Cô gái khiếm thị với chàng trai người Mỹ

Thứ Hai, 07/01/2008, 08:00
Chị tên là Chiêu Nguyễn Phương Lan, sinh năm Dần (1974). Chị nói con gái sinh năm Dần thường lận đận. Có thể, chị nghĩ đúng. Nhất là chị lại bị khiếm thị bẩm sinh...

Phương Lan là con thứ năm trong gia đình đông con khốn khó ở vùng Cam Ranh (Khánh Hòa). Mẹ chị là người Hà Nam Ninh cũ di cư vào sinh sống tại Sài Gòn thì gặp bố chị, chàng sinh viên trường Văn Khoa. Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ ấy dắt nhau về Cam Ranh lập nghiệp.

Những đứa con ra đời bình thường khiến ông bà cảm thấy an tâm. Cho đến người con gái thứ năm là chị thì ngay khi cất tiếng khóc đầu tiên, bác sĩ đã chẩn đoán chị không thể nhìn thấy ánh sáng. Bố mẹ chị lặng người trước hung tin ấy.

Đất nước thống nhất, gia đình chị quay lại Sài Gòn để tìm kế mưu sinh. Ban đầu, bố mẹ chị mướn một căn nhà nhỏ trong con hẻm sâu trên đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, buôn bán vặt để sinh sống.

Biến ước mơ thành hiện thực 

Trong ký ức của Phương Lan, những ngày này là sự mặc cảm trước những bạn bè cùng lứa. Cả cái xóm nhỏ ấy, chỉ có mình chị bị khiếm thị và cũng chỉ riêng chị không được đến trường. Hôm nào nghe tiếng của học trò đi học ngang nhà gọi nhau, chị đều xin mẹ cho đi học. Nhưng, “người ta có dạy người mù đâu, con!”, mẹ chị đáp.

Nước mắt Phương Lan lại chảy ngược vào trong. Ước mơ về những con chữ lịm tắt trong lòng cô gái khiếm thị ấy.

Thương con, mẹ dạy Phương Lan bằng cách hướng dẫn chị ráp chữ theo mô hình ráp đồ chơi. Cô bé Phương Lan cảm nhận con chữ bằng đôi bàn tay.

Tuổi thơ, thay vì hào hứng với trò ráp hình này thì Lan lại tìm những kiến thức ban đầu từ đó. May mắn thay, vào thời điểm năm 1981, trường dạy chữ cho trẻ em khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu bắt đầu chiêu sinh.

Ngày đó, Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu chiêu sinh bằng cách phân bố các thầy cô dạy trong trường, đi dò hỏi từng quận, phường xem nhà nào có trẻ bị khiếm thị thì cho đi học. Người đặt vấn đề cho chị đăng ký học Trường Nguyễn Đình Chiểu là thầy Võ Văn Hai (chị thường gọi thân mật là thầy Hai Võ, nay ông đã mất). 

Gia đình Phương Lan gửi chị theo học nội trú tại trường, cuối tuần, bố chị lại đón chị về nhà. Học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu hết cấp I, chị tạm thời nghỉ học một năm để trường sắp xếp khóa học cấp II.

Khoảng thời gian chờ trường xếp cấp, chị lại đi học nhạc. Một người khiếm thị đi học nhạc thì quả là bất ngờ. Tuy nhiên, với Phương Lan học chỉ đơn giản là không muốn phung phí thời gian của chính mình.

Năm 1992, chị tốt nghiệp cấp II Trường Nguyễn Đình Chiểu. Trớ trêu thay, lúc này chị lại lâm vào tình trạng bế tắc vì Trường Nguyễn Đình Chiểu vẫn chưa có kế hoạch đào tạo học sinh khiếm thị học lên cấp III. Dĩ nhiên, nếu muốn tiếp tục học, chị phải đăng ký học với những người sáng mắt. Một khó khăn quá lớn với cô gái mà cuộc đời buộc chặt với bóng tối. Nhưng, chị quyết định đi học tiếp.

Phương Lan đăng ký học cấp III bổ túc ở quận, học theo kiểu 2 năm 3 lớp. Biết mình thua thiệt bạn bè vì không thấy chữ, chị học bằng cách ghi âm lại lời nói của thầy cô để về nghiền ngẫm.

Thầy cô chép bài trên bảng thì nhờ bạn bè đọc lại để viết. Nhưng, không phải ai cũng sẵn sàng giúp chị. Cũng khó trách họ, vì đã đăng ký học bổ túc, đa phần đều là người bận rộn mưu sinh.

Đêm về nhà sau khi học xong, mẹ chị lại phải ngồi phụ chị học. Bà soạn lại bài, hướng dẫn chị thực hiện những bài viết trên lớp chưa làm xong... Sự kiên nhẫn đó đã được bà thực hiện cách đấy nhiều năm, khi dạy cho cô con gái khiếm thị của mình cách xếp chữ từ mô hình đồ chơi.

Phương Lan (thứ tư từ phải sang) cùng gia đình.

Tuy nhiên, điều đáng buồn nhất với Phương Lan là khi thầy, cô gọi tên Phương Lan lên trả bài, thấy chị khiếm thị, bèn kêu ngồi xuống. Chắc là các thầy, cô ái ngại cho trường hợp của chị, nhưng, có biết đâu chính vì sự ái ngại của các giáo viên, đã khiến những người như Phương Lan thêm mặc cảm.

Nhưng khó khăn nhất với Phương Lan vẫn là khi thi tốt nghiệp. Chị phải sử dụng máy đánh chữ để viết bài thi, nhờ thầy đọc đề bài giúp để viết lại... Viết bài trên máy đánh chữ, tư duy đề bài chậm hơn người sáng mắt, nhưng với một nghị lực phi thường, Phương Lan cũng tốt nghiệp cấp III đúng hẹn.

Với tấm bằng bổ túc cấp III trong tay, Phương Lan đăng ký thi vào Nhạc viện TP HCM hệ Trung cấp, chuyên về đàn tranh. Vì chỉ có Nhạc viện mới nhận học sinh khiếm thị. Hơn nữa, những ngày học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, chị cũng đã được học ít nhiều về âm nhạc.

Học đến năm thứ 3 ở Nhạc viện, Phương Lan đăng ký thi vào khoa Anh Ngữ, Trường cao đẳng Sư phạm TP HCM. Chị theo học ngoại ngữ là bởi thích làm thông dịch viên.

Hơn nữa, với một người khiếm thị, thì thông dịch viên là cái nghề dễ kiếm việc làm nhất. Vậy là sáng học đàn tranh ở Nhạc viện, chiều chị lại sang Trường cao đẳng Sư phạm học ngoại ngữ. Với người sáng mắt, học ngoại ngữ đã là chuyện không đơn giản. Với người khiếm thị bẩm sinh như chị, chuyện này còn có vẻ như không tưởng hơn.

Chị kể, hồi học ngoại ngữ khó nhất là học ngữ âm, văn chương bằng tiếng Anh... Nhưng chị cũng tìm cách khắc phục khó khăn này theo kiểu của riêng mình. Mỗi chiều đi học về, cha chị thường dò từng từ mới trong từ điển để cho chị học lại.

Phương Lan học tiếng Anh bằng cách hình dung những ký tự Latinh này trong đầu, từng ký tự một ghép với nhau để thành từ mới. Rồi từ mới lại ráp thành câu hoàn chỉnh với văn phạm đúng nguyên tắc. Vốn tiếng Anh của chị cứ đầy dần bởi cách học không giống ai đó. Cứ học thế cho đến khi chị tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm.

Vậy mà ngày biết tin mình đậu tốt nghiệp, chưa kịp mừng, chị lại gặp những éo le khác. Trường từ chối cấp bằng tốt nghiệp cho chị với lý do: chị bị mù. Thay vì bằng, trường trao cho chị một giấy chứng nhận đã học xong chương trình Cao đẳng Sư phạm, chuyên ngành Anh ngữ (!?).

Dở dang bằng cấp, không có show diễn đàn tranh, chị lại quyết định đi học tiếp. Lần này, Phương Lan đăng ký học một lớp phiên dịch. Thời gian rảnh, Phương Lan phụ chị Hướng Dương (người thành lập dự án Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị, thuộc Hội Phụ nữ Từ thiện TP HCM).

Công việc chính của Phương Lan là viết đề tựa bằng chữ nổi cho mỗi cuốn băng sách nói. Vài tháng sau, chị xin qua Hội Người khiếm thị TP HCM công tác. Hội phân công chị đi dạy cấp I, dạy được hơn năm, chị bắt đầu đi học tiếng Nhật.--PageBreak--

Bông hoa lan nở trên xứ anh đào  

Học tiếng Nhật được ít lâu, thì một cơ hội mới mở ra với chị. Năm 2000, chương trình giúp người khiếm thị đi Nhật được phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Tiêu chuẩn để được đi Nhật bao gồm: dưới 30 tuổi, thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, chưa lập gia đình, sinh hoạt trong các đoàn thể. Phương Lan đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn này.

Tuy nhiên, lần phỏng vấn đầu tiên chị bị... rớt. Đến lần phỏng vấn thứ hai, chị mới vượt qua. Chị được sang Nhật học về phương thức bấm huyệt trị liệu.

Hôm chị thông báo cho gia đình tin mình đi Nhật, cả nhà đã phản đối bởi họ lo. Không lo sao được khi cô con gái khiếm thị sang Nhật một mình để học. Những câu hỏi cho khó khăn mà chị gặp phải được gia đình tiên liệu trước, nhưng đều không có câu trả lời.

Mặc, chị thuyết phục được gia đình để mình đi Nhật. Hành trang chị mang đến nước Nhật là một ít vật dụng cá nhân, mì gói... và vài USD, số tiền đủ để có thể gọi điện thoại về Việt Nam thông báo cho cả nhà biết mình đã đến Nhật an toàn.

Sang Nhật, chị ở tại Tokyo 6 tháng để học tiếng Nhật, chuẩn bị cho kỳ thi vào trường dạy châm cứu bấm huyệt trị liệu ở Okinawa, với học bổng khoảng 8.000 yên/tháng. Nếu thi rớt, học viên bị buộc phải trở về nước. Chị bắt đầu học cách cảm nhận một thành phố lạ thông qua giác quan của riêng mình.

Chị kể, lúc ở nội trú học tiếng Nhật tại Tokyo có ông thầy người Nhật khó tính lắm. Nên chị không dám xin gọi điện thoại về nhà vì sợ bị thầy la. Mãi cho đến khi mẹ chị sốt ruột về tin tức con gái quá, đã nhờ Hội Người khiếm thị TP HCM liên lạc giúp để hỏi thăm tình hình. Lúc này, thầy giáo người Nhật mới đồng ý cho chị gọi điện thoại về Việt Nam.

Mỗi năm, chị được cho phép về Việt Nam một lần vào tháng hè. Những lần về thăm nhà ấy, chị mừng lắm. Mừng vì được sống trong tình thương của gia đình, mừng vì được nghe lại tiếng Việt.

Tồn tại trong trí nhớ của chị cho đến lúc này, Tokyo là một nơi sầm uất, đầy đủ tiện nghi, cuộc sống hối hả, con người thân thiện và... không ít lần chị bị lạc giữa nơi này. Có lúc đi thi về, thay vì ra ga đón tàu điện ngầm về nơi trọ, chị lại đi lạc theo một hướng khác. Hoảng hốt, Phương Lan run cầm cập. May sao, một hành khách qua đường đã dẫn chị về đến nhà trọ.

Chưa kịp hoàn hồn sau lần bị lạc đó, chị lại bị lạc thêm một lần nữa. Lần đi lạc này, lỗi là ở nơi chị. Thông thường, người khiếm thị định hướng đường đi như một lập trình sẵn, không được quyền sai lệch, nhất là khi ở một khu vực lạ.

Số là lần đó chị đi xe điện ngầm chung với một người bạn, do mải nói chuyện, chị đã không nghe được thông báo đã đến ga cần phải xuống. Thế là tàu điện thoải mái chạy, chị cũng “thoải mái” lo lắng vì không biết mình đang đi về đâu.

Hỏi chị giờ ngồi nghĩ lại, những lúc bị lạc giữa Tokyo ấy, chị có cảm giác như thế nào?. “Người Nhật rất tốt”, chị đáp mà không cần suy nghĩ!

Sáu tháng ở Tokyo qua nhanh, chị thi đỗ vào khóa dạy châm cứu bấm huyệt trị liệu tại Học viện Okinawa như dự định. Nhớ cái hồi mới qua Nhật, một giảng viên dạy tiếng Nhật từng nói với chị: “Qua đến nơi này, phải khóc 100 lần thì mới cứng rắn lên được”, nhưng chị không khóc.

Cho đến lúc rời Tokyo chuyển về Okinawa học chị lại bật khóc. Khóc vì cô đơn, khóc vì phải xa những người bạn đến từ Mông Cổ, Hàn Quốc, châu Phi...

Mới đầu khi vừa theo học lớp bấm huyệt này, chị liên tiếp bị “điểm đỏ”. Bởi những môn như cơ thể người hay thần kinh huyệt đạo, chị chủ yếu dựa vào trí tưởng tượng để phán đoán.

Nhưng thầy Jasưtô, giáo viên chủ nhiệm của chị thương cô học trò khiếm thị đến từ Việt Nam nên đã bỏ ra rất nhiều thời gian để hướng dẫn cho riêng chị. Riết rồi, chị cũng có thể phân biệt được các huyệt đạo trên cơ thể người. Những người khiếm thị như chị khi học châm cứu, giảng viên hướng dẫn vị trí châm kim trên cái gối mỏng.

Tuy nhiên, khi thi tốt nghiệp thì giảng viên lại... lấy cơ thể mình ra làm thí nghiệm để đánh giá khả năng châm cứu của các học viên. Phương Lan xuất sắc vượt qua cuộc khảo nghiệm cam go ấy, chị chính thức được công nhận là học viên tốt nghiệp trường châm cứu bấm huyệt trị liệu Okinawa.

Phương Lan (thứ hai từ trái sang) trong ngày tốt nghiệp tại Nhật.

Ngày chị tốt nghiệp, báo chí lẫn đài phát thanh địa phương đều đến đưa tin về chị, như là một tấm gương điển hình về nghị lực. Cô gái nhỏ nhắn, bị khiếm thị bẩm sinh ấy đã làm những người Nhật tại Okinawa có cái nhìn thiện cảm về con người Việt Nam.

Cuối năm 2004, chị trở về Việt Nam sau hơn 4 năm du học. Hội Người khiếm thị TP HCM đề nghị chị vào dạy cho các hội viên. Chị đồng ý, vậy là chị phải soạn giáo án từ tiếng Nhật sang tiếng Việt để dạy.

Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ đơn giản thế. Chị có thể dạy tốt ở Hội với tư cách là một cô giáo, nhưng cái nghề chị học được ở Nhật lại không thể áp dụng phổ biến vào đời sống.

Lý do rất đơn giản, ai dám giao cơ thể mình cho một người khiếm thị để châm cứu. Ngoại trừ những người hàng xóm gần nhà chị, tin tưởng về tay nghề của chị nên hay giới thiệu người khác đến châm cứu mỗi khi có vấn đề về sức khỏe. Cái phòng mạch bé được chị mở ra để giúp người hơn là để kinh doanh.

Nghị lực phi thường của cô giáo khiếm thị Phương Lan ngày nào khiến nhiều người rất cảm phục và ngưỡng mộ. Nhưng, mối tình của chị với chàng trai người Mỹ còn gây nhiều sự ngạc nhiên. Một chuyện tình cảm động với kết thúc đẹp như trong cổ tích.

(Còn tiếp)

.
.