Chuyện về một cựu giáo viên thương binh ở Nam Hồng

Thứ Ba, 22/11/2016, 07:25
Giữa cuộc sống xô bồ, toan tính, nhiều người luôn muốn “vơ” cho mình thật nhiều tiền bạc, đất đai để mơ cuộc sống giàu sang, phú quý hơn người. Ấy vậy mà có một người thương binh già lại “mê” cho đất, hiến đất để làm những công trình có ích cho làng xóm quê hương.

Ông là Đỗ Huy Thấn (73 tuổi, trú tại Nam Hồng, Nam Sách, Hải Dương, là thương binh hạng ¼,). Hai lần ông cắt đất của tổ tiên, với tổng diện tích gần 100m2 để hiến cho làng làm đường giao thông, làm cống thoát nước, chống ngập úng trong làng.

Xếp bút nghiên lên đường ra trận

Đến thôn Thượng Đáp hỏi địa chỉ nhà của người thương binh già Đỗ Huy Thấn, tôi được một người dân trong làng chỉ dẫn đến tận cổng nhà ông. Ngôi nhà ngói lâu năm giản dị của người thương binh già nằm ngay bên đường trục chính được lát bê tông to rộng, sạch sẽ.

Vào đến sân, chúng tôi thấy bên ngoài hiên nhà một ông già độ ngoài bát tuần ngồi một mình thưởng trà. Còn vợ ông đang ngồi nhặt rau ở ngoài sân được che mát bởi hàng cây ăn quả xum xuê. Thỉnh thoảng lại có tiếng gà gáy te te vang lên, tạo cho tôi cảm giác bình yên, giản dị và mộc mạc.

Ngồi uống trà, trò chuyện với ông Thấn, tôi thấy ở ông toát lên phong thái của một bậc trí thức hơn là một lão nông tri điền. Ông cởi mở, nói năng nhẹ nhàng, thân tình như với người thân lâu ngày gặp lại. Ông cũng mặn chuyện lắm, chủ đề nào ông cũng nói rôm rả.

Trò chuyện với ông, tôi được biết hóa ra ông xuất thân là một thầy giáo. Thảo nào cảm nhận ban đầu của tôi khi gặp ông cũng không nhầm.

"Ông Thấn đứng bên phần đường trước đây nằm trong đất của nhà ông mà ông đã hiến để làm đường giao thông nông thôn".

Ông kể: “Năm 1956, sau khi học xong Trường Trung cấp Sư phạm Hải Dương, tôi về dạy học ở trường cấp 2 Quốc Lập, tại quê nhà Nam Sách. Sau hơn chục năm dạy học, đến năm 1967, tôi đi học Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong quá trình học tôi vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 1971, tốt nghiệp đại học, tôi lại trở về quê nhà công tác tại Phòng Giáo dục huyện Nam Sách”.

Cuối năm 1971, lúc này toàn miền Bắc thực hiện đợt tổng động viên lên đường nhập ngũ. Mặc dù đã 37 tuổi, có vợ và 3 con nhỏ nhưng thầy Thấn vẫn xếp bút nghiên xung phong lên đường nhập ngũ. Đến tháng 4 năm 1972, ông Thấn được điều về Sư đoàn 308 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Thời điểm đó, chiến trường Quảng Trị diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Quân ta và quân địch giằng co giành từng quả đồi, từng vị trí để nắm thế chủ động trên chiến trường và trên bàn đàm phán ngoại giao.

“Đơn vị tôi được điều về chốt tại đồi Phượng Hoàng, phía tây Quảng Trị gần sông Thạch Hãn. Vì đồi Phượng Hoàng có vị trí quan trọng nên quân địch cũng muốn chiếm quả đồi này. Chúng nhiều đợt tung quân lên đánh chiếm đồi. Quân ta chiến đấu quả cảm đã tiêu diệt rất nhiều quân địch. Sau 3 ngày đêm, đánh mãi không chiếm được lại tổn hao binh lực, buộc quân địch phải rút lui”, ông Thấn nhớ lại.

3 ngày sau, đơn vị ông Thấn lại được lệnh điều về đóng quân ở ga Quảng Trị. Tại đây, đơn vị ông cũng phải chạm trán với quân địch và đã tiêu diệt gọn một trung đội của địch, giữ vững được ga Quảng Trị.

Tôi hỏi: “Vậy đơn vị bác tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị vào giai đoạn nào trong 81 ngày đêm khốc liệt đó?”. “Vào giai đoạn cuối rồi. 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị diễn ra từ ngày 28-6 đến 16-9 thì quân ta rút lui khỏi Thành Cổ. Đơn vị tôi vào thành từ đầu tháng 9, để bổ sung tiếp tục chiến đấu giữ Thành cổ”, ông Thấn cho biết.

Rồi ông kể: “Hôm đó, là ngày 3-9, quân địch lại tiếp tục đánh phá dữ dội. Máy bay thả bom, pháo kích của địch dập lia lịa vào thành. Lửa đạn mù trời, đất đá bị cày xới tung hết cả. Các đơn vị giữ Thành cổ chiến đấu với tinh thần cảm tử, gan dạ. Không gian ngột ngạt, khét lẹt mùi thuốc súng. Khoảng nghỉ giữa các đợt chiến đấu, ai cũng mệt nhưng chẳng ai ngủ được cả. Rạng sáng ngày 4-9, địch tiếp tục đánh lên. Dứt đợt pháo kích của địch, tôi cùng đồng đội nhô lên thì đã thấy quân địch tràn lên lố nhố. Vừa kịp nổ phát súng đầu tiên về phía quân giặc thì đạn của địch cũng bay xối xả về phía tôi. Tôi trúng đạn gục xuống chẳng biết gì nữa”.

Mấy tháng sau tỉnh dậy, được nghe kể lại ông mới biết ngày hôm đó trận đánh diễn ra rất ác liệt, đơn vị ông hy sinh và bị thương nhiều vô kể. Sau đó, ông được đưa ra Bắc điều trị và an dưỡng tại các trại điều dưỡng thương binh nặng đến đầu những năm 1990, ông được gia đình đón về.

Đi đầu hiến đất làm đường

Ông Thấn bị thương ở đầu, mang tai và ngón tay. Các vết thương này đều dính mảnh đạn. Hiện trên đầu ông còn 4 mạnh đạn, ở tay còn một mảnh đạn, vết thương ở tai, sau này được phẫu thuật gắp đạn ra. Ông được công nhận chế độ thương binh hạng ¼, có chế độ người phục vụ. Những mảnh đạn trong đầu vẫn thỉnh thoảng lại hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời, khiến sức khỏe ông rất yếu, thường xuyên phải nhập viện điều trị.

Ông Thấn có tổng cộng 4 người con (3 gái, 1 trai), trong đó 3 người con được sinh ra trước khi ông đi bộ đội và 1 con sinh sau khi ông trở ra Bắc điều trị, an dưỡng. Khi ông trở về từ trại thương binh, lúc này các con đang tuổi lớn, ông không muốn dồn hết công việc nuôi con trên vai người vợ tảo tần mà ông muốn san sẻ gánh nặng đó với vợ. Vì bà đã thay ông gánh vác mọi việc lớn bé trong gia đình khi ông đi dạy học, đi học đại học, rồi đi chiến đấu, đi điều dưỡng… xa nhà. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng ông vẫn quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế. Năm 1992, ông mua một máy xát gạo để xát gạo cho người trong làng ngoài xã.

Do làm ăn có uy tín, có đạo đức nên người dân đến xát gạo rất đông. Sức khỏe yếu, một mình ông làm không xuể, ông phải thuê nhân công làm việc. Kinh tế gia đình dần dần ổn định, có điều kiện nuôi các con ăn học. Năm 1999, lúc đó, các con đã trưởng thành, được học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định, cộng với sức khỏe ngày càng yếu và thường xuyên phải nằm viện nên ông quyết định bán máy xát.

Hiện nay, trong 4 người con của ông, có 3 người con gái đều làm nghề giáo viên dạy học ở trong huyện, một người con trai công tác ở UBND tỉnh Hải Dương. Tất cả đều đã có gia đình con cái và đều ở riêng.

Đầu năm 2014, khi xã, thôn triển khai thực hiện tiêu chí xây dựng đường giao thông nông thôn, ông Thấn rất tích cực hưởng ứng tham gia. Khi thôn Thượng Đáp phát động người dân hiến đất làm đường, ông Thấn hưởng ứng ngay.

Theo quy hoạch đường dài hơn 1km, trước đây đường cũ rất hẹp, đi lại khó khăn, nay sẽ mở rộng lên thành 7 m, đổ bê tông. Nếu làm như vậy, đòi hỏi quỹ đất lớn. Ông Thấn về cùng bàn với vợ hiến đất làm đường. Hai vợ chồng già còn thuê máy xúc về phá tường rào, cổng, múc cây cối cho nhanh.

Người dân trong làng thấy vợ chồng ông Thấn phá cổng, phá tường xúm xít lại xem. Rồi từ đó, các hộ dân dọc trục đường làng đó đều tự giác, tự nguyện đập phá tường cổng để hiến đất cho thôn làm đường giao thông. Riêng nhà ông Thấn lùi vào sâu 1,7m, dài 45m theo khổ đất, tính ra tổng diện tích đất hiến làm đường hơn 70m2.

"Ông Thấn đang áng chừng diện tích chiều sâu của đất mà ông đã hiến để làm đường".

Khi ông xây lại tường bao của gia đình, ông còn nói với trưởng thôn: “Nếu hàng xóm bên kia hiến không đủ, tôi sẵn sàng xây lùi tường bao lại để bảo đảm cho con đường đủ rộng thì thôi”.

Tôi hỏi: “Bác hiến đất để làm đường, tính ra trị giá cũng đến hàng trăm triệu đồng, như vậy có tiếc không? Ông Thấn cười trả lời: “Đất của cha ông để lại, nói không tiếc thì không đúng, dẫu sao nó cũng trị giá hàng trăm triệu đồng. Chú bảo nhà nông làm gì ra vài trăm triệu đồng?

Nhưng xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông to rộng để phục vụ cuộc sống của người dân là chủ trương đúng. Trong khi đó mình lại là đảng viên, cựu chiến binh, người cao tuổi mà không gương mẫu thì ai làm. Mà mình làm đường to rộng mình hưởng, chứ có ai nhẩy vào đây hưởng đâu”.

Nhiều gia đình khi hiến đất sẽ ảnh hưởng đến phần diện tích nhà ở nên ban đầu cũng còn lăn tăn, nếu hiến đất sẽ phải phá dỡ nhà, trong khi điều kiện kinh tế của họ không có. Đó là gia đình bà Lý cũng ở mặt đường, cách nhà ông Thấn vài nhà.

Nhà bà Lý đất hẹp, nếu hiến đất sẽ phải tháo dỡ một phần ngôi nhà cấp 4. Ông Thấn đã nhiều lần cùng cán bộ thôn đến vận động bà Lý. Sau khi nghe ông Thấn cùng cán bộ thôn giải thích lợi ích của việc làm đường giao thông bà Lý đã nghe ra, tự nguyện hiến đất cho thôn làm đường.

Con đường to rộng khang trang, sạch sẽ đã nhanh chóng được hoàn thành, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Thấn. Từ khi có con đường to rộng, bộ mặt làng quê Thượng Đáp như bừng bừng khởi sắc. Nhưng lúc này lại nảy sinh ra một vấn đề “nóng” khác là mỗi khi mưa đến lại gây ngập úng vườn nhà dân. Trước đây trong thôn cũng có cống rãnh thoát nước nhưng vì người dân đổ rác bừa bãi nên lâu ngày đã lấp rãnh thoát nước. Vì vậy mỗi khi mưa to nước không thoát kịp gây ra tình trạng ngập úng như vậy.

Để chấm dứt tình trạng này, thôn có kế hoạch chuyển hướng xây hệ thống cống rãnh sang phía khác. Phía đó lại chạy qua vườn của nhà ông Thấn. Các cán bộ thôn đến nhà ông tuyên truyền, vận động và mong ông ủng hộ. Nghe xong, ông đồng ý hiến thêm 20m2 đất để thôn làm cống rãnh thoát nước.

“Tất cả vì việc làng, vì môi trường sống tốt đẹp thì mình cũng chẳng tiếc gì vài chục mét đất cả” - người thương binh già cho biết.

Ông Mai Trọng Huân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nam Hồng nhận xét về người hội viên gương mẫu: “Đồng chí Thấn là một thương binh nặng đặc biệt, tuy sức khỏe yếu nhưng đồng chí luôn nhiệt tình, tích cực, đi đầu trong mọi công việc của làng, của xã, của hội. Những việc làm của đồng chí Thấn đã tác động tích cực tới hội viên, nhân dân và các phong trào trong thôn, trong xã, nhất là trong xây dựng nông thôn mới”.

Trước khi chia tay, tôi hỏi ông, có tính đến chuyện phẫu thuật để lấy 4 mảnh đạn trong đầu ra không? Ông cười lạc quan: “Bây giờ tôi đã 83 tuổi rồi, sức khỏe không bảo đảm cho việc phẫu thuật gắp đạn ra khỏi đầu nữa. Thôi để làm kỷ niệm vậy. Quan trọng luôn giữ tâm thế sống sao cho có ý nghĩa, sống khỏe để vui vầy cùng làng xóm, gia đình và nhìn các cháu khôn lớn, trưởng thành là tôi mãn nguyện rồi”.

Việt Cường
.
.