Có một người giám thị như thế!

Thứ Tư, 17/06/2009, 16:45
Viết về Đại tá, Anh hùng LLVTND Hồ Thanh Đình, Cục phó Cục Cảnh sát quản lý và cải tạo phạm nhân (V26), báo chí đã hơn một lần gọi ông là "ông Cục phó cơ sở". Là cán bộ lãnh đạo nhưng không mấy khi ông chịu ngồi bàn giấy. Nếu không bận họp hành thì tuần nào ông cũng dành tới 3, 4 chuyến đi kiểm tra, làm việc với các trại giam khu vực phía Nam.

Tôi biết Đại tá Hồ Thanh Đình đã suýt soát 15 năm. Một khoảng thời gian khá dài, đủ để quan hệ giữa ông và tôi, nếu không thật thân thì cũng chẳng gọi là sơ. Thế nhưng, mất cả tuần lễ sắp xếp để xin một cái hẹn làm việc, tôi vẫn cứ bị ông khất lần khất lữa.

Ba lần đầu, ông tỏ ra áy náy khi phải từ chối vì "thật tình là tôi phải xuống trại giam". Lần thứ tư, ông bảo "một lát thôi đấy nhé", đủ thời gian để nghe tôi trình bày mục đích công việc, xong lại... hẹn "chắc chắn, đầu tuần sau", vì cũng đang bận... xuống trại giam. Ngắn gọn, dứt khoát, xong là đóng mạnh cửa xe và bảo tài xế nổ máy. Tôi chẳng hoài nghi. Ông bảo xuống trại tức là ông bận xuống trại thật, chẳng phải là cách viện lý do để thoái thác.

Còn một nguyên nhân khác nữa: ông không muốn tự nói về mình. Nhưng thật ra, tìm hiểu về ông không khó. Cán bộ trại giam các tỉnh phía Nam có rất nhiều chuyện để kể về ông, có chuyện đã thành giai thoại.

Đại tá Hồ Thanh Đình công tác trong Lực lượng Công an đã 31 năm, trong đó có tới 27 năm gắn bó với Trại giam Z30D ở Hàm Tân, Bình Thuận. Z30D là một trại giam lớn, khi đông nhất số phạm nhân lên đến xấp xỉ 8.000 người. Đa phần phạm nhân vào đây đều thuộc dạng án nặng, ngày về còn quá xa nên họ rất dễ manh động. Nhiều tên lưu manh khét tiếng ngoài đời, vào trại vẫn chưa từ bỏ ý đồ xưng hùng xưng bá.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đến thăm trại Z30D.

Bùi Ngọc Lập xuất thân là một trùm du đãng cộm cán khu vực cư xá Đô Thành, Q.3, TP HCM. Từ trước giải phóng, gã đã nổi tiếng giang hồ vì tài ăn trộm, được giới anh chị Sài Gòn gắn chết cho biệt danh Lập "nhám". Vào trại, gã vẫn ngông nghênh. Ra công trường vác đá kè bờ ao cá, Lập  điềm nhiên rúc vào chỗ mát ngồi chơi. Phó giám thị Hồ Thanh Đình gọi lại hỏi tại sao, Lập "nhám" điềm nhiên trả lời: "Thưa Ban, tại vì tôi là đại bàng, là đàn anh,  có đứa nào (ý nói những phạm nhân khác) dám phân việc cho tôi đâu?".

Phó giám thị Đình quyết định "chơi chiêu": "Được. Nếu thật sự anh có uy với các phạm nhân khác, tôi giao cho anh làm tổ trưởng. Anh có dám hứa sẽ chỉ huy tổ của anh làm việc "ngon" hơn các tổ khác không. Nếu không làm được, đừng tự xưng là đàn anh nữa".

Đề xuất của ông đã khiến Ban giám thị Trại hết sức băn khoăn. Có người lo rằng ông "hữu khuynh". Loại đầu bò đầu bướu như Lập "nhám" thì chỉ có "trị thẳng cánh". Mà răn đe, kỷ luật cũng chưa chắc đã có tác dụng, giờ lại giao thêm "quyền hạn" cho gã, e có mà loạn. Nhưng Phó giám thị Hồ Thanh Đình vẫn kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình.

Thật ra, ông có lý riêng. Lỡ nghênh ngang tự nhận là "đại bàng", là "đàn anh", rút lại lời hay từ chối thì ê mặt, Lập "nhám" miễn cưỡng nhận lời. Sợ "mất tiếng", gã lao vào đốc thúc các phạm nhân khác làm việc. To khỏe nên mỗi lần gặp phải việc nặng, phạm nhân khác đang loay hoay, Lập lại xắn tay áo vào "làm mẫu"... Cứ thế, phần việc giao cho tổ, rồi sau đó là đội của Lập "nhám" cứ chạy ào ào. Thỉnh thoảng lại được biểu dương, được thưởng vì vượt năng suất, Lập cũng tự nhiên tỏ ra chững chạc hơn, ý đồ làm "đại bàng" bỗng rơi đâu mất khi nào không biết.

Hiếu "cu lùn" cũng là một đại bàng khét tiếng. Một chữ chẻ đôi cũng không rành nhưng trên người gã vẫn xăm rất oách  một câu châm ngôn bằng tiếng Pháp: "Không muốn làm con thì phải làm cha". Với máu yêng hùng, Hiếu đã "lỡ tay giết người" lĩnh án 20 năm. Từ Trại tạm giam đến Z30D, Hiếu "cu lùn" nổi tiếng vì thường xuyên gây gổ, đánh nhau với các phạm nhân khác.

Quan sát, tìm hiểu mãi, Phó giám thị Hồ Thanh Đình phát hiện ra rằng, hầu hết những phạm nhân bị Hiếu đánh đều vừa mới có thân nhân đến thăm nuôi. Thì ra nguyên nhân của sự kích động nơi gã đại bàng lại là sự ghen tị rất trẻ con, bởi tứ cố vô thân, Hiếu không hề có ai quan tâm thăm viếng. Biết vậy, ông gọi gã đại bàng lên kích một câu: "Đại bàng gì mà giành giật của người khác từng lọ dầu, cái bánh. Vậy có đáng mặt không?". Giang hồ không sợ đánh, không sợ kỷ luật, chỉ sợ nhục, tất nhiên Hiếu "cu lùn" chối bai bải.

Hồ Thanh Đình ra điều kiện: "Nếu  thiếu thốn thứ gì, anh cứ đề xuất, trại sẽ lo, nhưng không được đánh nhau, tranh giành đồ của người khác nữa, nghe không". Kể từ đó, thỉnh thoảng ông Phó giám thị lại tạt vào Phân trại K.I mang cho Hiếu lúc tuýp kem đánh răng, lúc cục xà phòng. Áp tết, năm nào ngoài tiêu chuẩn phạm nhân Hiếu cũng được Trại cho thêm bộ quần áo, đôi dép mới. Không chỉ mình gã mà các phạm nhân "mồ côi" khác cũng được hưởng tiêu chuẩn này.

Bằng cách đó, cả Hiếu "cu lùn" và nhiều phạm nhân rắn đầu khác đều bớt trò càn quấy. Đợt 30/4/1995, Hiếu "cu lùn"  và Lập "nhám" đều được xét đặc xá. Tình cờ, cả hai gã đều gặp và đi nhờ xe của chúng tôi để về TP HCM. Hiếu "cu lùn" khẳng định: "Chẳng ai muốn phải quay lại trại giam, nhưng dứt khoát tôi sẽ quay lại đó để thăm ba Đình... Đó là những người đã sinh ra tôi lần nữa!".

Lạt mềm buộc chặt, vấn nạn đại bàng ở Z30D biến mất dần trở thành một điển hình cho các trại khác học tập. Nhiều người gọi đó là chiến thuật "tiên lễ hậu binh". Riêng Phó giám thị Hồ Thanh Đình thì quan niệm khá đơn giản: “Nếu được đối xử như một người bình thường, người tù sẽ có ý thức hướng về một đời sống bình thường. Ở ngoài đời, chuyện đó ít được để ý nhưng trong môi trường trại giam, đó lại là điều đặc biệt đáng quan tâm”.

Vốn là người quyết liệt, Đại tá Hồ Thanh Đình cũng đã không ít lần phải tỏ ra mạnh tay. Mùa hè năm 1998, Cục V26 có một đợt thanh lọc, lưu chuyển trại giam đối với các phạm nhân “ưa” vi phạm kỷ luật. Buổi sáng, trước giờ lao động, phạm nhân được tập trung trước sân trại  nghe đọc danh sách. Khi vừa biết mình có tên trong số những phạm nhân phải chuyển từ Z30D đi Trại Gia Trung, Gia Lai, một phạm nhân nổi tiếng hung hăng tên là Sóc Anh đã lập tức vớ ngay một chiếc đục (công cụ chuẩn bị sẵn cho phạm nhân lao động) chạy vọt vào bên trong trại.

Thấy vậy, 2 phạm nhân khác là Thành "nhái" và Hảo cũng lao theo, chụp lấy một phạm nhân tự giác đang trực buồng để khống chế. Mục đích của chúng là gây yêu sách để không bị chuyển trại. Sóc Anh tuyên bố sẽ tự tử nếu cán bộ vào bắt gã.--PageBreak--

Dùng công cụ hỗ trợ để khống chế, bắt giữ những tên tù làm loạn không phải là việc khó. Nhưng nếu làm thế, thương vong cho cả cán bộ lẫn phạm nhân e là điều khó tránh. Gần tối, Thượng tá giám thị Hồ Thanh Đình đi công tác về. Biết chuyện, ông yêu cầu mọi người lui ra hết, để ông vào một mình.

Thuyết phục kiểu gì, Sóc Anh cũng không chịu buông hung khí. Ông bèn gọi cán bộ lấy nước uống và giấy bút ra, sau đó bảo Sóc Anh: "Uống nước đi, kêu gào cả ngày chắc anh cũng khát rồi. Xong thì giấy bút đó, muốn ở lại thì làm đơn trình bày đàng hoàng, chúng tôi sẽ xem xét".

Thấy gã phạm nhân ngần ngừ, để trấn an hắn, Thượng tá Đình đổi ly cho hắn và uống cạn, chứng tỏ chẳng ai bỏ thuốc mê vào nước, nhưng mục đích là để tiếp cận kẻ làm loạn. Hơi yên tâm, Sóc Anh cũng vớ ly nước uống một hơi, sau đó xin mang giấy bút về phòng viết đơn. Thượng tá Đình không đồng ý, yêu cầu viết tại chỗ. Trong khi hắn đang phân vân thì nhanh như cắt, Thượng tá Đình đã bóp chặt bàn tay đang khư khư nắm cán đục của Sóc Anh và quật ngã hắn để cho các cán bộ quản giáo khác vào còng tay hắn lại.

Trao chứng chỉ học nghề cho trại viên.

Kẻ khơi mào nổi loạn đã bị bắt giữ, Thành "nhái" và Hảo bắt đầu nao núng. Hai tên kè phạm nhân trực buồng  lên giường tầng ngồi thu lu, dọa sẽ tạt nước sôi nếu cán bộ vào bắt. Không thể dằng dai với chúng mãi, Thượng tá Đình và Trung tá Thông, Phó giám thị đã vào hẳn trong buồng giam, dùng súng hơi cay và roi điện tấn công ngay. Sau vài phút, Thành "nhái" và Hảo đã bị khống chế, phạm nhân con tin được giải thoát an toàn.

Cương quyết nhưng đầy tình thương, đã có lúc Hồ Thanh Đình phải trả giá cho triết lý sống của mình. Tháng 7/1994, rừng bạch đàn của Trại Z30D bị cháy dữ dội. Do thiếu kinh nghiệm, một số phạm nhân trong khi hoảng loạn đã chạy vào giữa đám cháy. Lửa vây xung quanh khiến họ bị ngộp khói, ngất  xỉu. Không chần chừ, Hồ Thanh Đình đã lao vào lửa cõng một người trên lưng, tay xốc một phạm nhân khác cứu họ ra khỏi vòng nguy hiểm.

Dù bị thương, chân bị bỏng nặng, ông vẫn tiếp tục xông vào giữa đám cháy thêm lần nữa, vì vẫn còn một phạm nhân nữa - tên là Nguyên - kẹt trong đó. Sau đó, không hiểu bằng cách nào, ông đã "chất" được cả 3 phạm nhân đang bị thương, 2 người đã ngất xỉu lên chiếc xe Win, vừa cầm lái, vừa đỡ người bị thương gà gật phía sau chạy trên đường rừng mấp mô về trạm xá của trại cách đó hơn 2km. Đưa được phạm về đến nơi xong thì chính ông cũng ngất đi, tỉnh lại mới hay 2 ống quần của mình đều cháy quăn queo, 2 bắp chân bỏng lột cả da.

Thuật lại cho chúng tôi nghe chuyện này là một phạm nhân khác. Tên gã là Châu Phú, tội đồng phạm giết người nên phải lĩnh án chung thân. Vào trại, Phú chỉ có một mục tiêu duy nhất: tìm cơ hội bỏ trốn. Khi đám cháy bùng lên, lợi dụng lúc mọi người nhốn nháo, Phú đã lăn mình vào một bụi rậm. Sẽ không ai phát hiện, nếu gã trốn.

Khi Phó giám thị Hồ Thanh Đình định vào chuyến thứ hai để cứu nốt phạm nhân đang mắc kẹt, một cán bộ quản giáo can: "Lửa to lắm. Anh bị thương rồi, đừng vào nữa, nguy hiểm. Trong đó chỉ còn có một phạm nhân". Phú nghe rõ tiếng ông Đình gạt đi: "Phạm nhân cũng là con người, phải cứu họ".

Lúc ông Phó giám thị đưa được người bị thương ra thì Phú cũng quyết định rời chỗ nấp, lao vào dập lửa và cứu người bị nạn. Gã không thể làm một thằng hèn lợi dụng hỏa hoạn để bỏ trốn khi có một người cán bộ đang xả thân để cứu một người khác, dù người đó chỉ là một phạm nhân như gã. Vì gã tự nghĩ mình cũng là một con người. Sau đó, do tích cực cứu lửa, Châu Phú đã được thưởng: 8 giờ gặp gỡ người yêu tại "nhà hạnh phúc" của Trại. Đó chính là khúc dạo đầu của một cuộc tình đẹp, lãng mạn và hy hữu.

Từ bỏ ý định trốn tù để lao vào lao động, cải tạo mong trở lại làm người, cứ vài tháng Châu Phú lại được hưởng chế độ thưởng thăm gặp. Cuộc tình của gã với Ngọc Điệp, cô giáo dạy hóa học cấp 2 ở Đà Lạt ngày một mặn nồng thêm. Hơn một năm sau, đám cưới giữa Ngọc Điệp và gã đã được gia đình hai bên tổ chức ở ngoài đời, có cả đám rước dâu từ xứ hoa Đà Lạt ra xứ Huế Thần kinh. Đám cưới chỉ vắng có mỗi... chú rể.

Ở trong Trại Z30D, chú rể Châu Phú đã trào nước mắt đón những câu chúc mừng hạnh phúc. Có cả lẵng hoa của Ban giám thị do Phó giám thị Hồ Thanh Đình mang đến chúc mừng tận buồng giam. Với sự xả thân, người cán bộ quản giáo Hồ Thanh Đình đã làm được một điều lớn lao mà chính bản thân ông cũng không nghĩ tới: bài học giáo hóa hiệu quả nhất chính là bài học vô ngôn.

Từ ngày giải phóng đến nay, diện tích của Trại Z30D, qua nhiều lần điều chỉnh vẫn có diện tích rất rộng, dao động từ 17.000 đến 21.000ha, rộng hơn 1/4 tỉnh Bắc Ninh, gồm toàn đồi trọc và sỏi đá. Thời gian đầu, toàn trại chỉ gồm những dãy lán tranh tre nứa lá lèo tèo. Giờ đây Trại đã chuyển mình thành một vùng đất trù phú. Những tán rừng cao su, xà cừ, keo lá tràm và rất nhiều loại hoa màu khác đã phủ màu xanh mướt lên vùng đất cằn đầy lam sơn chướng khí. Xen giữa màu xanh ấy là những hồ nước trong xanh, những dãy nhà ngói đỏ khang trang, những con đường trải nhựa rộng rãi.

Đại tá Hồ Thanh Đình là người đã góp không ít sức lực, tâm huyết vào sự hồi sinh của vùng đất ấy. Ông bảo, không chỉ là "xanh, sạch, đẹp", trại giam hiện đại còn phải là nơi có môi trường sống trong lành. Môi trường sống thoáng đãng, dễ chịu sẽ góp phần giải tỏa rất lớn tâm lý bức bối, sự tù túng của phạm nhân. Đó chính là một điều kiện cần, rất cần phục vụ cho công tác cải tạo, đưa người lầm lỡ về ngõ thiện.

(Còn nữa)

N.H.L.
.
.