Cienco 5 và chuyện… “3T” (kỳ 2)

Thứ Tư, 09/01/2008, 16:30
Vào thời điểm từ năm 1993 đến năm 2000, suốt một rẻo đất miền Trung không ai lạ gì ông Giám đốc Công ty Nam Việt Á có cái tên khá độc đáo: Thân Đức Nam. Thân Đức Nam lúc này đã nổi tiếng là một doanh nhân thành đạt ở Đà Nẵng và Quảng Ninh. Đây cũng là một con người có cuộc đời khá kỳ lạ.

>> Cienco 5 và chuyện... "3T"

II - Người bỏ lãi lấy... lỗ

Nam sinh năm Mậu Tuất, quê ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo và đông anh em, cho nên tuổi thơ của Nam cực kỳ vất vả bởi phải làm đủ thứ nghề để phụ với người cha nuôi sống gia đình.

Sau này Nam kể: “Tôi biết làm kinh doanh đầu tiên là từ đi bán kem... Được đồng nào lãi một phần đưa cho ba, còn một phần bỏ vào heo đất để lấy tiền đi học, mua sách vở. Có lẽ vì phải đổ mồ hôi, nước mắt để kiếm được đồng tiền từ nhỏ cho nên tôi rất biết cách sử dụng đồng tiền”.

Năm 1976, Nam đi bộ đội và được học nghề y tá rồi phục vụ ở Sư đoàn 859. Đến năm 1980 thì Nam ra quân và từ đấy bắt đầu nghiệp... đi buôn. Đầu tiên là đi buôn gạch, mở lò nung gạch; rồi đi buôn cả đồ cũ như xe máy. Suốt một thời gian dài từ năm 1981 đến 1990, việc buôn bán của Nam khá suôn sẻ và cũng có tích lũy kha khá.

Nhưng rồi Nam nhận thấy rằng, làm ăn kiểu này thì cũng không thể “mọc mũi sủi tăm” lên được bởi vì thu nhập rất phập phù, hơn nữa nếu không có tư cách pháp nhân thì khó có thể tìm kiếm được cơ hội làm ăn lớn. Cho nên đến năm 1992, Nam quyết định thành lập Công ty TNHH Nam Việt Á.

Nam Việt Á là một Công ty TNHH làm thương mại, vận tải, xây dựng và chuyên nhập khẩu ôtô, xe máy, thiết bị xây dựng như máy xúc, xe ben... từ Nhật, Hàn Quốc về. Sau này Nam kể lại, anh là người đầu tiên nhập xe máy Citi của Hàn Quốc về bán ở miền Trung.

Nhưng có một lời khuyên của một thương gia Hàn Quốc khiến Nam phải suy nghĩ. Ông khuyên Nam như thế này: "Buôn bán thì có thời và lợi nhuận sẽ càng ngày càng giảm cho nên hãy đầu tư vào buôn bán các thiết bị lớn".

Ngẫm lại thấy ông ấy nói đúng quá, như chuyện nhập xe Citi chẳng hạn. Lúc đầu, xe bán chạy như tôm tươi nhưng chỉ được khoảng nửa năm, người dân phát hiện thấy chất lượng xe rất thường nên đã có lô hàng nhập về không bán được. Nam vội vàng bỏ nhập xe máy và quay sang nhập khẩu thiết bị chuyên dùng cho xây dựng.

Có máy xúc, máy đào, Nam tham gia đi làm B phụ cho Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà đang làm thủy điện Yaly, đập Thạch Nham. Rồi từ miền Trung, Nam vươn ra Quảng Ninh và đi chở thuê, xúc thuê cho một số mỏ. Số lượng xe, máy chuyên dụng của Nam vào thời điểm năm 1993-1994 có lúc lên tới 100 chiếc.

Nhưng cũng từ khi thành lập Công ty TNHH, Nam phát hiện ra bản thân mình thiếu một thứ đó là kiến thức quản trị kinh doanh. Thế là, vừa lo điều hành công ty, Nam vừa tranh thủ ngày đêm đi học một lớp đại học Quản trị kinh doanh. Khác với không ít người là đi học để kiếm cái bằng cho đủ thủ tục làm cán bộ thậm chí là cho... oai, Nam đi học là học cho chính  mình.

Anh hiểu một điều rằng, làm giám đốc công ty tư nhân thì có nghĩa là anh phải chịu trách nhiệm toàn bộ về mọi quyết định của mình. Nếu sai thì có nghĩa là mất tiền, là phá sản. Cái anh doanh nhân này khác hoàn toàn với một ông giám đốc của một công ty Nhà nước. Bởi lẽ giám đốc công ty Nhà nước nếu làm ăn có thua lỗ thì mất tiền Nhà nước, còn anh ta chả mất cái gì cả ngoài cái danh. Còn doanh nhân, nếu mất là mất tiền, mất tài sản do chính mình ky cóp gây dựng nên.

Hơn nữa, Nam cũng quan niệm rằng giám đốc công ty Nhà nước có lẽ không nên gọi là "doanh nhân" bởi vì anh ta là người được Nhà nước “thuê làm giám đốc” chứ không phải anh ta bỏ tiền của mình ra để làm giám đốc.

Ròng rã 4 năm trời, Nam đã học xong chương trình và được cấp bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Đối với Thân Đức Nam, những kiến thức học được ở trường đại học có giá trị vô cùng, đặc biệt là về sau này.

Việc kinh doanh của Nam Việt Á đang suôn sẻ thì vào năm 1999 ngành than lâm vào tình trạng khủng hoảng. Than sản xuất ra không bán được thế là chẳng ai thuê Nam Việt Á làm B phụ nữa. Thiết bị thì mua trả chậm có ngân hàng bảo lãnh nay đến kỳ phải trả, tiền làm ra không đủ trả lãi ngân hàng, công nhân có khi vài tháng không lương. Vậy là Nam phải bán thiết bị đi để trả nợ, trả lương cho gần 300 công nhân.

Nhiều người thấy tình hình công ty suy sụp đã lặng lẽ ra đi, còn Thân Đức Nam lúc này chỉ có một mong ước cháy bỏng là làm thế nào kiếm được công việc, nuôi được công nhân, những người đã đồng cam cộng khổ với mình.

Cố che giấu mọi người những nỗi lo lắng, Nam chạy như con thoi khắp từ Nam chí Bắc để kiếm việc làm cho công ty. Nào là xin làm đường, nào là làm thủy điện... nghĩa là chỗ nào có thể kiếm được ra đồng tiền dù là chưa có lãi cũng phải lao vào.

Thế rồi, Nam Việt Á lại hồi sinh và khoảng từ năm 2000 trở đi thì đã lấy lại được “phong độ”. Nhưng cũng qua thực tế “đấu đá” trên thương trường, Nam nhận ra một việc, đó là sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.

Mặc dù chính sách của Đảng, Nhà nước là khuyến khích sự phát triển của mọi thành phần kinh tế, nhưng thực chất thì ở nhiều nơi người ta vẫn coi rẻ cái anh công ty TNHH.

Nhiều dự án Nam tham gia đấu thầu mặc dù anh có năng lực thực sự, có vốn nhưng vẫn không được chọn mà Ban quản lý thường chọn các công ty Nhà nước dù họ chỉ có “mỗi con dấu”. Sau khi trúng thầu, họ lại đem bán lại cho công ty của anh... Cái con dấu của công ty Nhà nước quả thật là có quyền lực và sức mạnh ghê gớm.

Như số trước chúng tôi đã nói về ông Phạm Tuân, Tổng giám đốc Cienco 5 ngày ấy. Là người năng động, có những bước đi táo bạo, cho nên ông Tuân rất lo lắng về chất lượng một số cán bộ chỉ huy các công ty con. Đúng là trong số họ có nhiều người được học hành, đào tạo bài bản, nhưng thói quen làm việc của cơ chế bao cấp đã làm cho họ thiếu sức sáng tạo, hay dựa dẫm và đặc biệt giỏi trong việc... đổ lỗi cho "hoàn cảnh khách quan".

Trong khi ấy, ông đang có rất nhiều dự án, rất nhiều ý tưởng mà để thực hiện nó cần phải có những cán bộ dám nghĩ, dám làm và dám "chiến đấu" trên thương trường trong bối cảnh cơ chế quản lý kinh tế cũ và mới đan xen nhau.

Chính vì thế ông luôn để tâm đi tìm kiếm người giỏi kinh doanh.

Trong một lần nói chuyện điện thoại với tôi, ông Phạm Tuân bảo, cho đến nay, ngẫm lại, ông rất vui vì đã tìm được cho Cienco 5 hai gương mặt sáng giá đó là Dương Viết Roãn và Thân Đức Nam.

Với Dương Viết Roãn, việc lựa chọn, đề bạt anh từ một Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế lên cái chức vụ cao hơn thì cũng không khó khăn lắm vì anh có đủ các tiêu chuẩn học vấn, chính trị cần thiết, nhưng với Thân Đức Nam, mọi việc đâu có dễ dàng.

Việc đề bạt Thân Đức Nam là cả một câu chuyện dài, chúng tôi sẽ kể về sau. Nhưng Nam cũng rất thật lòng khi nói về ông Tuân, và coi đó là người đã có công lớn giúp anh trưởng thành.

Vào giữa năm 2000, trong một lần đi ra Quảng Ninh để kiếm dự án cho Cienco 5, ông đã được một vài người giới thiệu về Thân Đức Nam. Và như có cái duyên nào đó, mới trò chuyện được ít phút, ông đã đưa ra đề nghị với anh về đầu quân cho Cienco 5 - nghĩa là đem toàn bộ vật tư, xe máy của Nam Việt Á về sáp nhập với Tổng công ty. Nghe ông nói cũng thấy hay hay nhưng Nam xin ông cho một thời gian để suy nghĩ.--PageBreak--

Ít hôm sau anh trở về Đà Nẵng và thẳng thắn trình bày với ông về suy nghĩ của mình và khước từ lời đề nghị của ông. Cái lý của Nam là về với Cienco 5, nếu mọi việc suôn sẻ thì không sao; nhưng nếu thất bại thì thiên hạ sẽ bảo: “Thân Đức Nam lừa ông Tuân để bán... đống xe cũ!”.

Nam đề xuất với ông ý tưởng như sau: Cienco 5 sẽ thành lập một xí nghiệp và anh về làm giám đốc. Trong 1 năm, nếu thấy xí nghiệp không làm ăn được thì sẽ thôi ngay. Ông Tuân đồng ý và cho thành lập Xí nghiệp 545 rồi bổ nhiệm Nam làm Giám đốc vào tháng 9/2000.

Khi biết chuyện này, nhiều người khuyên ngăn vì họ không thể tưởng tượng được tại sao đang làm giám đốc một công ty tư nhân ăn nên làm ra, lại về làm cho một nơi mà tương lai mịt mù.

Cầu Bình Triệu 2 do Cienco 5 xây dựng.

Nhận thấy ở vùng Quảng Ninh có nhiều cơ hội đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Nam đề nghị với ông Tuân cho mở chi nhánh ở Quảng Ninh. Ông Tuân đồng ý và cấp giấy cho Nam đi ra Quảng Ninh xin mở chi nhánh. Tiếng là mở văn phòng nhưng không tiền, không nhà cửa, và cũng vào lúc này Thân Đức Nam đã nhìn ra một dự án mà nếu thực hiện được thì sẽ nuôi sống được cả công ty.

Số là từ năm 1998, trong một lần khi đi qua phà Bãi Cháy, anh cứ tự thắc mắc rằng, khi nào người ta phải xây cái cầu qua vịnh... chả lẽ một Quảng Ninh phát triển như vậy mà từ Hòn Gai đi sang Bãi Cháy cứ phải chờ phà như thế này. Thế rồi anh lại nghĩ, nếu làm cầu thì phải làm ở đâu...

Nhìn đi ngắm lại, Nam “xác định” được vị trí của một cây cầu trong tưởng tượng và anh leo lên đồi ngắm xuống nơi mà khả năng nơi ấy sẽ có cây cầu đi qua. Anh phát hiện có một khu đầm lầy khá rộng, ngập toàn cỏ dại và cây sú vẹt. Vậy là Nam nảy ra ý nghĩ xin tỉnh cho lấp khu đầm ấy, mở một con đường chạy ven bờ biển từ phố Lê Thánh Tông của Bãi Cháy chạy sang khu Vựng Đâng rồi sang Hà Khánh và đi tới Cao Xanh.

Với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và một số ban, ngành thì cái ý tưởng này của Thân Đức Nam thật là điên rồ bởi lẽ từ năm 1995 đã có một vài công ty lớn đến nghiên cứu và lập dự án về khu đô thị ở vùng đầm lầy này, nhưng rồi họ đều phải bỏ vì không biết lấy cái gì để lấp được khu đầm lầy rộng hơn 30 hécta đó.

Còn Nam, khi dám xông vào dự án này là anh đã nhìn ra một điều mà người khác không thấy đó là không thể dùng đất, đá để lấp đầm mà phải dùng cát. Cát ở đây sẽ được chở từ Yên Hưng về và từ trong phía Cao Xanh ra. Chở cát theo đường sông, đường biển có ưu thế là giá rẻ, phương tiện chở được nhiều và đặc biệt là không cần có đường.

Dự án của Nam đề xuất ra cũng phù hợp với quan điểm phát triển đô thị của tỉnh Quảng Ninh là “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”. Chỉ có điều khác là trong dự án này khi con đường được mở ra thì sẽ tạo điều kiện phát triển cho cả một khu dân cư rộng lớn.

Thấy dự án của Nam hợp lý, hợp tình, lãnh đạo tỉnh ủng hộ ngay. Vốn đầu tư cho dự án hết khoảng 198 tỉ đồng, nhưng trong tay Nam lúc này ngoài 1 tỉ của Tổng công ty cho vay thì anh phải huy động tất cả mọi nguồn vốn có thể. Để lấp được khu đầm lầy, ước tính phải hết 2 triệu khối cát.

Một "chiến dịch" đổ cát lấp đầm lầy, lấy đất xây đô thị mới lớn chưa từng có ở Quảng Ninh diễn ra ngay dưới chân cầu Bãi Cháy trong tương lai. Cứ khi nước thủy triều lên là hàng đoàn xà lan, thuyền chở cát từ Yên Hưng về cập bến và trút cát lên. Có ngày các thuyền, xà lan đổ lên tới gần 10.000 m3 cát.

Quả nhiên, khi đầm lấp gần xong thì Dự án cầu Bãi Cháy được khởi công và thế là khu đất dưới chân cầu trở nên có giá trị. Thân Đức Nam cho chia lô khu đất đó và bán cho dân, thế là anh thu được một khoản lãi khổng lồ cho xí nghiệp.

Đã có lúc Chi nhánh Quảng Ninh hỗ trợ cho Tổng công ty đến 70 tỉ đồng, nhưng số tiền này cũng chỉ có tính chất “hà hơi tiếp sức” chứ không thể vực dậy được một Tổng công ty đang đứng ở ngưỡng cửa phá sản.

Sau thắng lợi ở Dự án Vựng Đâng, Nam lại đề xuất với tỉnh cho thực hiện một cơ chế mới đó là giao đất có thu tiền sử dụng và phải làm đường - có nghĩa là nhà đầu tư phải làm đường nhưng đồng thời phải nộp tiền sử dụng đất cho tỉnh. Nếu thực hiện theo cách này thì tỉnh sẽ vừa thu được tiền sử dụng đất lại vừa có cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế. Tất nhiên là lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đồng ý ngay vì trước đó không ai nghĩ ra việc này.

Ông Thân Đức Nam (người đứng giữa) và một số cán bộ của chi nhánh Cienco 5 tại Quảng Ninh.

Đề xuất này của Thân Đức Nam đã khiến cho một vài nhà đầu tư đất cát ở tỉnh Quảng Ninh “điên tiết” và hồi ấy nghe đồn đã có những âm mưu nhằm trừng phạt anh. Sau thành công ở khu Vựng Đâng, tỉnh Quảng Ninh cho Thân Đức Nam phát triển khu đô thị Hà Khánh - Cao Xanh...

Ngày 3/2/2002, Thân Đức Nam được đứng vào hàng ngũ của Đảng và một năm sau anh được công nhận chính thức. Sau khi được kết nạp Đảng, Nam xin đi học một lớp chính trị cao cấp...

Cuối năm 2003, Lãnh đạo Bộ GT-VT quyết định cải tổ Tổng Công ty Cienco 5 bởi lẽ nợ nhiều quá (tất nhiên cũng có không ít chủ đầu tư còn nợ của Cienco 5). Tổng giám đốc Phạm Tuân về hưu, HĐQT được bổ sung nhiều gương mặt mới, và Dương Viết Roãn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.

Vào thời điểm này, Bộ GT-VT cho thanh tra các công ty của Cienco 5 và phát hiện ra Công ty 507 mất cân đối tới 59 tỉ đồng và còn nợ 200 tỉ đồng nữa. 507 là một công ty chuyên làm cầu đường và đã có một lịch sử oai hùng trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Nhắc lại những ngày đó, ông Trần Nhị, nguyên là Giám đốc Công ty 507 từ năm 1992 tới 2002, nay đã nghỉ hưu và đang ở trên Buôn Ma Thuột nói với tôi:  “507 là một công ty lớn có đến gần 1.700 công nhân ở 27 xí nghiệp khác nhau. Khi thành lập công ty, Nhà nước rót cho chúng tôi chỉ có 300 triệu đồng.

Trong quá trình xây dựng các công trình cầu đường trên khắp cả nước, công ty phải vay vốn ngân hàng và nhiều khi công trình làm xong rồi nhưng không được chủ đầu tư thanh toán. Thế là lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần ngày một nhiều thêm... Do đó có khi vài ba tháng công nhân không có lương là chuyện thường, tiền bảo hiểm của công nhân cũng nợ...

Quả thật, nếu như hồi ấy không có Thân Đức Nam rót tiền từ Chi nhánh Quảng Ninh về để cứu công ty thì số phận của tôi cũng không biết thế nào.

Cho đến bây giờ nghĩ lại, anh Thân Đức Nam không những đã cứu công ty chúng tôi mà còn cứu cả bản thân tôi nữa. Khi tôi về hưu, anh Nam vẫn giữ nguyên cho tôi các chế độ...”.

(Còn tiếp)

.
.