Có một Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng 118 tuổi

Thứ Ba, 05/10/2010, 18:35
Mới đó mà đã gần tròn thế kỷ, kể từ ngày mẹ Trần Thị Viết từ Thủ Thừa về Vĩnh Hưng, Long An làm dâu, mẹ đã hy sinh cho miệt Vĩnh Hưng này không chỉ 7 người con, còn cả 1 người cháu nội cũng theo cha chú đi làm cách mạng. Ở miệt Đồng Tháp Mười này, nước mắt mẹ đã chảy nhiều hơn bất cứ người phụ nữ nào khác.

7 lần tiễn con đi, 7 lần khóc thầm lặng lẽ!

Tuyên Bình Tây là một xã thuộc vùng biên giới của huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Xã Tuyên Bình Tây nằm sâu trong vùng trũng nhất của miệt Đồng Tháp Mười, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch chằng chịt. Như nhiều địa phương khác thuộc vùng Đồng Tháp Mười, hàng năm Tuyên Bình Tây phải sống chung với lũ trong vòng 5 tháng, thời gian đó, nước ngập trắng đồng, cả xã cũng chỉ còn một số gò cao không bị lũ nhấn chìm, những chòi lá được dựng tạm trên những gò đất ấy.

Mẹ Viết nhớ lại, ngày mới về làm dâu miệt này, thấy câu "Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh" chẳng ngoa tí nào. Chồng mẹ - cụ Nguyễn Văn Dành - tuổi Tý (SN 1888), là con của một nghĩa binh kháng Pháp thời Cần Vương, quê ở miền Trung, vì trốn sự truy đuổi của giặc Pháp đã di cư vào Đồng Tháp Mười. Ông có người chị họ đi bán cá ở vùng Thạnh Lợi, Thủ Thừa quê mẹ Viết, nhờ vậy mà quen rồi thương mẹ. Khi mẹ Viết về đây, chỉ thấy một vùng mênh mông bát ngát, lau sậy giăng giăng, đưng đế bạt ngàn. Một cánh đồng sình lầy, đất rộng người thưa, cả một xã, loe ngoe vài căn chòi như chòi vịt, chằng chịt kênh rạch.

Thương chồng, mẹ Viết cắn răng, xắn tay cùng chồng gây dựng, sinh sống tại mảnh đất Vĩnh Hưng này. Trước đây, do đất đai ở Tuyên Bình Tây nhiễm phèn nặng, nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hầu như phụ thuộc vào thiên nhiên. Mỗi năm, Tuyên Bình Tây chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, năng suất lại thấp, hai vợ chồng mẹ Viết "tăng gia" thêm 1 vụ khoai, rảnh thì bắt con tôm, con cá, đắp đổi qua ngày. Cực khổ, nhọc nhằn là vậy, mẹ Viết cũng sinh cho chồng lần lượt đến 10 người con, 8 trai, 2 gái. Con cái mẹ, như lau như sậy, vẫn lớn lên sau mỗi mùa nước nổi...

Cho đến năm 1945, Tuyên Bình vẫn là một vùng đất "rất rộng" mà người "rất thưa", với khoảng 150 hộ dân. Tuyên Bình nằm trên con đường hành lang chiến lược nối liền miền Đông với miền Tây Nam Bộ, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Tuyên Bình là vùng căn cứ quan trọng, chiếm vị trí trọng yếu trên hành lang chiến lược nối liền giữa Trung ương Cục miền Nam với chiến trường Khu 8. Những tên đất, tên người ở Tuyên Bình như: Chùa Nổi, Rạch Bay, Đầu Sấu, Cả Rưng, Cả Gừa... đã đi vào lịch sử trong các cuộc kháng chiến của quân dân Nam Bộ. Đây từng là căn cứ của cơ quan cấp xứ của Nam Bộ trong những năm 1947- 1951. Tuyên Bình trở thành địa bàn giằng co giữa ta và địch, bên nào cũng muốn giành quyền kiểm soát khu vực trọng yếu này suốt chiều dài của cả hai cuộc chiến tranh.

Chảy theo dòng chảy cách mạng, năm 1952, con đầu lòng của mẹ Viết là Nguyễn Văn Liễng tham gia cách mạng. Thời gian đầu, anh Liễng giấu mẹ, sợ bà lo, nhưng thấy con đi sớm về khuya, có khi đi mấy ngày trời mới về, người đầy bùn sình nhưng tâm trạng rất phấn khởi, anh kể chuyện ngoài Bắc, kể chuyện Bác Hồ, chuyện bưng biền, bà sinh nghi. Thời điểm này, nhiều người vùng Vĩnh Hưng đã tham gia cách mạng, rồi một ngày, mẹ gọi anh Liễng lại: "Má biết con theo cách mạng, theo Bác Hồ sao lại giấu má?". Anh Liễng cười hiền, rồi bảo mẹ: "Giờ con đã là công an viên của xã rồi má à!”. Má ôm lấy đầu anh Liễng vào lòng... Hai Liễng bảo mẹ:  “Con đi làm cách mạng, chuyện sống chết không biết thế nào, con có chuyện gì, má ngó chừng mấy đứa nhỏ (khi ấy, Hai Liễng đã ngoài 30 tuổi, đã có vợ và 5 con nhỏ)! Mẹ Viết kể tiếp...

Tường nhà mẹ Viết treo đầy giấy ghi công những người con liệt sĩ và giấy mừng thọ bà.

Má còn nhớ vào một ngày nước lũ đổ về, trắng đồng, mưa không ngớt, má ngồi trong nhà mà thấy ruột gan cứ sôi lên, má nghĩ tới anh Liễng mấy ngày nay đi biệt, khi anh Liễng đi, còn dặn, "con sẽ sớm về, lợp lại cho má cái mái dừa, mưa rồi lũ chuẩn bị dồn về, nhà mình vầy không ổn đâu má!”. Từ ngoài xa, má thấy thằng Tư tất tả về nhà, má linh cảm Tư sẽ đem tin chẳng lành của Hai Liễng. Anh Liễng hy sinh, lòng má đau như cắt, nuốt nước mắt vào trong: "Má cấm tụi bây không được khóc thằng Hai, nó hy sinh vì đất nước thì không có chi phải khóc".

Nhưng có mấy đứa nhỏ, chịu không đặng, khóc rưng rức. Má ôm tụi nhỏ vào lòng, không khóc mà nước mắt cứ chực trào ra, có đứa mới 5-6 tuổi khi anh Hai chúng hy sinh. Sợ tụi Việt gian biết chuyện anh Hai Liễng theo Việt Cộng, má làm đám tang cho Hai Liễng một cách lặng lẽ, một nấm mồ nhỏ, vài nén nhang thắp vội. Trước mộ con, má lại hứa, đứa nào lớn lên, muốn theo anh Hai má đều ủng hộ. Ấy là vào tháng 6/1953.

Mẹ lấy gương chiến đấu hy sinh của anh Hai Liễng để động viên những người con còn lại tham gia chống giặc cứu nước. Các con mẹ Viết đều đã nối gót theo anh mình, Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Kiểng, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Yến lần lượt được mẹ tiễn lên đường nhập ngũ. Tháng 12/1958, người con thứ sáu, anh Nguyễn Văn Tạo - Tiểu đội trưởng du kích xã Tuyên Bình, hy sinh ở tuổi 22, cùng năm đó, Nguyễn Văn Kiểng, con thứ ba, đội trưởng đội du kích xã, hy sinh...

Năm 1959, mẹ tiễn tiếp 2 con vừa trưởng thành là Nguyễn Văn Trị và Nguyễn Văn An ra trận. Năm 1963, anh Trị cướp súng giặc không thành, bị địch bắt, xử bắn tại Mộc Hóa. Mẹ nén lòng tiễn đứa con út Nguyễn Văn Dẫu vào kháng chiến. Cả đứa cháu nội - con liệt sĩ Nguyễn Văn Liễng - cũng nối bước cha cùng chú vào bưng. Ông Dành, chồng mẹ, mất vào năm 1966, hưởng thọ 78 tuổi. Một năm sau, trong trận Mậu Thân - 1968, Dẫu hy sinh. Năm 1971, anh An, cán bộ binh vận xã, hy sinh. Năm 1972, đứa con cuối cùng của mẹ Viết còn lại ở chiến trường Đồng Tháp Mười - anh Nguyễn Văn An, cũng vĩnh viễn nằm xuống.--PageBreak--

Những cái giấy báo tử lần lượt nằm trên đôi bàn tay mẹ, những tờ giấy báo cuối cùng, mẹ không còn nước mắt để khóc, chỉ biết nhìn tấm giấy một cách vô tri, vô giác. Như lời anh Bình, giờ là người nuôi bà nội, nhang khói cho cha và các bác của mình, cho biết, anh là con của người con út của mẹ Viết. Sinh ra, anh chưa thấy mặt cha thì cha anh đã hy sinh, từ ngày anh biết chuyện, chưa một lần anh thấy nội rơi nước mắt. Lâu lâu, nội lại lấy những tờ giấy báo tử cũ kỹ, tỉ mẩn sắp xếp lại rồi chuyện trò với chúng!

Sau ngày miền Nam giải phóng, trong khi nhiều gia đình sum vầy, mẹ Viết, khi ấy đã ngoài 80 tuổi, khăn gói đi khắp miệt Đồng Tháp Mười, những nơi mà trên giấy báo tử ghi con mẹ hy sinh, cuối cùng rồi mẹ cũng tìm được mộ của anh Hai, anh Ba và anh Bảy, đưa về yên nghỉ tại  Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng, đây cũng là tâm nguyện cuối đời của mẹ. Thời gian mẹ còn khỏe, ngày giỗ con, mẹ vẫn một mình lọ mọ đi ra nghĩa trang liệt sĩ huyện, tỉ mẩn lau từng ngôi mộ, mẹ lau không xót một ngôi mộ nào. Mẹ bảo "đứa nào" cũng là liệt sĩ, có người có người thân chăm sóc, nhưng có những chàng trai, cô gái tận miền Bắc vào Nam chiến đấu rồi nằm lại đây. Mẹ Viết được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng trong đợt đầu tiên của tỉnh Long An.

Mẹ Viết và kỷ lục Việt Nam?

Giấy tờ mà mẹ Trần Thị Viết còn giữ để xác nhận năm sinh 1892 của mẹ là giấy căn cước số 019443 do chính quyền chế độ cũ cấp năm 1962 và giấy chứng nhận Phật tử do Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất cấp năm 1970.

Bây giờ, mẹ Viết đang ở với người cháu nội tên Nguyễn Văn Bình con của người con út cũng ngay trên gò đất mà gần 1 thế kỷ trước mẹå về làm dâu, ngôi nhà mới được xây, rộng rãi, khang trang, từ tiền gom góp mấy mùa lúa bội thu. Hôm tôi từ TP HCM về gặp mẹ, cũng trùng hợp khi có một đoàn công tác của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ xuống làm phim tư liệu về mẹ. Tiếp khách từ sớm, nhưng mẹ không tỏ vẻ mỏi mệt của người cao tuổi, vẫn bỏm bẻm nhai trầu.

Nghe người cháu dâu kể, cụ không còn cái răng nào, nhưng nghiện trầu, trừ khi ngủ, khi ăn. Trừ những hôm đau bệnh, mà mẹ Viết chỉ sốt lạnh, nhẹ thôi, hai tay yếu, mẹ mới nhờ con cháu giã trầu, còn không, mẹ cứ tự tay mình làm lấy. Đến cả đi vệ sinh, mẹ chỉ nhờ cháu dâu dìu dẫn. Mẹ ưa ngồi võng, chân thấp chân cao, đưa đôi bàn tay gân guốc vuốt nhẹ mái tóc chỉ còn lưa thưa vài sợi, đôi tai của mẹ Viết chảy dài như tai Phật, dấu hiệu dễ nhận thấy ở những người trường thọ, đôi mắt mờ đục ưa nhìn về hướng kênh Cả Gừa, nơi mẹ đã tiễn 7 người con trai vào bưng...

Theo người cháu dâu chăm sóc mẹ Viết, mẹ rất ít khi đau ốm vặt; từ hơn 2 năm nay mẹ chưa hề bị ốm đau gì. Hỏi bí quyết nào giúp mẹ kéo dài tuổi thọ? Anh Bình nói: "Có lẽ nội quen nết tảo tần, đạm bạc, ưa hài hước và rất giỏi chịu đựng". Còn mẹ, chỉ cười, nụ cười lành đến lạ. Cháu chắt của mẹ giờ rải khắp Đồng Tháp Mười, tiếp bước ông cha khai khẩn đất hoang, góp công biến Đồng Tháp Mười trở thành vựa lúa của cả nước. Vài năm gần đây, mẹ không còn đi xa được, chỉ quanh quẩn trong nhà. Bây giờ cuộc sống của mẹ chủ yếu ở trên võng, ngày cũng như đêm, cả khi ăn uống.

Vợ anh Bình đang chăm sóc bà nội.

Có chuyện, cách đây 3 năm, khi đã 115 tuổi, lần đầu tiên mẹ đi khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Hưng. Đận ấy, sau một đêm ngủ dậy, mẹ không đứng lên được, mẹ đến bệnh viện, bác sĩ khám có đến vài tiếng ròng, rồi kết luận xương của mẹ bị... mục hết, rã rồi, bệnh viện bó tay! Về nhà, mấy tháng sau chợt mẹ thấy khỏe trong người, rồi bước xuống võng đi lại bình thường, mỗi ngày, mẹ vẫn vịn thành giường đi được mươi bước. Mỗi bữa mẹ ăn hơn chén cơm, có khi là hủ tíu dù răng đã rụng hết cách đây đến hơn... 20 năm.

Cách đây không lâu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An - ông Trương Văn Tiếp - đã đến thăm và chúc thọ mẹ Viết. Ông Tiếp cho rằng mẹ rất xứng đáng để có tên trong Sách Kỷ lục Việt Nam và thế giới và đề nghị các cơ quan chức năng trong tỉnh xem xét làm thủ tục đề nghị công nhận, việc tôn vinh mẹ như là người sống thọ nhất hành tinh còn có ý nghĩa nhân văn sâu xa hơn khi mẹ đã vất vả cả đời trải qua hai cuộc chiến tranh ở một trong những nơi hoang vu nhất và mẹ đã cống hiến cho đất nước đến 7 người con. Tuy nhiên, có một việc, chúng tôi cũng đề nghị với các cơ quan chức năng tỉnh Long An, nên làm lại cho mẹ Viết cái chứng minh thư mới, thay cho cái cũ đã trôi theo nước lũ...

Thật kỳ diệu, sự trường thọ của mẹ Viết chắc chắn không nhờ vào điều kiện sống đủ đầy hay sự chăm sóc tốt về y tế, mà ngược lại, cuộc đời của mẹ là một chuỗi những tháng ngày cơ cực, thiếu thốn cùng những nỗi mất mát, nỗi đau tột cùng! Mẹ có một sức sống phi thường mà có lẽ ngay cả các nhà khoa học cũng không thể nào thấu hiểu. Có người nói, chắc mẹ sống "dùm" cho 7 người con liệt sĩ của mẹ. Cũng có người vui bảo: "Có khi Diêm Vương quên không ghi tên mẹ Viết vào sổ bộ".

118 tuổi, mẹ Viết có phải người cao tuổi nhất Việt Nam hay không? Câu trả lời xin dành cho Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam. Khi tôi chào mẹ, nắm đôi bàn tay ấm áp, nhăn nheo, mẹ móm mém cười, nụ cười vô ưu, nụ cười mà có lẽ hơn 100 năm đã xua bao nỗi mất mát, đớn đau, nhọc nhằn, xua luôn cả sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian. Mẹ chắc còn trường thọ! Mẹ Viết ngồi lại trên chiếc võng, thanh thản, hài lòng dõi theo cuộc sống bình dị trôi như những đám lục bình trên con kênh Cả Gừa trước nhà...

Thuận Thiên
.
.