Chuyện một tử tù và cái kết có hậu

Thứ Hai, 29/12/2014, 12:20
Trong chuyến công tác lần ấy, sau khi đã xong hai chương trình làm việc nhiều ngày với Trại giam số 6 thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an từ trên Hạnh Lâm, Thanh Chương và quay về thành phố làm việc với Phòng PC45 nhân dịp đơn vị này đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tôi tiếp tục xin được sang Trại tạm giam của Công an tỉnh Nghệ An.

Khi còn trực tiếp phụ trách Chuyên đề ANTG, Đại tá Nguyễn Như Phong đã quán triệt cho cánh phóng viên chúng tôi rằng, đã đi công tác tới một địa bàn thì phải cố gắng có càng nhiều đầu việc càng tốt. Cứ đi, cứ gặp, cứ hỏi, cứ ghi chép lại hết. Không dùng lúc này thì dùng lúc khác. Xin đi công tác thì có thể chọn lấy một đầu việc, đã đi rồi thì phải cố mà đi cho thật kỹ. Đừng tiếc thời gian, tiếc công đi, miễn có hiệu quả là được. Cách làm này buộc cho anh em phóng viên phát huy tính tự chủ và cũng chính là phải trách nhiệm với công việc của mình…

Đến nơi, tôi được giám thị bố trí cho gặp một trường hợp, đã bị kết án tử hình, suốt gần 11 năm vẫn chưa thi hành án. Đó là những khởi đầu cho loạt phóng sự "Một tử tù bị lãng quên" đăng trên Chuyên đề ANTG sau đó, góp phần thay đổi số phận của Đặng Văn Thế về sau này.

Sơ qua câu chuyện của Đặng Văn Thế  như sau:

Bị bắt vì dính dáng đến một vụ vận chuyển ma túy từ Kỳ Sơn về thành phố Vinh, Nghệ An, cuộc đời Thế tưởng như đã chấm dứt từ cách đây hơn 17 năm, khi ấy Đặng Văn Thế mới 23 tuổi. Sau đó, nhờ thành khẩn, hợp tác với Cơ quan điều tra, Thế đã được tạm thời hoãn thi hành án để mở rộng điều tra.

Lời khai của Thế lúc ấy được xác định là có cơ sở, song tính pháp lý về chứng cứ còn hạn chế khiến cho mọi việc khó có thể khép lại… Và Đặng Văn Thế cứ "nửa âm nửa dương" như thế ở phòng biệt giam trong Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An từ đấy. Cho đến khi tôi gặp Thế, một ngày cuối tháng 12/2008.

Lại nói lúc về đến Tòa soạn, tôi đem câu chuyện của Đặng Văn Thế báo cáo đề tài, Đại tá Nguyễn Như Phong mới nghe qua đã gạt đi. Tôi hơi bất ngờ, bởi vừa tiếc công sức mình đi về, tài liệu lại lấy khá kỹ. Đích thân Đại tá Nguyễn Duy Tỵ, nguyên Giám thị Trại tạm giam tiếp tôi và cung cấp tường tận từng diễn biến vụ việc, mốc thời gian và kể cả các câu chuyện liên quan, Thượng tá Thái Bá Hùng, Phó Giám thị lúc ấy đích thân dẫn tôi gặp nhân vật, giờ mà lại bỏ đi thì phí quá!

Tôi bèn hỏi tại sao lại bỏ ạ? Đại tá Nguyễn Như Phong mới bảo: “Thôi đừng! Người ta đã lỡ… quên hắn đi rồi, hẳn có lý do nào đó chưa kết luận được cần xác định thêm.

Ra thế! Vậy thì không phải. Thực tình thì "bị lãng quên" chỉ là cách nói. Làm việc với Ban lãnh đạo Trại tạm giam, với Đại tá Nguyễn Duy Tỵ, tôi đã nắm được khá cụ thể tinh thần chung rồi. Trại tạm giam đã nhiều lần báo cáo lên Ban Giám đốc Công an tỉnh về trường hợp của Đặng Văn Thế, có ý thức cải tạo tốt, đã biệt giam quá lâu. Về mặt công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân mà nói, nuôi một phạm nhân theo chế độ tử tù hơn chục năm trời đâu phải chuyện đùa.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Hữu Cầu cũng vừa có buổi làm việc báo cáo với đoàn cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị sớm có chủ trương đối với Đặng Văn Thế. Sau khi nghe báo cáo lại tình hình, thấy chiều hướng đưa vấn đề ra vừa có lợi cho nhân vật chính, vừa có lợi cho công tác cải tạo phạm nhân nói chung, ấm tình người, đậm tính nhân văn, Đại tá Nguyễn Như Phong mới đồng ý cho tôi thực hiện bài viết…

Thú thật, đứng trước trường hợp như Đặng Văn Thế, tôi không thể không có cảm xúc riêng. Vẫn biết làm người viết thì cái đầu phải "lạnh", phải tỉnh táo để nhận định vấn đề, song quả thực Thế quá đặc biệt.

Có tội thì phải chịu tội trước pháp luật, hiển nhiên thế. Song gần 11 năm trời (Đặng Văn Thế bị bắt ngày 15/8/1997, sau đó một thời gian thì bị kết án tử hình) lúc nào cũng trong tình trạng đã đặt một chân sang thế giới bên kia, thì đúng gọi là sống cũng dở, mà chết cũng không hay. Hoặc nói rằng là sống cũng như chết, thì cũng vậy thôi.

Và có lẽ, chính vì ở trong tình huống đặc biệt như thế, nên Đặng Văn Thế hiểu rõ hơn cả cái giá của sự sống, cái giá của được là người lương thiện mới đáng quý đến mức nào. Hàng bao nhiêu đêm thấp thỏm, run bắn khi có bước chân đến gần dãy phòng biệt giam, những lúc ấy Thế chỉ thèm được nghe một tiếng gà gáy. Có tiếng gà gáy là trời sắp sáng. Có tiếng gà gáy tức là đã qua cái "giờ ấy"!

Tiếng gà gáy báo hiệu cho Thế biết còn được thêm một ngày nữa. Tiếng gà gáy đem đến cho cái thân thể đang ký gửi ở trần gian ấy thêm môt tia hy vọng về một ngày mai được trở lại cõi nhân thế. Và Thế đã biết biến những hy vọng, những suy nghĩ đó thành hành động. Những vần thơ tạ tội, Thế gọi chúng vậy, cũng được viết ra từ đấy. Lủng củng thôi, nhưng chân thành.

Đặng Văn Thế (ngoài cùng bên phải) khi còn ở phòng biệt giam, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.

Đại tá Nguyễn Duy Tỵ khi ấy cũng bày tỏ quan điểm rằng nếu Đặng Văn Thế được ân giảm án tử hình sẽ là phần thưởng thiết thực nhất ghi nhận và đánh giá quá trình cải tạo gian khổ của Thế suốt ngần ấy năm. Đó cũng sẽ là cách làm cực kỳ hiệu quả, như là một sự động viên, khích lệ những người phạm tội trong các trường hợp khác - dù bị kết án nhưng vẫn còn có cơ hội được sống mà cải tạo thành người tốt bằng chính sự thành khẩn khai báo trước pháp luật và sự phấn đấu của bản thân. Quay đầu là bờ. Hối cải không bao giờ là muộn cả.

Phóng sự in xong, tôi còn thực hiện thêm cuộc trao đổi với luật sư để làm rõ thêm trường hợp của Đặng Văn Thế. Sang đến đầu năm 2009, một hôm qua buổi trưa, tôi nhận được cuộc điện thoại của Đại tá Nguyễn Duy Tỵ. Bốc máy lên, chưa kịp hỏi thăm anh đã nói ngay: “Nhà báo à! Thế được ân xá xuống chung thân rồi đấy!”.

Khi nghe tin ấy, tôi đờ người ra. Đại tá Nguyễn Duy Tỵ cũng lặng yên một lúc rồi mới cho tôi biết tiếp tình hình. Thực ra thì quyết định ân giảm lúc ấy chưa về đến trại. Nhưng mọi thủ tục coi như là đã xong. Tôi bèn hỏi anh vậy Đặng Văn Thế sẽ đi đâu để thụ án? Đại tá Nguyễn Duy Tỵ trả lời rằng chưa biết. Nhưng đi đâu mà chẳng được? Miễn cứ thoát khỏi cái phòng biệt giam ấy là tốt lắm rồi. Tốt cho Thế. Nhẹ cho cả trại. Vậy là mừng cho hắn, và cũng là mừng cho cuộc đời này bớt đi một nỗi đau.

Khi tôi đem câu chuyện này chia sẻ với anh chị em trong tòa soạn, mọi người cũng vui lây. Và tất nhiên ai cũng hiểu, không phải chỉ vì bài báo của tôi mà Đặng Văn Thế được sống. Được sống để làm lại cuộc đời, trước hết phải chính từ Thế. Nhưng nó thực sự là một cái duyên, khi loạt bài báo in ra, vừa có tính thuyết phục, vừa đúng thời điểm.

Bẵng đi một dạo, câu chuyện tưởng như đến đấy là đã xong, và cũng có thể coi đó là một cái kết đẹp, thì bỗng một hôm tôi nhận được một lá thư. Là thư của Đặng Văn Thế. Trong thư, Thế báo cho tôi biết đã được đi thụ án tại Trại giam số 6, và xin phép quản giáo để được viết thư cho tôi. Lại là một sự tình cờ nữa bởi như đã nói, chính lần gặp Thế trong trại tạm giam thì vài ngày trước tôi đã đi qua làm việc tại Trại giam số 6. Thế bảo, cũng chính vì vậy nên khi xin phép được viết thư cho tôi, giám thị trại liền đồng ý ngay.

Những vần thơ tạ tội của Đặng Văn Thế.

Thư Đặng Văn Thế viết cũng khá dài, bộc bạch nhiều tâm sự, tỉnh ngộ ra nhiều điều và cả những lời hứa sẽ cố gắng cải tạo thật tốt. Trong thư Thế kể với tôi, một cách rất chân thành, rằng trước khi Thế gặp tôi, cũng đã có nhà báo đến gặp Thế, viết bài và đăng lên báo rồi. Chính Đặng Văn Thế cũng hiểu rõ, rằng không phải vì bài báo của tôi mà anh ta được ân xá. Nhưng Thế cũng bảo, bài báo của tôi đối với Thế góp một phần quan trọng để Thế có cơ hội hoàn lương.

Điều này là Thế được chính các giám thị trại nói lại. Bởi khi làm việc với đoàn công tác của Văn phòng Chủ tịch nước, bài báo của tôi in trên Chuyên đề ANTG được nhắc đến như một dữ kiện có lợi cho Thế. Nhận được thư của Đặng Văn Thế, đọc những dòng bộc bạch ấy, tôi vui. Niềm vui của người làm nghề chỉ đơn giản có vậy. Bài viết của mình có ích cho nhiều người, thế là đủ!

Khi thực hiện bài viết này, tôi đã trực tiếp điện thoại cho Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị Trại giam số 6, Bộ Công an. Vừa là sự cẩn trọng, kỹ càng, vừa là cũng muốn nắm thêm xem tình hình cải tạo của Đặng Văn Thế ra sao thời gian qua. Thì lại có tin vui. Đại tá Nguyễn Viết Hoàn cho biết Đặng Văn Thế vừa được đặc xá đợt kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2014. Từ chung thân xuống 20 năm. Và lại còn được biết thêm từ khi thụ án ở Trại 6, Thế gương mẫu, cải tạo tốt, được tín nhiệm làm tổ trưởng lao động.

Trong cuộc thi mang tên "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" do Bộ Công an lần đầu tổ chức, Thế đoạt giải Nhất. Cuộc thi là sáng kiến đầy ý nghĩa của Tổng cục VIII - Bộ Công an trong việc góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục phạm nhân, trại viên nhân kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước.

Đại tá Nguyễn Viết Hoàn và tôi, trong một buổi chiều mất đến dăm bảy cú điện thoại trao đi đổi lại về Đặng Văn Thế. Tôi hiểu, các anh vui cái vui của người thầy, khi học trò mình đạt thành tựu.

Còn với Đặng Văn Thế, giờ cũng không quá để nói rằng, sẽ là một cái kết có hậu!

Việt Ba
.
.