“Chuyện về những người băng qua bóng tối”: Cặp uyên ương vàng

Thứ Hai, 10/11/2014, 11:25

Cuộc sống có những câu chuyện khó tin nhưng có thật. Đó là những con người băng qua bóng tối của màn đêm dày đặc để hướng về phía có ánh sáng ban mai. Họ dệt nên những câu chuyện đẹp như cổ tích về tình người, tình yêu, khát khao được sống, được yêu, được hạnh phúc và sự nỗ lực không ngừng đóng góp công sức nhỏ bé của mình để làm đẹp cho xã hội, sống một cuộc sống thực sự có ý nghĩa.
>> Chuyện về những người băng qua bóng tối

Vợ chồng vận động viên khuyết tật Phạm Hồng Thức và Trần Hồng Kiên là một trong những cặp vợ chồng lý tưởng đáng ngưỡng mộ. Cặp đôi này đã được vinh danh là 1 trong 20 cặp vợ chồng tiêu biểu năm 2012.

Chiều muộn, khu làng Ngọc Trục, Hà Đông chúng tôi băng qua những bãi tha ma và ruộng lúa, đi qua những con ngõ ngoằn ngoèo đến căn nhà của “cặp đôi vàng” Thức và Kiên. Nhà nhỏ một tầng rộng chừng hơn 40m2, trên tường treo kín bằng khen. Ấn tượng là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Trần Hồng Kiên đã có thành tích là công dân tiêu biểu có cống hiến đáng kể cho xã hội. Dưới những bằng khen là hàng chục các Huy chương Vàng (HCV) và Huy chương Bạc (HCB) lấp lánh.

Cũng không ngạc nhiên lắm bởi cho đến thời điểm hiện tại Thức là vận động viên khuyết tật đoạt nhiều HCV nhất trong nước. Ở một bên tường treo kín những bức ảnh của hai vợ chồng tham dự các giải đấu cả ở trong nước lẫn quốc tế.

Ngoài ra, trong căn phòng nhỏ nhắn này rất ấn tượng là những bình rượu thuốc dân tộc ngâm đủ các loại rắn rết, côn trùng. Cậu bé con 5 tuổi nũng nịu hôn chùn chụt vào má mẹ. Cậu bé con này là kết quả của một tình yêu ngọt ngào, đầy thi vị của Thức và Kiên.

Thuộc cặp vợ chồng khấm khá nhất nhì trong những cặp vợ chồng người khuyết tật. Nhà có hai xe Honda ba bánh tự chế để tiện việc đi lại.  Chồng một cái, vợ một cái, cứ thế bon bon trên các ngả đường, tuyến phố. Thức nhoay nhoáy lướt facebook. Thằng bé con 5 tuổi nghịch ngợm, láu lỉnh thi thoảng lại đến bên mẹ nói những câu chuyện ngộ nghĩnh.

Cả hai vợ chồng, mỗi người di chuyển đi lại bằng hai cái ghế gỗ con con nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Họ vẫn sống với đầy đủ sự say mê và luôn nỗ lực cống hiến cho xã hội.

Gia đình vận động viên khuyết tật Thức – Kiên.

Thức sinh năm 1975, quê ở Gia Lâm, là anh cả trong gia đình có 3 anh em trai. Một tai nạn bất ngờ giáng xuống năm Thức 14 tuổi, một lần qua đường tàu do thiếu quan sát, đúng lúc đoàn tàu hỏa lao đến và... nghiến nát đôi chân của cậu...

Những ngày sau, khi tỉnh dậy Thức bàng hoàng thấy mình không còn chân nữa. Vậy là vĩnh viễn cậu sẽ phải đi xe lăn. Trời đất như sụp xuống. Cậu nhốt mình trong nhà và cảm thấy trống rỗng. Ngày qua ngày, thời gian trôi, rồi cậu lớn lên và trái tim biết rung động, cậu biết yêu, rồi lấy vợ. Vợ của Thức là một người lành lặn, bình thường như bao người. Họ có với nhau một cô con gái.

Nhưng rồi, dường như đó không phải là định mệnh của đời mình. Năm 2002, lần đầu tiên tham gia Đoàn Thể thao dành cho người khuyết tật trong môi trường toàn những người đồng cảnh ngộ, tự nhiên con người trong anh được bộc lộ, ở đây Thức cảm thấy như được sống trong ngôi nhà ruột thịt của mình. Những con người đó - họ tìm được tiếng nói chung, hiểu và đồng cảm cho nhau.

Ngay sau khi anh tham gia Đoàn Thể thao người khuyết tật được 1 năm, thì tại Asean Para Games 2003 một người con gái đã làm anh thực sự xao xuyến, cảm phục, cô gái bị khuyết tật giống như mình nhưng lập nên kỳ tích giành HCV. Đó là Trần Hồng Kiên, sinh năm 1980.

Kiên hằng ngày đến đoàn tập, Thức cũng vậy, để rồi mỗi giờ tan tập ra về đã để lại nỗi nhớ da diết khôn nguôi, người con gái lần đầu biết yêu và người đàn ông thổn thức. Họ cứ đến với nhau như thể định mệnh.  Sau một năm họ chính thức làm đám cưới.

Trở lại câu chuyện của Kiên, mọi cái đều có lý do của nó, tại sao người con gái nhỏ nhắn và trẻ trung ấy lại vượt qua biết bao nhiêu vận động viên để giành được thứ hạng cao nhất. Ngày hôm nay trong tổ ấm nhỏ của mình, quá khứ chầm chậm quay về, nước mắt ướt bờ mi, Kiên còn nhớ rõ như in cái ngày làm thay đổi vận mệnh của mình. Đó là rằm tháng Giêng năm Kiên vừa tròn 19 tuổi, ngồi trên chiếc xe lăn cũ lần đầu tiên rời nhà ra thủ đô. Kiên trốn nhà bỏ đi, trong túi khi đó chỉ có 100 nghìn đồng. Kiên nghĩ, nếu biết được ý định của mình thì gia đình sẽ không đời nào đồng ý.

Bố mẹ chị vẫn luôn nói là: Ở thành phố người lành lặn, khỏe mạnh tìm việc làm đã khó, nói chi là người khuyết tật. Khi Kiên xuống thành phố thì trời vừa xẩm tối, ngồi trên xe lăn tìm đến căn nhà trọ, bà chủ nhà trọ đưa ánh mắt soi xét nhìn cô gái ngồi trên xe lăn, trên tay cầm bọc ni lông quần áo. Giá của nhà trọ 3.000 đồng một tối nhưng chủ nhà nhất định không cho Kiên thuê, vì nghĩ  cô là… ăn xin.

Vợ chồng Thức – Kiên.

Trời mùa đông, Kiên vừa lạnh lại vừa đói, cô hỏi đường đến Hội Người mù của Hà Đông xin việc làm. Số tiền 100 nghìn là tài sản duy nhất nên cô không thể ăn một bát phở cho ấm người mà chỉ dám mua một chiếc bánh mỳ không nhân để cầm hơi. Rồi cô được nhận vào để đi bán tăm, bán chổi. Cô gái ngồi trên chiếc xe lăn hằng ngày buộc bó chổi ở đằng sau đi bán. Một ngày cũng như bao ngày cô đi bán khắp phố phường Hà Nội. Khi đi ngang qua Nhà tập luyện của vận động viên khuyết tật, cô được một huấn luyện viên động viên gia nhập đoàn.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, bởi vì từ nơi trọ của Kiên ở Hà Đông ra đến nơi tập luyện là một quãng đường khá dài, mà theo lịch tập thì mọi người bắt đầu phải tập là 5 giờ 30 phút sáng vào mùa hè và 6 giờ vào mùa đông. Cuối cùng, cô gái nhỏ nhắn ấy cũng quyết tâm vào đoàn.

Vậy là ròng rã nhiều năm, cùng với chiếc xe lăn khi kim đồng hồ chỉ 2 giờ 30 phút, Kiên rời chỗ trọ để đến chỗ tập cho kịp. Những chiếc chổi được cột lại gọn ghẽ sau xe lăn, và những gói tăm được cho vào trong một cái túi nhỏ đeo trước ngực của cô. Mà ngày đó đường phố không tấp nập như bây giờ, con đường đêm vào mùa đông trời lạnh như cắt, có nhiều đêm đường về không một bóng người, có chăng chỉ còn những người nghiện như những bóng ma dật dờ trên phố. Trải qua nắng mưa, người con gái ấy vẫn một mình băng qua những con đường đất và các con phố rải nhựa, và bao con ngõ nhỏ đến khi trời bắt đầu sáng thì vừa kịp đến nơi.

Ngày nào cũng vậy, sau những giờ tập luyện, đúng 11 giờ trưa, Kiên lại rong ruổi khắp các con phố để bán chổi và tăm. Ngày nắng không sao chứ những hôm trời mưa to, nước trút xối xả xuống mặt đường, tăm, chổi ướt hết, chẳng bán được chiếc nào, người con gái khuyết tật, mảnh mai ấy lại lầm lũi trong mưa trở về nhà. Những khoảnh khắc ấy nhòa trong mắt chàng thanh niên đồng cảnh ngộ, đánh động đến lòng trắc ẩn của Thức. Một tình thương, một tình yêu ngày một lớn dần rồi trỗi dậy mãnh liệt trong anh.

Sau khi chia tay người vợ đầu, Thức đến với Kiên. Thế là từ đây, chấm dứt những tháng ngày lầm lũi một mình trên xe lăn kẽo kẹt bao nhiêu cây số để đi tập luyện. Từ ngày có Thức, hai vợ chồng đi có đôi về có cặp, họ trò chuyện cùng nhau về mọi vấn đề của cuộc sống. Chồng một xe lăn, vợ một xe lăn, con đường dài thênh thang từ Hà Đông tới nơi tập luyện có cảm giác ngắn lại. Kiên không còn cảm giác sợ hãi một mình trên xe lăn như hồi xưa nữa. Bên cạnh cô có một bờ vai vững chãi, khỏe mạnh, đầy tin tưởng thương yêu để cô  nương tựa.

Tuy là người khuyết tật nhưng ở họ tràn đầy nghị lực, họ thuê nhà và dần dà tích cóp dành dụm được một số tiền nhỏ hai vợ chồng mở cơ sở sản xuất, thuê nhân công làm chổi, làm tăm. Người làm thuê cho họ đa phần là những người lành lặn. Thời sốt đất tấp nập ngõ trên phố dưới, đất làng Vạn Phúc lại trở nên có giá, tấc đất tấc vàng. Thế rồi, dân làng thi nhau bán đất, có tiền họ không còn muốn làm thuê cho đôi vợ chồng nữa. Vốn đi lên từ hai bàn tay trắng, cuộc sống lại không được may mắn,  Kiên hiểu và đồng cảm với những số phận kém may mắn, nên hai vợ chồng hướng dẫn tạo điều kiện việc làm cho những người khuyết tật quận Hà Đông.

Tại các kỳ Asean Para Games 2003, 2005, 2007, Trần Hồng Kiên liên tiếp phá kỷ lục giành 3 HCV môn điền kinh, chạy trên xe lăn ở các cự ly khác nhau. Năm 2009, Kiên mang thai cậu bé trai đầu lòng và lúc này, cô dành trọn thời gian để chăm sóc tổ ấm nhỏ và chuẩn bị sinh con, trong những năm đó mọi giải đấu đều nhường lại hết cả cho chồng. Bao nhiêu năm nay họ đi đâu cũng có nhau, một bước không rời. Ngày Thức thi đấu bất kể ở đâu, Kiên cũng bồng con theo để cổ vũ cho anh.

Trong giải thể thao dành cho vận động viên khuyết tật quốc gia vừa qua, Thức đưa cả gia đình nhỏ của mình vào Cần Thơ để tham gia giải. Nhờ có sự cổ vũ nhiệt tình của vợ con trai 5 tuổi mà anh đã giành được 3 HCV. Thức trân trọng những tấm huy chương, anh coi nó như sự nỗ lực không chỉ của riêng mình. Năm nào cũng vậy, Thức cũng giành được từ 3 đến 5 HCV ở bộ môn điền kinh xe lăn.

Trong căn phòng của họ, ngoài bằng khen và vô số các tấm huy chương còn có rất nhiều bức ảnh, tất cả đều gắn với thể thao. Đó là những bức ảnh cả hai vợ chồng nhận giải ở các cuộc thi thể thao trong nước và quốc tế.  Và, cũng thật ấn tượng, cả hai đều hát rất hay. Cả Thức và Kiên đều đoạt giải trong đợt Hội diễn Văn nghệ toàn quốc dành cho người khuyết tật. Tiếng hát của Kiên luyến láy, nồng nàn. Kiên bảo anh thích hát những bài mang làn điệu dân ca.

Kiên hỏi tôi: "Ở cơ quan chị có tổ chức văn nghệ không? Khi nào tổ chức cho em tham gia giao lưu với nhé". Nói xong, nụ cười tươi rói trên khuôn mặt Kiên bừng sáng.

Kiên bảo, trăn trở nhất của chị là tại sao ở nước ngoài, người khuyết tật được làm huấn luyện viên, còn ở Việt Nam thì không được. Bởi vì, tuy là người khuyết tật nhưng những người như chị lại có nhiều kinh nghiệm trong tập luyện cũng như thi đấu. Hơn nữa, cả hai vợ chồng chị đều đã tham gia trong đoàn thể thao của người khuyết tật đến hơn 10 năm.

Còn nữa, thể thao ở Việt Nam là một nghề vô cùng khắc nghiệt, khi nghỉ về nhà là không còn lương. Hiểu theo một cách khác là: Hết huy chương là không có tiền, nhà nước chưa có chế độ cho những vận động viên nghỉ mất sức. Thổ lộ điều trăn trở này, khuôn mặt chị thoáng buồn, tôi hiểu ở trong chị đó là điều nhức nhối mà cho đến nay câu hỏi này vẫn đang bỏ ngỏ và chưa có lời giải đáp

Trần Mỹ Hiền
.
.