Cô gái khiếm thị với chàng trai người Mỹ (kỳ 2)

Thứ Tư, 09/01/2008, 15:30
Như một định mệnh, cô gái khiếm thị Phương Lan kết hôn với George, một chàng trai người Mỹ tốt bụng cách nửa vòng trái đất. Chuyện tình của hai người rất cảm động, từ gặp, quen rồi yêu, tỏ tình, ngỏ lời cầu hôn, nhẫn cưới đều "qua" các phương tiện... viễn thông.

Khó khăn lắm chúng tôi mới liên lạc được với Phương Lan. Khi chúng tôi tìm đến căn nhà của chị nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phương Lan đang làm thủ tục chờ ngày xuất ngoại.

Những ngày này, Phương Lan vẫn tiếp tục túi bụi với hàng đống công việc, hết dạy học ở Hội Người khiếm thị thì đi châm cứu bấm huyệt chữa bệnh, về nhà dạy đàn tranh, và nhận học trò về dạy bấm huyệt, chữa bệnh...

Khuôn mặt bầu bĩnh, nụ cười hiền hậu, Lan luôn tiếp chuyện mọi người bằng nụ cười tươi tắn, ai lần đầu gặp cô cũng có cảm tình. Nếu Lan không phải là cô gái khiếm thị, có lẽ đường đời của cô đã thênh thênh. Lan cũng có ước mơ như nhiều người con gái bình thường khác về: tình yêu và một gia đình...

Năm 1999, khi Phương Lan đang theo học Trường cao đẳng Sư phạm TP HCM, Lan nghe người bạn nói về một trường đại học đào tạo từ xa dành cho người khiếm thị tại bang Florida, Mỹ: Trường đại học Hadley.

Ngay khi ấy, vốn hiếu học, Phương Lan đã đăng ký theo học ngành tâm lý học. Lúc đó, Phương Lan chưa hề biết gì về Internet, Lan phải trao đổi bài vở, băng học qua... đường bưu điện.

Chuyện về một cô gái khiếm thị Việt Nam hiếu học thường được các thầy cô tại Trường đại học Hadley kể lại với các sinh viên như một tấm gương vượt khó đặc biệt.

Câu chuyện này đã đến tai George Harry, một chàng trai làm việc tại Phòng thư viện Trường Hadley. Công việc của George là gửi thư từ, băng của trường ra bưu điện cho các học viên tại các quốc gia khác trong đó có Phương Lan. Cái tên Chieu Nguyen Phuong Lan, Việt Nam vô tình đã in đậm trong tâm trí George.

George sinh năm 1965 trong một gia đình có 6 anh em, tại Florida. Cha mẹ của George mất sớm, 6 anh em Geogre mà đặc biệt là cậu con út George đã phải bươn chải từ rất sớm.

Một ngày đẹp trời cuối năm 1999, trong số những băng từ, bài kiểm tra của Trường Hadley, Phương Lan còn nhận thêm một lá thư làm quen của George. Sau khi nhờ một người bạn đọc cho nghe thư của George, Phương Lan đã rất bất ngờ trước tấm lòng chân tình của anh, Phương Lan đã nhờ bạn viết một lá thư hồi đáp. Thế là quen...

Thư đi, tin lại qua đường bưu điện một thời gian hai người thấy quá lâu mới nhận được. Có lần, George hỏi Lan biết về Internet hay không, nếu có thì trao đổi thư từ qua e-mail sẽ nhanh hơn! Nghe vậy, Lan bắt đầu tiếp cận Internet.

Đầu năm 2000, tại Việt Nam vẫn chưa có Internet dành cho người khiếm thị. Thế là hàng ngày, Lan đến nhà một người bạn, nhờ địa chỉ e-mail để trò chuyện với George. Như tri kỷ, những cuộc trò chuyện của hai người nhiều khi chỉ xoay quanh những công việc thường ngày nhưng không bao giờ nhàm chán, đôi lúc chỉ là vài từ tiếng Anh mà Lan không hiểu, George không tiếc tiền điện thoại đường dài gọi sang để giải thích cho Lan nghe. George đã giúp đỡ Phương Lan rất nhiều trong chuyện học...

Năm 2000, Phương Lan đi du học tại Nhật, thời gian đầu hai người mất liên lạc. Thế là, Phương Lan chỉ tập trung vào việc học và hòa nhập cuộc sống một cách khó khăn ở đây.

Nhưng rồi một ngày, không hiểu bằng cách nào đó, ở trung tâm tiếng Nhật tại Tokyo, Lan nhận được điện thoại của George, mừng mừng, tủi tủi, hai người đã trò chuyện với nhau lâu đến nỗi ông thầy dạy tiếng Nhật ở trung tâm lấy làm khó chịu. Sau lần ấy, ông cấm những học viên như Lan... nghe điện thoại.

Không như khi còn ở Việt Nam, Lan có thể trò chuyện với George bằng... Internet qua người bạn, tại Nhật, Internet hoàn toàn không có trong khả năng của cô gái khiếm thị. Khi ấy, dù hai người chưa nói một lời gì với nhau, nhưng Lan bắt đầu cảm thấy nhớ nhung người bạn Mỹ kỳ lạ.

Cách nửa vòng trái đất, sau khi nhiều cuộc gọi đến Tokyo gặp Phương Lan đều bị người khác từ chối, George vẫn cố gắng liên lạc, gọi ngày thường không gặp, anh gọi cả thứ bảy, chủ nhật.

Cảm động trước tình cảm của anh chàng người Mỹ George, khi ông thầy phụ trách trung tâm tiếng Nhật về nghỉ vào thứ bảy, các nhân viên ở trung tâm đã lén “nối máy” cho Lan và George gặp nhau. Từ đó, như một quy định chung, cứ mỗi thứ bảy, hai người lại trò chuyện với nhau...

Tốt nghiệp Học viện Okinawa với tấm bằng loại ưu, trở về Việt Nam, Phương Lan lao vào làm việc, hết dạy trẻ khiếm thị lại đi chữa bệnh, dạy châm cứu bấm huyệt. Thời gian của Lan dành hết cho những đứa trẻ khiếm thị...

Trong suy nghĩ của Lan, dù rất thương George, thương một người đàn ông mà cô chưa hề gặp mặt nhưng cô vẫn chưa bao giờ dám nghĩ đến một chuyện tình với George. Hai người vẫn liên lạc và coi nhau như tri kỷ...

Đêm Noel năm 2005, Lan nhận được một gói quà gửi từ Mỹ cùng một lời tỏ tình qua điện thoại “I love you” (Anh yêu em) và những lời yêu thương nồng nàn, Lan chỉ cầm ống nghe im lặng. Một lúc sau Lan mới hỏi như thầm thì: “Tại sao bao nhiêu người bên ấy, bình thường, anh không yêu, mà anh lại quyết định yêu em?”. George trả lời: “Anh yêu em vì những gì em làm được, vì nghị lực của em, vì em là em!”...

Kể từ hôm ấy, Phương Lan cứ trăn trở mãi... Có nên nhận lời George hay không? “Mình chỉ là cô gái tật nguyền, còn George, anh có dư điều kiện để tìm đến với những người tốt hơn mình...”. Lan rất yêu George, nhưng mặc cảm vì là một cô gái khiếm thị khiến Lan cứ nghèn nghẹn, nước mắt cứ chực rơi...

George và Phương Lan trong tuần trăng mật ở miền Tây.

Sau nhiều đêm tâm sự, rất nhiều e-mail gửi sang Việt Nam thuyết phục, rồi George kể cho Lan nghe: có một lần đi công tác đến Anh, George bị mất hết đồ đạc, hành lý, thứ duy nhất mà George còn giữ lại được là tấm hình của Phương Lan trong túi áo. Đêm ngủ vạ vật tại sân bay London, George giữ khư khư tấm hình của Lan bằng cả hai tay và trong giấc ngủ đêm cứ giật mình tỉnh giấc vì sợ... mất.

Lan nhận lời yêu George trong nỗi... hồi hộp vì không nghĩ rằng mình sẽ có được tình yêu thật sự. Lan nhớ ngày còn đang ở tuổi đẹp nhất thời con gái, chị hay đùa với bạn bè rằng: “Vài năm nữa tôi sẽ đi tu, chứ mù lòa như vậy thì ai thèm ngó”. Bạn bè chị nghe thế, nói thêm vào: “Bộ muốn đi tu là đi hả? Đi tu mà mù thì sao mà đi”. Những lời nói đùa ấy, dẫu không muốn nhớ đến nhưng cứ để lại trong lòng Phương Lan cái nhìn u ám về chuyện tình cảm.

Thế nên, khi George tỏ tình, Lan vừa có cảm giác lạ lẫm vừa cảm thấy rất hạnh phúc. Vì chắc ít người như chị, trên 30 tuổi vẫn chưa có cái nắm tay đầu tiên, vẫn chưa có nụ hôn đầu tiên của người con trai, chỉ có lời tỏ tình chân thành từ phương trời xa lắc.--PageBreak--

Từ ngày ấy, mối tình giữa hai bờ Đại Tây Dương được kết nối qua e-mail và những cuộc điện thoại đường dài. Sáng, trưa, chiều, George đều gọi cho Lan. Có lúc, anh chỉ gọi để kể cho Phương Lan nghe rằng hôm nay đi làm về gặp mưa, mua một tờ báo đọc giải trí, tranh luận với bạn bè về một đề tài nào đó...

Những lần “thông báo tình hình” như vậy khiến Lan càng thêm tin yêu George hơn. Chị nói, chị không hề hỏi George về tất cả những gì xảy ra trong ngày với anh, là tự anh thích thì kể thôi.

Đã rất nhiều lần George muốn qua Việt Nam thăm Lan. Như hồi đầu năm 2007, dự tính của George sẽ qua thăm Lan nhân dịp hội từ thiện của George sang Việt Nam, nhưng vào phút chót, chuyến đi bị hoãn lại. Khi thông báo tin này cho Lan, nghe giọng Lan buồn, George quyết định không chờ đoàn từ thiện, anh sẽ một mình qua thăm Lan như lời hứa.

Ngày 14/2/2007, đúng như sự sắp đặt của George, Lan nhận được một món quà là chiếc nhẫn đính hôn được người yêu gửi qua đường bưu điện. Nhận nhẫn buổi chiều, tối ấy, rất sớm, George gọi điện sang và ngỏ lời xin cưới. George nói rằng: “Mong Lan đừng từ chối tình cảm của mình”. Thêm một lần, Lan nghẹn lời trong điện thoại...

Cuối tháng 8/2007, sau 2 ngày bay, George có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất trong một buổi tối trời mưa. Qua điện thoại, Lan thông báo rằng khi George xuống sân bay, Lan sẽ đứng chờ ở ga và trên tay sẽ cầm một tấm bảng lớn ghi tên George.

Nhưng như một định mệnh, ra sân bay, Lan chưa kịp giơ tấm bảng, George đã đi đến bên cạnh. Anh chỉ khẽ nói với Lan: “Anh là George và anh đã đến với em!”. Lan quá xúc động đến đánh rơi tấm bảng mà cô cầm trên tay, George ôm ghì lấy Lan và, cũng thật tự nhiên, anh đã trao cho Lan nụ hôn đầu tiên, nụ hôn giữa sân bay trong một đêm trời mưa rả rích...

Lan cảm động không thể nói được một câu nào. Chị dùng đôi tay lần lên gương mặt của người yêu, và giờ đây mới tin, tình yêu của mình là có thật, George là có thật...

Đám cưới của George và Phương Lan diễn ra ấm cúng, trong số khách mời của chị có rất nhiều người khiếm thị. Những chữ ký nguệch ngoạc lên tấm khăn hồng chúc phúc khiến chị cảm thấy ấm lòng, dẫu không thể nhìn thấy.

Toàn thể người khiếm thị hôm đó đến dự lễ kết hôn của Phương Lan đều xúc động. Họ cảm thấy tự tin vào cuộc sống, vào tình yêu hơn. Nhiều người đến bên chú rể, cứ nắm miết bàn tay anh như hy vọng, hạnh phúc sẽ đến trong cuộc đời. Đám cưới, đàng trai duy nhất chỉ có chú rể. Nhưng, hạnh phúc thì không cần nhiều người! Phương Lan kể, khi George và chị giao bái gán nghĩa vợ chồng, chị vẫn không nghĩ mình lại may mắn đến thế. Hạnh phúc đến với chị êm ái và bất ngờ. Dẫu cho để có được hạnh phúc ấy, cả anh lẫn chị đã bỏ ra nhiều năm trời để tìm hiểu nhau.

Sung sướng nhất trong đám cưới chị, có lẽ là bố mẹ chị, những người luôn đau đáu về tương lai của cô con gái đáng thương của mình. Chắc là, chứng kiến lễ cưới này, họ đã có thể cười mãn nguyện. Đó là ông bố và bà mẹ tuyệt vời, luôn kiên nhẫn bên Phương Lan khi chị khao khát chuyện học tập, làm việc.

Giờ thì George đã về Mỹ, anh đang xúc tiến thủ tục để đưa vợ sang định cư bên đó. Đã là vợ chồng, nhưng xa nhau, George vẫn giữ thói quen mỗi ngày e-mail 3 lần về cho vợ, gọi điện thoại tâm tình...

Hỏi chị nếu sang Mỹ, chị đã có dự định gì? Chị bảo sẽ kiếm việc gì đó để làm... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chị được gần anh, người mà chị yêu thương bằng cả trái tim.

Khi Nguyễn Phương Lan sang định cư ở Mỹ, hẳn là những đứa trẻ ở Hội Người khiếm thị TP HCM sẽ luôn nhớ chị. Hẳn là sẽ có người tiếc về những gì chị đã học tại Nhật chưa phục vụ được nhiều người có hoàn cảnh như chị. Dẫu sao, chị cũng đã đào tạo được nhiều lớp học dành cho người khiếm thị về châm cứu, bấm huyệt trị liệu. Và Phương Lan đã giúp cho những trẻ em khiếm thị không may hy vọng vào tương lai.

Người ta sẽ tìm được hạnh phúc khi biết vượt lên số phận để hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Bởi đơn giản, hạnh phúc không bao giờ kén chọn, nó luôn công bằng đối với tất cả mọi người...

Thuận Thiên - Kinh Luân
.
.