“Cơn sốt” ANTG và “nàng dâu Nga”

Thứ Năm, 02/11/2017, 09:57
Trong cuộc đời mấy chục năm làm báo, tôi đã viết hàng ngàn tin bài, nhưng có một bài viết nhanh theo yêu cầu của... Tổng đại lý phát hành, đi sau nhiều tác giả, lại chạm được tới trái tim người đọc, làm thay đổi số phận nhân vật và ghi dấu ấn sâu đậm suốt cuộc đời. Đó là ghi chép “Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than” - Tác phẩm được Giải Báo chí toàn quốc năm 2000...


Cuối năm 1999, Tổng Biên tập Hữu Ước triệu tập một cuộc họp toàn bộ Ban Biên tập An ninh thế giới để bàn việc đốc thúc bài vở cho số đặc biệt xuân Canh Dần - 2000, in 4 màu, khổ lớn và dày gần gấp ba số trang báo thường.

Những năm ấy, tổng đại lý phát hành phía Nam do ông Nguyễn Hồng Lạc đảm nhiệm. Với mỗi số thường, ông cho in khoảng trên dưới 400.000 bản. Số tết ít hơn nhưng cũng trên dưới 200.000 bản.

Trước khi vào buổi họp, tôi chợt nhớ đến một phóng sự ngắn của Đài VTV phản ánh về một cô gái người Nga lấy chồng Việt Nam, đang sống thị xã Cẩm Phả. Báo hình đã cung cấp những thông tin thú vị, nhưng thời lượng có hạn... Tôi liền báo cáo, đăng ký xin đi Quảng Ninh viết về nhân vật này và đã được chấp thuận. Tổng Biên tập Hữu Ước căn dặn: “Lấy chiếc 1505 tự lái, trưa nay lên đường luôn, đi nhanh về nhanh, kịp có bài cho nhà in. Nhớ mang theo chút quà của Ban Biên tập để đối ngoại”.

Nhà văn Đặng Vương Hưng và chị Anbina Trebontasova tại Cẩm Phả, Quảng Ninh cuối năm 1999

Hồi đó, tôi và anh Nguyễn Như Phong thường sử dụng chiếc xe 7 chỗ Toyota Zace, BKS 80B-1505 và tự lái một mình đi công an các địa phương và đơn vị. Vì làm báo, nên cơ sở biết nhiều, chúng tôi thường hạn chế tối đa việc thông báo trước, không bao giờ làm phiền ai. Chỉ đến đúng nơi mình cần, xong việc là về luôn. Nên nhiều khi về Hà Nội có bài trên báo rồi, bạn bè mới biết và kêu trời vì tiếc là không được gặp, để ngồi uống với nhau...

Khi xuống đến Cẩm Phả, Quảng Ninh thì đã cuối chiều, tôi đến Công an phường Cẩm Trung nhờ dẫn đến Tổ 80, rồi cùng nhau đến nơi cô dâu người Nga đang bán hàng...          

Khi chúng tôi tới, quán bia không có khách, có lẽ vì trời sắp tối, lại đang là mùa đông khá lạnh, nên không có ai ngồi uống bia vỉa hè cả. Khi nghe giới thiệu có nhà báo từ Hà Nội về thăm, chị Anbina (tên thân mật là Anna) bối rối thu xếp quán, rồi mời tôi về nhà, giới thiệu với anh Trần Trọng Hải, chồng mình...

Đó là ngôi nhà nhỏ, đồ đạc chẳng có gì đáng giá, chứng tỏ chủ nhân rất nghèo. Vợ chồng Anna tha thiết mời tôi nán lại dùng bữa tối với gia đình. Anna trực tiếp đi chợ rồi bận rộn nấu mấy món dân tộc đơn giản. Vừa ăn tối, vừa trò chuyện tìm hiểu, tôi vừa bật điện thoại ghi âm, thu lượm tư liệu... Tôi cũng đạo diễn cảnh Anna và con gái chị thắp hương trên bàn thờ, cảnh gia đình quây quần để chụp một số ảnh minh họa.

Khoảng 21 giờ, tôi tạm biệt gia đình Anna - Trọng Hải, lái xe trở về Hà Nội. Nhưng mới đi được khoảng hơn một tiếng, thì trời có mưa nhỏ và rất mù. Tôi quyết định dừng xe vào một khách sạn nhỏ ven đường tìm chỗ ngủ cho an toàn. Chẳng may, đó là một nhà khách rất tồi tàn và cũ kỹ, thậm chí chăn chiếu rất hôi và có rận, rệp, hay kiến gì đó, chúng bò và cắn khiến người ngứa ngáy, dị ứng... Không ngủ được, tôi đành ngồi dậy, bật điện chờ trời sáng. Tôi tranh thủ nghe những đoạn mới ghi âm, sắp xếp lại tư liệu, dự kiến sẵn bài viết trong đầu...

Hôm sau, tôi trả phòng rất sớm, về tới Hà Nội mới giữa buổi sáng, cả tòa soạn ai cũng ngạc nhiên. Tôi ngồi vào máy tính và gõ trực tiếp rất nhanh bài ghi chép “Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than”. Câu chữ tuôn ra ào ạt, khoảng hơn 2 tiếng đã xong. Tổng Biên tập Hữu Ước đọc lướt qua, hài lòng bảo: “Có hồn và xúc động lắm, nhưng... dài quá”. Anh ký vào bên cạnh và ghi thêm mấy chữ: “Đồng ý cho dàn trang, nhưng cắt bớt, còn 1 trang, cả ảnh”.

Khó nhất là tự cắt bài tâm đắc của chính mình, vì đoạn nào, chi tiết nào cũng tiếc. Tôi ngồi nửa buổi chiều, chỉ tỉa bớt được khoảng 800 chữ. Khi chuyển cho bộ phận dàn trang, ai đọc cũng thích, nên đã đề nghị Tổng Biên tập “ưu tiên” để bài này ngoại lệ, dài gấp rưỡi bình thường. Khi họa sĩ trình bày bìa, bài viết của tôi cũng được giật tít đưa ra, mời xem tiếp trang 30 và ½ trang 31 với 4 ảnh minh họa, tất cả đều in 4 màu.

“Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than” đã bất ngờ tạo nên “cơn sốt” với bạn đọc cả nước. Ngay buổi sáng hôm phát hành báo, tổng đại lý Nguyễn Hồng Lạc từ TP HCM điện ra Hà Nội khen quá trời và xin in thêm 50.000 báo. Tôi phụ trách công tác trị sự, nên khi nhận điện thoại, vẫn nghĩ ông Lạc động viên mình và nói đùa, nên hỏi lại: “Bác nói là xin nối bản thêm năm-ngàn hay năm-mươi-ngàn?”. Ông Lạc khẳng định ngay: “Nàng dâu Nga” đã rất hót. Các đại lý đăng ký ba-mươi-ngàn nữa, họ la quá trời. Tôi đang ở nhà in đây, quyết định in thêm cả năm-mươi-ngàn, chắc chắn là hết mà!”.

Đặc biệt hơn, chỉ trong khoảng một tuần, hàng ngàn bạn đọc đã viết thư, điện thoại về tòa soạn ANTG, bày tỏ tình cảm của mình với “Nàng dâu Nga”. Vì không tin câu chuyện có thật, nên dịch giả Thái Bá Tân đã trực tiếp xuống Cẩm Phả... Trở về Hà Nội, ông viết một lá thư dài mang đến ANTG, đề nghị tổ chức một cuộc quyên góp ủng hộ “Nàng dâu Nga”: “Xin quý báo đứng ra làm trung gian chuyển giùm mọi sự giúp đỡ lớn nhỏ của bạn đọc tới gia đình anh Hải và chị Anna. Cá nhân tôi xin ủng hộ bước đầu là 1.000.000 đồng”.

Mấy hôm sau, Ban Biên tập tiếp một cụ già, tóc bạc trắng: “Tôi Đàm Minh, vừa từ Hải Phòng đi tàu lên đây, vì bài báo “Nàng dâu Nga”... Thú thực là khi đọc xong tôi đã bật khóc... Ngày xưa, đi đánh trận “vào sống ra chết” cũng nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ khóc cả... Rất nhiều bạn bè, đồng đội tôi cũng không cầm được nước mắt khi đọc bài viết này! Đề nghị các anh tiếp nhận ủng hộ cô dâu Nga và tôi xin góp 500.000 đồng”.

Gia đình anh Trần Trọng Hải, chị Anbina Trebontasova và con gái, tại Quảng Ninh năm 1999

Anh Phạm Văn Chiến, Trưởng Văn phòng đại diện ANTG tại phía Nam cũng cho biết: Một số cán bộ Công đoàn Liên doanh Dầu khí Việt - Xô đã tổ chức phong trào quyên góp và gửi tiền trực tiếp cho “Nàng dâu Nga”. Số tiền đã lên tới hàng trăm triệu.

Ngay sau tết Nguyên đán Canh Dần, tôi đã báo cáo và xin ý kiến Tổng Biên tập về việc hồi âm bạn đọc quá nhiều. Anh Hữu Ước chỉ đạo làm luôn một bài viết trên ANTG số thường “Trở lại “thiên tình sử” qua những lá thư...” để tri ân bạn đọc, bởi mấy trăm triệu đồng tiền và quà đã được gửi qua ANTG và trực tiếp cho gia đình “Nàng dâu Nga” ở thị xã Cẩm Phả. (Hồi đó, đây là một khoản tiền rất lớn, có thể đổi thay đời sống của một gia đình)...

Chỉ 2 tháng sau, lần đầu tiên, ANTG có một thông báo “lạ lùng” và chưa từng có, với đại ý: Đề nghị bạn đọc... thôi không ủng hộ “Nàng dâu Nga” nữa, vì gia đình chị đã vượt qua khó khăn; nếu bạn đọc nào có lòng thì hãy dành tiền để ủng hộ cho những địa chỉ từ thiện khác...

Dù không mang tính phát hiện (sau này tôi biết người đầu tiên viết bài “Nàng dâu nga” ở Cẩm Phả là anh Ngô Mai Phong - Báo Lao động; tôi chỉ là người thứ tư viết về nhân vật này) nhưng có lẽ nhờ uy tín của ANTG và cái duyên nữa, nên ghi chép “Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than” đã chạm tới trái tim bạn đọc và được trao Giải báo chí toàn quốc năm đó.

Trong cuộc đời làm báo của tôi, đây cũng là một trong những bài viết thành công nhất, dù đi lấy tư liệu rất vội và viết rất nhanh.

Xin được mượn một đoạn trong lá thư đầy tâm huyết của bạn đọc Trương Lệ Hằng (Trường PTTH Quang Trung, An Khê, Gia Lai) để kết thúc bài viết này:

Bài báo đã giúp chúng tôi tìm ra cả một thiên tiểu thuyết giữa đời thường. Cuộc đời của Anbina Trebontasova và mối tình tuyệt vời của chị đúng là một thiên tiểu thuyết vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa đẫm nước mắt đau khổ, nhọc nhằn, vừa chan chứa hạnh phúc yêu thương... Có thể nói, bằng cuộc đời mình, Anna và Trọng Hải đã góp thêm tiếng nói để chúng ta hiểu thế nào là tình yêu chân chính...

Giữa lúc lấy chồng ngoại đang là “mốt” ở nhiều nơi (vì tình yêu thì ít mà những toan tính vật chất thì nhiều); thì mối tình sắt son của Anna - Trọng Hải rất đáng để cho chúng ta nể phục và suy ngẫm! (...) Cầu mong cho mối tình Nga - Việt mãi mãi vững bền...”.

Đặng Vương Hưng
.
.