Chuyện tình cổ tích của người vợ 40 năm chăm chồng bại liệt

Thứ Bảy, 26/09/2015, 09:22
Có không ít mối tình tưởng chừng đầy bi kịch, nhưng chính sự chân thành và lòng yêu thương của người trong cuộc đã biến mối tình ấy trở nên giàu tính nhân văn và thật lãng mạn, không khác gì cổ tích giữa đời thường. Chuyện người phụ nữ 40 năm thủy chung chăm chồng bại liệt ở phường Văn Đẩu - Kiến An - Hải Phòng là một trong những chuyện tình cổ tích như thế.

Mối tình "sét đánh"

Mới đầu, qua câu chuyện, chúng tôi tưởng ông Lê Minh San liệt hoàn toàn. Nhưng khi đến nơi, chúng tôi có chút bất ngờ khi thấy ông San tươi cười, tự tay lái chiếc xe ba gác đến tận sát giường nằm. Vừa thở mạnh ông vừa nói: "Tớ đi mua thuốc, dạo này lắm bệnh quá. Trời tối, mắt nhìn đường không rõ, nghe tiếng còi xe cứ run bắn cả người, huyết áp cao vọt, thở hồng hộc nên phải về".

Dường như hiểu được thắc mắc của khách, ông San cho hay, 40 năm nay ông liệt hoàn toàn từ ngực trở xuống, chỉ cử động được đầu và tay, bài tiết phải thông qua túi đeo ở bụng. Trước kia ông chỉ nằm một chỗ, sau này được tặng xe lăn thì người nhà bế lên xe để  ông đi hóng gió. Mới đây, có đồng đội tặng lại ông chiếc xe này, ông học lái và tự di chuyển hóng gió mỗi chiều, khi về người nhà lại bế ông trở lại giường.

Vợ chồng ông Lê Minh San.

Ông San sinh năm 1947, ông bảo, đến ngưỡng thất thập coi như gần chạm giới hạn của cõi tạm, sống bấy nhiêu đó là mãn nguyện lắm rồi nên ông trân trọng từng giây phút một của hiện tại. Vì lẽ đó ông không hay nhắc về quá khứ, không ưa hoài niệm như lẽ thường của người già. Thế nhưng kể về mối tình của mình, ông San hào hứng hẳn.

Ngày thống nhất đất nước, ông San về quê và được người quen rỉ tai về sự ngoan hiền, xinh xắn của cô gái Trần Thị Loan huyện bên với ý định mai mối. Tìm sang thăm, chàng thanh niên tuổi đương xuân sinh lòng cảm mến ngay từ lần đầu gặp gỡ và cô thôn nữ Loan khi ấy bị chinh phục ngay bởi anh bộ đội vui tính, hài hước từng vào sinh ra tử khắp các chiến trường.

Sau vài lần sang thăm, chuyện trò và thư từ qua lại, hai người chính thức yêu nhau và lễ thành hôn diễn ra không lâu sau đó. Nhớ lại mối tình "sét đánh" ấy, ông San nở nụ cười tươi rói cho hay: "Đó là mối tình đầu của tôi và cũng là tình đầu của bà ấy. Cả quen nhau, yêu nhau cho đến ngày cưới nhau chưa đầy một tháng".

Khi thông báo chuyện cưới xin, các cụ thân sinh của cả ông và bà đều bất ngờ, không hiểu sao mới gặp gỡ mà tính đến chuyện hôn nhân sớm như vậy? Thực ra thì ông San được nghỉ phép chỉ trong thời gian ngắn rồi phải tức tốc trở lại đơn vị. Bởi thế nên đám cưới diễn ra cũng nhanh chóng, đơn giản y hệt phong cách lính chiến. Trêu ông rằng, chuyện binh đã thần tốc, chuyện cưới vợ còn thần tốc hơn, ông chỉ cười thật mãn nguyện.

Một ngày vợ chồng, tình nghĩa trăm năm

Ước mơ giản dị chồng cày vợ cấy đã sớm tan biến khi ông San nhận lệnh vào Tây Ninh, đảm nhiệm vị trí trợ lý quân nhu cho đơn vị. Trong một lần chở nhu yếu phẩm lên cho bộ đội, xe của ông bị trúng mìn còn sót lại sau chiến tranh, lái xe hy sinh tại chỗ. Ông San và vài người khác trọng thương, hôn mê bất tỉnh hàng tuần trời, tỉnh dậy thấy mình trong Viện 175, bông băng trắng toát quấn quanh mình, mất cảm giác đến 3/4 cơ thể.

Nhận ra hoàn cảnh trớ trêu của bản thân mình, phải vĩnh viễn từ bỏ giấc mơ đi lại như người bình thường, ông không khỏi tuyệt vọng. Nghĩ đời mình thế là hỏng, nếu tiếp tục gắn bó với mình thì vợ sẽ ngày càng khó khăn và thiệt thòi, ông San quyết giấu vợ và gia đình tình hình thương tật của ông. Nhiều đêm trong bệnh viện, ông San nhớ nhà, nhớ vợ đến quay quắt. Những giọt nước mắt cứ thế trào ra trên đôi gò má khắc khổ của người lính trẻ.

Sau này, ông San được điều chuyển sang Bệnh viện 108. Thấy ông San hiền lành, lại lâm vào hoàn cảnh đáng thương nên bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện nơi ông nằm dò tìm hồ sơ, viết bức thư kể hết mọi nhẽ bệnh tình của ông về cho gia đình ở Hải Phòng. Vợ ông và cha vợ biết tin, tức tốc vượt hàng trăm cây số từ Hải Phòng lên thăm ông.

Ông Lê Minh San chỉ cử động được tay,  chiều đến nhờ người nhà bế lên xe, ông tự điều khiển đi dạo.

Ngày gặp nhau, cả hai người đều hết sức bàng hoàng. Ông San không hiểu sao vợ lại tìm được đến đây, còn bà Loan nước mắt ngắn nước mắt dài, không dám tin người chồng khỏe mạnh, vui tính của mình mới ngày nào giờ lại thành ra thế này?

Cuộc hội ngộ trong nước mắt nhưng ông San vẫn bảo lưu quan điểm của mình, muốn chấm dứt tình vợ chồng và bảo bà Loan về nhà mẹ đẻ mà sống, rồi lấy chồng khác, không nên vì ông mà phí hoài tuổi xuân. Nói đi nói lại, thậm chí nổi nóng nhưng bà Loan vẫn không chiều theo ý ông, quyết tâm ở lại chăm ông. Khi đó, bà Loan chỉ nói: "Một ngày vợ chồng, tình nghĩa trăm năm. Không thể vì anh bệnh tật mà em bỏ anh đi, chỉ nghĩ cho riêng em được".

Lúc đó, bố vợ cũng hoàn toàn ủng hộ con gái, muốn con là người vợ trọn tình trọn nghĩa. Ông nói tôi cứ yên tâm, cả gia đình sẽ ở bên chăm sóc, vợ con cũng sẽ chu đáo, tận tình… Ông San chỉ biết khóc vì cảm động tấm chân tình của vợ và gia đình nhà vợ.

Vẫn nuôi hy vọng trở nên khỏe mạnh, 2 năm ở viện với nhiều lần  điều trị phục hồi chức năng với những cơn đau khủng khiếp không làm ông nhụt chí. Nhận được sự động viên của bác sĩ và gia đình, ông nỗ lực tập đi không ngừng. Tuy nhiên, thương tích quá nặng, ông vẫn không thắng nổi số kiếp nghiệt ngã, suốt đời phải mang thương tật. Chuyện đi lại như người bình thường là không thể. Thậm chí, nhiều người đến thăm còn không nghĩ rằng ông San có thể sống được lâu, đoán chắc chỉ thọ được vài năm nữa? Dù họ không nói ra nhưng ông San cảm thấy rất rõ điều đó và lại càng buồn hơn.

Đến năm 1982, tình hình sức khỏe có tiến triển, lại nhớ nhà nên ông San xin chuyển về nhà điều dưỡng. Khi đó bà Loan có nhiều điều kiện hơn để gần gũi và chăm sóc chồng, không phải đi lại xa xôi như trước nữa. Như vậy, quen nhau chưa đầy một tháng, hạnh phúc người vợ chưa được mấy ngày thì bà đã vĩnh viễn chấp nhận hy sinh tuổi xuân của mình để chăm sóc người chồng bại liệt.

Từ đây, hai ông bà sớm tối có nhau trong căn nhà nhỏ mái rạ cũ nát, ẩm thấp, nền đất trong nhiều năm, trước khi ông được xây tặng căn nhà tình nghĩa. Trong nhiều năm, bà Loan vừa chăm chồng, vừa nai lưng làm lụng lo kinh tế, tưởng chừng không thể trụ vững nhưng bà đã vượt qua tất cả.

Thân cò lặn lội

Gạt sang bên cảnh đời xô bồ, bụi bặm và những vất vả thường nhật, không gian ấm cúng của vợ chồng thương binh già trong căn nhà tình nghĩa vẫn luôn rộn tiếng cười vui. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của hiện tại, để được như ngày hôm nay, hàng chục năm qua, ông bà đã đối mặt và vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống.

Để duy trì được cuộc sống và thuốc thang cho chồng, bà Loan phải làm việc quần quật cả ngày. Chưa hết, chồng bại liệt, bài tiết không thể chủ động, người luôn nhức mỏi, đau đầu, bệnh tật thường trở về đêm, không ít lần giữa khuya bà Loan phải dậy bởi cơn đau hành hạ chồng, hoặc khi chất uế thải bị tràn ra cả giường chiếu. Bà lại cần mẫn dọn dẹp sạch sẽ.

Như thế vẫn còn nhẹ nhàng, những hôm ông San bệnh trở nặng, phải đi cấp cứu thì bà Loan lại phải bế ông đặt vào xe lăn, một mình giữa đêm khuya đẩy ông lên trạm xá cách đó 3 - 4km để cứu chữa kịp thời. Đường vắng, thỉnh thoảng xe tải phóng qua làm cả hai vợ chồng đứng tim, chỉ lo tai nạn.

Vì mất cảm giác từ ngực trở xuống nên trong những ngày tháng sống trong căn nhà nền đất, ẩm thấp, ông San thường xuyên bị gián, chuột quấy rầy. Cứ thỉnh thoảng chúng lại gặm vào chân ông mà ông không hề hay biết, sáng mai nhìn thấy vết thương mới sửng sốt. Từ đó, giấc ngủ của bà Loan thỉnh thoảng bị đánh thức, giắt lại màn cho kín, tránh cho chồng bị chuột gặm chân. Mong ước được gần gũi với chồng để chăm sóc, bà Loan phải đánh đổi cả giấc ngủ ngon cũng như sự thư thái trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, chưa bao giờ bà oán trách số phận.

Bằng khen và ảnh kỷ niệm treo kín tường nhà ông Lê Minh San.

Nhưng cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt. Từ khi trở về nhà, ông San trở thành một con người khác hẳn, suốt ngày cáu gắt, đụng việc gì cũng mắng. Dù là việc rất lặt vặt khiến ông không vừa ý ông cũng nổi nóng, quát mắng bà, ném đồ đạc. Có thời gian, bà không dám để bất cứ đồ vật gì cạnh chồng vì sợ khi nổi nóng ông tiện tay ném hỏng, lại không có tiền sắm lại. Chăm chồng vất vả nhưng chồng lại nổi nóng khiến nhiều khi bà không thể hiểu nổi mình sai ở chỗ nào. Nhiều đêm bà khóc đến ướt gối, tuy nhiên, ngay sáng hôm sau bà lại đi làm như chưa hề có chuyện gì xảy ra vẫn chu đáo như ngày nào.

Về sau, ông San mới thú nhận: "Lúc đó tôi như thế để cho bà ấy chán mà bỏ đi, ai ngờ bà ấy vẫn cứ cương quyết gắn bó. Không có bà ấy thì tôi đã chết từ lâu rồi chứ đâu còn sống đến hôm nay".

Nhiều lần khuyên vợ nên lấy người khác, đỡ vất vả lại có con cái để dựa dẫm tuổi già, chứ gắn bó với ông thì không được làm vợ, làm mẹ đúng nghĩa, sẽ rất thiệt thòi. Tuy nhiên, bà Loan kiên quyết không nghe theo lời ông, thậm chí gạt ngoài tai những lời gạ gẫm, trêu đùa ong bướm của nhiều người đàn ông, chung thủy với chồng. Cái lý của bà Loan rằng, ông San vì đất nước mà hy sinh phần lớn thân thể của mình còn không tiếc, huống chi là bà lại nỡ bỏ ông trong lúc hoạn nạn? Bà Loan hay nhấn mạnh câu nói lý giải cho sự lựa chọn của mình: "Một ngày vợ chồng, tình nghĩa trăm năm".

Năm 1979, trong xóm có cậu bé Lê Trường Minh mồ côi cả cha lẫn mẹ khiến ông bà động lòng thương, gia cảnh lại đang lúc không có con cái nên ông bà nhận Minh làm con nuôi, từ ấy rau cháo nuôi nhau trong căn nhà lợp rạ. Khó khăn càng nhiều hơn khi bà vừa chăm chồng, chăm con nhỏ lại phải đi làm lụng quần quật. Thế rồi cũng vượt qua cả. Hiện nay, anh Minh đã lấy vợ và sinh 3 đứa cháu cho ông bà. Người lành trời chẳng phụ, gia đình người con tuy chẳng phải ruột rà nhưng rất hiền lành và chăm chỉ làm ăn, thương yêu và quý trọng ông bà không khác gì cha mẹ đẻ của mình.

Trong căn nhà tình nghĩa nhỏ nhắn treo đầy bằng khen và những bức ảnh kỷ niệm của ông San với đồng đội, cơ quan, tổ chức đến thăm giờ đây luôn ngập tràn tiếng cười. Năm 2007, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến tận nhà thăm và động viên ông, ngoài ra, nhiều lãnh đạo cấp cao trong quân đội cũng đến thăm ông và đều cảm động trước nghị lực cũng như sự hy sinh vô bờ bến của người vợ dành cho Anh bộ đội Cụ Hồ đã biết vượt qua vết thương chiến tranh để xây dựng nên cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc.

Bùi Trí Lâm
.
.