Chuyện ở gia đình đông con nhất thủ đô

Thứ Bảy, 23/07/2016, 09:00
Từ năm 1989 đến 2013, vợ chồng anh chị Đặng Thị Hải – Ngô Doãn Năm (Hà Đông, Hà Nội) gần như đều đặn cứ 2 năm lại đẻ thêm 1 đứa con. Cho đến nay tổng cộng chị Hải đã có đến 14 lần sinh nở. Hiện tại “quân số” trong gia đình chị lên tới gần 20 người (tính cả dâu, rể).

Cảnh sống khổ cực, nheo nhóc của đại gia đình này khiến mọi người sửng sốt và thương xót. Các cụ dạy thêm con là thêm phúc, thêm lộc. Nhưng sinh đến 14 đứa con mà cha mẹ không nuôi nổi đàng hoàng thì chỉ thêm nghèo, thêm tủi…

1. Chúng tôi có mặt ở Cổ Bản (Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) vào một buổi chiều nắng như thiêu như đốt. Dù đã nghe người dân ở đây kể ít nhiều về gia đình chị Đặng Thị Hải, song khi có mặt tại ngôi nhà chị, cảm giác xót xa bỗng đâu cứ trào lên trong lòng.

Bước vào khoảng sân, trước mắt tôi là ngồn ngộn trăm thứ bà rằn vứt lỏng chỏng. Nào là bộ salon rách, những bao cám gà, mấy buồng chuối ngả nghiêng... rồi đến chiếc xe đạp bẹp gí nằm một góc. Gần bếp, thôi thì xô chậu bát đũa mỗi nơi một cái. Trong nhà cứ thông thống, chẳng có vật gì đáng giá ngoài một chiếc tivi “đời… Tống”. Trên chiếc giường duy nhất của ngôi nhà được chất cả trăm cái quần áo đen đúa, nằm đè lên nhau như mớ cá vừa được đánh lưới.

Một góc, sáu bảy đứa trẻ dưới 10 tuổi ngồi chăm chú lên màn hình tivi. Thấy chúng tôi đến, chúng chỉ ngoảnh ra một giây, rồi lại quay vào màn hình. Một thằng cu lớn nhất bọn chạy ra: “Chú là nhà báo? Mẹ cháu đang ở ngoài ao. Để cháu dẫn chú ra”. Cậu bé tên Ngô Doãn Phúc (SN 2003) nhanh nhẹn đưa tôi ra phía nghĩa địa cuối làng.

Cậu bé có khuôn mặt khá khôi ngô, phải tội nó mặc một bộ quần áo cũ mèm, đen đúa nên không được “bô trai” cho lắm. Lẽ ra tuổi của Phúc đang học lớp 8, nhưng do sức học yếu mà Phúc bị “đúp” 2 năm liền, mới chỉ học lớp 6 Trường THCS Đồng Mai. Phúc dắt tôi băng qua một căn lều “rách như xơ mướp” - là nơi chị Hải ở lại mỗi tối để trông coi đàn gà và đàn bò - đến nơi mẹ nó đang quần quật làm lụng.

Chị Hải đang kéo lưới cùng hai cậu con trai..

Chị Hải đang cùng hai thằng con giai lớn kéo lưới vét cá, tôm ở một cái đầm bỏ hoang cách lều chừng 300m. Trời nắng nóng kỷ lục nên khuôn mặt chị đầm đìa mồ hôi. Ba mẹ con vừa kéo lưới vừa thở một cách khó nhọc. Chị bảo ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến tối mịt chị lại cùng mấy thằng con giai mười lăm, mười sáu tuổi xách lưới đi khắp các ao chuôm ở khu vực Đồng Mai, Biên Giang, Dương Nội… của quận Hà Đông, lặn lội sang cả bên Thanh Oai, Chương Mỹ… để đánh lưới vét. Mấy mẹ con vừa thả, vừa kéo từ sáng tới trưa thì được một mẻ lưới, may thì được chút cá chút tôm.

Như hôm nay, kéo suốt từ trưa tới chiều -  ba mẹ con nhọc đến mức thở không ra hơi - mới được vài lạng tép, một ít cá lẹp, một con ếch và một con cá chép bằng bàn tay. Còn chủ yếu là cá rô phi bé bằng hai ngón tay, chỉ để cho người ta nuôi lợn.

 - Cá này mang bán hay làm gì hả mẹ? - thằng cu Phúc chỉ vào đám cá lẹp, hỏi.

 - Mang về ăn thôi.

- Thế tối nay nhà mình ăn rau gì?

- Rau gì cũng được!

- Rau muống xào mẹ nhé. Rau muống xào chua ngọt – thằng Phúc nói, mắt nó lấp lánh khi nghĩ đến món ăn khoái khẩu.

“Có mang chỗ này mang ra chợ bán thì cũng chỉ được vài ba chục ngàn, thôi thì mang về nấu cho bọn nó ăn. Hơn chục đứa chỉ loáng cái là mấy con cá hết veo thôi” – chị Hải quay ra nói với tôi. Rồi cả ba mẹ con trở lại căn lều. Mấy thằng con giai chia nhau thằng mang mớ tôm cho người ta, thằng thì xách mấy con cá về. Chỉ còn mình chị Hải ở lại.

Cảnh nheo nhóc ở nhà chị Đặng Thị Hải.

Lúc này, tôi mới có thời gian ngắm người đàn bà đã nổi tiếng... mắn đẻ ở Hà Đông. Bốn mươi bảy tuổi, khuôn mặt chị Hải sạm đen, hai má hõm sâu nhăn nheo như bà lão sáu mươi. Đôi bàn tay chị sần sùi, đen đúa. Chị kể với tôi quãng đời hơn bốn mươi năm của chị mà toàn những chuyện buồn, tịnh không lấy một ngày vui!

2. Cầm tinh con gà, 19 tuổi chị Hải đã đi lấy chồng. Anh là Ngô Doãn Năm, ở ngay làng bên. Đúng là chả khác chi cảnh Chị Dậu, cưới xong hai vợ chồng chẳng biết tá túc nơi đâu, vì nhà anh Năm chật chội mà nhà chị Hải thì lại còn bức bối hơn. Hai người đành dắt díu nhau chọn một thẻo đất ở lề đường, gần hợp tác xã rồi “cắm mầm, trát vách” dựng lều ở tạm. Ở căn lều này được 7 năm, thì chị cứ “sòn sòn sòn đô sòn”, đẻ liền 5 đứa con.

Mãi sau đó hơn chục năm, hai anh chị mới có được mảnh đất cắm dùi, khi các cụ nhà chồng chị Hải dần dần khuất núi. Đến khoảng năm 2000, chị đã có 8 đứa. Hai vợ chồng từ sáng sớm đến tối khuya quần quật làm lụng nuôi 10 miệng ăn. Cảnh nhà đã chật vật, song không vì thế mà chị… ngừng đẻ. Cho tới năm 2013 thì chị Hải đã vượt cạn đến lần thứ 14. Nghe chị kể chuyện sinh hạ đàn con mà chúng tôi cứ gọi là rùng mình, sởn da gà.

Cảnh nheo nhóc ở nhà chị Đặng Thị Hải.

Các cháu đầu như Ngô Thị Hà (SN 1989) Ngô Doãn Tới (SN 1990), Ngô Thị Thắm SN (1991),... chị Hải đều sinh ở nhà. Cứ thấy bụng lâm râm đau, hai vợ chồng đang đi làm thuê làm mướn vội đưa nhau về nhà. Và nhoáng cái là thằng cu cái hĩm chui ra. Thật dễ như gà đẻ trứng. Những đứa trẻ sau thì anh Năm hay đi làm xa, nên chị Hải thường nhờ cô y tá ở trạm y tế xã đến đỡ giúp.

“Hai đứa chót, tôi chả dám phiền cô y tá nữa, vì đẻ nhiều quá cũng đâm ngượng. Tôi cứ ở cái chòi giữa đồng mà đẻ thôi” - chị Hải kể.

“Lúc đó là khoảng trưa một ngày tháng 1-2011, trời rét căm căm tôi đang cắt cỏ cho bò thì thấy bụng lâm râm đau. Tôi vội về lều, leo lên tấm phản nằm. Chỉ khoảng 20 phút sau là đẻ, được một thằng cu. Tôi lấy dao cắt rốn cho cháu, rồi lấy khăn lau mặt, lau người cho nó. Rồi mệt quá, tôi nằm thiếp đi vài tiếng. Sau đó tỉnh dậy tôi cho cháu bú. Đến chiều tối có thằng bé chăn trâu đi ngang qua thấy có tiếng trẻ con khóc thì chạy về nhà tôi (ở thôn Cổ Bản) báo thì chồng tôi mới biết. Đến cháu Ngô Thị Út (đứa út) cũng được đẻ y hệt như thế, chỉ khác là vào tháng 12-2013” – chị Hải nhớ lại.

Người ta đẻ một đứa con thì chăm lên chăm xuống, đi viện này viện nọ, chị Hải chỉ đẻ ở nhà (hoặc lều). Cũng chẳng ở cữ, đẻ xong dăm ngày là chị lại lao ra đồng cắt cỏ, hoặc đi cất vó, kéo lưới. Chị cứ “vứt” con nằm trên phản rồi lao xuống đầm. Khi nào thấy con khóc lại trèo lên cho bú. Có những thời điểm chị Hải một tay bế đứa con đỏ hỏn, tay kia gồng mình kéo vó – mệt không để đâu cho hết.

“Nuôi con vất vả thế, sao chị không dừng lại ở vài ba đứa?” – tôi hỏi.

Chị Hải trầm ngâm một lúc, rồi mới trả lời:

“Tôi cứ đầu tắt mặt tối suốt cả ngày, chả có thời gian để mà đi “kế hoạch hóa”. Cứ nằm với ông ấy một đêm, vài tháng sau thấy con đạp lâm râm mới biết là có bầu. Cũng chẳng dám phá vì sợ phải tội. Mà tôi cũng nghĩ rằng chắc do kiếp trước mình ăn ở không phải, nên kiếp này phải trả nợ”.

Mấy năm trước căn nhà có hơn chục m2 ở thôn Cổ Bản chứa đến gần 20 người trở nên vô cùng chật chội, bức bách. Liều lĩnh, vợ chồng chị Hải “nhảy dù” ra mảnh đất bạt ngàn lau lách cỏ dại, lại ngay gần nghĩa địa dựng một cái lán ở tạm. Ở đây chị nuôi đàn gà đàn vịt, lại chăn hộ mấy con bò cho người ta kiếm thêm đồng ra đồng vào.

Cả buổi kéo lưới, mẹ con chị Hải thu được ít cá rô bé nhít.

Trước kia anh chị có 2 sào ruộng, nhưng đã bị Nhà nước thu hồi để làm dự án vào năm 2011. Số tiền đền bù anh chị hùn vào thầu ao, thả cá giống. Gặp đúng trận lụt lớn năm ấy, bờ ao đắp tay vỡ toang, cá đi sạch, thế là anh chị cụt vốn.

Căn lều mà chị đang tá túc ngoài bãi cũng mấy lần bị người ta lập biên bản, buộc phải tháo dỡ để làm công trình. Song chị Hải vẫn quyết tâm bám trụ. Cái lý của chị là: “Vì thực ra đấy vẫn chỉ dự án trên giấy thôi, đã thực hiện đâu. Có lần người ta đã cho máy xúc đến để phá con đường dẫn ra lều, tôi dẫn cả chục đứa con lớn bé ra, đứa nào cũng đeo băng trắng xóa đứng ở đó. Người ta thấy vậy đành phải chịu lui” – chị Hải kể, vẻ mặt đanh lại.

3. Có lẽ do suốt ngày đầu tắt mặt tối lo cái ăn, vợ chồng chị Hải chẳng còn thời gian chăm lo, bảo ban nên mười mấy cháu đều không được học cao, và sức học cũng rất yếu. Cả nhà có duy nhất cháu Ngô Doãn Tới là được học THPT, nhưng cũng chỉ đến lớp 11 là nghỉ. Còn đa phần chỉ học đến bậc THCS. “Tôi cũng cố gắng tạo điều kiện cho các cháu đi học, nhưng sức học của các cháu đa phần là yếu. Mấy cháu liên tục bị đúp”.

Vì không học cao nên các con của chị Hải đều rất khó tìm kiếm công ăn việc làm. Cô con gái cả lấy chồng được một thời gian thì mâu thuẫn với gia đình nhà chồng, lại quay về nhà mẹ đẻ. Mấy đứa con trai sinh năm 1991, 1993 cũng chủ yếu đi làm thuê làm mướn cho người ta. Anh Ngô Doãn Tới lấy vợ, đẻ con song cũng không tấc đất cắm dùi. Tới đành “học” theo bố, cũng chọn một khoảnh đất, làm cái lều tạm cạnh đó để vợ chồng có chỗ riêng mà chui ra, chui vào.

Chị Ngô Thị Thắm là người duy nhất tính đến nay “thoát thân” khỏi cánh đồng làng. Thắm lấy chồng tận dưới Hải Hậu, Nam Định. Chị Hải bảo: “Con bé nó cũng chịu khó, nhưng chẳng biết cuộc đời nó rồi sẽ thế nào, vì gia đình người ta coi thường nó là con nhà quá nghèo...”.

Một năm trở lại đây, gia đình chị Hải còn gặp lắm tai ương. Anh Năm – trụ cột gia đình chị mắc đủ thứ bệnh hiểm nghèo như viêm phổi mãn tính, viêm gan, chảy máu dạ dày… Mỗi đợt đưa anh đi bệnh viện, chị phải vay mượn hàng chục triệu đồng. Nhưng rồi anh cũng không qua khỏi. “Thời gian tôi túc trực ở bệnh viện chăm chồng, nhà có đàn gà để thỉnh thoảng lo việc cho các con đã bị trộm sạch. Cá ở dưới ao cũng bị bắt hết. Về nhà các cháu kể dù biết kẻ trộm nhưng không làm gì được. Tôi uất ức, lên tận miền ngược tìm mua súng để về đuổi trộm” - chị Hải kể.

Sau đó thì đến lượt cháu út bị não úng thủy. Dù được các bác sỹ Bệnh viện Nhi TƯ hết lòng cứu chữa, nhưng cháu cũng chỉ trụ được vài tháng. Cháu trai thứ 13 chị đẻ ở ngoài lều thì bị chứng teo cơ, suốt ngày phải thuốc thang mà vẫn chưa đỡ.

Nghe câu chuyện của gia đình chị khi mà hoàng hôn đang dần buông, chúng tôi càng cảm thấy buồn. Người đàn bà này thật đáng thương, mà cũng thật đáng giận.

Rời làng Cổ Bản, chúng tôi chỉ biết an ủi chị cố giữ sức khỏe để làm lụng nuôi các cháu trưởng thành.

Minh Tiến
.
.