Chuyện về những người băng qua bóng tối

Chủ Nhật, 09/11/2014, 16:40

Hiện nay cả nước có 6,7 triệu người khuyết tật. Cùng tìm hiểu để nghe tiếng nói người trong cuộc. Trong cộng đồng người khuyết tật có không ít những tấm gương vượt khó, để chiến thắng số phận, họ đã kiên trì tập luyện kiên cường về tinh thần và thể xác, để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Và nhờ có thể thao, họ tìm được tình yêu đích thực của đời mình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn kiếm được việc làm thu nhập ổn định, hay dễ dàng hòa nhập với cộng đồng vì nhiều rào cản, khúc mắc đang tồn tại. Trong xã hội cũng đang có không ít những cá nhân lợi dụng người khuyết tật để mưu lợi cho riêng mình.

Câu chuyện thứ nhất

Khi ánh nắng cuối chiều còn sót lại trên những vòm lá, đi trên con đường Trần Nguyên Hãn đoạn gần Cung Thiếu nhi, Hà Nội có mấy người bán vé số kê bàn nhỏ ở lề đường. Tôi nhận ra người thanh niên, dáng vẻ thư sinh, khuôn mặt sáng ngồi bán vé số, cách đây hơn một tháng trong Hội diễn Văn nghệ toàn quốc cho người khuyết tật, có người thanh niên này tham dự.

Sau lời giới thiệu của Ban tổ chức, tiết mục hát đơn ca do anh biểu diễn. Và khi anh bước những bước đi có phần khó nhọc lên sân khấu rồi cất tiếng hát, không gian như lắng xuống, chỉ có tiếng hát mượt mà, giọng hát trầm ấm và tình cảm của anh đã lôi kéo nhiều người. Tôi và nhiều người khác đã bị giọng hát ấy chinh phục. Và, hôm nay tình cờ lại đi qua đây, anh cũng như bao người lo cơm áo gạo tiền, ngồi bán vé số. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu.

Bình và anh xe ôm khiếm thính.

Anh tên là Bình, 27 tuổi, quê ở Lai Châu, bố anh mất đã lâu, chỉ còn mẹ và trên anh là hai chị gái. Ngay từ khi sinh ra, anh đã được bác sĩ kết luận là co cơ, nghĩa là cả đời di chuyển khó khăn, sẽ không bao giờ có thể đi lại như những người bình thường khác. Căn bệnh quái ác này là do di truyền, anh bảo họ tộc nhà anh có đến hơn chục người bị căn bệnh này.

Mẹ anh cũng bị co cơ, và người chị thứ hai cũng bị như anh. Mẹ anh giờ lại thêm bệnh ung thư vú, cuộc sống gia đình càng thêm túng quẫn. Ngay từ nhỏ đã sớm rèn cho mình ý chí tự lập. Anh bảo tuổi đời còn ít nhưng trường đời thì va vấp đã nhiều, phải lăn lộn nai lưng để kiếm sống. Anh không nề hà việc gì, cứ làm có tiền và không phạm pháp là được.

Anh là vận động viên đang hoạt động trong Đoàn Thể thao Người khuyết tật Quốc gia. Và đã đoạt 3 Huy chương Vàng môn điền kinh vừa tổ chức ở Cần Thơ.

Nhưng đồng lương hạn hẹp, gánh nặng đỡ đần mẹ già yếu lại nặng trên vai.  Học hết THPT, Bình xuống Hà Nội học Cao đẳng Tài chính, rồi Quản trị kinh doanh, thông thạo máy tính. Nhưng sau mấy năm học, ra trường không xin được việc. Bình bảo người thường xin việc dễ dàng hơn chứ người như anh xin việc khó khăn lắm.

Anh nhớ như in cái buổi đầu tiên anh xuống thủ đô, họ nhìn anh, thấy anh đi như vậy người ta nhìn ngó, rồi chỉ chỏ, bình phẩm cứ như thể anh là một vật thể lạ, là một cái gì khác thường lắm. Mới đầu, ái ngại, chỉ thui thủi ở trong phòng trọ không dám ló mặt ra đường, nhưng rồi, chả nhẽ lại ở trong nhà mãi à?! Cần phải đối mặt với sự thật. Thế rồi anh bước ra khỏi nhà, đĩnh đạc, đàng hoàng lết những bước đi khó nhọc khác thường ấy với tâm thế bình thường. Anh bước qua mọi ánh mắt, để tự tin hơn trên con đường của mình.

Anh thích âm nhạc bởi âm nhạc là liều thuốc hữu hiệu nhất để chữa và vết thương lòng. Anh tự học hát, nhưng vẫn ao ước có một ngày được học trong trường lớp có thầy cô dạy đàng hoàng. Không có tiền để đóng học, anh học chui, đến khi bị phát hiện, anh bị bảo vệ mời ra khỏi lớp. Nhờ những buổi học chui ngắn ngủi đó Bình đã tích lũy thêm được chút kiến thức về âm nhạc và anh đã tìm đến Câu lạc bộ dành cho người khuyết tật và hát cho họ nghe, hy vọng cuộc sống của mình sẽ khấm khá  hơn để có chút ít gửi về đỡ đần cho mẹ.

Có nhiều câu lạc bộ người khuyết tật thuê anh đi biểu diễn. Những buổi biểu diễn lưu động đó là một phần ký ức đang lưu giữ trong anh. Rồi thoáng nét trầm tư, anh bảo: Cuộc sống khắc nghiệt và không đơn giản, mình càng đi hát lại càng thấy buồn, nhiều bầu sô lợi dụng người khuyết tật, họ chọn một, hai người khuyết tật đến để biểu diễn cùng với những người lành lặn khác tại cơ quan, hội nghị hoặc đám cưới với hy vọng sẽ nhận được cát sê cao hơn. Nhưng đồng tiền đấy không đến tay người khuyết tật. Cảnh bầu sô ăn chặn tiền của người lao động khuyết tật xảy ra hằng ngày, anh nhìn cảnh đấy riết rồi cũng quen.

Bầu sô thường nghĩ: Người thường cần tiền, người khuyết tật còn cần hơn, và cũng ít chỗ mời hát hơn nên trả bao nhiêu, phải nhận bấy nhiêu. Sau đó vì quá chán nản, anh không đi hát như vậy nữa mà vào Trung tâm Hoạt động Thể thao dành cho người khuyết tật quốc gia.

Trong căn phòng nhỏ của anh ở Đoàn thể thao Người khuyết tật quốc gia có 5 người thì 3 người khiếm thị, một người bị hỏng đôi tay. Bình nói: "Mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Ít ra còn nhìn thấy nhiều điều ở cuộc sống này, được xem pháo hoa, biết được hình dáng người phụ nữ của mình, biết thưởng thức nhìn ngắm cái đẹp, còn người khiếm thị, họ chỉ cảm nhận bằng trực giác, bằng giác quan. Cuộc sống nếu buồn thì xin đừng bi quan, tuyệt vọng, hãy cứ làm hết khả năng của mình, hãy trân trọng cuộc sống, hãy sống hết mình vì nó, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng".

Bình bảo, bây giờ ra ngoài xã hội hay thấy người ta kêu chán, kêu buồn quá, nhưng các bạn buồn chán vậy thì người khuyết tật còn buồn chán tới đâu nữa. Phải vui lên để mà sống, phải tiếp cho mình nghị lực để mà phấn đấu. Hạnh phúc, niềm vui chỉ đến với ai biết hướng đến những điều tốt đẹp. Đừng quá bi quan, rồi bạn sẽ bị nó nhấn chìm trong biển khổ.

 Bình mới ra đây bán vé số hơn một tháng, cách chỗ anh ngồi khoảng 20 m, một người phụ nữ tuổi ngoài 30 cũng ngồi bán vé số vào các buổi chiều. Chị nhỏ người và đôi tay không được bình thường. Hai cánh tay ngắn lủng lẳng, bàn tay bé xíu không lành lặn giơ về phía trước ngực. Mỗi khi cầm một vật gì đó, chị phải chặp hai cánh tay lại với nhau để giữ cho vật khỏi rơi.

Bình quen Huyền (tên người phụ nữ) trong một lần tình cờ, do có số phận đặc biệt nên họ tìm được tiếng nói chung, và xích lại gần nhau. Hôm Hội diễn Văn nghệ dành cho người khuyết tật cũng có chị tham dự. Huyền hát song ca cùng với Bình. 

Một người bị khuyết tật ở chân, một người bị khuyết tật ở tay, họ bù trừ cho nhau. Đang nói chuyện với Bình, thì một người đàn ông đi xe máy dừng lại bên bàn vé số, như là khách quen, họ nói chuyện với nhau bằng mắt và tay.

Bình và Huyền trong Hội thi Văn nghệ người khuyết tật toàn quốc năm 2014.

Người đàn ông này bị khiếm thính. Anh làm xe ôm ở gần Hồ Gươm. Anh không nghe được và cũng không nói được. Nếu khách muốn đi đâu thì anh đưa mảnh giấy và cây bút cho họ, rồi họ viết địa chỉ cần đến, anh lại ghi giá tiền đưa cho họ. Anh xe ôm có sở thích hằng ngày mua một, hai tờ vé số để thử vận may.

Từ ngày Bình ra bán hàng, biết cùng cảnh ngộ, nên anh xe ôm hay mua giúp Bình. Bình bảo bán vé số đa phần là khách quen chứ khách vãng lai ít lắm. Lúc mới bán ế ẩm là chuyện thường, bởi làm gì cũng cần phải kiên trì, mà người khuyết tật thì sự kiên trì phải hơn người bình thường khác. Cả ngày Bình tập luyện ở trung tâm, ba rưỡi chiều lên xe buýt đi lấy vé số, rồi từ đấy lại đi ôtô buýt về chỗ bán hàng.

Khi hoàng hôn buông, Bình chuẩn bị thu dọn vé số chưa bán hết để trả lại trước 6 giờ. Cả buổi ngồi nói chuyện với Bình, tôi thấy anh chỉ bán được 2-3 tờ vé số cho anh xe ôm bị câm điếc lúc nãy. Gần chỗ tôi và Bình ngồi, một cô gái còn rất trẻ, chân bị tật đi ngang qua đường. Bình bất giác thốt lên: "Lại một người khuyết tật nữa"… Dòng người vẫn hối hả, một câu nói, một cảm giác, Bình bảo cuộc sống là phải vui lên, mà sao tôi vẫn thấy mênh mông buồn…

Câu chuyện thứ hai

Khu tập thể Nội Thương, ở con ngõ 34 Vĩnh Tuy không ai không biết cặp vợ chồng có tên thật đặc biệt, cứ như là định mệnh, hẹn nhau từ kiếp trước. Chồng tên Sao. Vợ tên Xuyến. Khi tôi đến khu tập thể hỏi nhà hai vợ chồng khuyết tật, một bé trai nhanh nhảu bảo: "Để cháu dẫn cô vào nhà nhé". Ồ, không ngờ lại đúng ngay cậu bé con của Sao-Xuyến.

Và, khi bước vào phòng, cậu bé đã gọi to lên: "Mẹ ơi, có khách". Người phụ nữ hướng khuôn mặt ra cửa. Đôi mắt chị không nhìn được nhưng trong không gian nhỏ này  mọi thứ dường như đã quá quen thuộc. Sao chống hai nạng đi từ cầu thang xuống. Và, câu chuyện chúng tôi bắt đầu.

Căn nhà này do mẹ đẻ chị Xuyến được phân. Xuyến khi sinh ra đã không may bị khiếm thị. Sao khi đang là cậu thanh niên 17 tuổi, trong một tai nạn lao động vào năm 1999 bị máy cắt gạch lia vào chân. Anh phải cắt bỏ hẳn chân phải. Năm 2002, anh ra thủ đô để bắt đầu cuộc sống mới.

Vợ chồng Sao - Xuyến trong tổ ấm nhỏ.

Đến bây giờ Sao-Xuyến vẫn nói nhờ có thể thao mà họ tìm thấy tình yêu. Hồi tập huấn Para Games 2 tại Việt Nam, SEA Games 2003, Sao và Xuyến ở cùng tổ tập với nhau. Tại giải Para Games 2, SEA Games 2003, Xuyến giành 2 Huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc. Sao đã thầm cảm phục người con gái khiếm thị nhưng đầy ý chí và nghị lực ấy. Trong tổ có đến 30 người. Như duyên số, họ cứ xích lại gần nhau.

Xuyến hơn bạn trai 7 tuổi. Nhưng, tuổi tác chẳng quan trọng gì. Quan trọng là sự hòa hợp và đồng điệu của hai tâm hồn. Họ yêu nhau nhẹ nhàng và thi vị như nhiều cặp đôi lãng mạn khác. Một năm sau ngày gặp gỡ, chàng trai quê Hà Tĩnh và cô gái đất Hà thành làm đám cưới và họ sinh con. Ơn trời, cu cậu nay học lớp 5 hoàn toàn khỏe mạnh và lành lặn.

Ở góc phòng một cái xe đạp cũ gắn bó với hai vợ chồng ngót chục năm nay. Hồi ấy, ngày nào cũng như ngày nào, khi mặt trời còn chưa ló dạng, hai vợ chồng đèo nhau trên xe đi từ nhà đến sân vận động dành cho người khuyết tật, cách nhà  hơn 7 km để kịp lịch tập bắt đầu từ 6 giờ đến 8 giờ, nghỉ một tiếng rồi tập tiếp từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 trưa. Xong buổi tập họ lại líu ríu chở nhau về. Trên cái xe đạp cà tàng, chồng bị cụt chân phải, anh ngồi đằng trước đạp xe bằng chân trái, vợ ngồi đằng sau đạp xe bằng chân phải. Chiếc xe đạp lăn chầm chậm trên đường. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng họ không nghỉ buổi tập nào.

Nhờ nỗ lực vậy nên bao nhiêu năm nay tại các giải thể thao dành cho các vận động viên khuyết tật, Xuyến năm nào cũng giành được 4, hoặc 5 Huy chương Vàng cho môn điền kinh. Mỗi lần tham dự các giải đấu lớn, anh chị lại gửi con cho người thân để cùng nhau tập luyện và thi đấu. Tình cảm vợ chồng ngày càng gắn bó keo sơn, một bước không rời.

Vừa qua, Xuyến giành Huy chương Vàng môn điền kinh tại Para Games Đông Nam Á. Số tiền thưởng ấy anh chị mua được một chiếc xe Honda và chuyển đổi nó thành chiếc xe 3 bánh để đi lại được dễ dàng. Từ ngày có xe máy, việc đi lại của cả nhà thuận tiện hơn rất nhiều. Ngoài chiếc xe Honda ba bánh tự chế ấy, ngôi nhà cũ kĩ, đồ đạc tùng tiệm đơn sơ, thậm chí chẳng có lấy bộ bàn ghế để ngồi, nhưng nhìn hai vợ chồng líu ríu như đôi sẻ non, thật là hạnh phúc.

Cách mà họ nói chuyện với nhau, đầy tình cảm và tình yêu thương. Tình yêu làm cho con người ta vượt qua được mọi rào cản và biến con đường chông gai thành bằng phẳng. Chẳng có gì là không vượt qua. Chẳng có gì là không thể bước đến. Họ đã đi. Họ đã đến, và họ đã tìm thấy hạnh phúc giản dị của riêng mình

Trần Mỹ Hiền
.
.