Còn đó những thương binh ngoài chính sách...

Thứ Sáu, 19/06/2020, 08:48
“Cháu à! Giúp chúng tôi nhé! Mấy chục năm rồi chúng tôi chỉ đứng nhìn đồng đội đi mít-tinh vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 thôi, ngậm ngùi lắm!” - tâm sự rút ruột của 3 cựu chiến binh khiến người nghe xót xa. 50 năm sau ngày bị thương nơi chiến trường khốc liệt, họ vẫn mang trong mình một niềm đau riêng.

Nửa thế kỷ chưa được công nhận thương binh

Ông Nguyễn Văn Rộn sinh năm 1949 ở xã Lục Sơn, huyện Lục Nam. Ông Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Văn Khái cùng sinh năm 1952 ở xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. 3 cựu chiến binh cùng nhập ngũ ngày 23-4-1970 tại Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 855, Sư đoàn 31 làm nhiệm vụ tình nguyện quốc tế tại Lào trong kháng chiến chống Mỹ. Họ cùng chiến đấu và bị thương nhiều lần vào những năm 1970-1971.

Tôi biết ba cựu chiến binh ấy qua 2 nhà thơ Đặng Vương Hưng và Nguyễn Thị Mai. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai là bạn đồng môn với ông Nguyễn Văn Khái. Bà hiểu hoàn cảnh gia đình, quá trình chiến đấu, bị thương rồi trở về của người bạn năm xưa nên cứ đau đáu khi biết ông mãi vẫn chưa được công nhận là thương binh.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã viết bài thơ “Thương binh ngoài chính sách” (đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 7-2017) gửi gắm nỗi niềm trăn trở: “Rõ ràng sẹo, đạn đầy thân/ Viên bi chứng tích trong chân vẫn còn/ Đã từng bao trận hứng bom/ Tưởng nằm lại cánh đồng Chum không về.../ Ra đi giữ trọn lời thề/ Mà hồ sơ lính ngày về lại vơi/ Để rồi khắp chốn, muôn nơi/ Xin người xác nhận, xin lời chứng minh/ Vết thương đủ lý, đủ tình/ Mà không chứng nổi cho mình nỗi đau.../ Giờ gần năm chục năm sau/ Chờ mong, ngóng đợi... quá lâu thành thường/ Mỗi lần giời đất ẩm ương/ Viên bi lại nhắc mình thương lấy mình/ Mỗi năm, tháng Bảy nghĩa tình/ Người như cây khuất lặng thinh rừng già/ Lạt Thuồng, đồng đội đã xa/ Cánh đồng Chum biết... nhưng mà ai tin?”.

Ông Nguyễn Văn Rộn và ông Nguyễn Văn Mừng đầy tâm trạng khi kể lại những trận đánh khốc liệt năm xưa.

Ba cựu chiến binh ấy trở về quê hương chỉ mang theo niềm tin chiến thắng và những mảnh đạn, vết tích trên thân thể. Giấy tờ thất lạc nhưng còn người là còn tất cả. Họ lại chăm chỉ trên đồng rộng, làm công tác xã hội mà tạm quên một phần cuộc đời mình đã để lại chiến trường. Nhiều năm sau đó, khi đã sang con dốc của cuộc đời, họ mới chợt nhận ra, họ cần một sự ghi nhận cho những cống hiến vì đất nước, một chứng nhận mang giá trị tinh thần hơn là giá trị vật chất.

Tôi tìm về huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang khi những chùm vải lúc lỉu đã chuyển màu trong vườn và trên các quả đồi. Thời tiết oi bức. Ông Nguyễn Văn Mừng, năm nay gần 70 tuổi, trán lấm tấm mồ hôi, trầm ngâm: “Cũng sắp đến kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7...”. Ông bỏ lửng câu nói rồi cầm điện thoại gọi cho người bạn đồng ngũ - ông Nguyễn Văn Khái.

Chỉ chưa đầy chục phút, một lão nông đi xe máy vào nhà. Xuống xe, ông bước từng bước chậm chạp, đầy nặng nhọc. Chưa kịp ngồi xuống ghế, ông đã vội giới thiệu: “Ba chúng tôi (ông Rộn, ông Mừng, ông Khái) có 5 cùng: Cùng học, cùng nhập ngũ, cùng đơn vị, cùng bị thương khi chiến đấu và cùng chưa được công nhận là thương binh”.

Vẹn nguyên ký ức người lính

Sức khỏe ông Rộn có vẻ kém nhất. Ông đã từng bị tai biến năm 2010, giờ chỉ ngồi một chỗ, cánh tay phải cử động một cách khó nhọc. Chân buông thõng xuống không chạm sàn nhà. Muốn hiểu chuyện của ông, phải thật nhập tâm mới nghe rõ thứ âm sắc méo mó do hậu quả của tai biến: “Tôi nhập ngũ ngày 24-4-1970 khi đã là đảng viên. Tôi vào Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 886 - trung đoàn tình nguyện độc lập cùng chú Khái, chú Mừng đây.

Sau khóa huấn luyện 3 tháng ở Sơn La, chúng tôi hành quân sang chiến trường Lào, chiến đấu tại tỉnh Xiêng Khoảng. Trận đầu tiên chúng tôi đánh kiểu đặc công, 8 người chia làm 3 mũi. Đó là ngày 18-11-1970, 8 anh em đi chiến đấu, còn mỗi tôi trở về. Mảnh bi văng vào tai tôi, chỗ này này (ông chỉ vào phía tai trái, nơi còn vết méo mó, không thành hình). Tôi ngất đi. Tỉnh dậy còn mỗi mình, tai trái không còn nghe được nữa.

Lần thứ hai, tôi cùng 2 mũi nữa mang thủ pháo đánh hàng rào địch. Lần này tôi bị mảnh pháo găm vào đùi, vai, lưng. Lần 3 bị thương năm 1971. Năm 1972 bị thương lần nữa vì sức ép bom. Sau lần này đơn vị cho tôi về tuyến sau điều trị rồi làm nhiệm vụ phụ trách bộ đội thu dung ở Nghệ An. Tôi từng bị sốt rét tưởng chết...”.

Vừa kể, ông vừa nhờ vợ lấy cho tấm bằng Huân chương Chiến công hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng thưởng năm 1971 đã ngả màu. Những câu chuyện của ông được gợi lại từ ký ức, rời rạc. Tôi cố gắng chắp ghép lại, liên hệ với những vết thương ông chỉ trên cơ thể. Phục viên, ông về tham gia hợp tác xã rồi làm phó chủ tịch, chủ tịch UBND xã kiêm trưởng công an xã 8 năm liền.

Ông Nguyễn Văn Mừng sau xuất ngũ trở về quê làm ruộng rồi lấy vợ là thanh niên xung phong. Ông kể: “Tôi bị thương ngày 31-5-1971 khi đánh vào điểm chốt cùng hai đồng đội quê ở Thái Bình. Điểm chốt này ta đã tấn công nhiều đợt nhưng chưa thành công. Trong lúc chiến đấu, chúng tôi vướng phải mìn định hướng. Hai đồng đội hi sinh, còn tôi bị thương nặng, ngất đi. Tôi tỉnh lại thì đã được đưa về tuyến sau, lúc này mới biết đạn xuyên thủng bàn chân, gãy ngón chân, cả hai chân đều bị thương. Giờ viên bi vẫn đang nằm trong chân, nhức buốt. Cái ống quần chạm vào chỗ đó cũng thấy đau. Mọi người khuyên đi mổ cho đỡ đau nhưng tôi vẫn muốn giữ nó lại để làm bằng chứng cho hậu quả của chiến tranh”.

Ông Khái nâng cánh tay phải, chỉ cho tôi biết: “Mảnh đạn nằm trong kẽ xương. Trước đây tôi đi chụp X-quang đã nhìn thấy. Tôi cũng không dám đi mổ vì sợ teo mất tay, với cả cũng muốn giữ nó như ông Mừng, còn có cái để khẳng định chúng tôi chiến đấu và bị thương”.

Thời trẻ, ông Khái to cao, khỏe mạnh nên được giao giữ súng B41. Ông bị thương nhiều lần, vết thương cứ lành rồi lại bị lại. Ông vẫn nhớ: “Ngày 12-10-1970, trận đánh ở Phu Huột, tỉnh Xiêng Khoảng, tôi cùng đồng đội phục kích ở đồi yên ngựa. Khi địch cách 20m, tôi và đồng đội mới được lệnh bắn. Vừa bắn xong, pháo cối ở đồi bên kia câu sang. Bỗng một đồng chí (sử dụng AK bảo vệ cho B41) ở giao thông hào bên cạnh hô: “Đồng chí Khái bị thương”.

Lúc đó tôi mới có cảm giác ở trên đầu. Lấy tay vuốt đầu, thấy máu chảy ròng ròng, sờ tai thì thấy tai đứt đôi, tay kia bị dính đạn pháo cối”. Sau lần bị thương đầu tiên đó, tôi còn mấy lần bị thương rồi được chuyển ra Viện 20 ở Nghệ An và xuất ngũ tháng 9-1974”...

Những câu chuyện của các cựu chiến binh giữa trưa hè oi bức khiến tôi cảm thấy như ngột ngạt hơn. Tôi chỉ ghi lại một phần rất nhỏ trong cuộc chiến đấu gian khổ và hiểm nguy của những người lính ấy. Họ còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi được trở về quê hương. Vết thương trên cơ thể dần liền sẹo. Giấy tờ chứng nhận bị thương rồi cũng thất lạc trên chặng đường dài chiến đấu, vận chuyển thương binh.

Ông Nguyễn Văn Khái và ông Nguyễn Văn Mừng thường gặp nhau để chia sẻ thông tin về quá trình làm hồ sơ xác nhận thương binh.

“Ngày chiến thắng được trở về quê, ai cũng sung sướng và thấy mình may mắn không phải nằm lại chiến trường chứ lúc đó nghĩ gì đến chế độ, chính sách” - ông Khái tâm sự.

“Nếu chúng tôi không còn sống, con cháu gọi tên húy về mà nhận...”

Được đồng đội thông tin Trung đoàn 855 nơi các ông chiến đấu năm xưa đang đóng quân ở Bình Định. Vì sức khỏe không cho phép, ông Khái và ông Rộn không thể lên đường cùng ông Mừng đi tìm đơn vị cũ để làm giấy xác nhận. Tháng 6-2012, con trai ông Rộn là anh Nguyễn Văn Tuấn cùng ông Mừng vào Bình Định.

Và, khi nhìn thấy dòng tên mình cùng ông Khái, ông Rộn trong danh sách các cán bộ chiến sĩ bị thương giai đoạn làm quân tình nguyện tại Lào, ông Mừng rơi nước mắt. Sau đó, Chủ nhiệm Phòng Chính trị Sư đoàn 31 đã ký giấy xác nhận bị thương tại Xiêng Khoảng (có ghi rõ vị trí, số lần bị thương) cho 3 cựu chiến binh này. 

Có giấy xác nhận, họ về nhà làm thủ tục. “Tôi với ông Mừng ra huyện chụp X-quang làm hồ sơ gửi đi” - ông Khái nói. “Nhưng rất lâu sau đó ở trên trả hồ sơ về, nói rằng giấy tờ làm chưa đúng, quy trình cũng chưa đúng” - ông Mừng tiếp lời. Vậy là, sau bao nỗ lực, mong ngóng, vui mừng, rồi đến thất vọng. Giờ, các ông bắt đầu làm lại hồ sơ từ đầu. Cán bộ phụ trách công tác quân sự tại xã giúp các ông làm hồ sơ, công khai niêm yết trên UBND xã nhiều ngày.

Sau khi không ai có ý kiến phản đối, hồ sơ được chuyển lên huyện, lên tỉnh. Lại thêm nhiều năm qua. Sức khỏe của các cựu chiến binh ngày một kém đi. Nếu không sớm được giải quyết, e rằng nguyện vọng, mong mỏi của các cựu chiến binh cũng như gia đình các ông mãi vẫn chỉ nằm trên hồ sơ trong ngăn tủ nào đó.

Để tìm hiểu xem hồ sơ của các cựu chiến binh này tắc ở đâu sau nhiều năm trôi qua, tôi bắt đầu từ cơ sở. Tại UBND xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, ông Phạm Văn Phúc, Chỉ huy trưởng quân sự xã Bình Sơn cho biết: “Hội đồng chính sách xã đã duyệt hồ sơ của ông Khái, ông Rộn và chuyển lên huyện, tỉnh. Sở dĩ có sự chậm chễ vì hồ sơ phải quay lại do thay đổi mẫu. Lần 2 giấy tờ còn chưa khớp với hồ sơ của đơn vị cũ về số lượng vết thương và giấy chứng nhận (người ký xác nhận bị thương không đúng thẩm quyền)” nên phải làm lại.

Danh sách chiến sĩ bị thương lưu tại Trung đoàn 855 có tên của 3 cựu chiến binh.

Tại Ban chỉ huy quân sự huyện Lục Nam, Đại úy Hoàng Văn Khôi, cán bộ phụ trách chính sách cho tôi biết, hồ sơ của 3 cựu chiến binh đã được bàn giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang, sau đó Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã chuyển hồ sơ đến Quân khu 1. Thông tin từ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang cho biết: hồ sơ của ông Khái chuyển đi tháng 11-2019, hồ sơ của ông Rộn và ông Mừng chuyển đi tháng 4-2019.

Và, một tín hiệu vui đầu tiên đã đến sau ngày tôi về tìm hiểu sự việc. Ngày 28-5, ông Rộn và ông Mừng đã được đi giám định thương tật tại Bệnh viện Quân y 91 (Bộ Quốc phòng). Tuy nhiên, trường hợp của ông Khái thì chưa có thông tin. Ông sốt ruột gọi điện nhắc tôi: “Cháu liên hệ với các anh ấy xem giúp tại sao tôi chưa được đi giám định”. Câu hỏi của ông tôi xin gửi tới các cán bộ làm chính sách của Quân khu 1 và Cục Chính sách Bộ Quốc phòng.

Chia tay các thương binh ngoài chính sách ở Lục Nam, tôi cứ day dứt bởi câu nói tếu táo, vẻ lạc quan của các ông nhưng ẩn sâu trong đó là cả một nỗi niềm cay đắng: “Giấy tờ mang vào mang ra, mòn cả giấy. Tôi dặn con cháu, nếu mất rồi mới được công nhận thương binh thì chúng nó cứ mang ra mộ mà gọi tên húy về nhận”. Mong rằng các cơ quan chức năng tích cực giải quyết chính sách cho các cựu chiến binh để họ không còn phải đau đáu nỗi niềm khi đã ở bên kia con dốc cuộc đời.

Hết năm 2020 giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh

Năm 2017, vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đưa mục tiêu giải quyết 5.900 hồ sơ người có công tồn đọng tại cấp tỉnh ở địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hồ sơ người có công chưa được giải quyết.

Mới đây, ngày 4-6-2020, chủ trì cuộc họp chuẩn bị công tác tổ chức kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các đơn vị giải quyết hồ sơ tồn đọng cần giải quyết nhanh, xem xét rà soát tập trung để giải quyết hết những hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh, phấn đấu đến hết năm 2020 giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Việt Hà
.
.