Chuyện tình cổ tích và cái kết có hậu

Thứ Năm, 29/11/2018, 08:54
Về thôn Nam Hải, xã Kênh Giang, thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) hỏi thương binh - vận động viên bơi lội Phùng Văn Hùng thì hầu như ai cũng biết. Ông từng giành khá nhiều huy chương tại các giải thể thao dành cho người khuyết tật trong nước và quốc tế.

Ngoài thành tích thể thao, người dân ở đây rất khâm phục, ngưỡng mộ chuyện tình đẹp như “cổ tích” của vợ chồng ông.

“Vết chân tròn trên cát”

Trên đường về thôn Nam Hải để hỏi nhà thương binh Phùng Văn Hùng, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông độ tuổi 60 đang điều khiển chiếc xe mô tô 3 bánh tự chế đi đến gần trụ sở UBND xã. Người đàn ông đó chỉ còn một chân khiến tôi chợt nghĩ trong đầu “Hay đây có thể chính là nhân vật người mà mình muốn gặp chăng?”. Tôi liền đuổi theo ông hỏi “Bác có phải là bác Hùng thương binh không?”. Ông nhìn tôi gật đầu. Biết tôi là nhà báo, ông mời về nhà chơi.

Ông Hùng từng tham gia cuộc chiến đánh đuổi quân Khơ-me đỏ xâm chiếm các tỉnh biên giới Tây Nam nước ta thời điểm những năm 1977-1980. Ông Hùng bị thương trong một trận đánh tiêu diệt cứ điểm “đồi Xanh” thuộc tỉnh Công-pông-chàm.

Những ký ức về trận đánh của bốn mươi năm trước chợt ùa về trong ông. Giọng ông chậm rãi: “Tôi nhớ hôm đó vào khoảng chiếu tối ngày 23-12-1978, đơn vị tôi hành quân đến gần cứ điểm đồi Xanh ém quân đợi lệnh tấn công địch. Ở cứ điểm đồi Xanh, địch bố trí một trung đoàn chốt giữ tại đây.

Vợ chồng ông Phùng Văn Hùng và bà Đỗ Thị Mật luôn đằm thắm bên nhau, dù cuộc sống đôi lúc gặp khó khăn!

Ngay đêm đó, Trung đoàn tôi bí mật chia ra làm 3 hướng, trong đó hướng chính sẽ dùng hỏa lực tấn công trực diện, còn 2 hướng được bố trí ngang 2 bên sườn cứ điểm đánh thọc vào theo thế siết gọng kìm. Bố trí đội hình cho trận đánh xong, chúng tôi ai ở vị trí ấy, vũ khí sẵn sàng, đợi lệnh tấn công.

5 giờ sáng hôm sau, sau loạt pháo hạng nặng bắn vào cứ điểm của bọn Pôn Pốt, đây là hiệu lệnh tiến công đã được hiệp đồng từ trước. Dứt loạt pháo, mũi trực diện của tôi khai hỏa tấn công, tôi chỉ huy tổ súng đại liên 12,7 ly bắn xối xả vào cứ điểm địch. Mũi chính diện tấn công, thu hút địch tập trung chống trả quyết liệt.

Lúc đó, 2 mũi ém bên sườn cứ điểm đồi Xanh của quân ta cũng đồng loạt xông lên thọc sườn địch. Bị 3 mũi giáp công, bọn Pôn Pốt hoảng loạn điên cuồng chống trả. Trận chiến kéo dài đến 9 giờ sáng, quân ta chiếm được cứ điểm, quân địch hoảng loạn tháo chạy.

Chiếm được cứ điểm, suốt ngày hôm đó, chúng tôi làm nhiệm vụ tảo trừ trận địa và truy quét tàn địch. Đến cuối chiều, tổ 12,7 ly chúng tôi đang hành quân truy kích địch thì có đồng đội giẫm phải mìn, tiếng nổ vang lên, cả tổ 14 người bị hất văng, trong đó có 12 người bị thương và hi sinh. Tôi bị các mảnh mìn găm khắp người, nặng nhất là bị một mảnh mìn phạt đứt chân trái. Máu ra nhiều khiến tôi ngất lịm”.

Sau đó, ông Hùng cùng những đồng đội bị thương được đưa về Bệnh viện Quân y ở TP Hồ Chí Minh để điều trị. Trải qua một số trạm điều dưỡng, đến năm 1980 ông Hùng về điều dưỡng tại trại điều dưỡng thương binh đóng ở phường Cộng Hòa (thị xã Chí Linh). An dưỡng đến năm 1982, ông Hùng trở về quê hương với tấm thẻ thương binh hạng 1/4.

Những ngày đầu trở về quê hương, ông Hùng thường hay chống nạng ra bãi cát ven sông ngắm cảnh sông nước. Nhìn tàu thuyền qua lại, trong đầu ông gợn lên bao suy tư làm gì để nuôi sống bản thân và chăm lo cho gia đình. Chiều nhập nhoạng, người thương binh lại “chấm” những “vết chân tròn” trên cát trở về nhà mang theo bao trăn trở.

Mỗi khi khỏe mạnh, ông Hùng lại theo tàu vận tải của gia đình chu du sông nước để đỡ nhớ nghề.

Kí ức đẹp về một cuộc tình

Ngồi ôn lại những năm tháng đã qua, nhất là quãng thời gian khó khăn tưởng như bê tắc, ông Hùng thầm biết ơn người vợ thủy chung, tần tảo đã luôn ở bên và động viên ông những lúc khó khăn nhất. Ông tâm sự: “Những năm tháng đó nếu không có vợ tôi chắc tôi cũng chẳng thể làm được gì và cũng không gây dựng được cuộc sống như bây giờ”.

Sau khi dành những lời biết ơn chân thành đến người vợ tảo tần, ông Hùng lại kể cho tôi nghe về tình yêu, sự chung thủy của người vợ và giai đoạn khốn khó của hai vợ chồng.

Trước khi đi lính, chàng thanh niên Phùng Văn Hùng đã có người yêu ở quê nhà. Người yêu của anh tên là Mật. Cô gái Đỗ Thị Mật đang tuổi trăng tròn phơi phới sức thanh xuân. Nếu chiến tranh biên giới Tây Nam không nổ ra có lẽ họ đã sớm thành vợ thành chồng. Bởi lúc đó gia đình Hùng đã mang cơi trầu sang nhà Mật để ăn hỏi. Bố mẹ đôi bên đã chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới cho đôi trẻ.

Lúc đó, tình hình biên giới Tây Nam diễn biến rất căng thẳng, Hùng đã gác tình riêng để lên đường đi chiến đấu. Đôi trẻ ước nguyện khi nào Hùng hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc trở về, họ sẽ làm đám cưới cũng chưa muộn. Từ ấy, chàng thanh niên Phùng Văn Hùng đi chiến đấu biền biệt tận chiến trường Campuchia. Còn người yêu anh ở nhà lao động sản xuất và chờ anh trở về để xây dựng hạnh phúc lứa đôi.

Nhớ lại quãng đời đã qua, bà Mật bồi hồi tâm sự: “Hồi đó, sau khi anh Hùng đi bộ đội rồi, chúng tôi gần như bặt tin nhau. Nhớ anh, tôi chỉ còn biết vùi đầu vào công việc. Năm lại năm qua đi, bạn bè tôi ai cũng lập gia đình cả. Nhiều người bạn tuy có thông cảm với tôi nhưng họ cũng tỏ ra lo lắng: “Người đi chiến đấu biết bao giờ trở về, con gái có lứa có thì...”. Nhưng tôi vẫn chung thủy chờ anh trở về.

Mấy năm sau, tôi nhận được tin anh ấy bị thương nặng, đang nằm an dưỡng ở trại điều dưỡng thương binh Cộng Hòa. Tôi lặn lội lên thăm anh. Nhìn anh, tôi chỉ biết rưng rưng khóc, thương anh vô cùng. Biết tin anh như thế, bạn bè càng ái ngại cho tôi. Lúc đó nói thật tôi cũng rất hoang mang. Nhà người ta vợ chồng khỏe mạnh còn chẳng ăn ai, bây giờ anh bị thương tật như thế, sức khỏe yếu không biết lấy anh, chúng tôi có lo được cuộc sống không nữa...”.

Ánh mắt của bà Mật long lanh ngấn nước xúc động khi nhắc lại chuyện xưa. Qua cơn xúc động, bà tâm sự tiếp: “Sau quãng thời gian chống chếnh đó, tôi đã củng cố được niềm tin, gạt bỏ nỗi hoang mang, sợ hãi để quyết tâm gắn bó cuộc đời với anh. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, hai bên gia đình đã qua lại, gia đình tôi đã nhận lễ nhà anh thì coi như mình đã là gái có chồng. Hơn nữa, anh bị thương vì chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Anh vì dân vì nước mà bị thương cớ lòng nào lúc anh gặp khó khăn nhất mình lại ngoảnh mặt với anh. Gia đình tôi cũng động viên tôi rất nhiều nên tôi càng củng cố niềm tin, lạc quan hơn và quyết tâm cùng anh xây dựng cuộc sống gia đình mà tôi biết rằng sẽ rất gian khó”.

Và một đám cưới bình dị nhưng cũng rộn vang tiếng cười, cùng những lời chúc phúc của hai bên gia đình và bạn bè như một cái kết có hậu cho một tình yêu đẹp.

Cựu vận động viên bơi lội người khuyết tật Phùng Văn Hùng...

Hành trình xây dựng hạnh phúc

Sau khi cưới vợ được một thời gian, ông Hùng rời trại điều dưỡng thương binh trở về quê nhà sinh sống. “Vết chân tròn” ấy đã bao buổi chiều chấm trên cát mang những trăn trở tìm kế mưu sinh lo cho gia đình. Ông băn khoăn nhiều lẽ, bởi quê ông là làng chài không có ruộng nương, vườn tược để cấy cày. Còn làm nghề chài lưới phải khỏe chân mạnh tay, trong khi đó ông lại thiếu một chân thì sao làm được ngư phủ.

Vậy mà quyết tâm của người thương binh vẫn làm nên điều khó tin. Ông vẫn quyết tâm gắn bó với sông nước. Được người thân giúp đỡ, vợ chồng trẻ có được con thuyền nan nhỏ để ngày ngày chài lưới trên sông. Hết chài lưới trên sông, người thương binh lại tranh thủ thời gian đi đơm đăng đó đánh bắt thủy sản bán lấy tiền trang trải cuộc sống. 3 đứa con lần lượt ra đời nên lo cái ăn cái mặc luôn là nỗi lo thường trực của hai vợ chồng người thương binh này. Tuy không lành lặn nhưng do vợ chồng chăm chỉ làm ăn nên lo được cái ăn cái mặc cho 3 con và vẫn tích cóp được một số vốn.

Năm 1994, từ số vốn tích cóp và vay mượn người thân, vợ chồng ông Hùng đã mua được một con thuyền to hơn để làm nghề vận tải chở vật liệu xây dựng vôi, cát, đá, than trên sông. Nghề vận tải trên sông đã giúp cuộc sống gia đình người thương binh Phùng Văn Hùng bớt khó khăn nhiều.

Được vài năm yên ổn, vào năm 1997, trong một lần đang chở hàng, thuyền của vợ chồng ông gặp phải sự cố, chìm cả thuyền lẫn hàng. Vừa mất phương kế sinh nhai, vừa phải đền hàng cho khách, vợ chông ông thiệt hại nặng nề. May mắn cho hai vợ chồng là những khoản nợ đều vay từ người thân nên không bị sức ép phải trả nợ. Nhưng, cái khó là phương tiện sinh nhai vợ chồng tích cóp bao lâu mới tạo dựng được đã chìm, biết lấy gì làm ăn.

...và 2 chiếc huy chương đồng ông giành được tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á năm 2003 tổ chức ở Hà Nội.

Đây là giai đoạn khó khăn nhất của vợ chồng ông Hùng từ khi lấy nhau. Khi chưa có con, vợ chồng đắp đổi qua ngày thế nào cũng xong. Bây giờ, đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn, gặp nợ nần, mất phương kế sinh nhai. Chỉ có điều, dù gặp hoàn cảnh như vậy, vợ chồng ông không hề xảy ra mâu thuẫn, bất hòa, to tiếng. Ngược lại, vợ chồng chia sẻ, động viên nhau vượt qua khó khăn. Ngày xưa bắt đầu thế nào, bây giờ vợ chồng làm lại như thế đó.

Ông Hùng trở lại công việc chài lưới, đi xăm, đặt đăng đó để đánh bắt tôm cá. Còn bà Mật được người nhà cho mượn chiếc mủng đi buôn hến. Ngày ngày, chồng đi chài lưới, vợ đi thu mua hến người dân bắt được rồi chở mủng sang tận Kinh Môn bán đổ mối cho tiểu thương ở chợ. Cũng may, trời cho vợ chồng sức khỏe dẻo dai, không ốm đau, lại chăm chỉ làm ăn nên các con không phải chịu cảnh đứt bữa.

Lần hồi qua ngày, mấy năm sau, vợ chồng ông Hùng cũng trả được hết nợ, lại tích cóp được một số vốn, rồi vay mượn thêm từ bạn bè, người thân mua một chiếc tàu sắt để quay lại làm nghề vận tải trên sông. Đến năm 2002, vợ chồng ông mua được mảnh đất xây nhà mái bằng 2 tầng khang trang nhất thôn Nam Hải hồi đó. Đến bây giờ, cuộc sống vật chất của gia đình ông Hùng trở thành niềm mơ ước của bao gia đình nơi đây.

Không chỉ kinh tế gia đình khá giả, vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc, con cái khôn lớn, trưởng thành, có gia đình, cuộc sống, công việc, sự nghiệp riêng, con dâu con rể thành đạt cả.

Nhìn gia đình các con sống hòa thuận, hạnh phúc, vợ chồng ông Hùng rất vui mừng, mãn nguyện và có thể yên tâm an hưởng tuổi già, vui vầy bên con cháu.

Việt Cường
.
.