Chuyện phiên dịch cho Bộ trưởng Thăng

Thứ Năm, 19/11/2015, 17:05
Ngọc luôn nhớ nằm lòng rằng phiên dịch viên là những chiếc bánh răng của bánh xe ngoại giao quốc tế. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, có thể gây scandal. Tất nhiên bây giờ phải lạnh lùng trung thực khách quan khi truyền tải trực tiếp những lời của Bộ trưởng Thăng, nhưng Ngọc bộc bạch cùng tôi rằng từ trong sâu thẳm cụm từ quyền lợi của người Việt Nam, tính mạng người Việt Nam đã khiến cô xúc động!

Bây giờ đang ầm cả lên những chuyện thời sự cộm cán của Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nào là cuối tháng 9 tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án, ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thẳng thắn nhận xét tổng thầu Trung Quốc: "Trong mọi vấn đề, tổng thầu hứa cả trăm lần nhưng không thực hiện, cứ như họ đang giấu giếm điều gì đó… Đang trong giai đoạn nước rút với những yêu cầu cấp bách về tiến độ, nhưng tổng thầu Trung Quốc thì vẫn "bình chân như vại", thậm chí cố tình kéo dài thời gian hoàn thành dự án”.

Rồi chuyên gia giao thông, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy bộc bạch với báo chí rằng điều này là bằng chứng xác đáng cho thái độ tinh thần trách nhiệm, ý thức của nhà thầu Trung Quốc đang có nhiều vấn đề, kéo dài thời gian làm trì trệ tiến độ thi công, dẫn tới những hành vi khuất tất, yếu kém cả về năng lực lẫn tinh thần trách nhiệm.

Và việc Bộ GTVT chỉ thẳng lỗi của nhà thầu, không chỉ một lần mà đã nhiều lần, đó cũng là trường hợp hiếm gặp.

Ở đây, rõ ràng, việc chọn nhà thầu không những là vấn đề năng lực, mà còn là cả vấn đề ý thức, đạo đức nghề nghiệp, tính tổ chức, kỷ luật trong quan hệ với đối tác. Nhà thầu Trung Quốc tất cả các yếu tố đều yếu kém, nhất là đối với quan hệ quốc tế.

Một nhà thầu quốc tế thể hiện như vậy là trình độ quá thấp cả về đạo đức nghề nghiệp, cũng như năng lực chuyên môn. Cho nên, việc chọn nhà thầu trong dự án này là sai lầm.

… Biên hết ra đây thì còn là vô số lời phàn nàn chê trách này khác! Bất giác tôi nhớ lại một chuyện cũ có dính dáng liên quan tới cung cách và bản chất của cái nhà thầu Trung Quốc này. Chuyện phiên dịch cho Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Hà thành một chiều Chủ nhật cữ rét đậm cuối năm Ngọ. Lại cũng đang kỳ nghỉ lễ Tết dương.

Cầm cuốn sách mới mượn được coi là đương “hot”, Ngọc chưa đọc hết một trang đã thấy điện thoại kêu dồn. Điện của anh Tùng, phụ trách đối ngoại Bộ GTVT nói phải đi gấp lên Bộ có việc.

Là người của Ban Quan hệ Quốc tế Tổng Công ty Đường sắt, không phải quân anh Tùng nhưng từ lâu do quan hệ công việc, phiên dịch tiếng Trung, Trần Thúy Ngọc như chỗ người nhà của Ban Đối ngoại Bộ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng làm việc với nhà thầu Trung Quốc EPC. Bên cạnh là phiên dịch Trần Thúy Ngọc.

Gặp Ngọc, anh Tùng mừng quá cho biết, hai phiên dịch tiếng Trung của anh bận nghỉ lễ. Bây giờ Ngọc phải dịch ngay một cuộc làm việc của Bộ trưởng Đinh La Thăng! Vụt choán trong Ngọc một nỗi lo. Lo không phải chuyên môn vì Ngọc thường xuyên dịch cho các đối tác sử dụng tiếng Trung. Mà là lần đầu dịch cho Bộ trưởng Thăng. Vị lãnh đạo ngành GTVT mà qua những câu chuyện cụ thể của đồng nghiệp và qua các phương tiện truyền thông khiến nhiều người có lắm ấn tượng, kể cả tò mò? 

Có một chút lo, Ngọc ngại cường độ buổi dịch căng. Mấy tháng trước, cô bất ngờ bị một tai nạn khá nặng. Bữa nay tay trái còn phải băng…

Lại tiếp một thoáng ngại… Ngọc biết chút nữa Bộ trưởng Thăng làm việc với ông Phó Tổng EPC Trung Quốc, đơn vị thi công Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Ngọc láng máng biết được, mấy hôm trước, tại nhà ga bến xe Hà Đông thuộc dự án hôm 28/12/2014 xảy ra sự cố đổ sập giàn giáo.

Hậu quả vụ tai nạn may không gây chết người nhưng đã khiến người dân hoang mang bởi đây là sự cố thứ hai tại dự án này, xảy ra cách sự cố nghiêm trọng gây chết người hồi tháng 11/2014 chỉ mới gần 2 tháng.

Ngọc cũng được biết, Bộ GTVT ngay sau đó có Công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc để yêu cầu chấn chỉnh tổng thầu EPC của nước này.

…Ngọc đang mường tượng đến không khí không mấy dễ chịu của buổi làm việc?

Ngọc cố lấy lại vẻ tự tin đi vào phòng họp. Đã quá quen thuộc với hình ảnh Bộ trưởng Thăng trên tivi, báo chí và nhiều cuộc làm việc của ông với ngành Đường sắt nhưng khi thấy ông gật đầu vẻ thân ái chỉ chỗ bên cạnh mình cho cô, Ngọc cũng thoáng chút lúng túng.

Dãy bàn bên, người ngồi đối diện với Bộ trưởng Thăng là ông Chu Hằng Vũ - Phó Tổng EPC và các quan chức của EPC. Ba vị chủ chốt đều có ba phiên dịch ngồi ngay cạnh. Mới đầu khi cuộc trao đổi diễn ra Ngọc ít phải dịch.

Quả là không khí chả dễ chịu gì khi Bộ trưởng Thăng lúc vươn người ra phía trước, có lúc đứng thẳng lên. Từng được nghe những câu chuyện như là giai thoại về sự thẳng thắn chủ động đến bất ngờ của ông trong các cuộc hội họp hay điều hành ở hiện trường, nhưng chức phận phiên dịch như Ngọc chưa bao giờ chứng kiến một quan chức ngành mình có thể quyết liệt rành mạch như thế này.

"Chỉ một việc đơn giản như khi đổ bê tông trên cao hoặc làm các công đoạn có thể gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông tại khu vực phải có các biện pháp đảm bảo an toàn và ngăn không cho người dân đi qua cũng không làm. Rồi mỗi khi xảy ra sự cố các anh lại xin lỗi, hứa sửa chữa nhưng các sự cố nghiêm trọng vẫn xảy ra. Các anh vì lợi nhuận mà đổi tính mạng của đồng bào chúng tôi. Các anh phớt lờ các yêu cầu và cảnh báo của Bộ GTVT".

Và, "Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn thì các ông lại nhận khuyết điểm rồi cứ trơ ra. Tôi đề nghị ông Phó Tổng Giám đốc phải thay tổng chỉ huy công trường, đuổi tư vấn giám sát. Tư vấn giám sát để chúng tôi chỉ định, đuổi toàn bộ thầu phụ, thay bằng các nhà thầu phụ lớn của Việt Nam. Nếu không chấp nhận như vậy thì chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thay tổng thầu EPC vì không đủ năng lực".

Đến bây giờ Ngọc vẫn chưa hết ngạc nhiên khi Bộ trưởng Thăng thẳng đuột ra cả việc nhạy cảm.

"Và kể cả các ông hướng vào chuyện vay vốn thì chúng tôi báo cáo Chính phủ ngừng việc vay vốn lại, dùng nguồn vốn khác, chứ không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, không thể đánh đổi tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được".

Ngọc luôn nhớ nằm lòng rằng phiên dịch viên là những chiếc bánh răng của bánh xe ngoại giao quốc tế. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, có thể gây scandal. Tất nhiên bây giờ phải lạnh lùng trung thực khách quan khi truyền tải trực tiếp những lời của Bộ trưởng Thăng, nhưng Ngọc bộc bạch cùng tôi rằng từ trong sâu thẳm cụm từ quyền lợi của người Việt Nam, tính mạng người Việt Nam đã khiến cô xúc động!

Ngọc biết mình đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ đột xuất khi vị đại diện EPC Trung Quốc cũng thành thực:

"Chúng tôi cũng hiểu là dự án này ảnh hưởng rất lớn tới cả xã hội Việt Nam. Chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành và có biện pháp xử phạt nghiêm khắc với những người liên quan bên phía chúng tôi".

Cô phiên dịch kết thúc câu chuyện với tôi bằng cái thở dài rằng, buổi gặp hôm ấy đơn thuần chỉ là việc vạch ra sai sót trong việc làm ăn thế mà cái ông Hoàn cầu Thời báo không biết căn cứ vào đâu mà vừa mới vu cho Bộ trưởng Thăng chuyện kích động chính trị này khác?

May mắn được ngồi với một số quan chức, chuyên viên của Bộ, tôi được biết thêm vài chuyện.

Lần ấy Bộ trưởng Thăng sang Nhật làm việc với một đối tác về việc xây dựng một cây cầu ở Lạch Huyện. Sẽ là suôn sẻ hanh thông công việc đối ngoại xứ người nếu Bộ trưởng không bất ngờ phát hiện ra công trình đội vốn quá lớn và có chuyện bố trí quân xanh quân đỏ.

Bộ trưởng Thăng điềm tĩnh nhẹ nhàng nói với người phiên dịch, em giúp anh dịch thật đúng, sát đừng ngại gì nhé.

Động thái của Bộ trưởng Thăng, tất nhiên chả nên làm cái việc so sánh nhưng khiến tôi bất giác nhớ lại một sự kiện ngoại giao.

Trở lại Paris sáng 8/1/1973 trên đường đến chỗ họp ở Gifsur Yvette, Cố vấn Lê Đức Thọ kéo người phiên dịch Nguyễn Đình Phương ra một góc: "Hôm nay toàn đoàn ta không thèm ra cửa đón đoàn Mỹ như thông lệ nữa. Và hôm nay mình sẽ nói mạnh đấy. Mình nói thong thả và cậu cố dịch theo đúng tinh thần về chuyện lật lọng của Mỹ".

Dù đã được dặn trước và đã trực tiếp chứng kiến hàng chục lần Lê Đức Thọ "cương" (quyết liệt, dai dẳng, kiên trì và cả nổi nóng) trong chức phận nhiều năm phiên dịch cho Cố vấn Lê Đức Thọ tại cuộc hòa đàm Paris nhưng như ông Phương lần ấy bộc bạch với người viết bài này chưa bao giờ ông thấy Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trút cơn thịnh nộ lên đối phương như buổi sáng xuân Paris ấy…

Trở lại chuyện Bộ trưởng Thăng, chất giọng nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn với đối tác thế này: "Như các ngài đều biết, vốn ODA cho cây cầu này và nhiều công trình khác không phải các ngài cho không chúng tôi mà là vốn vay! Dân chúng tôi phải trả. Không bây giờ thì con cháu chúng tôi phải trả. Vậy nên không thể để xảy ra tình trạng lãng phí thế này được. Nên phải chấn chỉnh ngay việc thiết kế lẫn đấu thầu cây cầu này".

Rồi lần đi kiểm tra tiến độ cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Được báo cáo có nhà thầu nước ngoài để tiến độ ỳ ạch do sử dụng tiền vào việc khác? Bộ trưởng Thăng bất ngờ đề nghị hiện các ông có bao nhiêu tiền trong tài khoản. Nếu không có mức tương ứng tối thiểu nào đó chúng tôi sẽ hủy hợp đồng với các ông!

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai bây giờ đã thênh thang xe.

Dự án được ADB tài trợ thực hiện theo đấu thầu quốc tế đã triển khai thành 8 gói thầu, có 3 nhà thầu Hàn Quốc, 1 nhà thầu Trung Quốc và 1 nhà thầu Việt Nam trúng thầu. Nhưng đã sang tháng 7 của năm 2013 dự án vẫn ỳ ạch. Khối lượng thực hiện của các nhà thầu Hàn Quốc tại các gói 4 và 5 rất chậm, chưa đạt 50%, có nguy cơ không đạt tiến độ tổng thể của dự án.

Một đêm, Bộ trưởng Thăng nhắn Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đến gấp.

Đã quá quen với tác phong làm việc mau lẹ dứt khoát và nhiều khi đột xuất của Bộ trưởng Thăng nhưng Thứ trưởng Trường khi ấy cũng ngạc nhiên khi ông được lệnh thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT Việt Nam bay ngay sang Hàn Quốc! Thứ trưởng phải trực tiếp làm việc với lãnh đạo cấp cao các tập đoàn, công ty mẹ của nhà thầu Hàn Quốc tại Việt Nam. Mà việc cụ thể là thúc tiến độ!

Thứ trưởng Trường ngạc nhiên là phải. Vì từ cổ chí kim của ngành giao thông, các dự án, công trình to nhỏ này khác nếu có vấn đề gì trục trặc thường chỉ gặp và làm việc với đại diện nhà thầu tại Việt Nam chứ có bao giờ sang tận nước sở tại để làm việc với công ty mẹ? Và việc gì chứ thúc tiến độ thì quả là hy hữu?

Lãnh đạo Bộ GTVT Việt Nam sang Hàn Quốc thì tất nhiên phiên dịch giúp việc phải là quân của ông Tùng.

Thầy trò lên đường. Đinh ninh lời dặn vắn tắt của Bộ trưởng đại ý, sang bên đó tướng quân tại ngoại, Thứ trưởng toàn quyền quyết định mọi việc. Nhưng nhớ phải thực hiện được mục tiêu, công việc bất biến là thúc bằng được tiến độ.

Quả đúng như Thứ trưởng Trường đã mang máng, chuyến viếng thăm này khiến cho ông chủ tại đại bản doanh của 3 tập đoàn cộm cán Posco, Doosan và Keangnam cũng ngạc nhiên.

Ngạc nhiên vì có những thông tin về thực trạng làm ăn của nhà thầu mà bên công ty mẹ này chưa nắm được. Và cả động thái hơi bị hiếm thúc tiến độ của ông chủ đầu tư là Việt Nam trước nay vốn… lành?

Kết quả hơi bị mỹ mãn. Các nhà thầu đã nhận thấy nguyên nhân chậm trễ do lỗi chủ quan và cam kết huy động mọi nguồn lực quyết tâm hoàn thành dự án.

Ba nhà thầu, nhà thì cam kết hỗ trợ ngay tài chính, bên thì cam kết cấp vốn lưu động, nhà thì lập tức thanh toán các khoản nợ còn lại cho nhà thầu phụ. Lãnh đạo Posco, Doosan và Keangnam hứa với Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường họ sẽ cố gắng lấy lại hình ảnh với Bộ GTVT và với thị trường Việt Nam.

Xuân Ba
.
.