Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần

Chủ Nhật, 07/02/2016, 11:00
Bài Thiên Thai của Văn Cao là một giấc mơ tuyệt đẹp. Mùa xuân đồng nghĩa với hoa, với Cái Đẹp, và dòng đời sẽ trôi tới thiên thu. Không gì buồn hơn, khi Tết đến, lại thiếu vắng người trụ cột của cả gia đình… Nhưng rồi tôi đã ngộ ra rằng nếu luôn tiếp xúc với thế hệ trẻ, ta cũng có thể nhờ vậy mà phần nào có được "một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần"…


Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp mấy năm, tôi đã thành cô giáo có "tay nghề", tôi được làm giáo viên chủ nhiệm. Thời ấy, tình thầy trò thật gắn bó. Đến nỗi, giờ đây, sau gần 60 năm, khi các em ở các lớp tôi làm chủ nhiệm nay đã trên dưới 70 tuổi đến thăm tôi vào ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi vẫn còn nhớ được tên và tính cách từng đứa.

Làm cô giáo được cái sướng là có thêm 3 cái Tết nữa: Tết ngày 20 tháng 11, Tết ngày Phụ nữ  Quốc tế, Tết ngày Phụ nữ Việt Nam. Thời bao cấp, ai cũng nghèo. Tháng 11 là mùa cam, mậu dịch bán thật nhiều cam với giá rẻ để học sinh mua đi tết thầy cô. Ngày Hiến chương các Nhà giáo được gọi vui là "Ngày Hiến cam các Nhà giáo". Nay, học sinh già và sinh viên trẻ đụng nhau ở nhà tôi, tươi như hoa.

Khi cuộc kháng chiến lần thứ hai bùng nổ, tôi phải sơ tán đến Văn Đức, bấy giờ còn phải qua sông. Để tới bến đò ngang, những ngày mưa xuân dầm dề dai dẳng, lúc xuống đò phải gánh cái xe đạp nam Trung Quốc chất đầy đồ đạc lên vai: ưu thế của xe nam là ở chỗ đó. Tới nhà dân, chủ nhà là ông bà Quặng, hay đánh nhau, ông thì cầm gậy, bà thì cục gạch trên tay, sẵn sàng liệng. Nhưng thấy "cô ráo" đến, nể "cô ráo" họ hưu chiến. Buổi tối tôi nghe nhạc từ cái đài Orion nhỏ - của hiếm bấy giờ. Nghe giọng hát của một diva nổi tiếng với giọng trầm rất hay, có một cụ lại bình luận: "Đàn bà mà giọng thổ thì hỏng”.

Mùa xuân.

Tôi đặc biệt nhớ một cuộc họp với dân để chúc Tết. Vị lãnh đạo xã oai như cóc, có tật nói dài, lổn nhổn những từ ngữ chính trị. Thằng con của một cô giáo lại có tật nói ngọng, hét oang oang: "Ọp ái éo ì ọp ãi, ết án ày ến án ác" (Họp cái đ… gì họp mãi, hết ván này đến ván khác!). Kho từ vựng của nó cũng lổn nhổn những từ chuyên môn nó hóng được khi ngồi chầu rìa ở các ván bàn tam cúc. Trường tôi lại sơ tán đến một vùng có nhiều ao chuôm, một vùng ruộng trồng toàn cây đay. Mùa xuân, hoa đay trông giống hoa phù dung nhưng không "sớm nở, tối tàn". Ra đường, đâu đâu cũng thấy hoa đay mờ ảo qua làn mưa bụi…

Giáp Tết, các đồng chí của chồng tôi tải đến cho tôi cả một cây đào rừng. Về nhà, tôi ngắm cây đào trong gian phòng cô đơn rồi ra đi, một tháng sau trở về, nó vẫn còn tươi. Từ những năm 70, Tết chỉ là vài trang nhật ký thư từ của anh và các con:

- 1/2/70 - Đi trên Trường Sơn mà nghe thấy tiếng trẻ con học trong trường thật vui. Nghe thấy thấm vào lòng hay hơn chim hót, thích hơn tiếng hát trên đài.

Đã trên 2 năm không thấy trẻ con vui đùa, không thấy tiếng trẻ tập đọc, hôm nay nghe thấy ấm áp lại nghe mãi, đến khi khuất núi mà vẫn cố lắng nghe.

Hơn 2 năm ở chiến trường đến trẻ con cũng thấy rất ít, mà chỉ thấy đói gầy vàng vọt còn nói gì đến thấy trẻ học, vui đùa.

- 6/2/70 - Tết ở với D13 trên đường dây Trường Sơn sát với sông Bạc.

Thấy tình cảm của anh em đối với mình mà cảm động. Ăn ở không có gì đặc biệt nhưng D dành cái gì có thể cho mình là quý. Không có gì quý hơn tình cảm. Tình cảm của anh em làm cho mình càng thấy trách nhiệm đối với chiến trường, dân tộc. Và thư Tết:

- Ngày 1/1/1971 - Ở nhà đã dọn hầm chưa? Đào bảo các con dọn hầm trú ẩn đề phòng.

- 15/1 - (Thư của Phạm Hồng Minh) -Chú Cúc đã về rồi bố ạ. Chú Cúc cho con hộp hạt mì và thịt ăn ngon lắm bố ạ. Con chắc bố bận lắm nên chỉ xin bố là: bố đi vào rừng miền Nam gặp cây gì thì cũng lấy cho con 1 cái, ép vào quyển sách rồi gửi cho con. (…)

Và một cái Tết sơ tán nữa: một bà cụ nghèo rớt mồng tơi đang mong ngày về của đứa con trai duy nhất ở B, biệt tăm tích, ghé vào cái đài Orion của tôi và bảo: "Cứ như cái đài nói thì hay quá nhẩy!".

…Mùa xuân và Tết với chồng tôi, là mùa sum họp sát cánh với đồng đội. Từ những trận như Khe Sanh - nay có người gọi là Cửa Tử - nhưng cánh cửa lại dẫn đến thắng lợi vào mùa xuân… Rồi khi chuẩn bị cho CZ Điện Biên, anh cùng E36 nhận được lệnh chuyển quân, đánh trận vu hồi qua biên giới Việt Lào, để đánh lạc hướng địch sau đó, trở về để tham gia mở đầu chiến dịch.

Trên đường về, anh bàng hoàng trước vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc: "Rừng hoa ban trắng xóa, trong ánh nắng buổi sớm trên các ngọn đồi của ngày xuân đầy hoa rừng nở rộ, cánh đồng rộng xen lẫn các bản xanh đầy cây cọ"… Tôi nghĩ anh là một người có được tuổi thanh xuân trong tâm hồn không phôi pha theo thời gian, bởi luôn có những đồng đội ngày càng trẻ, dẫu anh có già đi.

Nhà văn Hữu Mai khi ghi lại hồi ký cho Thượng tướng Lê Quang Đạo, có nhấn mạnh ở một đoạn ngưng trên đường trở về sau khi đánh sân bay Nậm Bạc: "…Đạo cùng Hồng Sơn dừng ngựa bên bờ sông. Hồng Sơn nói: - Đêm nay là đêm Giao thừa. Đã một tuần đuổi đánh địch liên tục ngày đêm. Đề nghị anh cho trung đoàn nghỉ một đêm lấy lại sức, sáng mai truy kích tiếp. - Đạo đồng ý… Đêm giao thừa tối đen. Dưới ánh sao, các cán bộ, chiến sĩ quây quần ngồi ăn Tết. Một bữa Tết với toàn đồ hộp, chiến lợi phẩm"… Họ cùng chúc mừng chiến thắng đầu tiên trong cuộc tiến quân thần tốc".

Trước đó là CZ Tây Bắc. Có 5 chiến sĩ đã hy sinh. Rừng xuân của đất Mường đã nở rộ hoa ban, đồng đội của họ chọn được 5 bông hoa ban đẹp nhất đặt trên mồ liệt sĩ. E36 đã góp công lớn cho CZ Điện Biên Phủ nhờ đánh tan cứ điểm 206, sát sân bay Mường Thanh và được Đại tướng khen ngợi "cách đánh lấn của Trung đoàn đã mở ra một chiến thuật mới táo bạo".

Nhưng theo Hồi ký của Chu Phác, anh nói chiến thuật này, tiểu đoàn bộ của anh đã học tập ở trận đánh Chân Mộng - Trạm Thản do Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn chỉ huy, từ năm 1952. Thực ra, Hồng Sơn đã được gợi ý từ mấy chú lính nông dân. Ở rừng, quá đói ăn, một lần anh thấy hai anh chàng đang chổng mông cầm choòng khoét sâu vào chân núi đất đá cứng cho đến lúc khui ra được một ổ chuột chũi để lấp đầy cái bụng rỗng. Hồng Sơn nghĩ: ta cũng phải đào giao thông hào để dũi đến tận hang ổ địch. Chính tuổi trẻ đã tiếp sức cho sáng kiến của anh.

Cho đến thời bình, khi mùa xuân đến, các cựu chiến binh thời chống Pháp vẫn còn một rừng hoa ban trong ký ức. Rồi một nhóm cựu chiến binh Sư đoàn Quân Tiên phong hành hương về chiến trường xưa và bản Hồng Lếch. Và ký ức về hoa ban cũng sống lại…

Nhà văn Chu Phú viết: "Trung tướng Hồng Sơn quay lại hỏi anh Lò Văn Mẫn, con trai cụ chủ nhà: - Ngoài vườn nhà ta, có một cây ban. Hồi Điện Biên, đóng quân ở đây, đang mùa xuân, hoa ban nở trắng đẹp lắm! Nay đâu rồi? - Chặt rồi! Chặt từ hồi chiến tranh chống Mỹ. (…) Và họ đi về phía cầu thang nhà sàn, nhìn về cánh đồng Mường Thanh, lúa đang xanh, nơi đơn vị đã bao năm vây lấn, chia cắt địch ở sân bay, cái dạ dày của Điện Biên Phủ, và bao chiến sĩ đã hy sinh tại đó. Một giọt nước mắt từ từ lăn trên gương mặt cương nghị, sạm nắng gió của mỗi thời chiến trận đã qua đi…".

Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, cuộc hành quân lại quay ngược về phía Nam, xuân và Tết vẫn là những cơ hội để tấn công bất ngờ. Nhật ký P.H. Sơn: "…Tôi được lệnh vào Tây Nguyên làm Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Tây Nguyên (…) và phổ biến cho Bộ Tư lệnh Tây Nguyên giờ nổ súng thống nhất là 12 giờ đêm toàn miền Nam".

Hoa ban rừng.

Sau 3 tháng anh mới nhận được thư Tết: "Anh hôm nay nhận được 2 thơ, một chiếc gửi 16/1 bằng phi cơ qua Ba Danh và một cái nhờ Chu Fác gửi mồng 3 Tết. Anh đã nhận được cả kẹo lạc, chia cho anh em mỗi người một miếng ngon quá. Mùi vị Tết đầm ấm của gia đình cộng với thơ của em và của ba. Chỗ anh ở mấy tháng nay trời xanh trong vắt ánh nắng xen qua lá cây đẹp ấm vô cùng. Chung quanh toàn rừng cây (…). Sáng nào tiếng vượn cũng hót cao vút hơn tiếng chim vang cả cánh rừng. Hươu nai và cả voi nhỏ luẩn quẩn quanh nhà".

Hồi ấy, tôi đã nhận được cả một chùm đuôi công, nó thuộc về mùa xuân, mùa công đực xòe bộ lông đuôi đẹp để quyến rũ bạn tình… Thế nhưng tôi chưa bao giờ được nghe tiếng vượn hót. Lúc đọc thư tôi mới biết nó hót còn "cao hơn tiếng chim vang cả rừng"!

Tháng 3-1969, P.H.Sơn viết: "Thế là không biết Tết thứ mấy rồi anh không được về ăn Tết với em và các con"… Nhưng giờ đây quan tâm lớn nhất của anh là rừng. Bộ đội Cụ Hồ toàn thân từ mũ đến quần áo đều là màu của rừng, lại ngụy trang bằng cành cây rừng để áp sát quân địch. Năm 1971, thư viết trước Tết của Hồng Sơn lại giống gần như nguyên văn thư năm 1969: "Không biết đã bao nhiêu Tết anh không ở nhà nhỉ (…). Lại như hồi ở Tây Nguyên, nhà lá, rừng xanh, vắt…". Quà Tết gửi về nhà là 2 cây gậy "lụi", "một loại cây làm gậy tốt nhất, khi khô nó sẽ đen nhánh đẹp lắm anh làm gửi cho ba mẹ dùng làm kỷ niệm Trường Sơn"…

Quanh H.Sơn, còn có một đội bảo vệ luôn chia nhau phần quà Tết của thủ trưởng - đặc biệt là thuốc lá Điện Biên và Thăng Long. Thủ trưởng không hút, nên đến khi ra quân, tất cả mấy chú đó đều phải chuyển sang hút điếu cày! Có một chú công vụ xưa mới 18 tuổi, từng sát cánh bên anh suốt thời gian ở Tây Nguyên và ở chiến trường Quảng Trị - nơi được gọi là "Cái cối xay thịt". Tới khi đầu bạc, chú đã có lần lên diễn đàn, được khán giả vỗ tay rầm rầm: "Bốn lần tôi cùng thủ trưởng được moi từ hố bom lên, một lần cùng cả đội bảo vệ nằm lên mình thủ trưởng để che phi pháo của máy bay địch, nhưng chỉ có một lần tôi và thủ trưởng suýt được truy điệu cùng ngày với Bác Hồ".

Ngày chồng tôi mất, những người đã bảo vệ anh nay còn sống được biết tin, thuộc các thế hệ khác nhau đều đến và khóc "Bố ơi!". Xưa, Tết đến họ cõng đến nhà tôi gà, gạo nếp thơm … Nay, Tết đến, họ lại tới, quà cáp lần này đặt lên bàn thờ. Rồi hầu hết các đồng đội của anh đều ra đi, hoặc nếu còn ở đâu đó thì cũng sống giữa: “Cõi nhân thế mây bay và gió thổi/ Bầy ngựa chiến đã chân chồn mỏi gối/ Đi về miền cát bụi phía trời xa” (Anh Ngọc). Tôi chỉ nhớ được những người có tên đặc biệt: Phương "Mèo", Sơn Mã, Dũng Mã, Thuận "khàn", Dũng "cụt", Đinh "Tiện Mông"…

Bài viết này là bó hoa xuân gửi tặng những chiến sĩ dẫu đã đi xa, nhưng vẫn bất tử trong ký ức mọi người nên vẫn có được "một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần".

Đặng Anh Đào
.
.