Có một cụ bà “xì - tin”

Thứ Tư, 14/06/2017, 15:21
Gần 100 tuổi vẫn say mê vẽ tranh, viết tiểu thuyết và lướt web. Đó là cụ bà Lê Thi - “kỳ nhân” đang gây “bão” trên mạng thời gian qua. Tuổi cao, lưng còng, song cụ bà “sành Internet nhất Việt Nam” này luôn giữ vững niềm tin yêu cuộc sống và truyền cảm hứng cho những người xung quanh, đặc biệt là lớp trẻ bởi tinh thần lạc quan, không ngừng tự học...

1. Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. Con đường vào khu đô thị Xa La, Hà Đông mù mịt bụi. Hỏi thăm nhà cụ Lê Thi, mọi người ban đầu khá ngơ ngác, nhưng khi chúng tôi đưa ra thông tin về cụ bà đang nổi tiếng trên mạng Internet thời gian qua, tất cả đều “à” lên: Ở đây chúng tôi hay gọi cụ là “bà còng xì tin”, “bà còng Xa La”, rồi vui vẻ chỉ đường.

Nhà cụ Lê Thi ở cuối con ngõ trong làng Xa La. Bước vào cổng, cái nóng như dịu đi bởi giàn trầu xanh mướt mát ngay đầu hồi, quấn quýt bên thân cau cao vút. Phía xa, góc vườn cũng có một giàn trầu còn to hơn, xanh rì.

Chiếc máy tính là người bạn thân thiết của “cụ bà sành Internet”.

Cụ Lê Thi ngồi trên giường, tựa lưng vào một chiếc gối, vừa tiếp chuyện chúng tôi, vừa tự tay giã trầu trong cái cối đồng xinh xinh. Bên cạnh cụ là cơi trầu cũng bằng đồng, và chiếc máy tính đang sáng đèn, hiển thị hình ảnh trang Facebook cá nhân của “bà còng xì tin”.

Quả thật dễ đến hàng chục năm nay, tôi mới bắt gặp lại những đồ vật dùng để ăn trầu của các cụ bà ngày xưa, tưởng như chỉ còn ở những miền quê xa lắc. Và cụ Lê Thi với mái tóc bạc trắng, cái lưng còng rạp nhưng da dẻ thì hồng hào, gương mặt tinh anh, nụ cười tươi tắn bỏm bẻm nhai trầu, thật hồn hậu!

“Cụ ơi, vì sao người ta lại gọi cụ là bà còng xì tin vậy?” - tôi hỏi cụ.

“Ai gặp cũng hỏi tôi câu này đấy. Tôi gần trăm tuổi rồi nhưng tâm hồn tôi lúc nào cũng chỉ 20 thôi. Xì tin là vì thế chăng?”. Cụ Lê Thi trả lời rồi bật cười khiến mọi người xung quanh cũng cười ồ lên theo cụ.

Cụ Lê Thi phân tích cái sự “trẻ mãi không già” của mình bằng cách ví von hết sức hình ảnh. Cụ bảo: “Cái then cửa không gỉ vì luôn đưa đẩy. Dòng nước không thối vì luôn chảy. Con người luôn làm việc, vận động, suy nghĩ, tư duy thì sẽ không bị già. Tôi có tính tò mò, cái gì chưa biết thì rất muốn biết và làm cho bằng được. Đã học là phải làm, mà làm thì phải làm sao cho tốt hơn cái người khác đã làm. Trí tuệ luôn làm việc nên không già là vì thế”.

Người già sống thọ gần một trăm tuổi như cụ Lê Thi không phải là hiếm. Song một cụ bà gần trăm tuổi, không được đi học, cũng chưa qua bất cứ trường lớp đào tạo hội họa nào, lại xuất bản tiểu thuyết và có riêng một triển lãm tranh, là điều rất đặc biệt. Đó là năm 1997, Bộ Văn hóa Thông tin phối hợp UBND tỉnh Hà Tây đã tổ chức “Triển lãm tranh bà Lê Thi” tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và năm 2010, cuốn tiểu thuyết “Ngược dòng” của tác giả Lê Thi được Nhà xuất bản Lao Động in ấn, phát hành.

Cụ Lê Thi tâm sự, cuốn tiểu thuyết “Ngược dòng” được viết khi cụ đã bước sang tuổi 87. Cụ bảo đã ấp ủ viết từ lâu, song đến năm 2007, khi con cháu mua tặng cụ máy tính xách tay, cụ đã tự học gõ bản thảo trên máy. Niềm yêu thích công nghệ đã giúp cụ toại nguyện ước mơ. Chỉ 2 ngày học là cụ sử dụng thành thạo. Những dòng tiểu thuyết cứ thế như dòng nước ào ạt chảy về trên bàn phím.

Cụ Lê Thi bên cối giã trầu.

Cụ Lê Thi sinh năm 1920 tại Đông Sơn, Đông Thọ, Thanh Hóa, trong một gia đình có bố làm quan tri huyện thời cuối triều Nguyễn. “Mẹ của tôi là kế mẫu, chứ không phải dì ghẻ nhé. Do bà cả mất, bố tôi lấy mẹ tôi nên gọi là mẹ kế. Các cô nếu có viết báo thì phải viết đúng nhé” - cụ giải thích cặn kẽ và dặn chúng tôi như vậy. Là con thứ 8 trong gia đình có 11 anh chị em nên từ nhỏ cụ được gọi là “Tám”. Và cuộc đời “chị Tám” cũng là nhân vật xuyên suốt cuốn tiểu thuyết “Ngược dòng”.

Là con quan huyện nhưng từ nhỏ, cụ Lê Thi đã có tình yêu đặc biệt với ruộng đồng, thương yêu những người nông dân không có ruộng phải đi làm thuê quanh năm  không đủ gạo ăn. Với tư tưởng tiến bộ, khi trưởng thành, cụ Lê Thi đã tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, hoạt động cách mạng sôi nổi và được kết nạp Đảng. Sau này, dù có thời gian bị quy kết nhầm thành phần khiến cuộc sống bản thân và gia đình bị ảnh hưởng, song cụ vẫn một lòng tin tưởng vào cách mạng và biết ơn những người nông dân tốt bụng đã giúp đỡ cụ lúc khốn khó nhất.

Cái sự ham học được cụ Lê Thi thể hiện trong chính những trang viết mộc mạc, giản dị. Sinh ra trong thời phong kiến khi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn đè nặng, mặc dù là con quan huyện nhưng Lê Thi (nhân vật chị Tám) cũng không được đi học. Thèm được học, thèm biết chữ, Lê Thi đã mày mò học chữ từ người em họ (con của ông chú), học chữ từ những đứa trẻ con của một chức phẩm cấp dưới của cha mình mà không hề ngại ngần, phân biệt.

Không chỉ biết đọc, biết viết do tự học, Lê Thi còn rất thích vẽ. Từ một bé gái với những nét vẽ bằng que nguệch ngoạc trên nền đất sau này đã làm nên một cụ bà họa sĩ đặc biệt với hơn 2.000 bức tranh thấm đẫm hồn quê. “Có bức tranh tôi chỉ vẽ trong vòng vài tiếng. Nhưng có bức tôi vẽ hàng trăm lần mà không ưng. Đó là bức vẽ đầu tiên của tôi có tựa đề “Sương sớm”, vẽ cảnh người nông dân gánh rạ về trên đường làng, xa xa là bụi tre xào xạc. Thời đó chưa có toan, có màu nhiều nên tôi vẽ trên một tờ bìa. Sau này tôi đã vẽ lại hàng trăm lần, nhưng không được đẹp như bức tranh đầu ấy” - cụ Lê Thi tâm sự.

Cụ Lê Thi ký tặng tiểu thuyết cho người hâm mộ.

2. Sự ham học không có tuổi của cụ Lê Thi chính là tấm gương lớn trong gia đình để con cháu noi theo. Ở làng Xa La, gia đình cụ Lê Thi được đánh giá là một gia đình mẫu mực, hiếu học, con cháu thành đạt. Cụ Lê Thi có một người con trai duy nhất, bác Phạm Phương Thái, đại tá Quân đội nhân dân, nguyên PGĐ Học viện Phòng không không quân.

Năm 1950, khi bác Thái được hơn 6 tháng thì chồng cụ Lê Thi (giáo viên trường Tố Như - Thanh Hóa) bị trúng bom giặc. Góa bụa khi còn rất trẻ, cụ Lê Thi quyết định hi sinh hạnh phúc riêng, dành hết tình yêu thương cho người con, nuôi dạy con ăn học nên người. Được Nhà nước cử đi học chuyên ngành ra-đa tên lửa tại Liên Xô từ những năm 1967, khi trở về, bác Thái công tác tại trung đoàn tên lửa rồi dạy học tại Học viện Phòng không không quân.

Sau khi kết hôn với bác gái Trương Thị Chức (cũng là đại tá Quân đội nhân dân, nguyên Chủ nhiệm Khoa sản Bệnh viện Quân y 103), vợ chồng bác Thái đón cụ Lê Thi ra Hà Nội ở cùng tại làng Xa La (Hà Đông). 3 người con của vợ chồng bác Thái, hiện cũng là sĩ quan quân đội, trong đó người con trai út đang làm nghiên cứu sinh tại Nga. Từ ngày cháu đi học, cụ Lê Thi đã học vào mạng, sử dụng Skype để liên lạc, nói chuyện với cháu.

Mấy năm nay, trước sự phủ sóng của mạng xã hội Facebook, cụ đã lập trang Facebook cá nhân, theo cụ để cập nhật thông tin và được chia sẻ tâm tư, giao lưu với thế giới xung quanh bởi tuổi tác giờ đây đã không  cho phép cụ đi lại dễ dàng như trước.

Không chỉ “sành điệu” sử dụng thành thạo Internet, lướt Facebook như gió, những hiểu biết và suy nghĩ về mạng xã hội của cụ bà gần trăm tuổi khiến chúng tôi giật mình. Cụ bảo, Facebook đang là một phương tiện truyền bá thông tin tiên tiến nhất. Nếu dùng nó vào việc thông tin những điều tốt đẹp thì thật là hữu ích, nhưng đáng tiếc là hiện nay ở Việt Nam, Facebook lại được nhiều người, trong đó đa phần là “bọn trẻ” (lời của cụ) dùng để nói hư, nói nhảm, đưa những thói hư tật xấu.

Thế nhưng theo cụ Thi thì không thể vì thế mà lại cấm sử dụng Facebook: “Ở nhà tôi, cũng có ý kiến cấm các cháu vào Facebook. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Xã hội ngày một tiến lên, không vì mặt trái của Facebook mà cấm được, mà phải hướng dẫn các cháu để tránh cái xấu. Bây giờ trẻ con 1-2 tuổi đã biết bấm điện thoại, nghĩa là tự công nghệ có một sức hút, hay và lạ khiến con người tò mò, muốn tìm hiểu. Như tôi gần trăm tuổi còn lao vào Facebook thì nói gì đến bọn trẻ. Cuộc sống hiện tại đẩy người ta theo một dòng xoáy nhưng trách nhiệm của người lớn là phải phân tích được cái hay, cái dở của mạng xã hội để hướng dẫn trẻ sử dụng vào việc có ích chứ không thể cấm được”.

Cụ Lê Thi là người truyền cảm hứng tự học cho các bạn trẻ.

Nhìn mẹ chồng cười nói rổn rảng với khách, bác Trương Thị Chức không giấu được niềm vui: “Cách đây nửa tháng, cụ ốm nặng, viêm phế quản. Cả nhà lo vì đang sửa nhà, ngổn ngang công việc. Tôi và con gái (2 người đều là bác sĩ Bệnh viện Quân y 103) mang thuốc về truyền cho cụ. 2 ngày thì dứt sốt, cụ lại ôm lấy cái máy tính. Hôm nào không thấy cụ vào mạng, cả nhà lo lắm, vì như thế là cụ mệt. Người già cũng ngủ ít. Có hôm cụ thức cả đêm đọc truyện hoặc lên mạng chat, nói chuyện với cháu ở nước ngoài”.

“Tôi may mắn là có các con, các cháu, đặc biệt là con dâu đã chăm sóc tôi mọi mặt. Mình coi con dâu như con gái nên cũng được con dâu đối xử như mẹ đẻ vậy” - cụ Lê Thi đã nhận xét về người con dâu như vậy. Khi chúng tôi hỏi về “bí quyết” chăm sóc mẹ chồng, giữ cho cụ bà gần trăm tuổi vẫn khỏe mạnh và minh mẫn như vậy, bác Chức chia sẻ: “Cụ ăn uống đơn giản lắm, không cao lương mỹ vị đâu. Mỗi bữa, cụ chỉ ăn rất ít, khoảng 10 ngàn bánh cuốn, bát con cháo trắng hoặc cháo lươn, đồng bánh chưng nhỏ hoặc mì tôm. Hầu như cụ không ăn thịt cá. Cụ bảo ngày trẻ ăn dưa cà, tương quen rồi. Cụ chỉ “nghiện” trầu cau, ăn cả ngày”.

Đó là lý do trong vườn nhà, giàn trầu luôn xanh tốt quanh năm để phục vụ nhu cầu “nghiện trầu” của cụ bà gần trăm tuổi. Đặc biệt, gia đình phân công lịch hằng ngày xoa bóp cho cụ, mỗi ngày từ 1-2 lần, mỗi lần 1-2 tiếng. Tất cả các thành viên trong gia đình, từ vợ chồng bác Chức đến các cháu dâu rể đều có trách nhiệm hằng ngày xoa bóp, chuyện trò với cụ. Sự yêu chiều, chăm sóc chu đáo của các thành viên trong gia đình đã giúp cụ Lê Thi có đời sống tinh thần thoải mái để cụ có thể tập trung sáng tác, viết truyện, vẽ tranh và giao lưu với những người hâm mộ.

3. Gần 100 tuổi, nhưng sự sáng tạo, tinh thần trau dồi, rèn luyện lao động trí óc không ngừng của cụ Lê Thi khiến những người xung quanh phải nể phục. Đang móm mém nhai trầu nhưng khi đề cập đến chuyện học hành và những đam mê viết lách, cụ Lê Thi dường như trở thành một con người khác, sôi nổi và trẻ trung. Cụ bảo đang ấp ủ cuốn tiểu thuyết thứ 2 có tựa đề “Vòng xoáy cuộc đời”. Hiện cụ đã hoàn thành 27 trang đề cương cuốn tiểu thuyết.

Cụ Lê Thi tâm sự: Tôi viết cái gì cũng lấy tư liệu từ chính cuộc đời thực của mình. Người ta cứ bảo đi tìm đề tài. Mình không có năng lực, không còn thời gian nữa thì lấy từ hiện thực cuộc sống của mình. Cuộc đời, số phận của con cháu, của những người xung quanh mình cũng có biết bao chuyện để viết. Cuộc sống mỗi con người đều có cái hay, cái dở. Quan trọng là đừng để vòng xoáy cuộc đời nhấn chìm.

“Nhiều người ước mơ có nhà đẹp, nhiều tiền, giàu có. Còn tôi chỉ có một ước mơ duy nhất là được vẽ, được viết, được chia sẻ với mọi người” - ánh mắt cụ bà gần trăm tuổi lấp lánh niềm vui.

Hương Vũ
.
.