Chuyện “osin” thời nay

Thứ Hai, 24/01/2011, 07:05
Hồi xưa, hễ nghe nói đến một ai đó phải đi “ở đợ”, “ở mướn” hay lịch sự hơn: “Giúp việc nhà” thì người ta thường tỏ ra thương cảm bởi lẽ xã hội quan niệm rằng đã phải làm đến cái nghề đó, là khổ lắm rồi.

Tuy nhiên ngày nay, “ở đợ” (hay còn gọi nôm na là “ôsin”) lắm khi lại rất cao giá, khiến  nhiều ông bà chủ phải khom mình cầu cạnh ôsin. Và bên cạnh những ôsin đàng hoàng, đứng đắn, thì vẫn có những ôsin mà ai đã lỡ một lần mướn phải, thì sợ “vãi linh hồn”...

1. Sau ba lần chọn lựa từ sự giới thiệu của một trung tâm xúc tiến việc làm, vợ chồng anh Thái mới chấm được cô ôsin tên Tâm, 30 tuổi.

Là bác sĩ, còn vợ ở trong ngành ngân hàng, anh Thái có hai con. Khi chưa thuê được ôsin, sáng nào cũng thế, hai vợ chồng chia nhau mỗi người chở một đứa đến trường. Anh Thái, kể: "Buổi chiều đón cháu lớn xong, tôi bỏ nó ở nhà rồi chạy sang làm phòng mạch ngoài giờ. Khi mẹ nó đón đứa nhỏ về, là lao vào tắm rửa, cơm nước, giặt giũ. Tối đến, lại còn phải kiểm tra bài vở". Chị Liên, vợ anh cho biết thêm: "Có một công ty tư nhân mời tôi làm kế toán, mỗi ngày chỉ làm từ 18 giờ đến 21 giờ nhưng vì hai đứa con nên tôi đành từ chối".

Thuê được cô ôsin, vợ chồng anh Thái đều thống nhất rằng, ngoài những việc lặt vặt trong nhà, thì ôsin Tâm có nhiệm vụ mỗi sáng đưa con anh đi học, chiều đón về rồi lo cơm nước cho tụi nó. Anh kể tiếp: "Cũng may là cô ấy biết đi xe nên tôi mua thêm một chiếc xe gắn máy cũ để cô ấy sử dụng". Phải công nhận là cô ôsin này rất siêng năng và có trách nhiệm. Nhà cửa lúc nào cũng sạch bóng, quần áo của con cái cô ta giặt, ủi cẩn thận. Cứ mỗi sáng Chủ nhật, chị Liên lại đi siêu thị, mua đồ ăn, thức uống cho cả tuần rồi bỏ hết vào tủ lạnh. Ôsin cứ thế mà nấu nướng.

Hai tháng sau ngày có ôsin trong nhà, chị Liên ngờ ngợ thấy rằng, thức ăn hết nhanh hơn bình thường, và các món trong mỗi bữa ăn cũng ít hơn bình thường mặc dù khi mua, chị đã tính toán rất cụ thể. Một buổi chiều, do có việc phải về sớm, chị bước vào nhà khi hai đứa con đang ăn cơm. Nhìn vào bát, chị thấy mỗi đứa chỉ có một miếng thịt kho bằng hai ngón tay với ít rau cải  xào. Đến tối, chị hỏi con thì chúng nó cho biết, bữa nào cô ôsin cũng chỉ cho ăn có chừng đó.

Vậy thì những thứ mà chị đã mua đi đâu? Tình cờ một hôm, bà hàng xóm vui miệng kể rằng gần đây, tuần nào cũng vậy, cứ buổi trưa, lại có hai người còn trẻ, đến chơi với ôsin Tâm. Hóa ra cô ôsin này còn hai đứa em ruột đang đi học nên mỗi tuần, cô lại gọi họ về nhà, chiêu đãi một bữa cơm... chất lượng! Chị Liên nói như mếu: "Cho nghỉ thì tiếc vì cô ta siêng năng. Nhưng giữ lại thì xót vì khẩu phần ăn của con mình bị cắt xén".

Chuyện vợ chồng anh Thái chỉ là một trong vô vàn những chuyện liên quan đến ôsin nhưng vẫn chưa phải là bi kịch. Chị Thanh, sau khi sinh con đầu lòng thì người ngày càng ốm yếu. Thương con, xót cháu, bà mẹ chồng liền gửi ngay đến nhà một cô ôsin mới chỉ 17 tuổi. Thấy ôsin trẻ quá, chị hơi ngần ngại vì "mỡ để miệng mèo" nhưng nhìn nó da dẻ đen thui, người gầy như con mắm nên phần nào chị cũng yên lòng. Hơn nữa, ôsin lại chịu khó, chăm chỉ và lễ phép, một điều thưa cô, hai điều thưa cậu nên dần dà, chị Thanh cũng vơi đi nỗi lo ngại.

6  tháng sau, ăn uống đầy đủ, ngủ nghê đúng giấc nên cô ôsin phổng phao trông thấy. Có điều là thời gian sau này, anh Long, chồng chị trở nên nhạt nhẽo trong chuyện gối chăn. Thoạt đầu, chị nghĩ có lẽ vì thấy chị mới sinh, lại không được khỏe nên anh giữ gìn cho chị. Tuy nhiên, đã mấy lần chị cố ý "khiêu chiến", thế  mà anh vẫn hững hờ. Một điều nữa là thỉnh thoảng, chị lại bắt gặp chồng mình nhìn cô ôsin với ánh mắt rất lạ. Linh tính của một người đàn bà cho biết, chồng chị đang... thèm phở, chán cơm!

Thế là một sáng Chủ nhật, chị bảo anh đưa chị và con về bên ngoại chơi, dặn anh chiều sang đón. Chị kể: "Gần trưa, tôi nhờ má tôi trông hộ cháu, rồi thuê xe ôm quay về nhà. Do hai vợ chồng tôi mỗi người có một bộ chìa khóa nhà nên tôi mở cửa, nhẹ nhàng lên lầu. Nhìn vào phòng, tôi không thể tin vào mắt mình được nữa khi trên giường, chồng tôi cùng con bé ôsin đang quấn lấy nhau...".

Chưa hết, khi chị yêu cầu ôsin ngay lập tức phải khăn gói ra khỏi nhà chị, thì không ngờ đứa con gái hiền lành, lễ phép kia liền trở mặt. Nó nói nó không đi đâu hết nếu chồng chị không giải quyết cho xong cái việc đã lấy đi "đời con gái" của nó, chưa kể mấy hôm nay, nó thấy nó có dấu hiệu... mang bầu! Chị Thanh nói tiếp: "Tôi hoang mang lắm. Nếu tôi ly hôn thì mặc nhiên tôi đẩy chồng tôi về với nó. Nhưng nếu cứ sống  thế này, chắc là tôi phát điên".

2. Từ ngày kinh tế khá giả nên nhiều gia đình đã thuê mướn ôsin để giúp việc nhà. Nói một cách công bằng, đa số ôsin đều là những người hiền lành, tử tế, chịu khó, vì họ ý thức được vị trí của họ. Ôsin Lành, 41 tuổi, làm cho gia đình ông Lâm, chủ một cơ sở kinh doanh ngành bao bì nhựa đã hơn 10 năm, nói: "Ăn, ở thì chung với nhà chủ. Tháng lĩnh lương không thiếu một đồng. Lâu lâu bà chủ lại soạn ra một mớ quần áo cũ, gọi cho. Cũ người mới ta, gửi về quê cho con, cho cháu, mừng hết biết".

Hoặc như ôsin Hiền, 50 tuổi, nhiều lần xin nghỉ mà gia đình chủ vẫn cứ khẩn khoản giữ lại. Bà Hiền, nói: "Tui ở đợ cho vợ chồng ông Danh đã trên 20 năm, kiếm tiền nuôi con ăn học. Nay nó đã ra trường, nó kêu tui nghỉ, về nó lo". Vợ chồng ông Danh cho biết: "Chị Hiền như người thân trong gia đình, nhất là 3 đứa con tôi, tụi nó thương bả dữ lắm. Nghe nói bả xin nghỉ, không đứa nào chịu".

Lại nghe nói bà Tư Hường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Toàn Cầu, là đơn vị đồng tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Việt Nam năm 2008, lúc nhỏ cũng đã từng phải đi "ở đợ" để kiếm sống rồi bằng những nỗ lực của bản thân, bà vươn lên, thành đạt...

Nhưng bên cạnh đó, cũng chẳng thiếu những ôsin thuộc loại trời đánh thánh vật. Anh Phong, lái xe vận tải đường dài, kể: "Cứ gần tết, con bé ôsin nhà tôi lại dở chứng, đòi về quê. Ở với vợ chồng tôi đã gần 4 năm, nó giúp vợ tôi rất tích cực trong việc nhận hàng, giao hàng cho mối lái. Thật ra tìm ôsin khác không khó nhưng tìm được người rành việc như nó, là cả một vấn đề". Có lẽ nắm được cái thóp này, nên cứ mỗi lần ôsin mếu máo nhớ nhà, là vợ anh Phong lại phải dúi cho nó một, hai trăm nghìn. Nghe nói năm nay, nó xin về từ 22 tháng Chạp âm lịch và mùng 10 nó mới lên. Anh Phong lắc đầu: "Thời điểm đó hàng hóa về nhiều, lắm bữa tụi tôi phải làm đến khuya. Kiểu này chắc lại phải tăng lương cho nó".

Không chỉ bắt chẹt chủ nhà để đòi tăng lương, lắm ôsin còn có những tuyệt chiêu khác. Ôsin Hương, giúp việc cho gia đình ông Thức, làm nghề in lụa. Cứ mỗi sáng, bà Thức lại đưa 300 nghìn đồng để ôsin đi chợ mua thức ăn cho 20 người, cả chủ lẫn thợ. Một bữa, khi đến dự đám giỗ của gia đình chị bạn hàng xóm, bà Thức nghe nói ôsin nhà bà mua sắm quần áo nhiều lắm, nhưng mua rồi gửi luôn ở tiệm chứ không mang về.

Tò mò, bà đến tiệm quần áo gần nhà để hỏi. Hóa ra mỗi sáng đi chợ, cô ôsin lại ghé ngang cửa tiệm rồi nếu thấy cái quần jean hay cái áo pull nào vừa ý, và sau khi hỏi giá tiền, cô ôsin lại... góp 20.000 đồng, góp đến khi nào đủ thì cô nhờ chủ tiệm cất hộ cô, gần tết cô gom đem về quê luôn  thể. Kể lại chuyện này, bà nói: "Tôi biết là nó ăn bớt tiền chợ nhưng chưa biết phải giải quyết bằng cách nào vì tôi không có thời gian đi chợ thay nó".

Đi chợ là công việc thường ngày của một ôsin.

Kinh tế khá giả, nhiều gia đình còn thuê ôsin cho con nữa. Diệp, 19 tuổi, con của một đại gia kinh doanh lúa gạo ở một tỉnh miền Tây, lên Sài Gòn học đại học. Ngoài việc mua cho cô con gái cưng một căn nhà, ba má Diệp còn tuyển cho cô một ôsin với nhiệm vụ hàng ngày nấu cơm, giặt giũ quần áo, lau chùi nhà cửa. Ở chưa đầy năm, Diệp và ôsin cãi nhau một trận tóe lửa, rồi lao vào tay đấm chân đá mà nguyên nhân là cậu bạn trai của Diệp, sau khi đến nhà Diệp chơi, thì... phải lòng cô ôsin. Gần nửa khuya, Diệp ném quần áo cô ôsin xuống lề đường, miệng quát: "Cút ra khỏi nhà tao".

Cũng chẳng phải tay vừa, ôsin móc điện thoại di động, bấm phím nhắn tin toanh toách. Thế rồi chỉ chừng 15 phút sau, anh chàng bạn trai của Diệp xuất hiện trên chiếc xe gắn máy, nhanh chóng đưa ôsin ra khỏi hiện trường. Từ trên lầu, tận mắt chứng kiến cái cảnh này, Diệp như muốn nổ đom đóm khi ôsin ngồi sau yên xe, một tay ôm eo anh con trai còn tay kia vẫy vẫy như... “gút bai” Diệp!

Một cán bộ công an quận Tân Bình, TP HCM kể cho tôi nghe câu chuyện có liên quan đến ôsin còn đau lòng hơn. Đó là một buổi sáng, B., sinh viên năm thứ 2 khoa Tài chính - Kế toán của một trường đại học tại TP HCM, bình thản gọi điện thoại cho mẹ mình ở mãi dưới Kiên Giang, nhờ mẹ mình báo công an vì anh ta vừa giết cô ôsin!

Khi Lực lượng Công an vào nhà - là một căn nhà 3 tầng mà cha mẹ B. đã mua cho B. ở đi học, thì cô ôsin đã tắt thở, trên người có hàng chục vết dao. Lúc ấy. B. vẫn cầm trên tay con dao Thái Lan. Tại Cơ quan điều tra, hung thủ khai tên V.A.B., 19 tuổi, quê Kiên Giang, con của một giám đốc công ty xuất nhập khẩu thủy sản, còn nạn nhân tên C.T.P., quê cũng ở Kiên Giang.

Theo lời B., anh ta giết cô ôsin vì đó là "ý muốn của đấng tâm linh" nhưng theo một số người dân sống gần nhà hung thủ, thì cô P. là người giúp việc, được cha mẹ B. đưa lên chăm sóc cho B. Trước khi xảy ra án mạng, P. có đi chơi cùng người yêu nên không ngoại trừ khả năng B. giết ôsin vì ghen tuông mù quáng.

3. Có thể nói, khi được nhận vào giúp việc nhà, thì chỉ một thời gian ngắn, ôsin hầu như biết rõ mọi việc đã và đang xảy ra trong gia đình chủ, cũng như khoảng cách giữa chủ và ôsin  khá gần gũi. Vì thế, những chuyện tưởng là "không bao giờ có thể xảy ra", lại xảy ra rất dễ dàng. Một nữ ôsin xinh đẹp, trẻ tuổi khiến cho "lửa gần rơm lâu ngày... ông chủ cũng bén", nhất là ôsin ấy lại khéo léo, đảm đang mà đôi khi sự khéo léo, đảm đang ấy chỉ thể hiện bằng một món ăn nấu đúng ý thích, hoặc một bộ quần áo giặt, ủi đúng cách.

Chị Thảo, nhà có ôsin mới 21 tuổi, cho biết: "Không phải bất cứ ông chồng nào cũng đều "bén" ôsin nhưng điều đó cũng không có nghĩa là bất cứ việc gì mình đều giao khoán cho họ, mà có những việc mình phải tự tay làm nếu muốn giữ hạnh phúc gia đình". Còn với chị Liên, thì: "Một bữa, tôi mời cô ôsin lại, nói rõ với cô ấy là tôi không ngăn cấm việc cô ấy mời em út về nhà, dùng một bữa cơm. Tuy nhiên, nên cho tôi biết để tôi đưa thêm tiền mua thức ăn, tránh thiếu hụt".

Chị Thanh thì thê thảm hơn, để "trục" được cô ôsin ra khỏi nhà, chị phải bấm bụng đưa cho cô ta 30 triệu đồng, gọi là đền bù... thiệt hại. Và mặc dù cô ôsin đã biệt tăm biệt tích, chồng chị cũng đã năn nỉ, xin lỗi nhưng trong lòng chị vẫn canh cánh một nỗi nghi ngờ, rằng, "biết đâu nó lại chẳng mướn nhà ở đâu đó để thỉnh thoảng chồng chị tạt ngang...".

Bà Thức “cao tay ấn” hơn. Khi biết ôsin ăn bớt tiền để mua trả góp quần jean, áo pull thì cứ mỗi sáng đưa tiền chợ, bà yêu cầu ôsin phải vào siêu thị, rồi cầm hóa đơn về đưa cho bà. Bà nói: "Chẳng ai muốn áp dụng biện pháp cực đoan ấy đâu nhưng nếu ôsin sống đàng hoàng, thì khó khăn gì mà mình lại không tử tế với họ"

Vũ Cao
.
.