cũng đã kịp mua mỳ tôm, dưa cải, thịt cá tạm đủ cho tầm nửa tháng. Giá cả các mặt hàng thời đại dịch đã nhích lên, tuy nhiên không còn sự lựa chọn nào khác là vẫn phải mua về dự trữ. Hàng ngày, họ đều nhận được tin nhắn của Tổ chức Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc, hướng dẫn 8 điều cần làm: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế gặp gỡ, tụ tập đông người, giữ thông thoáng nhà cửa, tránh ăn thức ăn hoang dã, ăn chín uống sôi, nghe theo các khuyến cáo y tế và bình tĩnh đối mặt để cùng vượt qua dịch bệnh.

Tuy khá yên tâm về tình trạng tự cách ly hiện tại, nhưng Hoa và các bạn vẫn mong muốn được ra khỏi vùng tâm dịch và trở về nước. Gia đình của họ ở Việt Nam đang lo lắng và mong họ trở về an toàn.

Mong mỏi từng ngày dịch bệnh bị đẩy lùi

Những ngày này, tôi thường xuyên liên lạc hỏi thăm tình hình chú Ny Chen - một người bà con đang định cư ở Vũ Hán. Kể từ hôm có lệnh phong toả, người dân Vũ Hán đóng cửa ở trong nhà, xác định tự cách ly là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tốt nhất trong thời điểm hiện tại. Ở các khu vực nông thôn Vũ Hán thực hiện nghiêm ngặt quy định nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đầu các thôn làng đều có người canh gác.

Hàng ngày, mỗi gia đình chỉ được một người đi chợ theo khung giờ quy định. Người dân hạn chế việc mua hàng trực tiếp và trả tiền mặt để tránh vi khuẩn lây lan. Ở các đô thị phổ biến là mua hàng online, có người giao tận nhà và gọi điện mở cửa nhận đồ. Họ tích trữ rau củ, gạo, thịt cá đầy tủ lạnh.

Vy trong những ngày cuối cùng ở Trung Quốc trước khi về Việt Nam ăn tết nguyên đán Canh Tý.

Thêm dịch H5N1 có nguy cơ bùng phát nên nhiều gia đình hạn chế ăn thịt gia cầm. Nhiều người lo lắng trước tình hình dịch bệnh nên chọn giải pháp ăn chay. Gia đình người bà con của tôi phải mua thêm một chiếc tủ lạnh để tích trữ đồ ăn. Tuy nhiên, xác định cuộc chiến chống dịch bệnh vẫn còn dài nên có tâm lý dè sẻn, nhiều hôm họ ăn cháo muối để an toàn và tiết kiệm lương thực. Những bao gạo, túi muối thời gian này trở nên quý giá. Người bà con của tôi cũng sốt sắng vì tình hình ở Việt Nam, khuyên tôi hạn chế ra ngoài và tự cách ly cho gia đình.

Mỗi ngày, các siêu thị, trường học, khu chung cư ở Vũ Hán đều được phun thuốc khử trùng hai lần. Chính quyền sở tại sử dụng máy bay không người lái cỡ nhỏ liên tục hạ thấp độ cao để quan sát từng con đường, góc phố ở Vũ Hán, truyền hình ảnh về trung tâm điều khiển. Máy bay phát loa để thường xuyên nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, không túm năm tụm ba nói chuyện. Nhiều chung cư khoá thang máy để người dân không đi lại.

Đều đặn hàng ngày, người dân Vũ Hán nấu nướng ăn uống, tập thể dục trong nhà, thường xuyên lau nhà, tay nắm cửa, bậu cửa sổ, cửa ra vào và liên tục theo dõi tin tức dịch bệnh. Họ mong mỏi từng ngày số ca mắc bệnh và số người chết chững lại, dịch bệnh bị đẩy lùi để cuộc sống trở lại bình thường.

*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Huyền Châm
.
.