Cô giáo tham gia phá án

Thứ Bảy, 26/11/2011, 10:30
Từ hàng chục năm nay, cô giáo Trần Thị Vàng trở thành một nhân chứng đặc biệt của rất nhiều vụ án mà người trong cuộc - gồm cả nạn nhân, nhân chứng, tội phạm và điều tra viên - "dị biệt ngôn ngữ" với nhau  ở khắp các tỉnh thành khu vực phía Nam...

Cô giáo Trần Thị Vàng (49 tuổi) là một giáo viên dạy trẻ khiếm thính  tại Trung tâm Giáo dục Trẻ Khuyết tật Thuận An, Bình Dương (Thuộc trường Đại học Sư phạm Tp HCM). Ngoài nghề dạy học, cô còn là một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu cho chương trình thời sự Đài Truyền hình Tp HCM.

"Tôi đã từng là giáo viên... lậu"

Trước khi trở thành một giáo viên có bằng cấp sư phạm, chị đã dạy… không phép suốt 10 năm. Ai cũng biết chị không bằng cấp, kể cả các nhà quản lý chuyên môn nhưng phải làm ngơ để chị dạy, thậm chí còn phải trả lương cho chị. Bởi lúc đó, trẻ khiếm thính thì nhiều mà giáo viên biết ngôn ngữ ký hiệu thì ít, người ta đành để chị dạy một cách… hợp pháp.

Chị kể, lý do chị không có bằng cấp là bởi cái nghèo.

"Ngày xưa, ba tôi mồ côi, mồ cút, ở đợ cho một chủ điền ở Lái Thiêu. Nhờ siêng năng, hiền lành nên chủ rất thương. Họ đứng ra cưới má tôi cho ba tôi rồi cho mượn một miếng đất cất nhà. Ba má tôi tiếp tục làm thuê cho họ. Má tôi sinh được 5 người con, 2 trai, 3 gái. Ba tôi mất khi tôi vừa chào đời. Một mình má làm thuê không đủ tiền lo cho cái gia đình leo nheo, lóc nhóc ăn cháo trắng với muối cục. Anh Hai tôi mất chỉ vì ốm mà không có tiền uống thuốc".

Một ngày nọ (vào khoảng năm 1964), một mệnh phụ phu nhân nổi tiếng xinh đẹp và quyền uy của Sài Gòn) về Lái Thiêu mua một khoảnh đất gần căn nhà lá xiêu vẹo của mẹ con chị. Mua đất xong, người phụ nữ quyền thế ấy tìm người thuê phát hoang, dọn cỏ. Điều kiện đưa ra là ngoài mức lương ngày còn được bao cơm ăn. Bà Út Nhỏ, tức mẹ của chị, được giới thiệu đến làm. Thế là bà Út Nhỏ lùa hết đám con 4 đứa ra bãi đất cùng dọn đất. Đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa nhỏ nhất (là chị Vàng) chỉ mới 2 tuổi cùng ra làm để có cơm ăn. Chẳng đứa nào có bộ đồ trên người lành lặn. Động lòng, bà chủ đất bảo mẹ chị đưa 2 con về nhà của bà ở Sài Gòn ở đợ. Chị Vàng nhớ rõ: "Lúc đó, nhà bà chủ này ở đường Sương Nguyệt Anh. Nói tiếng ở đợ chứ không có lương, chỉ được cơm ăn, áo mặc. Anh Ba tôi khoảng 8 tuổi. Chị Tư tôi khoảng 6 tuổi. Sau này, khi anh Ba lớn thêm chút xíu, bà chủ giao cho người khác để tiếp tục làm ôsin. Đó là một gia đình cũng làm lớn trong chính quyền Sài Gòn. Bị vu khống ăn cắp, anh tôi uất ức bỏ đi. Năm đó anh mới 16 tuổi".

Còn lại 2 đứa con nhỏ, mẹ chị đi lang thang làm thuê từ Lâm Đồng đến Bình Thuận, Đồng Nai. Khi thiếu việc thì vô chùa làm công quả để có cơm ăn.

Khi chị được 8 tuổi thì anh Ba có gởi cho mẹ chị được một ít tiền. Từ đó mẹ chị trở về Lái Thiêu, cất cái chòi lá trong rừng Bình Đức để ở. Chị được đi học. Chị phải làm thuê phụ giúp mẹ nên việc học cứ lam nham. Tuy học giỏi nhưng có năm chị nghỉ học đi làm thuê mất hơn 3 tháng. Chị còn nhớ, những ngày bỏ học tìm kế sinh nhai đó, chị đã được 2 cô giáo Đỗ Thị Thúy và Hồ Ngọc Lượm cưu mang và động viên chị trở lại lớp. Đến năm 1983, chị mới tốt nghiệp cấp ba.

Tốt nghiệp xong, không đủ tiền tiếp tục thi vào đại học sư phạm mặc dù ước mơ làm cô giáo luôn ám ảnh chị từng đêm trong giấc ngủ, chị đành gạt nước mắt xin làm công nhân sản xuất chén sành. Nhà chị gần Trường Câm điếc Lái Thiêu. Trường được các nữ tu của nhà thờ Lái Thiêu biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu phụ trách giảng dạy. Một hôm thèm làm cô giáo quá, chị đánh bạo đi thẳng vào trường xin làm… cô giáo. Người đầu tiên chị gặp là nữ tu Mai Anh. May cho chị, thời điểm đó học sinh khiếm thính từ các tỉnh đổ về trường rất đông nhưng giáo viên biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu lại hiếm. Thấy chị nhiệt thành, nữ tu Mai Anh nhận chị vào trường để đào tạo phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Sau 6 tháng miệt mài vừa học vừa làm trợ giảng cho nữ tu Mai Anh, chị rành hết loại ngôn ngữ xa lạ này. Như có năng khiếu bẩm sinh, không những rành mà chị còn thuộc dạng siêu về loại ngôn ngữ "nói" bằng tay so với các giáo viên chính quy.

Dịp may nữa đến với chị, Trường Câm điếc trực thuộc Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội được giao lại cho Bộ Giáo dục & Đào tạo, chịu sự quản lý trực tiếp của trường Đại học Sư phạm Tp HCM. Do thiếu giáo viên trầm trọng, chị lại giỏi ngôn ngữ ký hiệu nên được trưng dụng làm giáo viên chính thức, dù chưa có bằng cấp. Giấc mơ sư phạm của cô gái lọ lem đã chạm ngõ sự thật.

Một thời gian sau, chị được trường cho đi học Trung học Sư phạm rồi Cao đẳng Sư phạm hệ tại chức. Học xong, chị thi vào Đại học Sư phạm hệ tại chức tốt nghiệp năm 2009, khi đã 47 tuổi. Chị đã phải đi một con đường vòng suốt 25 năm để có tấm bằng cử nhân sư phạm.

Cô giáo Trần Thị Vàng và một lớp học của trẻ khiếm thính.

Nhân chứng những vụ án liên quan đến người khiếm thị

Nếu nói về ngôn ngữ ký hiệu thì chị thuộc dạng "siêu của những người siêu". Cái "siêu" trong việc sử dụng loại ngôn ngữ dành cho người khiếm thính không chỉ là "tay lanh, mắt lẹ" mà phải biết diễn đạt những từ chưa có quy ước trên thế giới của người không nghe, không nói được. Với chị, đó chỉ là "chuyện nhỏ". Người khiếm thính diễn đạt kiểu gì chị cũng hiểu. Nổi tiếng về tài phiên dịch nên từ năm 1980 đến nay, hầu hết các vụ án liên quan đến người khiếm thính ở khắp các tỉnh thành phía Nam, các điều tra viên đều đánh xe đến tận trường đón chị đi làm phiên dịch.

Nhiều vụ án bế tắc chỉ vì các điều tra viên không thể khai thác lời khai của nạn nhân hoặc nghi phạm khiếm thính, khiếm âm. Với người bình thường phạm tội, khi ngồi trước mặt điều tra viên còn câm như hến huống chi nghi phạm lại thuộc dạng 2 không, tức không nghe được, không nói được. Với người bình thường, khi bị hiếp dâm còn ngại mở miệng, huống chi người bị khuyết tật phát âm và khuyết tật thính giác. Bằng nhạy cảm của nghề sư phạm, chị có cách khai thác riêng để những đối tượng này "mở lời". Có lần một người đàn ông khiếm thính là nghi phạm một vụ giết người ở Vĩnh Long. Tận dụng khuyết tật của mình, ông ta vờ như không biết gì về vụ án. Khi chị đến phiên dịch, ông ta cũng vờ không hiểu ngôn ngữ ký hiệu. Để lấy điểm "đồng cảnh", chỉ phải vờ làm người khiếm thính để "trò chuyện" bằng tay với ông ta. Thế là ông ta đã tự khẳng định biết và hiểu ngôn ngữ ký hiệu. Buổi điều tra thành công vì sau đó nghi phạm kể tuốt mọi chi tiết phạm tội của mình.

Nhiều vụ án hiếp dâm mà nạn nhân là người khuyết tật thính giác khiến chị đau lòng suốt nhiều ngày liền. Một số con yêu râu xanh nghĩ rằng những em gái khiếm thính, khiếm âm không thể khai báo tội trạng của chúng nên có dịp là chúng ra tay phạm tội. Khi cơ quan điều tra mời đến làm việc, hầu hết những tên tội phạm này đều chối bay chối biến hành vi của chúng, đồng thời khiêu khích các điều tra viên lấy lời khai của bị hại. Tuy tin chắc đó là hung thủ nhưng nạn nhân chỉ ú ớ thì không thể ghi thành lời khai. Khi chị xuất hiện, trông thấy cảnh chị "trò chuyện" thoải mái với nạn nhân, rồi phiên dịch để thành lời khai bằng văn bản, hung thủ không còn đường chối đành cúi đầu nhận tội. Dù biên bản lời khai của nạn nhân khiếm thính đã được xác lập nhưng khi ra tòa, chị vẫn phải xuất hiện để tiếp tục phiên dịch, đồng thời làm nhân chứng cho bản cung.

Một cô bé khiếm thính 15 tuổi ở Bình Phước bị hiếp dâm. Nhờ có chị, kẻ dâm ô bí mật được đưa ra ánh sáng công lý nhận bản án thích đáng. Ngày kết thúc phiên tòa, cô bé không chịu về nhà mà cứ bám riết lấy chị. Cha mẹ cô gái đến gặp chị cảm ơn. Hỏi ra, chị mới biết họ quá nghèo và đông con. Thế là chị đứng ra làm thủ tục cho cô bé đó vào Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An - nơi chị giảng dạy - để được nuôi dưỡng. Đến nay cô bé đó đã học lớp 2 và xem chị như mẹ ruột.

Nhiều vụ án khẩn cấp điều tra viên phải "điệu" chị đi vào  lúc nửa đêm, chị vẫn nhiệt tình tham gia. "Góp công sức để giữ an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ công lý cho người khuyết tật thì tôi không thể nề hà công sức. Được cộng tác với Công an là niềm hãnh diện đối với tôi" - chị bộc bạch.

Không những tham gia "trị" tội phạm, chị còn trở thành một hòa giải  viên bất đắc dĩ. Cách nay vài năm, lúc nửa đêm, một gia đình ở đường Hồ Văn Huê (Phú Nhuận, Tp HCM) gọi điện thoại đến chị bằng giọng khẩn cấp: "Thằng con trai câm điếc của chúng tôi tự dưng đóng kín cửa phòng ngủ rồi đập phá trong đó suốt cả ngày nay. Bây giờ trong phòng nó tỏa khói mù mịt. Không hiểu nó đã đốt cái gì trong đó. Giờ chúng tôi phải làm sao?". Dù đang bận việc, chị cũng phải vượt hàng chục cây số để đến nơi. Chị phải đến cửa sổ để gã thanh niên trông thấy. Bằng ngôn ngữ ký hiệu, chị thuyết phục anh ta nói rõ nguồn cơn. Hóa ra, anh ta xin tiền bà mẹ mua một chiếc xe gắn máy để tham gia chuyến "phượt" xuyên Việt với bạn bè. Vì bất đồng ngôn ngữ, anh ta và mẹ không hiểu nhau. Bà mẹ tưởng anh ta đòi mua xe để đi đua đường phố nên không cho. Anh ta tưởng bà mẹ tiếc tiền. Thế là anh ta vào phòng đập phá đồ đạc chán chê rồi tạo sự cố giả cháy bằng cách đốt… hàng chục bó nhang. Biết được nguyên do, chị làm phiên dịch hòa giải hai mẹ con. Chỉ sau nửa giờ, hai mẹ con đã hiểu nhau và ôm nhau khóc. Dù mất giờ dạy, dù … tốn tiền xăng, chị vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã làm được điều có ý nghĩa.

Tháng 4/2010, Ban Thời sự Đài Truyền hình TP HCM mở một góc nhỏ trên màn hình phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu dành cho khán giả khiếm thính, chị và một phiên dịch viên khác được chọn mời. Từ đó đến nay, chị trở thành nhân viên "nhà đài" thứ thiệt, xuất hiện thường xuyên trong các bản tin thời sự.

Không tính thời gian làm trợ giảng, tính đến nay, chị đã có 28 năm, 11 tháng đứng trên bục giảng dạy trẻ khuyết tật. Hàng trăm lứa học trò khuyết tật được trang bị kiến thức ra đời hòa nhập cộng đồng. Nhiều học trò của chị lấy chồng khiếm thính nước ngoài đi định cư vẫn thường xuyên về nước thăm chị.

Hiện nay, ngoài 15 tiết dạy môn Ngữ văn và Giáo dục Công dân, chị còn đảm nhiệm vai trò trưởng khối giáo dục trẻ khiếm thính từ lớp 4 đến lớp 9 của Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An. Chị được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Giáo dục Đào tạo và nhiều tổ chức khác tặng bằng khen vì sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục người khuyết tật.

Vượt qua nhiều nỗi khổ cực vất vả của tuổi thơ để bây giờ trở thành "người của công chúng khuyết tật", nghị lực của chị đáng để nhiều người noi gương

Nông Huyền Sơn
.
.