Nhân 100 năm ngày sinh Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (1/10/1908 – 1/10/2008):

Chuyện với Trưởng nam Lưỡng quốc tướng quân

Thứ Sáu, 10/10/2008, 16:00
Tôi gặp ông lần đầu ở Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vậy mà nhoáng cái đã 9 năm. Lần đó trưởng nam của Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn đưa mẹ và em đến để dự cuộc gặp giữa Tổng Bí thư với bà con Việt kiều. Ông có vẻ mập ra nhiều. Trán có cao thêm. Duy nét cười cởi mở cùng ánh mắt lấp lánh sau cặp kính dày cộp thì vẫn thế...

Thời gian lần gặp này chẳng bị câu thúc như lần trước nên chuyện cứ nối chuyện... Tiết trọng thu này, ông là khách của Bộ Quốc phòng Việt Nam nhân ông được mời sang Hà Nội để dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (1/10/1908 - 1/10/2008).

Mẹ ông, phu nhân Trần Kiếm Qua tuổi đã cao năm nay cụ tròn 94 còn rất minh mẫn, cũng muốn sang Việt Nam  lắm, chỉ hiềm nỗi đôi chân yếu đi lại khó khăn. Người em trai ông - Tiểu Việt do vậy cũng không sang được dẫu nằm trong danh sách mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Tiểu Việt phải ở lại để chăm sóc mẹ. Bà Trần Kiếm Qua lâu nay ở với vợ chồng Tiểu Việt. Lên thang xuống gác, Tiểu Việt cứ một mình cõng mẹ lên xuống như thế... Lần đầu tiên bà Trần Kiếm Qua được đặt chân đến quê hương của chồng tuổi đã 80. Dịp đó nhằm tiết Thanh minh năm 1998, bà sang Việt Nam tảo mộ cho tướng quân Hồng Thủy Nguyễn Sơn.

Ngó ông trẻ hơn cái tuổi 64. Cậu bé Tiểu Phong ra đời vào một đêm  lạnh ở một hang núi đá trong khu căn cứ Diên An. Năm đó vùng căn cứ Diên An được mùa to, người ta quen gọi là phong thu. Cũng là vào dịp sắp năm mới, Hồng Thủy đặt tên cho con trai là Tiểu Phong. Một dấu ấn có thể nói là gay go nhưng gọi là đẹp cũng được - ông bồi hồi - của tuổi thơ hồi ấy là do những gian nan liên miên của chiến khu Tấn Sát Ký và hậu quả của lần sinh nở đầu tiên không giữ gìn được (người chị đầu của Tiểu Phong mất khi mới được mấy tháng tuổi) mẹ tôi bị mất sữa. Một lần tới thăm Nguyễn Sơn vốn là bạn cùng Vạn Lý Trường chinh, thấy tôi khóc như xé vải, Chu Tư lệnh (Chu Đức) biết được ra lệnh trích trong kho dự trữ cho con của Hồng Thủy - Kiếm Qua một ít sữa. Sau này thấy tôi chóng lớn khỏe mạnh. Ai cũng bảo nhờ sữa của Chu Tư lệnh nên mới được như vậy!

Khuôn mặt thông minh của ông thoắt đượm những nét buồn. Giọng ông ngập ngừng ngắt quãng khi tôi có ý gợi lại cái tên Trần Hàn Phong vẫn dùng như hiện nay là có từ thời gian nào?

Mãi khi Tiểu Phong lên 12, Tiểu Việt lên 10 tuổi, thấy nhà luôn vắng bố... Tiểu Phong, Tiểu Việt vẫn đinh ninh lời mẹ dặn là bố con đi kháng chiến Viện Triều. Nhưng khi đó hai cậu con trai đâu có biết, do một trục trặc không đáng có (thời gian về Việt Nam công tác, hay hung tin là ba mẹ con đã bị sát hại trong một trận giặc Nhật ném bom vào khu du kích Diên An. Một thời gian sau, tướng Nguyễn Sơn kết hôn với người khác. Khi trở lại Trung Quốc, bà Trần Kiếm Qua đã cự tuyệt không nối lại tình xưa vì muốn giữ cho gia đình mới của tướng Nguyễn Sơn khỏi đổ vỡ) nên bố mẹ phải xa nhau mãi mãi...

Phu nhân Lưỡng quốc tướng quân Trần Kiếm Qua và gia đình Tiểu Phong, Tiểu Việt. (Ảnh tư liệu gia đình tướng Nguyễn Sơn).

Bà Trần Kiếm Qua thấy giấu con mãi không được vì cuộc kháng chiến Viện Triều đã chấm dứt, thấy các con tạm khôn lớn nên đã nói một phần sự thật. Khi đó tướng Nguyễn Sơn đã mất được hai năm! Khi tướng Nguyễn Sơn mất ở Việt Nam, Nhà nước Trung Quốc vẫn quan tâm chu đáo đến các con của Hồng Thủy. Cả hai đều được trợ cấp tiêu chuẩn con liệt sĩ cho đến năm 18 tuổi.

Tiểu Phong và Tiểu Việt cùng tốt nghiệp trung học ở Trường số 4 Bắc Kinh. Năm 1963, Tiểu Phong thi đậu vào Trường ĐH Bắc Kinh thì một thời gian sau bùng lên cuộc cách mạng văn hóa. Bà Trần Kiếm Qua bị phái tạo phản phê đấu hành hạ liên miên. Lương của bà hơn 100 tệ, mỗi tháng bị cắt chỉ cấp cho 18 tệ.

Là sinh viên, tiền sinh hoạt phí hằng tháng đều do gia đình chu cấp. Biết mẹ bị cắt tiền, Tiểu Phong không dám về xin mẹ. Đang trong những ngày khó khăn thì Tiểu Phong được một “bà tiên” ra tay giúp đỡ... Nói đến đây ông hướng cái nhìn về phía một người phụ nữ dong dỏng trong tay là cái camera nhỏ xíu, bà đang mải miết ghi lại những hình ảnh đường phố thủ đô - “Kia là nhà tôi, hồi gặp anh ở Bắc Kinh năm 1999, bà ấy bận không đến sứ quán được. Bà ấy đã cùng tôi về Việt Nam mấy bận rồi...”.

Lâm Song Song là con gái thứ 2 của Lâm Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.  Tại ĐH Bắc Kinh, Tiểu Phong học triết, Lâm Song Song học hóa. Trong đại Cách mạng văn hóa, bố mẹ Lâm Song Song bị tống giam ở nhà tù Thái Thành. Là con gái của “bè lũ hắc bang” nên Song Song lập tức bị dè bỉu, cô lập.

Nhưng Tiểu Phong, vốn quen Song Song từ trước thì vẫn năng gặp chuyện trò bình thường. Tiểu Phong còn rủ Song Song đánh cầu lông, bóng bàn động viên này khác giúp cô khuây khỏa. Hai người cùng cảnh ngộ càng trở nên thân thiết...

May khi đó cơ quan của bố mẹ cô còn cấp cho Lâm Song Song mỗi tháng 25 tệ sinh hoạt phí. Cô biết Tiểu Phong đang trong những ngày khó khăn nên đã kín đáo mua phiếu ăn cho Tiểu Phong, lại giúp Tiểu Phong cả tiền tiêu vặt nữa... Cả hai chỉ dùng mỗi suất của Lâm Song Song thế mà cũng qua được hai năm cuối đại học chật vật khốn khó!

Cuối năm 1968, Tiểu Phong tốt nghiệp chờ phân công việc. Vì mẹ đang mang án phản bội gián điệp nên cả hai anh em đều bị vạ. Tiểu Phong học triết nhưng bị đày xuống xưởng làm phân bón tận tỉnh Sơn Tây. Tiểu Việt bị đày xuống huyện để tiếp thu việc giáo dục lại của bần nông và trung nông lớp dưới. Lâm Song Song khi đó cũng bị liên quan vì bố mẹ nên cũng bị điều xuống xưởng phân bón của Tiểu Phong. --PageBreak--

Dần dà hai người yêu thương gắn bó nhau ngày một sâu đậm và đi tới kết hôn. Từ thời điểm đó Tiểu Phong mang tên mới Trần Hàn Phong. Có lẽ từ bao lâu mẹ ông vẫn đau đáu tình cảm với người chồng đã khuất, người chồng đã từng đặt tên cho con trai (Hồng Thủy - Nguyễn Sơn cũng đặt tên cho vợ từ Trần Ngọc Anh thành Trần Kiếm Qua. Bà Trần sinh tháng 9 Âm lịch, Hồng Thủy - Nguyễn Sơn cũng lấy luôn ngày sinh của mình là mồng 1-10 dương lịch cho vợ!) nay con đã phương trưởng có vợ nên bà đồng ý cho Tiểu Phong có tên mới và mang họ mẹ chăng?

Con gái của hai người được đặt tên là Trần Nguyễn Lăng. Cái tên hội đủ nghĩa của ông nội người Việt Nam Nguyễn Sơn, bà nội Trần Kiếm Qua và ông ngoại Trung Quốc Lâm Phong do ba họ ghép lại. (Họ Lâm và tên Lăng đồng âm) Ông Phong cho hay Trần Nguyễn Lăng đã xây dựng gia đình, hai vợ chồng hiện đang công tác ở nước ngoài.

Sau Cách mạng văn hóa, Trần Hàn Phong được chuyển công tác về Văn phòng Thị ủy tỉnh Sơn Tây rồi được điều chuyển tiếp về công tác tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có lẽ do thừa hưởng gien của bố mà Hàn Phong rất ham học, có năng khiếu về nghiên cứu viết lách. Ông đã có một số công trình như: Tăng cường xây dựng chế độ đại hội đại biểu nhân dân trong thời kỳ cải cách; Trung Quốc tình đại từ điển; Sổ tay của công chức Trung Quốc; Lịch sử pháp chế  CHND Trung Hoa v.v... Tên  Trần Hàn Phong được ghi trong cuốn Trung Quốc chuyên gia đại từ điển do Bộ Nhân sự quốc gia xuất bản.

Qua ông Trần Hàn Phong, tôi cũng biết thêm về người em của ông, Tiểu Việt. Tiểu Việt vướng Cách mạng văn hóa không vào được đại học. Năm 1972, vào học ở Học viện Sư phạm Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, Tiểu Việt làm cán bộ giảng dạy của Học viện. Để góp phần mở rộng giao lưu kinh tế Trung -  Việt, Tiểu Việt nay là Giám đốc Công ty Tư vấn hợp tác quốc tế Thăng Long có trụ sở tại Bắc Kinh. Vợ nguyên là công nhân cán bông đã nghỉ hưu. Hai vợ chồng có một con trai nay cũng đã phương trưởng.

Trần tiên sinh cho hay ông vẫn chưa rảnh tay để nghỉ ngơi được bởi lâu nay ông phải đang bấn bíu vì nhiều việc. Trong đó có việc trọng là quảng bá di sản của Nguyễn Sơn.

Thời gian gần đây ở Trung Quốc, các học giả, các nhà nghiên cứu đang dành tâm sức cho một số công trình như Cuộc khởi nghĩa Quảng Châu, Trường Quân sự Hoàng Phố. Việc nhiều chiến sĩ quốc tế tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu và theo học ở Trường quân sự Hoàng Phố là những sự kiện độc đáo đặc thù. Việc nghiên cứu gặp phải nhiều trục trặc vì lắm nguyên nhân  như tư liệu  bị thất lạc chẳng hạn...

Từ nhiều năm rồi, Trần Hàn Phong đã chuyên tâm nghiên cứu về vấn đề này, về người cha Việt Nam, tháng 8/1927 gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 12/1927 đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu. Trước đó năm 1926, theo học khóa 4 Trường Quân sự Hoàng Phố do Tôn Trung Sơn mở. Hiếm hoi có một người con của một học viên quốc tế  Trường Quân sự Hoàng Phố lại là công dân Trung Quốc. Nghiễm nhiên Trần Hàn Phong trở thành một nhân chứng sống... 

Ngoài việc mời đi nói chuyện ở các nơi về tướng Nguyễn Sơn, ông còn phải làm việc với các học giả, các nhà nghiên cứu đang quan tâm về vấn đề này. Lại tham gia cùng một số cơ quan để nghiên cứu biên khảo... Bộ phim về tướng Nguyễn Sơn được phát trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, một số bài nghiên cứu về Nguyễn Sơn trên Nhân Dân nhật báo, Quân giải phóng NDTQ... đều có sự tham góp nhiệt tình đắc lực của Trần Hàn Phong.

Tháng 4/2008, ông được bầu là Ủy viên TW Ban công tác người Hoa ở nước ngoài. Ông nói việc đó là  do cấp trên luôn coi trọng  tình hữu nghị lâu đời đặc biệt Trung -  Việt là sự đánh giá rất cao những đóng góp cống hiến của tướng Nguyễn Sơn suốt 28 năm với Đảng và nhân dân Trung Quốc mà các thế hệ sau này phải phát huy, cụ thể là các hậu duệ của tướng Nguyễn Sơn phải tiên phong làm tốt công tác này.

Câu chuyện của chúng tôi trở lại những ngày những người con trên đất Trung Hoa của tướng Nguyễn Sơn luôn đau đáu hướng về quê cha đất Việt. Nhưng là dằng dặc những ngày cách trở diệu vợi mù mịt tin tức...

Trong những ngày học đại học, những thông tin qua những câu chuyện của mẹ chưa đủ, để hiểu rõ hơn về người cha thân yêu của mình, Tiểu Phong đã mạo muội viết một bức thư cho Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Trần Tử Bình. Cuộc gặp  ở Sứ quán  với đứa con của người bạn chiến đấu Hồng Thủy (năm 1929, Trần Tử Bình là Đại đội trưởng Đại đội I Trung đoàn 46, Quân đoàn Hồng Quân số 11, Hồng Thủy - Nguyễn Sơn là Chính trị viên Đại đội) Đại sứ Trần Tử Bình biết đây là cơ hội để nối lại mối liên hệ với các thân nhân Trung Quốc của tướng Nguyễn Sơn.

Cho đến bây giờ tâm trí Trần Hàn Phong vẫn in tạc khung cảnh trò chuyện và câu nói của Đại sứ bữa đó. Đại ý Đại sứ nói, cháu Tiểu Phong ạ, chiến tranh đã tạo nên bi kịch phải chia tay của bố mẹ cháu. Nhưng chúng ta phải nhìn về phía trước. Cháu là cốt nhục của hai nước Việt - Trung có trách nhiệm phải thực hiện lời di nguyện của cha cháu làm sứ giả cho đời sau giữa nhân dân hai nước...

Đại sứ Trần Tử Bình đã giúp Tiểu Phong liên lạc được với mẹ Hằng Huân và các em ở Việt Nam. Tiểu Phong cũng nhận được thư của mẹ và các em bên đó. Được phép của các cơ quan hữu trách và mẹ Trần Kiếm Qua, năm 1973, Tiểu Phong và Tiểu Việt đã đến Hà Nội. Như vậy là 17 năm sau ngày mất của tướng Nguyễn Sơn, các con của ông lần đầu tiên mới được đặt chân lên đất đai  Tổ quốc của cha mình.

Rồi những năm tháng khó khăn không nói làm chi, nhưng sau này yên hàn trở lại, người trưởng nam của tuớng Nguyễn Sơn đã luôn là anh cả, là cái gạch nối cho việc thăm hỏi gặp gỡ nhiều lần giữa hai gia đình giữa Bắc Kinh và Hà Nội và bây giờ hơn thế nữa đang góp  phần làm cái gạch nối nhiều việc trọng giữa hai quốc gia. Hẳn vong linh của Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn bây giờ có thỏa!

X.B.
.
.