Chuyện về những ngôi sao thể thao: Đắng lòng sau tấm huy chương

Thứ Tư, 05/03/2014, 20:15

Nghiệp thể thao, liệu có phải là bạc bẽo không khi mà rất nhiều ngôi sao một thời, giải nghệ trong tay trắng. Nghiệp thể thao, liệu có phải là bạc bẽo không khi mà có những ngôi sao một thời, trở về đời thường, sống khốn khó trong bệnh tật. Nghiệp thể thao, liệu có bạc bẽo không khi mà thi thoảng trên báo chí lại đăng tải những thông tin kêu gọi từ thiện cho một cựu ngôi sao chữa bệnh. Những thông tin làm đắng lòng người xem, người đọc.

Bắt đầu từ số báo này, Chuyên đề ANTG đăng tải loạt bài về cuộc mưu sinh khó nhọc của một số ngôi sao thể thao một thời khi họ giã từ sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp.

Đành rằng, không phải tất cả các cựu ngôi sao sau khi giải nghệ đều đắng đót mưu sinh hoặc nghèo khó bởi bệnh tật. Nhưng một bộ phận họ khốn khó đã là một nỗi đau khiến những nhà làm chính sách phải nghĩ đến một giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho những vận động viên đỉnh cao từng mang vinh quang về cho Tổ quốc.

BÀI I: HOÀNG HÀ GIANG - NỤ CƯỜI BÓNG MÂY

Chiều, cà phê Hi-End, đường Sương Nguyệt Ánh, quận 1, TP HCM. Giang ngồi đợi tôi trên chiếc ghế sofa đơn, quán mở một bản nhạc cổ điển, âm lượng vừa đủ nghe xen lẫn tiếng khách trò chuyện rì rầm, nắng loe hoe loang loáng trên con đường vắng ngoài ô cửa kính. Tất cả tạo nên một không khí buồn buồn, đặc trưng của phố thị hôm vắng người. Buồn buồn như nụ cười của Giang, buồn buồn như giọng nói của Giang, buồn buồn như những gì mà Giang đang gánh chịu.

Giang, năm nay 23 tuổi. Giả mà không có những nỗi buồn như là sự mặc định của số phận ấy, Giang đã có một cuộc sống khác, khác rất nhiều so với cuộc sống như bây giờ. Đơn giản, Giang là một tài năng. Một tài năng mà phải lâu lắm rồi làng Taekwondo Việt Nam mới may mắn sở hữu được.

Vậy mà ngay thời điểm này Giang vẫn đang khóc, khi tôi nhắc về những ngày cũ. Ngày mà cái tên Hoàng Hà Giang còn tung hoành ngang dọc ở những sàn đấu Taekwondo, giải trẻ trong khu vực châu Á lẫn thế giới. Giang là lứa vận động viên được đưa đi nước ngoài huấn luyện liên tục chỉ để thi đấu ở những giải quốc tế, với danh xưng là "Thế hệ vàng".

1. Sáu tuổi, Giang ở với mẹ. Duyên nợ giữa cha và mẹ hết rồi, nên thôi. Tất cả nhẹ tênh như mây bay trên trời, tụ tan không hẹn trước. Thuở tiểu học, Giang tham gia vào đội tuyển điền kinh của trường để tham dự các giải phong trào, Hội khỏe Phù Đổng. Thầy giáo dạy thể dục thấy Giang có chiều cao tốt, nên gợi ý Giang tham gia vào môn Taekwondo. Năm đó, Giang học lớp 5.

Với Taekwondo, Giang như cá gặp nước, như rồng gặp mây. Giang đoạt liên tiếp nhiều giải thưởng trong nước để rồi năm 14 tuổi, Giang được Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đưa đi tập huấn dài hạn tại Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc).

16 tuổi, Giang liên tiếp đoạt hai Huy chương Vàng ở Giải Taekwondo Trẻ Thế giới vào năm 2006 và 2008. Cũng ở năm 2006, Giang là Á quân Asiad. Gần như, Giang đã có được thành tích mà bất cứ vận động viên trẻ nào cũng muốn đạt được.

Năm 2008, Giang tập huấn dài hạn tại Hàn Quốc, để chuẩn bị tốt cho cuộc tranh tài tại Thế vận hội Olympic 2008 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Trước đó, Giang đã đoạt chức vô địch hạng cân dưới 49 kg nữ Giải Taekwondo tuyển chọn vận động viên khu vực châu Á tham dự Olympic Bắc Kinh 2008. Viễn cảnh tương lai của Giang là vô cùng tươi sáng. Bởi, Giang là vận động viên duy nhất của Việt Nam đoạt vé thẳng đến Olympic, một vinh dự mà không phải cá nhân vận động viên nào cũng may mắn có được.

"Em có nhiều ước mơ vào thời điểm đó không?", tôi hỏi Giang. "Dạ, nhiều lắm chứ anh", Giang trả lời. "Nhưng mà, nói trước bước không qua, anh ạ", lại buồn hiu.

Chỉ còn vài tuần nữa là Giang sang Bắc Kinh để dự Thế vận hội, bất ngờ trên khuôn mặt của Giang nổi mẩn đỏ. Ban đầu, chỉ là một ít. Về sau, ngày càng nhiều hơn. Những vết mẩn đỏ loang dần khắp khuôn mặt, bác sĩ bảo Giang: "Con bị ban đỏ rồi. Nếu uống thuốc điều trị chắc chắn sẽ dương tính với doping. Nếu không uống thuốc con có thể thi đấu. Tuy nhiên, sau khi Olympic kết thúc, chỉ sợ căn bệnh của con sẽ nặng hơn ảnh hưởng đến việc chữa trị. Giờ con tính sao?". Giang im lặng trước câu hỏi này.

Thêm ngày trôi qua, Giang có dấu hiệu suy giảm thể lực. Cuối cùng, Giang quyết định hoãn tham dự Thế vận hội để về nước chữa trị. Đó là một quyết định, mà mãi cho đến giờ mỗi lần nhắc lại, Giang vẫn bật khóc.

Căn bệnh Giang mắc phải được giới y khoa gọi là Lupus ban đỏ hệ thống. Biểu hiện bệnh là những vết đỏ nổi khắp mặt, tiếp đến là gây suy giảm hệ miễn dịch.

2.Về lại Việt Nam, Giang tự thân đi xét nghiệm, chữa trị với hy vọng về cái ngày mình trở lại sàn đấu. Nhưng rồi, như vừa thoát khỏi một giấc chiêm bao đẹp, thoắt cái là mất đi vĩnh viễn không bao giờ biến thành sự thật. Giang năm đó, chưa đến 20 tuổi và phải tự mình trải qua cơn biến cố lớn nhất của đời người.

"Em phải uống thuốc mỗi ngày. Tránh ánh nắng mặt trời, chỉ cần ngưng thuốc một hay hai ngày là lập tức bệnh tái phát, anh ạ", Giang kể với tôi vậy.

Giang gần như bấn loạn trong thời điểm ấy (và hình như, cho đến giờ Giang chỉ mới tạm bình tâm), Giang tự lập từ bé, tiền thưởng từ các giải đấu được chẳng đáng là bao, Giang dành dụm tính để sau này mở một shop bán quần áo hay kinh doanh lặt vặt. Giang từng nghĩ, chẳng bao giờ đụng đến số tiền này, vì đó là số tiền phòng bị của Giang. Tất cả tiền thuốc men của Giang chỉ trông vào số tiền lương 3 triệu đồng/ tháng mà Liên đoàn Taekwondo trả cho mỗi vận động viên thi đấu đỉnh cao.

Không ai chia sẻ gì với Giang ở thời điểm đó, thời điểm mà Giang cần một lời động viên hơn bất cứ thứ gì khác trên đời.

"Nếu hồi đó Giang không bị bệnh, Giang thi đấu Olympic, liệu Giang có đoạt được huy chương không?", tôi hỏi. "Dạ, chắc là có, anh ạ. Em có thói quen giải quyết từng trận, ít khi nghĩ đến tổng thể một giải đấu. Nhưng em tin rằng, mình có thể đoạt được thấp nhất là Huy chương đồng. Vì đó là thời điểm em rất sung sức", Giang trả lời.

Vậy mà, đời Giang đã hết bế tắc đâu. Người quen giới thiệu cho Giang mua căn nhà trả góp, căn nhà nằm trong kế hoạch nhà ở cho vận động viên từng có thành tích cao. Hợp đồng ghi rõ đặt cọc độ 100 triệu, sau đó trả dần từng tháng. Giang không đọc kỹ hợp đồng, Giang chỉ nghe người quen bảo rằng sẽ không phải trả lãi. Giang tính, Giang sẽ cố tìm việc làm, mỗi tháng kiếm vài triệu trả góp dần. Giang muốn có được một căn nhà riêng. Thế nên, Giang đặt cọc, rồi chờ đợi… Hơn một năm trôi qua, Giang hoảng hốt khi biết căn nhà sẽ được tính lãi suất theo ngân hàng. Giang phá sản hoàn toàn ước mơ được an cư.

Giang xin lại tiền đặt cọc, nhiêu khê vô cùng. Chủ đầu tư xé tiền của Giang ra, số tiền mà Giang phải đổ mồ hôi trên sàn đấu, tích lũy nhiều năm mới có được. Lần họ trả 10 triệu, lần họ trả 20 triệu. Tiền để dành của Giang đã không còn nữa.

Trong những ngày khốn khó ấy, Giang có nhờ bạn tìm đến tôi. Ý Giang muốn giãi bày để xin lại tiền cọc hơn là tranh cãi. Khi tôi chưa kịp dọ hỏi giúp Giang, thì bất ngờ Giang bị tai nạn giao thông.

Tai nạn nhẹ thôi, Giang va quệt với xe taxi. Mình mẩy không trầy xước gì cả, nhưng xương đùi của Giang bị gãy. "Có lẽ, do em uống thuốc quá lâu, người cũng đã yếu đi nhiều, anh ạ", Giang nói với tôi như vậy.

Giang bế tắc hoàn toàn sau tai nạn. May mà, những người có trách nhiệm đã chịu để ý đến Giang với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của một vận động viên đàn anh. Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, Trung tâm Thể dục Thể thao quận 1 phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, Liên đoàn Taekwondo TP HCM tổ chức biểu diễn taekwondo và thi đấu bóng đá giao hữu gây quỹ để giúp đỡ Giang vượt qua khó khăn. Tổng số tiền thu được là trên 130 triệu đồng. Đó là số tiền lớn nhất mà Giang có được. Lại thêm lần nữa, Giang muốn dành dụm số tiền đó như là "của phòng thân".

Chi phí cho lần giải phẫu sắp lại xương sau tai nạn, hãng taxi bồi hoàn cho Giang. Còn chi phí lần mổ thứ hai để lấy đinh vít ra không biết thế nào. Tôi quên hỏi, mà chắc là Giang cũng sẽ ngại trả lời.

"Anh thấy em khác nhiều so với lần gặp trước không?", Giang hỏi tôi. "Có. Suýt nữa đã không nhận ra em", tôi đáp rất lúng túng.

"Hôm nhập viện chữa cái chân, bác sĩ ngăn không cho em uống thuốc điều trị bệnh ban đỏ. Ngưng có 3 ngày, mà bệnh nó phát lại nên nhìn em vậy thôi. Lần anh gặp em, là em đã uống thuốc liên tục nhiều năm rồi, da mặt trở lại như bình thường", Giang nói tiếp.

Những vệt đỏ trên da mặt khi Giang ngưng thuốc, khi Giang tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khiến da mặt Giang trở nên sần sùi, rồi khô lại và bong từng lớp một.

"Giang đã kịp yêu ai chưa?", đột nhiên tôi nói. Cũng chẳng biết sao khi tôi hỏi điều này. Có lẽ, vì tôi thấy Giang xinh xắn và phải chịu đựng nhiều thứ không may quá. "Dạ, hồi đó đi tập thì cũng có thích một người. Sau thi đấu hoài, đi xa hoài, nên thôi. Còn giờ, em uống thuốc mỗi ngày, nghĩ gì yêu đương nữa đâu anh", Giang nói nhẹ tênh.

Hoàng Hà Giang trong buổi thi đấu giữa CLB bóng đá nữ TP HCM và CLB Doanh nhân Sài Gòn nhằm gây quỹ giúp đỡ Giang vượt qua khó khăn.

3. "Cuộc sống vốn dĩ là khó, Giang ạ. Không phải vì anh lớn tuổi hơn, cũng không phải vì anh đã có những tháng ngày dài hơn em đã sống. Bởi, nếu anh gặp khó khăn như em anh cũng không biết vượt qua bằng cách nào. Anh bối rối trước những gì em đang chịu đựng, chỉ mong em sớm bình an", nghe lại máy ghi âm tôi mới biết rằng tôi có nói điều này.

Giang trả lời tôi: “Mấy năm trước thì em tuyệt vọng lắm, rồi phải quen dần thôi anh. Đầu năm nay, em chính thức thôi có lương dành cho vận động viên. May mà bên Trung tâm Thể dục Thể thao quận 4 (TP HCM) có nhận em vào làm nhân viên văn phòng ở khu hồ bơi. Em làm từ sáng đến chiều, tranh thủ em sang Hội Taekwondo làm thu ngân kiêm thủ quỹ. Tối, em đi học thiết kế. Em thích sau này được thiết kế những poster phim ảnh. Em học được gần 6 tháng rồi, khóa học kéo dài 30 tháng. Nhờ em có mua bảo hiểm xã hội, nên chi phí thuốc men cũng giảm được một ít, đỡ đỡ rồi anh”.

"Anh không biết là căn bệnh của em có chữa trị dứt điểm được không, nếu như ngày trước chữa trị sớm?" - Tôi hỏi em.

"Dạ, em nghe nói là ở Mỹ chữa hết, anh ạ. Một vài anh chị từng bị bệnh này trả lời với em vậy. Hôm trước Tết, báo chí đưa tin em bị tai nạn, gặp khó khăn. Cũng có nhiều độc giả gọi cho em, hướng dẫn chữa trị chỗ này chỗ kia sẽ hết. Nhưng mà, toàn là chỗ xa, làm sao em đi được", Giang trả lời.

"Giá mà ngày đó, em được tư vấn và đưa đi chữa trị một cách có trách nhiệm hơn, thì có lẽ đời em sẽ khác, Giang nhỉ".

"Đó là số phận rồi, anh ạ. Vận động viên nước mình thường gặp cảnh như vậy mà".

Có lúc nhớ sàn đấu, mà chắc là để mưu sinh nhiều hơn, Giang có tham gia giảng dạy môn Taekwondo cho mấy em thiếu nhi. Tai nạn giao thông xảy ra, Giang phải tạm hoãn công việc này lại.

Còn vì sao Giang mắc căn bệnh mãn tính Lupus ban đỏ hệ thống, Giang lại nghe mấy anh chị nói (Sao toàn Giang phải nghe mấy anh chị vận động viên đi trước nói, mà không nghe được lời tư vấn nào của những vị có trách nhiệm đối với nền thể thao nước nhà(?!)), là do Giang tập luyện quá nhiều, lại phải ăn uống kiêng khem để duy trì cân nặng nhằm thích hợp với hạng cân mà Giang đăng ký thi đấu.

"Ép cân cực lắm, anh biết không?", Giang hỏi. "Anh biết chứ, có lần anh nghe lực sĩ Phạm Văn Mách tâm sự nỗi khổ khi ép cân", tôi trả lời.

"Nhìn gì cũng thèm ăn hết. Khi nào ngon miệng, ăn hơi nhiều một chút là hoảng sợ, phải nhảy lên bàn cân liền. Có khi vui với bạn, uống một ly cà phê sữa là hồi hộp không thôi. Em phải giữ trọng lượng của mình từng gram một". "Khổ quá ha em?". "Có khổ gì đâu anh, vì đam mê phải chấp nhận mà".

"Vì đam mê phải chấp nhận", câu nói của Giang cứ ám ảnh tôi suốt nhiều ngày liền. Giang, nhẽ ra đã khác, bởi Giang là một tài năng đích thực, giả mà Giang được quan tâm và đầu tư theo một cách khác đi, thì Giang đã không phải là Giang như bây giờ.

Nhưng, biết là làm sao, khi mà "Vì đam mê phải chấp nhận".

Với mọi người, Taekwondo chỉ là một môn võ, một môn thể thao. Còn với Giang, đó là cả một cái nghiệp vận vào Giang. May rủi gì cũng là một cái nghiệp mà Giang đã chọn.

Chỉ thương cho Giang, cô gái 23 tuổi có nụ cười hiền như bóng mây, tụ đó tan đó. Nỗi vui chưa kịp tròn đã vội vã như nắng tan chiều

Ngô Nguyệt Hữu
.
.