Chuyện… nhặt vỉa hè

Thứ Tư, 10/11/2010, 15:20
Thi thoảng, người ta vẫn có cảm giác Sài Gòn không quá rộng như nhiều người vẫn nghĩ. Loanh quanh từ quận 8, chạy ngang cầu chữ Y là về quận 5, ngược lên Trần Hưng Đạo là sang quận 1, xuôi về Cao Thắng đụng quận 3... Sài Gòn bỗng nhiên hạn hẹp, và trong cái cảm giác dễ khiến người ta bị gò bó ấy, tôi biết người phụ nữ của vỉa hè có tên là Vân. Chị là người nổi tiếng ở trục đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu và Trần Bình Trọng.

1. Đầu tiên, tôi xin phép được tới nhà chị để được trao đổi nhằm thực hiện bài viết. Chị ngại, nên không đồng ý (mặc dù trước đó, tôi đã được một anh đồng nghiệp bên tờ nhật báo lớn bảo đảm với chị rằng tôi là người đàng hoàng). Kế đến, tôi hẹn chị ở một quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo, gần nơi chị cư trú thì chị vẫn từ chối bởi "vào quán cà phê tốn kém lắm". Sau cùng, tôi gặp chị ở quán cóc tại góc ngã tư Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo.

Những người bám trụ mưu sinh ở góc ngã tư này phần lớn đều biết chị, họ gọi chị là bà Vân “chó mèo”, văn vẻ hơn một chút thì gọi là vú em của những con chó tật nguyền. Và người phụ nữ ấy cũng chẳng có gì đặc biệt. Dáng người khắc khổ, đậm nét hè phố, dong dỏng cao, ốm, da ngăm đen, tuổi đã ngoài 50... Người ta biết chị là bởi hơn 13 năm nay, chị là người "cưu mang" cho hàng trăm con chó ốm, bị vứt lăn lóc ở vỉa hè hay bị chủ chối bỏ tại các trung tâm y tế. Mà chuyện của chị cũng lạ, chị bỏ cả gia đình dạt ra vỉa hè, dựng chòi trú tạm phía bên trong một cái lô-cốt chỉ để được... cưu mang cho chó.

Đến năm 42 tuổi, chị Vân chưa có mảnh tình vắt vai, chị vẫn cứ lẳng lặng mỗi sáng một thân một mình đạp xe đạp từ Trần Bình Trọng về bùng binh Cây Gõ bán thuốc lá. Mà hình như, chị sống cũng khép kín, nên ít khi quan tâm đến người xung quanh. Cho đến một lần, chị phát hiện ra tiếng kêu ăng ẳng từ căn nhà của một người hàng xóm.

Khi một người nuôi chó mà không thương chó nữa, thì đó là gánh nặng. Và con chó nào trở thành gánh nặng cho chủ của mình, thì quả là vô phúc. Xót lòng khi chứng kiến những trận đòn của người hàng xóm dành cho con chó kiểng ấy, chị thử sang xin về nuôi. Người ta nhanh chóng đồng ý. Một con chó kiểng bị ngược đãi, một người phụ nữ độc thân và cả một câu chuyện đời sắp diễn ra ngay từ cái hôm chị Vân mang con chó kiểng về nhà.

Nhà chị đông người và chẳng ai thích chó. Nhưng chiều lòng chị, họ cho chị nhốt con chó kiểng mà chị đặt tên là Lili ấy phía sau nhà. Sáng, chị đạp xe mang nó ra bùng binh Cây Gõ bán thuốc lá với mình, chiều chở về. Rồi, chị gặp con chó thứ hai.

Con chó ta, già, hom hem... không chủ. Sống lay lắt trên những con đường mà chị thường xuyên đi về. Cũng may, dân trộm chó chưa phát hiện ra nó. Nhìn thấy thương, chị lại nhặt nó về nuôi.

Lúc này, gia đình chị đã phản đối rất khủng khiếp.

Đến con chó thứ ba chị đem về từ vỉa hè, thì người thân chị đã nói bóng gió: "Hoặc là mày ở nhà và đừng nuôi chó nữa. Hoặc là cứ ra đường, tìm góc nào đó mà hú hí với tụi nó". Và rồi đến con chó thứ năm thì nói theo cách nói của chị thì: "Với 1 triệu đồng trong túi, mình đi bụi đời cùng chó từ đó".

Chị nghĩ cũng đơn giản thôi, mình đã khổ, chó còn khổ hơn mình. Giờ mình quẳng nó ra đường thì sao nó sống, rồi người ta cũng nhanh chóng biến nó thành... thực phẩm. Và như vậy, với chị đó là một cái tội.

Đàn chó cứ lúc nhúc theo sau, chị không thể đạp xe đạp đi bán thuốc lá mỗi ngày được nữa. Chị chuyển sang đẩy xe bán chổi, loại xe ba bánh có phần sàn dưới thân rộng, đủ để 5 con chó trú ngụ. Chị nổi tiếng ở khu Nguyễn Biểu từ đó, một bà già bán chổi với đàn chó luôn kêu ăng ẳng suốt ngày.

"Mà hồi đó mình nghèo quá, lại không có nhà để về. Cứ chắt bóp rồi mua gạo, mua cái bếp củi, dầu mắm, bỏ hết lên xe. Bán đến trưa thì kiếm góc nào khuất, xin nước để vo gạo nấu cơm, người, chó cùng ăn. Cuộc sống cứ vậy mà trôi đi... cho đến khi mình giật mình nhìn lại, thì đàn chó đã trở nên quá nhiều", chị kể.

2. Chó nhiều, chị không thể tái diễn cái cảnh "sáng mang chó đi, chiều tha về". Về, có nghĩa là nằm tạm dưới mái hiên nhà ai đó, rồi sáng mai phải dậy thật sớm trước khi họ mở cửa. Mà thương lắm, vừa ngủ vừa phải cầu xin đàn chó đừng trở chứng, đừng sủa inh ỏi, đừng tru váng lên để làm phiền đến chủ nhà. Chị cần một chỗ để gửi chó, mà biết gửi ai, cũng chẳng biết gửi ở đâu. Cái nghiệp của người phụ nữ ấy là vậy hay nói theo người khác là "trời đày"á(!).

Cũng may, chị ngủ vỉa hè được... vài năm thì con đường Trần Bình Trọng trở thành trọng điểm về lô-cốt. Người ta quây lô-cốt tại con đường này hàng năm trời, làm việc cầm chừng và... rất nhiều năm đường Trần Bình Trọng bỗng nhiên biến thành hẻm cụt.

Đợi hoài không thấy lô-cốt dọn đi, chị đánh liều dọn đại vào lô-cốt để ở. Chị nói, mấy chú thi công công trình cũng thấy chị dọn vào đó ở, nhưng họ làm lơ đi. Bởi, ai cũng biết chị là dân khu vực này, sinh sống ở đây nhiều năm. Và nghèo theo kiểu... mạt rệp.

Vào lô-cốt, chị vừa xin vừa mua được một cái bạt nilông, quây lại thành lều. Rồi đi xin những thùng trái cây gỗ để về úp chó. "Mấy con chó hồi này tội lắm, cứ bị mình úp dưới thùng cả ngày. Chiều về, mình mới thả ra cho ăn cơm, nhìn con nào cũng buồn hắt buồn hiu", chị nói.

Chuyện bà già nhốt chó trong lô-cốt trở thành đề tài xì xầm của người dân. Họ nói, nuôi chó kiểu của bà chẳng khác nào nuôi... nô lệ thời trung cổ. Vừa tàn nhẫn vừa hành hạ thú vật. Chị biết chó sống với chị khổ chứ, nhưng những con chó ấy không bị đưa thẳng vào lò mổ đã là rất may mắn. Thế nên, chắc là "tụi nó cũng không trách chị đâu. Mình có hơn gì nó đâu, mình cũng khổ mà. Chứ đâu phải mình muốn bạc đãi nó", chị phân trần với tôi như vậy. Còn trước những lời dị nghị của người ta, chị chỉ im lặng không trả lời.

Thời điểm ở trong lô-cốt, chị đã thôi bán chổi. Đơn giản, chị bị phá sản. Không ai có thể gồng mình nuôi cả đàn chó chỉ với thu nhập bấp bênh từ nghề bán chổi dạo. Không bán chổi, chị chuyển sang đi nhặt phế liệu, rồi làm thuê, ai mướn gì làm đó. Có bao nhiêu tiền kiếm được, chị để dành mua thức ăn, rồi tích cóp cho chó đi chích ngừa... Cái lô-cốt vắng bóng công nhân phút chốc trở thành công viên chó đúng nghĩa.

Rồi chị "bắt mối" được với một căng tin gần đó. Mỗi tháng, chị đưa cho người quản lý căng tin 100 ngàn đồng, đổi lại khẩu phần khách ăn thừa sẽ được dành cho đàn chó của chị. Chị nhẹ đi được một gánh nặng. Mà thời điểm này, chó của chị đã nhiều đến mức chị phải gọi theo số thứ tự chứ chẳng biết đặt tên là gì, như: "1, 2, 3, 4, 5... ăn cơm đi".

Số tiền lớn nhất mà chị dành dụm được trong 13 năm đi bụi đời cùng chó, chị mua một cái máy cát-xét. "Chị sống như vậy, mua máy cát-xét làm gì? Để giải trí, để nghe nhạc song song với tiếng chó sủa inh ỏi hả?", tôi hỏi đùa chị. "Đâu có, em. Chị để dành khi nào chó chết, thì chị sẽ cho nó nghe kinh. Nghe khoảng 8 tiếng thì chị mang sang Phạm Thế Hiển thiêu. Thiêu xong chị sẽ chôn", chị trả lời.

Mà mỗi lần chôn chó, là mỗi lần mang theo nhiều lắm nụ cười của chị. Biết sao được, khi chị đã chọn cho mình một cách sống khác lạ như vậy.

Cũng lâu rồi, khi ba má chị quyết định bán nhà chia của cho các con. Má chị có tìm đến nơi ở của chị, nói chị thôi mấy con chó đi, rồi bà cho chị tiền làm gì đó đàng hoàng mà sinh sống.

Chị nói buồn buồn: "Mình về nhà rồi lấy ai nuôi mấy con chó đây. Bỏ tụi nó thì không được, cái số mình chắc là vậy rồi. Nên chị xin má tha thứ, bỏ qua cho tội của chị. Chị không nhận tiền của má chị đâu, chị nói má cứ cho mấy đứa em của chị hết, để khi trái gió trở trời, mấy đứa em của chị còn chăm sóc cho má". Nghe chị kể vậy, tự dưng thấy trời Sài Gòn giữa trưa bàng bạc, đầy u ám.

Của đáng tội, từ khi chị "nổi tiếng" thì cũng là lúc người ta quẳng chó đến chị ngày một nhiều hơn. Có người đi xe hơi, len lén đặt con chó mù gần chỗ chị đang lượm rác. Có người đi xe hai bánh, quẳng ịch con chó què quặt trước mặt chị rồi phóng đi vội vã... Chị nhặt hết những con chó ấy về cái lều của mình để chăm sóc. Và rồi, mỗi đêm chị lại cứ phập phồng canh đám... trộm chó. Từ những tuyệt chiêu như hăm dọa, xin xỏ cho đến mua bán đều đã được những tay lái chó thử qua, nhưng đều không thành công. Không biết vì lẽ gì, bọn họ buông tha cho bầy chó của chị và cả bản thân chị.

3. Từ những hồ nghi ban đầu được kiểm chứng bằng nhiều năm "nuôi chó không công", nhiều người bắt đầu cảm thông và quan tâm đến chị nhiều hơn. Họ gom góp tiền, nói chị nên thuê cái nhà nào đó để ở, để có chỗ cho người lẫn chó chui ra chui vào, chứ không lẽ cứ ở trong lô-cốt hoài. Mà lô-cốt dẫu có chây ì bao nhiêu năm thì cũng phải đến lúc kết thúc. Tiền thuê nhà trọ sẽ do một nhà hảo tâm trả cho chị.

Sau nhiều lần nghe thuyết phục, chị chuyển hết đàn chó của mình về căn nhà trọ rộng 13m2, nằm sâu trong nhiều con hẻm nhỏ ở đường Phạm Hùng, quận 8, TP HCM. Tổng số chó của chị ở thời điểm này đã là 50 con và thêm 10 con mèo. Cứ tưởng tượng căn nhà 13m2 với từng ấy chó và mèo, thì bỗng nhiên cảm thấy không... muốn tưởng tượng nữa. Nhưng với chị, đó là một niềm vui.

Rồi chị được cho cái xe Honda cũ để đi chở thức ăn cho chó, đưa chó đi khám bệnh. Mà cũng may lắm, các bác sĩ thú y thương chị, nên thi thoảng vẫn khám chữa bệnh miễn phí cho những con chó của chị.

Niềm vui duy nhất trong ngày của chị Vân.

... và công việc hàng ngày.

Tôi gọi điện thoại cho chị Kim Hoa, người giúp đỡ chị Vân rất nhiều từ khi chị chuyển đàn chó của mình về căn nhà trọ. Chị Hoa nói, nghe chuyện của chị Vân, chị Hoa thương lắm. Khi đã thân nhau, chị Hoa khuyên chị Vân nên cho chó ăn chay vì rau củ cũng có chất đạm, ăn chay biết đâu thú tính của những con chó sẽ mất đi thì sao. Và khẩu phần ăn chay của đàn chó sẽ do chị Hoa cung cấp.

Nghe chị Hoa nói vậy, chị cũng thử hú họa làm theo. Đàn chó của chị trở thành đàn chó ăn chay trường, có thể là duy nhất ở Việt Nam này. Chị Hoa còn nói nhiều chuyện nữa, chung quy cũng về "Chị Vân là người có cái tâm tốt nhất mà chị từng biết".

Tôi hỏi chị là căn nhà trọ bé xíu, lại ở trong hẻm giữa nhiều căn nhà khác cộng với bầy chó đông đúc, rồi hàng xóm có than phiền chị không? Chị nói. Ban đầu cũng có chứ. Người ta phản đối cũng nhiều, nhưng một thời gian rồi thôi. Chị cũng cố gắng tiết chế đàn chó của mình, chỉ cho chúng sinh hoạt trong cái khuôn viên 13m2 ấy”.

55 tuổi, chị chẳng có gì cho mình ngoài đàn chó mà con khỏe mạnh thì ít, con già yếu thì nhiều. Nhưng chị vui, bởi chị làm được công việc mà chị thích.

Tôi hỏi tên họ của chị, chị nói, thôi, biết tên là được rồi, cần gì biết họ. Ừ, ý chị không thích thì thôi.

Tôi vẫn cho rằng, giữa lúc mọi người đang khốn khó về niềm tin như lúc này, ở ngay tại một thành phố lớn, thì việc làm của người phụ nữ tên Vân ấy là một việc làm rất tốt đẹp. Ít ra, cũng khiến người khác cảm thấy ấm lòng và có thể mỉm cười

Ngô Nguyệt Hữu
.
.